TCCSĐT - Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, trước những tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, yêu cầu gắn kết chặt chẽ, hài hòa với việc bảo vệ tài nguyên và môi trường được đặt ra một cách bức thiết trong phát triển kinh tế nói chung và phát triển ngành “công nghiệp không khói” nói riêng.

Bảo vệ môi trường để phát triển du lịch bền vững

Phát triển du lịch bền vững là yêu cầu tất yếu và xu thế hiện nay trên thế giới, đồng thời cũng là hướng đi đúng đắn được Đảng, Nhà nước ta xác định trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã khẳng định quan điểm phát triển du lịch bền vững, phát triển theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng và hiệu quả, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, có khả năng cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới.

Du lịch bền vững là một phần quan trọng của chiến lược phát triển bền vững. Điều 4 Luật Du lịch chỉ rõ: “Du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng được các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch của tương lai”. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) khẳng định, du lịch bền vững là các hình thức du lịch đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách du lịch, ngành du lịch và cộng đồng địa phương nhưng không ảnh hưởng tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau, không phá hủy môi trường tự nhiên và kết cấu xã hội của cộng đồng địa phương. Sự phát triển bền vững của ngành du lịch vừa đáp ứng nhu cầu hiện tại của du khách vừa bảo vệ và thúc đẩy cơ hội phát triển cho tương lai. Do đó, sự quản lý của ngành du lịch phải cân bằng và đáp ứng được nhu cầu về kinh tế, xã hội, thẩm mỹ mà vẫn duy trì được các giá trị của sinh thái, văn hóa và môi sinh. Phát triển du lịch bền vững giúp phát triển kinh tế, đồng thời góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sống. Vì thế, một trong những yêu cầu để phát triển du lịch bền vững là phải gắn kết với việc bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong số 17 mục tiêu với 169 chỉ tiêu cụ thể về phát triển bền vững được thông qua tại Đại hội đồng Liên hợp quốc cho giai đoạn 2016 - 2030, có tới 2/3 mục tiêu cụ thể liên quan trực tiếp tới bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống của người dân. Đây là yêu cầu từ cuộc sống, là nhiệm vụ trọng tâm mà các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam cần tập trung giải quyết trong thời gian tới. Vấn đề bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cần được cụ thể hóa trong từng kế hoạch và chương trình phát triển đất nước và địa phương, trong đó có ngành du lịch; đồng thời, cần được tuyên truyền, quán triệt tới từng cấp ủy, chính quyền, cán bộ, doanh nghiệp du lịch và người dân.

Thách thức đặt ra

Có thể khẳng định, du lịch là một trong những điểm sáng của nền kinh tế nước ta sau 30 năm đổi mới, với mức tăng trưởng cao và liên tục, không ngừng mở rộng về quy mô. Du lịch là một trong những ngành kinh tế có đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Năm 2015, ngành du lịch đón 7,943 triệu lượt khách quốc tế với sự gia tăng về số lượng, ngày lưu trú và khả năng chi tiêu; 57 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch cả nước đạt trên 337,8 nghìn tỷ đồng. Nhờ đó, mức đóng góp của ngành du lịch trong cơ cấu nền kinh tế cả nước cũng gia tăng đáng kể, chiếm tỷ trọng 5,72% trong GDP cả nước (năm 2015).

Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực vốn có, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, tính bền vững của điểm đến đang bị đe dọa. Quản lý nhà nước về du lịch không ngừng được tăng cường nhưng chưa đáp ứng mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Thời gian qua, ngành du lịch hoạt động trong bối cảnh chưa có sự phối hợp chặt chẽ và sự hỗ trợ bởi các ngành liên quan; sự kết hợp liên ngành, địa phương chưa đồng bộ. Phối hợp liên vùng đã được chú ý, song còn lúng túng trong nội dung, chưa rõ ràng trong phân công, phân nhiệm và giải pháp để phát triển. Hệ thống chính sách phát triển du lịch, đặc biệt là hệ thống văn bản pháp quy hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Du lịch còn chưa thực sự được chú trọng hoàn thiện cũng gây khó khăn không ít trong quá trình triển khai. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý du lịch hiện nay còn một số hạn chế về nghiệp vụ và năng lực nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch bền vững.

Đến nay, Việt Nam chưa có được những sản phẩm du lịch chủ lực đặc thù, mang đậm bản sắc dân tộc; chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, khả năng cạnh tranh hạn chế; nhiều khu du lịch, điểm du lịch phát triển tự phát, chưa được đầu tư đúng tầm; thiếu các khu vui chơi giải trí có quy mô lớn và sức hấp dẫn đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của du khách; nhiều chương trình du lịch còn đơn điệu, trùng lặp; dịch vụ du lịch chưa đa dạng, chất lượng chưa cao, ít hấp dẫn. Mặc dù có tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú, hệ thống sản phẩm du lịch dần hình thành nhưng Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm trong việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù nổi bật cho từng phân đoạn thị trường khách du lịch. Kết cấu hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư nhưng thiếu đồng bộ và còn chắp vá, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, đặc biệt là các khu du lịch vùng sâu, vùng xa.

Lao động du lịch tuy có sự tăng trưởng về số lượng và chất lượng, song vẫn còn nhiều hạn chế; sự phối hợp theo nhóm, trình độ quản trị và kỹ năng hội nhập chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh. Việc quản lý điểm đến chưa thống nhất giữa chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng chuyên ngành về du lịch, môi trường, văn hóa, xã hội, an ninh, trật tự... dẫn tới sự thiếu trách nhiệm hay bỏ trống trách nhiệm giữa các bên trong giải quyết, ứng phó và kiểm soát môi trường, an toàn, vệ sinh, trật tự, văn minh trong kinh doanh và ứng xử du lịch, làm phương hại tới hình ảnh điểm đến du lịch ở không ít địa phương.

Bên cạnh đó, xu hướng thay đổi tính chất nhu cầu du lịch của khách quốc tế và nội địa hiện nay cũng tạo nên thách thức không nhỏ tới sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam. Khách du lịch ngày càng có nhiều kinh nghiệm và hướng tới những giá trị thiết thực hơn cũng như có ý thức hơn về tác động của hành vi khi đi du lịch đối với môi trường và xã hội. Du lịch có trách nhiệm với xã hội và môi trường đang trở thành xu hướng nổi trội, ngày càng được quan tâm trong ý thức và nhu cầu của người tiêu dùng. Khách du lịch có xu hướng hướng tới hoạt động với những giá trị trải nghiệm mới được hình thành trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống (tính độc đáo, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, hoang dã), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi). Du lịch bền vững, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm, du lịch cộng đồng gắn với xóa đói, giảm nghèo, du lịch hướng về cội nguồn, hướng về thiên nhiên là những xu hướng nổi trội. Chất lượng môi trường trở thành yếu tố quan trọng cấu thành giá trị thụ hưởng du lịch. Đây là thách thức vô cùng lớn về quan điểm, nhận thức và trình độ chuyên môn đối với du lịch Việt Nam. Nếu không nắm bắt kịp xu hướng này, ngành du lịch nước ta sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu, mất thị phần trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các điểm đến du lịch trong khu vực và trên thế giới. Do đó, đòi hỏi điểm đến du lịch cần sáng tạo hơn, năng động hơn, an toàn hơn, hấp dẫn hơn, với những giá trị trải nhiệm đa dạng, độc đáo, chân thực, gần gũi với thiên nhiên và văn hóa bản địa, nhân văn hơn, sạch hơn...

Đặc biệt, vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn với sự phát triển du lịch bền vững ở nước ta hiện nay. Môi trường sinh thái nhiều điểm đến du lịch ở Việt Nam được đánh giá là còn tương đối nguyên sơ, có độ đa dạng sinh học cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, do tác động của công nghiệp hóa, tăng trưởng nóng, phát triển thiếu quy hoạch, thiếu tầm nhìn,... nên chất lượng môi trường sinh thái nước ta đã suy giảm đến mức đáng báo động. Tài nguyên du lịch ở nhiều địa phương bị khai thác bừa bãi nên bị xuống cấp nghiêm trọng; nguy cơ và hiện tượng ô nhiễm môi trường ngày càng cao hơn do trình độ quản lý còn hạn chế và ý thức bảo vệ môi trường ở một bộ phận người dân cũng như khách du lịch còn yếu... Môi trường du lịch trên phạm vi cả nước, đặc biệt ở những địa bàn trọng điểm phát triển du lịch như Hạ Long, Cát Bà, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu... đã có sự suy thoái do tác động của hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Sự khai thác quá mức và tự phát (không theo quy hoạch), thiếu trách nhiệm hoặc trách nhiệm không rõ ràng ở một số địa phương, gây ô nhiễm, quá tải, tạo ra những tác động, hệ lụy tiêu cực, làm cho tài nguyên du lịch có nguy cơ suy thoái nhanh.

Bên cạnh đó, thực trạng úng ngập ở các đô thị vốn là một trong những điểm đến du lịch đã và đang lan rộng, trở thành nỗi ám ảnh cho các cấp chính quyền và người dân từ các vùng đồng bằng (như ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh…) đến các đô thị miền núi cao (như Đà Lạt, Lạng Sơn, Sa Pa…). Tình trạng “mưa là ngập” kéo theo hàng loạt hệ lụy nặng nề, ngoài ý muốn, như môi trường ô nhiễm, giao thông tắc nghẽn, hình ảnh điểm đến bị ảnh hưởng trong mắt của khách du lịch nội địa và khách du lịch nước ngoài.

Một yếu tố rất đáng quan tâm hiện nay, đòi hỏi ngành du lịch phải có những biện pháp kịp thời và dài hạn để chuẩn bị năng lực thích ứng, giảm thiểu những tác động tiêu cực, đó chính là tác động của biến đổi khí hậu. Sự cộng hưởng các nguy cơ rừng và tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm đất, biển và các dòng sông, không khí với sự xuất hiện ngày càng nhiều những biểu hiện bất thường, cực đoan của khí hậu, như nước biển dâng cao, bão, lũ, lốc xoáy cường độ mạnh, hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt… đã và đang đe dọa cuộc sống của nhân dân cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có “ngành công nghiệp không khói”. Biết bao cơn bão, trận lũ, lụt đã phá hủy nhà ở của nhân dân, đường sá, đất canh tác, làm mùa màng thất bát, trực tiếp làm giảm thu nhập của người dân. Những cơn mưa lớn, kéo dài bất thường do biến đổi khí hậu gây ra cũng tạo nên sự quá tải cho toàn bộ hệ thống thoát nước hạ tầng đô thị vốn đã lạc hậu, lão hóa và bị chia cắt, khu biệt, thiếu kết nối và đầu tư chưa đồng bộ. Các đô thị vùng duyên hải ngày càng bị gia tăng áp lực úng ngập do hiện tượng nước biển dâng, kèm theo mưa lớn với tần số ngày dày hơn.

Ô nhiễm môi trường không chỉ trực tiếp làm mất nguồn lợi tài nguyên biển, sông ngòi, khiến người dân mất nghề nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản; diêm sinh; ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thương mại, dịch vụ khác trong đời sống kinh tế, nhất là hoạt động du lịch biển. Điển hình gần đây nhất là vụ việc Công ty Hưng Nghiệp Formosa - Hà Tĩnh của Đài Loan đã xả thải các chất độc hại ra biển, làm môi trường biển ô nhiễm nặng nề, gây ra hiện tượng cá chết ở 4 tỉnh miền Trung nước ta, để lại hệ lụy vô cùng to lớn và lâu dài, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh kế, đời sống và sức khỏe của hàng trăm nghìn ngư dân. Hệ thống dịch vụ du lịch, thương mại, vận tải và kinh tế biển, đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản mà người dân gắn bó bao đời nay trên các địa bàn này bị thiệt hại và tổn thất nghiêm trọng.

Như vậy, có thể khẳng định, những bất cập trong công tác quản lý, giữ gìn tài nguyên và bảo vệ môi trường gắn kết với hoạt động du lịch thời gian qua là một thách thức lớn đối với nước ta hiện nay, đòi hỏi cần sự đổi thay với những giải pháp đột phá để bảo đảm thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững.

Giải pháp trong thời gian tới

Trước những thách thức đặt ra của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, ngành du lịch Việt Nam xác định quan điểm phát triển du lịch theo chiều sâu; theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bảo đảm chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh. Để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch bền vững, cần quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường hiệu quả hoạt động thông tin truyền thông, hướng tới việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò và vị trí của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội, về yêu cầu phát triển du lịch bền vững, về trách nhiệm của chính quyền, hệ thống quản lý du lịch cũng như nhân dân trong việc bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch, hướng tới xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia.

Hai là, đẩy mạnh chính sách thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho du lịch phát triển, huy động nguồn lực liên ngành phục vụ phát triển du lịch. Thực hiện chính sách và các chương trình hành động du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội; hỗ trợ, tăng cường năng lực để phát triển du lịch dựa vào cộng đồng; đầu tư tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu trong tổ chức hoạt động du lịch và cung cấp dịch vụ du lịch; liên kết công - tư trong việc huy động kinh phí để tăng cường đầu tư cho xúc tiến, quảng bá điểm đến, phát triển thương hiệu điểm đến; hình thành cơ chế quỹ phát triển du lịch và quỹ xúc tiến du lịch để tạo nguồn lực cho phát triển du lịch, đặc biệt từ sự liên kết công - tư; nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam về tính độc đáo dựa vào giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, di sản văn hóa nổi bật, giá trị tinh thần Việt Nam (du lịch tâm linh), sản phẩm đặc thù nổi trội Việt Nam (du lịch biển, ẩm thực Việt Nam), coi trọng phát triển du lịch xanh, sản phẩm du lịch thân thiện môi trường; du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo gắn với các resort cao cấp ; du lịch nghỉ dưỡng núi; du lịch sinh thái, miệt vườn cây trái, sông nước...

Ba là, hoàn thiện và tăng cường các chính sách và các hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn nhập khẩu vào Việt Nam những công nghệ, hàng hóa và dịch vụ gây hại môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân; thực hiện đồng bộ các giải pháp quy hoạch, đầu tư, kỹ thuật để chủ động ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có sự phát triển của ngành du lịch.

Bốn là, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương tới các địa phương. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, xúc tiến, quảng bá du lịch quốc gia; đẩy mạnh liên kết vùng trong hoạt động du lịch. Thực hiện kiểm soát phát triển theo quy hoạch dài hạn, bảo đảm hài hòa lợi ích của khách du lịch, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam và bảo vệ môi trường; từng bước hình thành môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn minh. Đặc biệt, thực hiện chính sách phát triển bền vững với việc ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm với cộng đồng và môi trường, cùng sự tham gia chủ động, tích cực của cộng đồng dân cư địa phương; tăng cường giao lưu, tương tác giữa khách với cư dân bản địa.

Năm là, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch làm tiền đề để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Chú trọng bồi dưỡng kiến thức về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cho các hướng dẫn viên du lịch, các cán bộ quản lý và nhân viên ngành du lịch trên cả nước, nhất là nhân lực du lịch ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, để từng bước nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường cũng như nâng cao năng lực tham gia của cộng đồng dân cư địa phương trong phát triển du lịch bền vững.

Sáu là, tăng cường mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm và thân thiện với môi trường cũng như học hỏi kinh nghiệm xử lý các vấn đề môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của các quốc gia trên thế giới. Tranh thủ sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế góp phần bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững của du lịch Việt Nam./.