TCCSĐT - Ngày 12-9-2016, tại thành phố Cần Thơ, Học viện Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức Hội thảo khoa học “Hệ thống chính trị cơ sở, từ nhận thức lý luận đến thực trạng xây dựng, củng cố, phát triển tại các tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ”.

Phát biểu tại hội thảo, GS,TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nguyên Giám đốc Học viện Khoa học xã hội, chủ trì hội thảo, nhấn mạnh: Hội thảo này nằm trong Chương trình khoa học - công nghệ cấp nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ; tập trung nhận diện thực trạng hệ thống chính trị cơ sở vùng Tây Nam Bộ, các đặc điểm của vùng ảnh hưởng đến tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở các tỉnh, thành phố. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm xây dựng, củng cố, phát triển hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Tây Nam Bộ bền vững.

Theo nhận định của đa số đại biểu tại hội thảo, thời gian qua, trên cơ sở quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của trung ương về xây dựng, củng cố, phát triển hệ thống chính trị cơ sở, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở các địa phương vùng Tây Nam Bộ đã có chuyển biến tích cực. Nhiều tổ chức cơ sở đảng phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hoạt động của chính quyền các cấp ngày càng đi vào nền nếp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước; chất lượng các kỳ họp hội đồng nhân dân, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu hội đồng nhân dân ở nhiều địa phương được nâng lên. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở nhiều địa phương thực hiện khá tốt chức năng giám sát và vai trò phản biện xã hội, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, làm cho mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn. Việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở ngày càng đi vào thực chất. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ được quan tâm hơn. Công tác cải cách hành chính, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân có nhiều tiến bộ. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội ổn định. Những nỗ lực đó đã góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của cả vùng Tây Nam Bộ.

Tuy nhiên, đặc điểm riêng của vùng Tây Nam Bộ cũng đã và đang tạo ra những tác động, ảnh hưởng đến tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở các tỉnh, thành phố trong vùng. Do điều kiện địa lý, tự nhiên có hệ thống sông, rạch chằng chịt chia cắt nhiều địa bàn, có nhiều hòn đảo xa đất liền,… nên nhiều địa phương khó thu hút nhân tài, trí thức trẻ đến công tác. Dân số tương đối đông (trung bình mỗi xã có khoảng 10.000 - 15.000 dân) tạo ra áp lực khá lớn đến công tác lãnh đạo, điều hành, quản lý của hệ thống chính trị cơ sở. Một số địa bàn có các dân tộc cùng sinh sống, có nhiều tôn giáo cùng hoạt động đan xen đã và đang đặt ra nhiều vấn đề về cơ cấu, bố trí cán bộ là người dân tộc hoặc cán bộ am hiểu về dân tộc, tôn giáo trong hệ thống chính trị cơ sở. An ninh, chính trị trên địa bàn cơ bản ổn định nhưng vẫn luôn tiềm ẩn những nhân tố phức tạp, nhất là trong lĩnh vực an ninh tư tưởng, tôn giáo, dân tộc. Những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế, ô nhiễm môi trường… làm cho sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống của hầu hết nông dân, ngư dân. Thực trạng này đã tạo ra áp lực rất lớn đến hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, nhất là vấn đề tìm giải pháp giảm nghèo bền vững, giải quyết khó khăn trong đời sống của người dân.

Trên cơ sở nhận diện những thuận lợi, khó khăn, những hạn chế trong hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở hiện nay, hội thảo đã tập trung thảo luận, thống nhất đề xuất một số giải pháp nhằm xây dựng, củng cố, phát triển hệ thống chính trị cơ sở ở các tỉnh, thành phố đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Tây Nam Bộ bền vững trong thời gian tới.

- Để xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, các tỉnh, thành trong vùng phải chú trọng phát huy những lợi thế, tiềm năng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội. Hệ thống chính trị cơ sở vận hành tốt sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Ngược lại, kinh tế phát triển, xã hội ổn định sẽ tạo môi trường cho hệ thống chính trị cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả.

- Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ là người tại các địa phương có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất tham gia hệ thống chính trị tại cơ sở để cống hiến cho địa phương. Trong đó, chú trọng 3 yếu tố: am hiểu đặc điểm địa phương, có tinh thần gắn bó với địa phương, có điều kiện lập nghiệp tại địa phương.

- Cơ cấu cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở phải chú trọng đến các yếu tố: có kiến thức về kinh tế, chính trị, dân tộc, tôn giáo, pháp luật, môi trường, quốc phòng, an ninh để có thể khai thác tốt nhất những lợi thế, tiềm năng phát triển của địa phương; giải quyết hài hòa các vấn đề xã hội, dân tộc, tôn giáo; gắn kết phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

- Quan tâm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho các hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt là các trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin. Việc ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong giải quyết công vụ góp phần đắc lực trong cải cách hành chính, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở.

- Không ngừng đổi mới, nâng cao hiiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên cơ sở tăng cường sự phối hợp để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân đối với cấp ủy, chính quyền. Trên cơ sở đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội nâng cao vai trò, chức năng giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh./.