Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát hiện thêm 11 ca nhiễm vi rút Zika mới, nâng tổng số ca nhiễm trên địa bàn lên đến 57 ca. Đây là thông tin Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cập nhật trong ngày 20-11.

Bệnh do vi rút Zika tiếp tục tăng nhanh

Trong 11 ca nhiễm mới này, có 2 ca bệnh phát sinh tại hai quận, huyện mới là Gò Vấp và Phú Nhuận. Như vậy, đến thời điểm này đã có 15/24 quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có ca bệnh do vi rút Zika.

Quận Bình Thạnh vẫn tiếp tục là điểm nóng khi liên tục phát hiện ca bệnh mới trong những ngày gần đây. Hiện quận Bình Thạnh dẫn đầu với 11 ca bệnh, Quận 2 có 10 ca; các Quận 9, 12, quận Tân Phú với 6 ca.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa có khuyến cáo hạn chế đi đến những địa phương có ca bệnh, tuy nhiên người dân, đặc biệt là thai phụ cần chủ động phòng tránh muỗi đốt; mọi người, mọi nhà tự diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika”.

Liên quan đến trường hợp thai phụ nhiễm vi rút Zika vừa sinh con, Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thai phụ này ngụ tại Quận 12 và đã sinh em bé tại Bệnh viện phụ sản Hùng Vương. Sau khi sinh, em bé đã được bác sỹ bệnh viện đo vòng đầu, kiểm tra sự phát triển của xương sọ và lấy mẫu máu đi xét nghiệm. Kết quả, bé hoàn toàn khỏe mạnh, không bị dị tật đầu nhỏ, không nhiễm vi rút Zika từ mẹ.

Tuy nhiên, do thai phụ này nhiễm vi rút Zika khi mang thai ở tuần thứ 30 nên khả năng lây nhiễm cho em bé là không cao. Chính vì vậy, phụ nữ mang thai, nhất là trong vòng 3 tháng đầu không được chủ quan mà vẫn phải tích cực sử dụng các biện pháp phòng bệnh đã khuyến cáo.

Tính đến ngày 19-11, nước ta có 65 trường hợp nhiễm vi rút Zika, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương có nhiều ca nhiễm bệnh nhất với 57 người mắc.

Xây dựng quy trình tiếp nhận và điều trị bệnh do vi rút Zika

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa chỉ đạo xây dựng thống nhất một quy trình thu dung và điều trị bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, nhất là theo dõi, chăm sóc bệnh cho thai phụ.

Cụ thể, Sở Y tế thành phố chỉ đạo các bệnh viện: Bệnh Nhiệt Đới, Từ Dũ, Hùng Vương, Nhân Dân Gia Định, Nhi Đồng 1 và Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố phối hợp xây dựng quy trình tiếp nhận, điều trị nhiễm vi rút Zika trên phụ nữ có thai tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới sẽ là đơn vị đầu mối hoàn chỉnh quy trình này và là đơn vị chủ lực thực hiện xét nghiệm, chẩn đoán điều trị bệnh do vi rút Zika của thành phố theo tiêu chí của Bộ Y tế và trả kết quả trong thời gian 24 giờ.

Thay vì chỉ có 30 điểm giám sát như trước đây, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu tất cả hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn thành phố thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, đặc biệt ưu tiên đối với những trường hợp phụ nữ mang thai và chuyển mẫu về Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới thực hiện kỹ thuật xét nghiệm, chẩn đoán bệnh đảm bảo tiêu chuẩn an toàn.

Sở Y tế cũng lưu ý các đơn vị cần tập trung nội dung quy định rõ điều kiện tiếp nhận, theo dõi chăm sóc và phân tuyến điều trị phù hợp đối với trường hợp thai phụ nhiễm vi rút Zika. Trong quá trình tầm soát bệnh trên thai phụ, các đơn vị này có thẩm quyền được chỉ định chấm dứt thai kỳ đối với trường hợp bị nhiễm vi rút Zika theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo ông Tăng Chí Thượng, đối với trường hợp chấm dứt thai kỳ khi bị nhiễm vi rút Zika cần cẩn trọng và phải có quy trình thẩm định chặt chẽ nhằm bảo đảm an toàn cho thai phụ lẫn thai nhi./.