Tuyên Quang cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa để phát triển theo hướng bền vững, đưa Tuyên Quang sớm trở thành tỉnh khá trong khu vực miền núi phía bắc, đền đáp công lao giữ nước của các thế hệ đi trước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu nói trên trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang về thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương ngày 18-6.

Cùng tham dự buổi làm việc có ông Hầu A Lềnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc, lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang.

Tập trung thực hiện 3 khâu đột phá

Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Phạm Minh Huấn cho biết giá trị sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm dự kiến đạt 6.700 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ nhưng chưa đạt 50% kế hoạch. Nguyên nhân do thị trường các mặt hàng khai khoáng như thép cán, gang rất khó khăn, giá bán thấp hơn giá thành và hầu hết các cơ sở sản xuất phải giảm quy mô, hoạt động cầm chừng và dừng hẳn sản xuất.

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn duy trì được sự ổn định khi tổng sản lượng lương thực vụ xuân vượt kế hoạch, trồng rừng đạt 98% kế hoạch năm, tạo độ che phủ rừng đạt tỉ lệ cao 60%…

Trong 5 năm tới, Tuyên Quang sẽ tập trung thực hiện 3 khâu đột phá là: Đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ; phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, tập trung vào một số sản phẩm chủ lực (chè, mía, cam, chăn nuôi đại gia súc, thủy sản) với các chỉ tiêu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng bình quân trên 4%/năm, tới năm 2020 có trên 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; khai thác tiềm năng để phát triển du lịch, năm 2020 sẽ thu hút 1,7 triệu lượt khách du lịch.

Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm cho biết thêm, Tuyên Quang sẽ tập trung vào thế mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với các vùng nguyên liệu như mía (hiện nay là 13.000 ha, sẽ tăng lên 15.000 ha vào năm 2020), chè (8.800 ha). Bên cạnh đó, tỉnh phát triển sản xuất vật liệu xây dựng là xi măng, bê tông, gạch và thu hút dệt may, da giày.

Trong sản xuất nông nghiệp, địa phương sẽ tiếp tục phát triển chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò sữa và bò thịt. Toàn tỉnh có hơn 100.000 con trâu, xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc cho giá cao và 1 trang trại bò sữa của Vinamilk đầu tư với 3.000 con. Ngoài ra các nhà đầu tư cũng đang kiến nghị thực hiện 2 dự án nuôi bò sữa và bò thịt.

Du lịch cũng là thế mạnh đáng kể của tỉnh khi toàn tỉnh có 500 di tích lịch sử quan trọng, hằng năm thu hút khoảng 1 triệu du khách tới tham quan. Tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đầu tư để đưa Khu di tích lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào thành Khu du lịch quốc gia. Ông Lâm cũng cho biết tỉnh đang kêu gọi Tập đoàn Vingroup đầu tư một khu nghỉ dưỡng cao cấp ở khu vực suối nước khoáng Mỹ Lâm. Với kế hoạch phát triển du lịch, tỉnh mong muốn năm 2020 sẽ thu hút 1,7 triệu khách.

“Để trở thành một tỉnh phát triển khá trong vùng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, Tuyên Quang sẽ phấn đấu từ vị trí thứ 8/14 tỉnh miền núi phía bắc hiện nay lên vị trí thứ 4 trong vào năm 2020”, ông Lâm nói.

Lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương, tuy nhiên quy mô kinh tế còn nhỏ, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng du lịch, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Lãnh đạo các bộ, ngành cũng cho rằng Chính phủ sớm triển khai đầu tư, xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang-Đoan Hùng kết nối với cao tốc Nội Bài-Lào Cai để hỗ trợ cho phát triển du lịch, sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Không nóng vội trong phát triển

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng mặc dù còn khó khăn nhưng Tuyên Quang đã tạo ra tiền đề cho phát triển trong thời gian tới. Tốc độ phát triển kinh tế giai đoạn trước đạt 14%/năm, thu nhập bình quân gần 1.400 USD/người/năm đã giúp Tuyên Quang thoát khỏi danh sách các tỉnh kém phát triển.

Tuyên Quang thực hiện bài bản tái cơ cấu nông nghiệp, xác định rõ tiềm năng, thế mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung đối với các cây trồng vật nuôi như mía, lạc, chè, cây rừng, chăn nuôi đại gia súc và thủy sản.

Trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã triển khai toàn diện và đạt kết quả tích cực. Phó Thủ tướng cho rằng “không chỉ nhìn vào toàn tỉnh hiện nay chỉ có 10/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng cái hay là các tiêu chí bình quân của toàn tỉnh đạt khá cao với 10,3 tiêu chí và không có xã nào dưới 5 tiêu chí, có khả năng đạt tỉ lệ 30% số xã đạt chuẩn vào năm 2020. Đặc biệt trong 5 năm qua toàn tỉnh đã xây dựng được 2.700 km đường giao thông nông thôn”.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao tỉ lệ giảm nghèo của tỉnh giảm nhanh từ 34% năm 2011 xuống còn 9,31% năm 2015, đời sống xã hội được nâng cao, hơn 98% người dân sử dụng điện lưới.

Đánh giá về việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Tuyên Quang là tỉnh có tư duy đổi mới, sáng tạo, tự lực và bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ. Tư duy phát triển của tỉnh là không nóng vội, không tập trung phát triển công nghiệp khai khoáng mà đi vào phát triển nông nghiệp, du lịch bền vững”.

Phó Thủ tướng cũng cho biết việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 còn gặp nhiều khó khăn nhưng Chính phủ quyết không điều chỉnh các chỉ tiêu và đề nghị tỉnh Tuyên Quang thường xuyên cập nhật các chỉ số về giá tiêu dùng, đẩy mạnh giải ngân chi tiêu công và đầu tư công để tạo ra tăng trưởng, việc làm.

“Tôi đề nghị tỉnh thành lập tổ rà soát, đánh giá việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, kể cả các nguồn vốn xây dựng cơ bản, trái phiếu Chính phủ, nguồn vay nước ngoài cho vay lại, tìm ra vướng mắc để tháo gỡ”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu.

Trong phát triển du lịch, Phó Thủ tướng khẳng định Tuyên Quang có rất nhiều tiềm năng nhưng phải xây dựng đề án phát triển du lịch và các sản phẩm du lịch theo hướng du lịch lịch sử kết hợp hội thảo, hội nghị về nguồn, du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh và du lịch sinh thái.

Tuyên Quang tập trung phát triển doanh nghiệp trên địa bàn bằng cách thu hút nhà đầu tư hay nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại, hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, bảo đảm tới năm 2020 số lượng doanh nghiệp gấp đôi con số 1.200 doanh nghiệp hiện nay. Đi liền với đó tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong nhóm đầu của các tỉnh miền núi phía bắc.

Phó Thủ tướng cũng đồng ý với tỉnh Tuyên Quang và Bộ Giao thông vận tải việc xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang-Đoan Hùng kết nối với cao tốc Nội Bài-Lào Cai theo phương thức BOT nhưng phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Dự án này sẽ góp phần đẩy nhanh sự phát triển của tỉnh trong 5 năm tới.

“Tuyên Quang cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa để phát triển theo hướng bền vững, đưa Tuyên Quang sớm trở thành tỉnh khá trong khu vực miền núi phía bắc, đền đáp công lao giữ nước của các thế hệ đi trước”, Phó Thủ tướng nói.

*Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng đã đến thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, dâng hương tại lán Nà Nưa, nơi Bác Hồ đã sống và làm việc từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 8-1945 để chỉ đạo việc chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Phó Thủ tướng cũng đến thăm hỏi, động viên, tặng quà một số gia đình có công với cách mạng tại làng văn hoá thôn Tân Lập, thăm di tích Chủ tịch phủ, Thủ tướng phủ - ngày nay là Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Chính phủ tại thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương; kiểm tra việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn./.