TCCSĐT - Ngày 03-8-2016, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội đã diễn ra buổi Tọa đàm khoa học “Các thiết chế bảo vệ hiến pháp và bảo vệ quyền con người ở Na Uy”, do Viện Nghiên cứu lập pháp, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.
Nằm trong chuỗi những hoạt động hướng tới kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vương quốc Na Uy (25-11-1971 - 25-11-1916), Viện Nghiên cứu lập pháp, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Các thiết chế bảo vệ hiến pháp và bảo vệ quyền con người ở Na Uy”. Tham dự Tọa đàm có các đại biểu của Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương… cùng nhiều nhà nghiên cứu đến từ các học viện, viện nghiên cứu, trường đại học. TS. Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì Tọa đàm.

Hiến pháp của Vương quốc Na Uy được Quốc hội lập hiến Na Uy (the Constituent Assembly) ban hành ngày 17-5-1814. Đây là bản hiến pháp thành văn thứ hai trong lịch sử nhân loại, với 202 năm tồn tại (1814 - 2016). Hiến pháp của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1787 là bản hiến pháp thành văn đầu tiên và lâu đời nhất lịch sử, với 229 năm tồn tại (1787 - 2016). Khi ra đời, Hiến pháp Na Uy có 121 điều, được bố trí trong 6 phần từ phần A đến phần F. Trọng tâm của nó gồm ba vấn đề chủ yếu: chủ quyền của nhân dân; việc phân chia và kiểm soát quyền lực nhà nước; và bảo vệ quyền con người. Trong suốt quá trình tồn tại, bản Hiến pháp này đã được tu chính (amendment) nhiều lần, với khoảng trên 300 lần sửa đổi. Nhiều nội dung của các điều trong Hiến pháp đã bị hủy bỏ hoàn toàn, như Điều 10, Điều 38, Điều 56… Do đó, số điều của Hiến pháp không còn đầy đủ như trước. Trong lần tu chính gần đây nhất, diễn ra ngày 24-5-2016, Quốc hội Na Uy đã quyết định thông qua việc chỉnh lý Điều 33 của Hiến pháp về tên gọi của Ngân hàng Trung ương Na Uy.

Với tinh thần thẳng thắn, cởi mở, các nhà khoa học tham dự Tọa đàm đã trao đổi nhằm làm rõ những vấn đề xung quanh thủ tục bảo hiến trong Hiến pháp Na Uy. Giáo sư E-i-vin Xmít (Eivind Smith), chuyên gia đầu ngành về Luật Hiến pháp và công pháp của Trường Đại học Tổng hợp Oslo, Na Uy đã phân tích làm rõ về cơ chế này. Theo đó, trong Hiến pháp Na Uy, việc bảo vệ giá trị pháp lý tối cao của hiến pháp được quy định tại phần D, từ Điều 86 đến Điều 91. Quyền lực nhà nước Na Uy được phân chia thành ba nhánh: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Những quy định về vấn đề thủ tục bảo hiến được gắn chặt với quy định về quyền tư pháp. Việc bảo vệ giá trị pháp lý tối cao của Hiến pháp được thực hiện bằng cách ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm, như hành vi vi phạm về hình sự, hành vi bất hợp pháp so với những nghĩa vụ được quy định bởi Hiến pháp. Chủ thể là đối tượng bị xem xét của thủ tục bảo hiến gồm: nghị sĩ, thành viên của chính phủ, và thành viên Tòa án Tối cao Na Uy.

Việt Nam và Na Uy là hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng trong việc bảo vệ quyền con người. Vì vậy, vấn đề bảo vệ quyền con người tại Na Uy được giới nghiên cứu hết sức quan tâm. Trong quá trình trao đổi, thông qua sự giải thích về những quy định cụ thể của Hiến pháp Na Uy, vấn đề này được Giáo sư E-i-vin Xmít làm rõ như sau: Quyền con người là một nội dung trọng tâm của Hiến pháp, được quy định tại phần E, từ Điều 92 đến Điều 113. Trong những điều này, quyền con được ghi nhận toàn diện, tuyệt đối, từ quyền dân sự, chính trị đến quyền trẻ em. Với quy định như vậy, tại Na Uy quyền con người được bảo đảm bằng thủ tục bảo vệ Hiến pháp. Bên cạnh đó, Na Uy còn có những đạo luật khác bảo vệ quyền con người. Bằng những phương pháp như vậy, Na Uy đã trở thành một trong những quốc gia tôn trọng và bảo vệ quyền con người tốt nhất trên thế giới.

Tiếp cận dưới góc độ luật so sánh, những quy định của Hiến pháp Vương quốc Na Uy về thiết chế bảo hiến và quyền con người là những giá trị pháp lý không chỉ có ý nghĩa về lịch sử, mà còn có những giá trị đương đại. Để có được một bản hiến pháp như hiện nay, các nhà làm luật của Na Uy đã nghiên cứu, tiếp thu những giá trị pháp lý và kinh nghiệm, kỹ năng lập pháp từ những quốc gia dân chủ, tiến bộ khác trên thế giới, trong quá trình 200 năm tu chính để phát triển hiến pháp. Đây chính là một đặc điểm nổi bật của Hiến pháp Na Uy so với tất cả những bản hiến pháp khác trên thế giới.

Mặc dù thời gian có hạn, nhưng hầu hết những câu hỏi do cử tọa đặt ra đã được trả lời tại Tọa đàm. Tọa đàm đã cung cấp nhiều thông tin khoa học hết sức hữu ích cho các nhà nghiên cứu, giảng viên về luật pháp, góp phần phục vụ thiết thực cho công tác nghiên cứu, giảng dạy luật pháp. Đặc biệt, quá trình tu chính Hiến pháp của Vương quốc Na Uy là những kinh nghiệm có giá trị đối với hoạt động lập pháp, cần được các nhà lập pháp Việt Nam tham khảo./.