TCCSĐT - Ngày 09-9-2016, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ năm với quy mô lớn hơn vụ thử hồi tháng 01-2016. Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về “hậu quả nghiêm trọng” trong khi Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên đang “tự hủy diệt chính mình”.

Tình trạng biến đổi khí hậu đang hủy hoại thế giới đại dương

 

Đại dương cung cấp dưỡng khí cho con người và duy trì sự tồn tại của Trái đất song đang bị chính loài người hủy hoại. Ảnh: news.stanford.edu

Ngày 05-9-2016, tại Hội nghị Bảo tồn thế giới của Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên (IUCN) ở Hawaii, Mỹ, Tổng Giám đốc IUCN, Inger Andersen cho biết, theo Báo cáo của 80 nhà khoa học đến từ 12 nước trên thế giới, biến đối khí hậu đang tác động tiêu cực đến thế giới đại dương, làm lây lan dịch bệnh giữa các loài động vật và con người, đồng thời đe dọa an ninh lương thực trên toàn thế giới. Mặc dù thế giới đại dương có tầm quan trọng trong việc cung cấp dưỡng khí cho con người và duy trì sự tồn tại của Trái đất song chính loài người lại đang hủy hoại môi trường các đại dương.

Theo báo cáo trên, kể từ những năm 70, nước trên bề mặt Trái đất hấp thu hơn 93% nhiệt lượng tăng cao do tình trạng ấm lên của Trái đất. Điều này đã giúp làm giảm nhiệt độ trên bề mặt Trái đất song lại gây ra sự biến đổi mạnh mẽ đối với hệ sinh thái biển, bao gồm cả những vi trùng, vi khuẩn đến loài cá voi và vùng biển sâu. Báo cáo công bố bằng chứng cho thấy môi trường sống của các loài sứa biển, chim biển và các loài sinh vật trôi nổi đã dịch chuyển 10 độ vĩ độ hướng đến khu vực mát mẻ hơn. Tốc độ dịch chuyển này trong môi trường biển nhanh gấp 1,5 lần so với những gì con người quan sát trên mặt đất. Theo các nhà khoa học, nhiệt độ ấm lên trong môi trường biển dẫn đến nhiều thay đổi từ sự phân bổ về giới, mật độ tập trung của các loài, tới việc làm sinh sôi nhanh chóng các loại vi khuẩn, vi trùng nguy hiểm đe dọa sự sống của các loài động vật biển, kéo theo đó là những hệ lụy tới sức khỏe con người do tiêu thụ các loại thực phẩm biển nhiễm bệnh. Với những hậu quả nêu trên, một lần nữa các nhà khoa học kêu gọi cần thúc đẩy các nguồn năng lượng tái sinh, để từ đó hạn chế tình trạng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - nguyên nhân khiến Trái đất nóng lên.

Tham nhũng là trở ngại lớn nhất đối với quá trình phát triển ở châu Phi

 

Tổng Thư ký Khối thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA), ông Sindiso Ngwenya: mức độ tham nhũng trong nhiều lĩnh vực đã và đang cản trở sự phát triển của châu Phi. Ảnh: UN

Ngày 06-9-2016, phát biểu tại Hội nghị đầu tư toàn châu Phi (GAIC) ở Thủ đô Kigali của Rwanda, Tổng Thư ký Khối thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA), ông Sindiso Ngwenya cho biết, mức độ tham nhũng trong nhiều lĩnh vực, nhất là khu vực công, đã và đang cản trở các chính sách vĩ mô của nhiều quốc gia châu Phi trong việc thúc đẩy phát triển đất nước. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho quá trình công nghiệp hóa không thành công tại châu lục này trong 40 năm qua. Ông S. Ngwenya kêu gọi các chính phủ châu Phi cần đẩy mạnh chiến dịch phòng, chống tham nhũng trên quy mô lớn, ở cả cấp quốc gia và khu vực thì mới huy động được các nguồn lực của đất nước, xã hội để phát triển, nhất là thiết lập các ngành công nghiệp mũi nhọn có tính cạnh tranh cao, mang lại nhiều lợi ích kinh tế và thúc đẩy liên kết khu vực trong lĩnh vực quan trọng này. Tại Hội nghị GAIC lần này, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Rwanda, ông Francois Kanimba nhấn mạnh chính phủ các nước châu Phi cần kiên quyết tuyên chiến với tình trạng tham nhũng, hối lộ, mua chuộc... Đặc biệt cần đề cao tính minh bạch, kiểm soát và trách nhiệm giải trình để đẩy mạnh phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư, hướng tới dịch chuyển từ các nước có thu nhập thấp sang thu nhập trung bình trong tương lai gần.

Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, hiện nay châu Phi được coi là khu vực có tỷ lệ tham nhũng cao nhất thế giới. Tình trạng nguy hiểm này đã và đang góp phần làm chậm quá trình phát triển kinh tế, xã hội và làm gia tăng nghèo đói tại nhiều quốc gia ở châu lục này. Mới đây, báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) cho biết mỗi năm châu Phi ước tính thiệt hại khoảng 148 tỷ USD do tham nhũng gây ra.

Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên tiếp tục gây tranh cãi

 

Bãi thử hạt nhân Punggye-ri tại miền Đông Bắc Triều Tiên. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Ngày 09-9-2016, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ năm với quy mô lớn hơn vụ thử hồi tháng 01-2016. Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về “hậu quả nghiêm trọng” trong khi Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên đang “tự hủy diệt chính mình”. Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại London (Anh) cho rằng phản ứng của Mỹ và Hàn Quốc đối với các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên mới chỉ dừng lại ở mức độ cảnh báo, chứ chưa biến thành chính sách cụ thể và thực chất. Rõ ràng, Triều Tiên vẫn tìm cách khẳng định vị thế là một cường quốc hạt nhân trên thế giới. Có thể coi đây là một thách thức nghiêm trọng đối với Mỹ cũng như các nước láng giềng Đông Bắc Á. Theo IISS, đã đến lúc cộng đồng quốc tế cần phải xem xét một cách nghiêm túc vị thế hạt nhân của Triều Tiên để có phản ứng thích hợp, nhất là sau những vụ thử của nước này. Trong khi đó, theo “The New York Times”, vụ thử hạt nhân lần thứ năm của Triều Tiên rất đáng ngại không chỉ vì nước này đang dần làm chủ được công nghệ chế tạo vũ khí nguyên tử, mà còn vì Bình Nhưỡng đang đạt tiến triển trong chương trình phát triển loại tên lửa có thể đưa đầu đạn hạt nhân đi nửa vòng Trái đất, đe dọa Thủ đô Washington và thành phố New York của Mỹ.

Về phần mình, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố “kiên quyết bác bỏ” động thái của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà Bình Nhưỡng cho là “hành động không thể dung thứ vì xâm phạm phẩm giá, chủ quyền và quyền tự vệ của Triều Tiên”. Người phát ngôn trên cũng khẳng định Triều Tiên sẽ tiếp tục tăng cường năng lực hạt nhân của nước này.

Nước Mỹ tưởng niệm 6 khoảnh khắc kinh hoàng của ngày 11-9-2001

 

Tên các nạn nhân vụ khủng bố 11-9 tại đài tưởng niệm ở New York, Mỹ. Ảnh: EPA/TTXVN

Tròn 15 năm sau ngày xảy ra các vụ tấn công khủng bố tại nước Mỹ, cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người, ngày 11-9-2016, hàng nghìn người dân Mỹ đã tập trung tại nhiều địa điểm trên khắp đất nước để làm lễ tưởng niệm những nạn nhân vô tội trong vụ khủng bố đẫm máu. Tại thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama và gia đình cùng các quan chức đã dành một phút tưởng niệm tại phòng Bầu dục vào lúc 8 giờ 46 phút sáng (theo giờ địa phương, tức 19 giờ 46 phút Việt Nam) - cũng là thời điểm không tặc điều khiển chiếc máy bay đầu tiên đâm vào tháp phía Bắc của tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới. Sau đó, ông B. Obama tới dự lễ tưởng niệm tại Lầu Năm Góc, một trong những mục tiêu bị tấn công cách đây đúng 15 năm. Buổi lễ tại New York đã có 6 phút im lặng để tưởng niệm 6 khoảnh khắc kinh hoàng, bao gồm khi 2 chiếc máy bay đâm vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới (8 giờ 46 phút và 9 giờ 03 phút), khi 2 tòa tháp này sụp đổ (9 giờ 59 phút là tòa tháp Nam và 10 giờ 28 phút là tòa phía Bắc), khi Lầu Năm Góc bị tấn công (9 giờ 37 phút) và 10 giờ 03 phút, khi chuyến bay 73 của hãng United lao xuống một cánh đồng ở Pennsylvania.

Kể từ sau các vụ tấn công ngày này, Chính phủ Mỹ đã chi tới 3,6 nghìn tỷ USD cho an ninh nội địa, tuy nhiên theo cuộc khảo sát gần đây của Hội đồng các Vấn đề Thế giới ở thành phố Chicago, khoảng 42% người Mỹ cảm thấy kém an toàn hơn so với trước thời điểm 11-9 - mức tăng đáng kể so với tỷ lệ 27% của cuộc khảo sát tương tự hồi năm 2014. Bên cạnh đó, những khoản chi tiêu khổng lồ cho an ninh nội địa là thủ phạm chính khiến nợ công của Mỹ tăng vọt (đang tiến gần tới ngưỡng 20 nghìn tỷ USD)./.