Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 25 đến ngày 31-7-2016
Tập trung xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2016 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV nhận định trong 6 tháng qua, Chính phủ đã nỗ lực hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp; ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật, đặc biệt là Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp; số văn bản nợ đọng thấp nhất so với cùng kỳ của nhiều năm. Tập trung thực hiện Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính năm 2016; ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Nghị quyết 60 về đẩy nhanh tiến độ giải ngân đối với các dự án đầu tư công và chỉ đạo các ngành, các cấp khẩn trương triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận thấy cải cách hành chính, năng lực xây dựng, thực thi pháp luật, cơ chế chính sách vẫn còn hạn chế, còn đùn đẩy trách nhiệm, phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các bộ ngành, địa phương. Còn tình trạng văn bản pháp luật ban hành chậm, nhất là thông tư hướng dẫn thi hành pháp luật; một số quy định chưa khả thi, còn nhiều vướng mắc. Thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực còn phiền hà, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.
Kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính và trong xã hội chưa nghiêm; năng lực, phẩm chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng tham nhũng còn nghiêm trọng, xảy ra nhiều vụ tham nhũng lớn trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng, đất đai... Việc kê khai tài sản còn hình thức; giám sát, kiểm tra, thanh tra hiệu quả thấp. Lãng phí trong cơ quan nhà nước và toàn xã hội còn lớn. Kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo còn hạn chế; vẫn còn nhiều vụ khiếu nại tố cáo đông người.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, lấy lợi ích quốc gia và phục vụ Nhân dân làm mục tiêu cao nhất. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, khả thi, hội nhập quốc tế; phát huy mạnh mẽ dân chủ gắn với thượng tôn pháp luật. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; siết chặt kỷ luật kỷ cương. Tập trung rà soát quy trình, quy chế làm việc, phân công, phân cấp, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật. Hoàn thiện và thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Chính phủ, của từng bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Xây dựng Chính phủ điện tử. Tinh giản biên chế gắn với cải cách tiền lương. Đổi mới công tác tuyển chọn, sử dụng, đánh giá; lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ làm tiêu chí để thực hiện chính sách cán bộ.
Chủ tịch VCCI: Nhiều “nút thắt” của nền kinh tế chưa được tháo gỡ
“Tại sao trong suốt 5 năm qua, kể từ năm 2011, chúng ta vẫn chưa thoát ra khỏi được tình trạng trì trệ và phục hồi rất chậm? Có những nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, nhưng theo tôi, nguyên nhân lớn nhất là chúng ta chưa giải quyết được một cách thực chất những vấn đề lớn của nền kinh tế” - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại phiên làm việc ngày 29-7 kỳ họp thứ I, Quốc hội khóa XIV.
Trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, theo Chủ tịch VCCI, mặc dù Chính phủ đưa ra thông điệp và chương trình hành động rất rõ ràng và thể hiện quyết tâm cao, nhưng nhiều bộ ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm túc. Đơn cử, việc thực hiện Nghị quyết 19, một nghị quyết mang tính đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, sau hai năm thực hiện, chỉ có 13/63 địa phương và 4/22 bộ ngành có gửi báo cáo kết quả thực hiện về Chính phủ.
Hay, việc triển khai soạn thảo các nghị định thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã ban hành từ năm 2014 nhưng suốt cả năm 2015 và Quý I năm 2016, các bộ ngành vẫn “đủng đỉnh” và không tránh khỏi thiếu sót. Và mặc dù gần 50 nghị định hướng dẫn đã được thông qua đúng theo kế hoạch nhưng việc xóa bỏ các điều kiện kinh doanh và giấy phép con bất hợp lý đã chưa được giải quyết dứt điểm ở thời điểm 01-7. Kỷ luật thực thi không nghiêm đã vô hiệu hóa nhiều nỗ lực cải cách thể chế của Chính phủ.
“Nhiều giải pháp đúng, nhưng chúng ta triển khai chậm trễ và không đến nơi đến chốn, nên môi trường kinh doanh vẫn chưa được cải thiện nhiều như kỳ vọng. Những rào cản đối với hoạt động đầu tư kinh doanh còn nhiều, thanh tra kiểm tra còn chồng chéo” - ông Lộc nhấn mạnh.
Trên con đường “đồng hành” cùng người dân và doanh nghiệp, không ít công chức đã bỏ quên mất chữ “đồng”. Sức nóng và sự thôi thúc của cải cách chưa thấm được tới hành vi và thái độ của từng công chức ở cơ sở để mỗi người dân và doanh nghiệp có thể cảm nhận được, có thể yên tâm được. Các chi phí hành chính, chi phí về vốn vẫn ở mức cao, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng thua lỗ, phá sản. Vẫn có tới 60% doanh nghiệp không có lãi hoặc kinh doanh thua lỗ, khoảng 120.000 doanh nghiệp phải rời thị trường trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy sức khỏe của doanh nghiệp chưa thực sự được phục hồi.
Chủ tịch VCCI đề nghị Quốc hội khuyến khích và ủng hộ Chính phủ trong việc thực hiện những mô hình đột phá trong phát triển kinh tế ở các địa phương như các đặc khu kinh tế; các cơ chế thí điểm; cơ chế đặc thù, thực hiện chính quyền điện tử, thành lập các trung tâm dịch vụ hành chính công...
"Tôi tin rằng, những mô hình thực tiễn tốt ở các địa phương như đã đề cập ở trên, nếu được triển khai rộng khắp sẽ tạo động lực thúc đẩy cải cách hành chính, cải cách thể chế một cách thiết thực trong thời gian tới" - Chủ tịch VCCI bày tỏ sự tin tưởng.
Bộ Nội vụ không tham gia giám sát cải cách hành chính
Chiều 27-7, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết, Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017. Theo đó, Quốc hội thống nhất giám sát 2 chuyên đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016 và việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Do là cơ quan bị giám sát, Bộ Nội vụ sẽ không có đại diện trong đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
Tổng thư ký Quố hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết có đại biểu đề nghị bổ sung đại diện của Bộ Nội vụ vào thành phần đoàn giám sát chuyên đề về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2021. Nhưng theo quy định của pháp luật, Bộ Nội vụ chính là một trong những cơ quan chịu sự giám sát, do đó không thể được mời tham gia đoàn giám sát này. Trong khi đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với ý kiến đề nghị bổ sung đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương vào thành phần đoàn giám sát về cải cách hành chính.
Sau khi thống nhất, đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước sẽ do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm phó đoàn thường trực. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy làm phó đoàn.
Hà Nội cần đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức
Theo thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại buổi làm việc ngày 14-7-2016 với UBND thành phố Hà Nội, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu thành phố Hà Nội khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động thiết thực, hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Đồng thời đẩy mạnh rà soát, trình cấp có thẩm quyền đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp (tập trung vào nhóm các thủ tục hành chính phục vụ hội nhập quốc tế, khởi nghiệp doanh nghiệp và trong các lĩnh vực: đất đai, đầu tư, xây dựng, du lịch, hạ tầng kỹ thuật đô thị, lưu thông hàng hóa và tiêu dùng...). Xử lý dứt điểm yêu cầu giải quyết thủ tục đất đai liên quan tới quy hoạch, dự án nhà chung cư để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.
Bên cạnh đó tiến hành rà soát, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan theo hướng gọn, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả. Thực hiện nghiêm túc chính sách tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 20-11-2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.
Phó Thủ tướng yêu cầu thành phố Hà Nội đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm cao; tạo dựng hình ảnh người công chức, viên chức Thủ đô: Liêm chính, trách nhiệm, năng động, chuyên nghiệp... Đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; triển khai xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14-10-2015 của Chính phủ.
Đắk Nông chấn chỉnh việc thực thi công vụ của công chức, viên chức
Theo đánh giá của Sở Nội vụ Đắk Nông, thời gian qua, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh chưa thật sự đẩy mạnh cải tiến lề lối làm việc, buông lỏng công tác quản lý; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chỉ đạo cải cách hành chính chưa đầy đủ. Tình trạng một số công chức, viên chức xem nhẹ kỷ luật kỷ cương hành chính như đi trễ, về sớm, không đeo thẻ công chức, sử dụng thời gian làm việc để giải quyết việc riêng, la cà quán xá, uống rượu bia vào buổi trưa… còn diễn ra phổ biến.
Tỉnh Đắk Nông đã thành lập đoàn liên ngành nhằm kiểm tra tình hình thực thi công vụ trên địa bàn tỉnh.
Kết quả kiểm tra cụ thể của Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Nội vụ chủ trì tại UBND thị xã Gia Nghĩa, UBND huyện Đắk G’Long và các xã, phường thuộc thị xã Gia Nghĩa cho thấy nhiều công chức, viên chức đến cơ quan làm việc muộn hơn so với giờ quy định, không đeo bảng tên trong khi làm nhiệm vụ và vắng mặt trong giờ hành chính không có lý do chính đáng. Tại một số điểm ăn sáng, uống cà phê trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa và huyện Đắk G’Long, một số cán bộ, công chức, viên chức buổi sáng uống cà phê, ăn sáng trễ giờ làm việc.
Đặc biệt, vào khoảng thời gian từ 14h đến 16h chiều thứ 6 hàng tuần (chưa hết giờ làm việc) nhưng có nhiều xe công vụ (xe biển xanh) của các sở, ngành, đơn vị chở công chức, viên chức từ thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) về tỉnh Đắk Lắk nghỉ cuối tuần.
Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính luôn là chủ đề được nhắc tới trong các cuộc giao ban của UBND tỉnh Đắk Nông trong thời gian gần đây.
Ông Nguyễn Đức Nguyên, Giám đốc Sở Nội vụ Đắk Nông cho biết, Sở đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị vi phạm báo cáo giải trình. Đồng thời yêu cầu lãnh đạo cơ quan, đơn vị vi phạm phải nghiêm túc tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm không để tái phạm xảy ra. Nếu tái phạm nghiêm túc xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị có công chức, viên chức vi phạm.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc chấn chỉnh lề lối làm việc, tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ đối với cán bộ, công chức tại cơ quan, đơn vị. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải tiên phong, gương mẫu trong công việc, đồng thời giữ nghiêm kỷ cương lãnh đạo, quản lý điều hành; lấy việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật công tác làm căn cứ để phân loại cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hằng năm.
Điện Biên: Trao giải cuộc thi viết đề xuất giải pháp cải cách thủ tục hành chính
Ngày 26-7, Công đoàn Viên chức Điện Biên tổng kết và trao giải cuộc thi viết “Đề xuất sáng kiến, giải pháp cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp”, được phát động vào ngày 18-3-2016. Ban tổ chức đã nhận được 191 bài tham gia dự thi của 45 đơn vị. Các bài tham gia dự thi đều có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác cải cách thủ tục hành chính hiện nay, nắm rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 theo tinh thần Nghị quyết 30c của Chính phủ; một số bài có sự phân tích đánh giá sâu.
Ban Tổ chức đã trao 35 giải cho các bài dự thi xuất sắc. Giải nhất tập thể thuộc về Công đoàn Sở Kế hoạch và Đầu tư. Giải nhất cá nhân được trao cho đoàn viên Nguyễn Thành Trung, đoàn viên Công đoàn Sở Kế hoạch và Đầu tư. Nhân dịp này Công đoàn Viên chức Việt Nam đã tặng Bằng khen cho 3 cá nhân, Liên đoàn Lao động tỉnh Điện Biên tặng Bằng khen cho 01 tập thể có thành tích xuất sắc trong cuộc thi./.
Toàn cầu hóa tác động tới mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân trong giai đoạn hiện nay  (01/08/2016)
Kỷ niệm ngày mất lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân  (31/07/2016)
Kỷ niệm ngày mất lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân  (31/07/2016)
Kỷ niệm ngày mất lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân  (31/07/2016)
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam diễn biến tích cực  (31/07/2016)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên