Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời chất vấn về công tác quản lý, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ
Không bổ sung phụ cấp đặc thù theo ngành nghề
Giải đáp băn khoăn của các đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh), Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang), Bộ trưởng cho hay chế độ tiền lương hiện hành thực hiện từ tháng 10-2004 đến nay đã thể hiện sự bất hợp lý.
Bộ Nội vụ đã tổng hợp và báo cáo với Ban Cán sự Đảng Chính phủ, báo cáo Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) vào tháng 5-2012 và Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) vào tháng 5-2013. Tuy nhiên, do nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn nên việc triển khai thực hiện các giải pháp tạo nguồn và đổi mới cơ chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội chưa có kết quả như mong muốn. Do đó, khó bố trí đủ nguồn tài chính để cải cách tiền lương. Vì vậy, Trung ương tiếp tục giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ chuẩn bị kỹ đề án để trình Trung ương khi có đủ điều kiện để thực hiện.
“Trong thời gian này, không bổ sung các phụ cấp đặc thù theo ngành, nghề và căn cứ tình hình thực tế xã hội, khả năng ngân sách nhà nước, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp các cơ quan liên quan trình Chính phủ, báo cáo với Quốc hội xem xét điều chỉnh tiền lương theo Quyết định 63 tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XI”, Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng, thực hiện phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với công chức viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động để trình Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, vào tháng 5-2018.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng giải đáp vấn đề đại biểu quan tâm về bổ sung chức vụ và chức danh cán bộ công chức cấp xã, phường, thị trấn.
Vấn đề này đã được quy định cụ thể tại Điều 61 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, trong đó chức danh Trưởng công an xã là công chức.
Việc điều chỉnh chức vụ, chức danh cán bộ, công chức xã, trong đó có chức danh Phó Trưởng công an xã như kiến nghị của cử tri phải dựa trên sửa đổi và bổ sung Luật Cán bộ, công chức. Bộ Nội vụ ghi nhận và kiến nghị với các đại biểu sẽ tổng hợp trong quá trình tổng kết thi hành Luật này và sẽ trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức khi Quốc hội có chủ trương.
Truy vấn trách nhiệm vụ Trịnh Xuân Thanh
Nói vụ Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang - là “chuyện tày trời”, một mình không thể làm việc này, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) chất vấn về nguyên nhân cốt lõi, trách nhiệm chính yếu của Bộ Nội vụ từ việc tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới khi Trịnh Xuân Thanh còn đang ở PVC, đến việc được đề bạt, luân chuyển về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, cũng như công tác quản lý cán bộ như thế nào khi bị khởi tố thì Thanh đã “ra đi êm ả”.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết với trách nhiệm là cơ quan giúp cho Chính phủ quản lý nhà nước về đội ngũ cán bộ công chức viên chức, Bộ Nội vụ nhận thiếu sót trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước của mình.
Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Trung ương trong việc hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác quản lý, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, Bộ Nội vụ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm khắc vi phạm đối với cán bộ vi phạm tại các bộ, ngành, địa phương.
Nhận thấy phần trả lời của người đứng đầu ngành Nội vụ chưa thỏa đáng, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) tranh luận lại: “Vấn đề nêu trong câu hỏi của đại biểu được đông đảo cử tri quan tâm, các đại biểu Quốc hội chia sẻ. Đây là vấn đề rất bức xúc trong xã hội. Riêng vụ ông Trịnh Xuân Thanh, đại biểu hỏi nguyên nhân cốt lõi và trách nhiệm chủ yếu của Bộ Nội vụ trong việc tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động, đề bạt bổ nhiệm về làm lãnh đạo tỉnh Hậu Giang. Vậy trách nhiệm của Bộ Nội vụ như thế nào? Có văn bản nào quy định việc này không? Hiện nay có bao nhiêu trường hợp đang luân chuyển theo kiểu này? Thực trạng ra sao? Tới đây xử lý việc này như thế nào?”
Đại biểu Ngô Văn Minh cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công an khi “nói lực lượng tinh nhuệ, xuất sắc phá bao nhiêu vụ việc nghiêm trọng, toàn dân ghi nhận mà cứ mỗi lần tham nhũng lớn hết Vinashin, Vinalines đến trường hợp này có tham nhũng là bỏ trốn, ra đi một cách êm ái, như “con voi chui lọt lỗ kim””.
Đại biểu Minh đặt vấn đề Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Công an có báo cáo Quốc hội về các trường hợp đang theo dõi và đã bỏ trốn thời gian qua.
Cũng trong phiên trả lời chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng đã trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội về năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức, vấn đề tiền lương và các sai phạm trong việc bổ nhiệm cán bộ.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu xử nghiêm sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ
Phát biểu khép lại nhóm vấn đề chất vấn thứ tư, liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, sáng 17-11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đã có 37 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân.
Nội dung các câu hỏi tập trung vào tình hình thực hiện tinh giản biên chế; đề án vị trí việc làm; công tác tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, khen thưởng cán bộ, công chức; việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo; giải pháp cải cách chế độ tiền lương, phụ cấp; việc phân cấp quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; giải pháp bảo đảm chất lượng cán bộ, công chức, nâng cao ý thức, trách nhiệm đạo đức công vụ; trách nhiệm xử lý cán bộ vi phạm gây bức xúc trong dư luận thời gian qua.
Cũng như các phiên chất vấn trước, đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi thẳng thắn, ngắn gọn, bám sát thực tiễn và bám sát nhóm vấn đề chất vấn, cũng như tham gia tranh luận sôi nổi.
Đánh giá về phần trả lời của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, Chủ tịch Quốc hội cho rằng lần đầu tiên trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sau 7 tháng giữ nhiệm vụ, Bộ trưởng đã thể hiện nắm rất chắc chức năng, nhiệm vụ cũng như thấy rõ trách nhiệm của ngành và trách nhiệm của người đứng đầu về thực trạng công tác của Bộ Nội vụ.
“Bộ trưởng đã trả lời ngắn gọn, thẳng thắn. Đối với những vấn đề khó, phức tạp, Bộ trưởng cũng không né tránh nhưng trả lời chưa thỏa mãn ý kiến của đại biểu Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội nhận định.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, những vấn đề chưa làm thỏa mãn ý kiến của đại biểu liên quan đến tổ chức bộ máy cán bộ, những vụ việc sai phạm trong công tác tổ chức, thi đua khen thưởng, công tác cán bộ, đã gây nhiều bức xúc trong xã hội, nhưng việc xem xét giải quyết của Bộ còn chậm, chưa triệt để.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng tiếp thu ý kiến của đại biểu, chỉ đạo quyết liệt để thực hiện các giải pháp đã đề ra.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ đề xuất việc xử lý theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân sai phạm; đồng thời nghiên cứu hoàn thiện các quy định của pháp luật về việc xử lý cán bộ sai phạm trong thực thi công vụ sau khi đã nghỉ hưu rồi mới phát hiện sai phạm.
“Với những vấn đề trên, đề nghị Bộ trưởng quan tâm, tập trung tăng cường quản lý nhà nước, có các giải pháp quyết liệt, phối hợp với các bộ, ngành khác trong việc giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Nội vụ, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém; xử lý kịp thời và ngăn chặn những sai phạm, có báo cáo với Quốc hội tại các kỳ họp sau”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng tham mưu cho Chính phủ tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án tinh giản biên chế gắn với sắp xếp bộ máy một cách hợp lý theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tiếp tục triển khai thực hiện đề án vị trí việc làm, sớm phê duyệt đề án vị trí việc làm đối với đơn vị sự nghiệp công lập, hoàn thiện đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý, bảo đảm yêu cầu lựa chọn cán bộ đủ phẩm chất, năng lực để áp dụng thống nhất, thực hiện công khai minh bạch trong tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển và khen thưởng cán bộ công chức.
Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ sớm hoàn thiện Đề án chức danh lãnh đạo quản lý, bảo đảm yêu cầu lựa chọn cán bộ đủ phẩm chất, năng lực; thực hiện công khai, minh bạch trong tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển và khen thưởng cán bộ, công chức; tổ chức có hiệu quả công tác đánh giá cán bộ, nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức đối với cán bộ, công chức; đồng thời sớm hoàn thiện Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp; Đề án tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong năm 2017.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Bộ Nội vụ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý việc đề bạt, khen thưởng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ; kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm, nghiêm túc các sai phạm trong việc bổ nhiệm cán bộ.
Đối với trường hợp ông Vũ Huy Hoàng đã được nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII phê chuẩn là Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011 - 2016, và Quốc hội khóa XIII đã miễn nhiệm tại kỳ họp thứ 11, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ “qua ý kiến của cử tri và chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này, với những sai phạm nghiêm trọng của ông Vũ Huy Hoàng trong thời gian vừa qua, Quốc hội nghiêm khắc phê phán và cũng nhận thấy trách nhiệm của mình trong kiểm tra, giám sát và ban hành các văn bản pháp luật, làm cơ sở cho việc xử lý những vụ việc tương tự”./.
Nhiều hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc  (17/11/2016)
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tiếp Hoàng tử Anh William  (16/11/2016)
Tư lệnh Nội vụ thừa nhận những nhược điểm trong công tác cán bộ  (16/11/2016)
Hợp tác quốc phòng đa phương giúp củng cố sự đoàn kết của ASEAN  (16/11/2016)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên