TCCSĐT- Ngày 1-3, tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ, Khóa họp thứ 13 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc* đã khai mạc và sẽ kéo dài đến ngày 26-3-2010, với sự tham gia của đông đảo các nhà lãnh đạo đến từ khoảng 80 quốc gia cùng đại diện các tổ chức quốc tế. Đoàn Đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng đoàn dẫn đầu tham dự.

Khóa họp này có ý nghĩa quan trọng, định hướng cho hoạt động của Hội đồng Nhân quyền năm 2010 trong bối cảnh Hội đồng Nhân quyền đang tích cực chuẩn bị kiểm điểm 5 năm vào năm 2011 và việc đảm bảo quyền con người trên toàn thế giới đang tiếp tục chịu tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Đây cũng là những nội dung chính được đề cập trong phát biểu của gần 70 vị lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, bộ trưởng và nhiều trưởng đoàn các nước thành viên Liên hợp quốc tại Phiên Thảo luận cấp cao từ ngày 1-3 đến ngày 3-3 vừa qua.

Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 13 của Hội đồng nhân quyền, bà Na-vi Pi-lây (Navi Pillay), Cao ủy về Nhân quyền của Liên hợp quốc, cho rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu đã làm lộ rõ tình trạng vi phạm nhân quyền. Bà Na-vi Pi-lây nêu rõ, cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế, cùng với tình trạng thiếu hụt lương thực, các thảm họa liên quan đến khí hậu và tình trạng bạo lực tiếp diễn đã làm tiêu tan sự thỏa mãn hay ý nghĩ quá lạc quan về việc phát triển an ninh, thịnh vượng, sự an toàn và sự hưởng thụ tự do của tất cả mọi người.

Phát biểu tại phiên họp ngày 2-3, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định: Việt Nam chủ trương thúc đẩy bảo đảm quyền con người thông qua đối thoại và hợp tác quốc tế. Năm 2009, Việt Nam đã bảo vệ thành công Báo cáo Kiểm điểm định kỳ và hiện đang tích cực triển khai thực hiện các khuyến nghị đã chấp nhận.

Việt Nam cũng sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc, tích cực chuẩn bị để đón một số báo cáo viên đặc biệt vào thăm như các Báo cáo viên về nhân quyền và đói nghèo cùng cực, các vấn đề thiểu số, tác động của nợ nước ngoài và y tế. Việt Nam cũng sẽ tiếp tục đối thoại, hợp tác với các nước, trên tinh thần thiện chí, xây dựng, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, để cùng tăng cường hiểu biết và chia sẻ kinh nghiệm về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

Thứ trưởng Phạm Bình Minh cũng giới thiệu những thành tựu quan trọng của Việt Nam về ứng phó khủng hoảng, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo; giáo dục, y tế; tạo việc làm; tạo cơ sở vững chắc cho việc thụ hưởng các quyền con người ở Việt Nam. Ông Phạm Bình Minh cũng cho biết, công tác cải cách luật pháp, hành chính, tư pháp ở Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh, bảo đảm các quyền con người trong pháp luật và trên thực tiễn; trong đó có quyền theo dõi, giám sát thực thi pháp luật, quyền tiếp cận thông tin...

Đóng góp ý kiến vào hoạt động của Hội đồng Nhân quyền, Thứ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Hội đồng Nhân quyền đã hoạt động có hiệu quả hơn, đề cập một cách toàn diện hơn các quyền con người và nhìn chung có bầu không khí đối thoại và hợp tác. Tuy nhiên, Hội đồng Nhân quyền cần đề cao các nguyên tắc phổ quát, minh bạch, khách quan, không thiên vị, loại bỏ việc chính trị hóa, đối đầu để thực sự trở thành một diễn đàn đối thoại và hợp tác, nơi các nước cùng nhau trao đổi kinh nghiệm về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

Trong quá trình kiểm điểm sắp tới, Thứ trưởng Phạm Bình Minh đề xuất Hội đồng Nhân quyền cần tập trung thảo luận nhiều hơn các vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm hiện nay như tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, đói nghèo, dịch bệnh đối với việc thụ hưởng các quyền con người. Mặt khác, việc kiểm điểm Hội đồng Nhân quyền cần được tiến hành một cách minh bạch, dựa trên đối thoại, với sự tham gia của tất cả các nước.

Cùng ngày, Đại sứ Vũ Dũng, Trưởng Phái đoàn Đại diện Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế tại Giơ-ne-vơ, trên cương vị Chủ tịch Ủy ban ASEAN, đã phát biểu tại Phiên thảo luận về Dự thảo Tuyên ngôn Liên hợp quốc về Giáo dục và Đào tạo Nhân quyền.

Thay mặt ASEAN, Đại sứ Vũ Dũng, cho rằng, Dự thảo Tuyên ngôn là một công cụ tốt để tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục nhân quyền, qua đó góp phần tăng cường thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, cũng như sự hiểu biết lẫn nhau, hòa bình và hòa hợp giữa các dân tộc.

Giáo dục, nghiên cứu, phổ biến thông tin, tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật cũng chính là những lĩnh vực Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền quan tâm thúc đẩy.

Trong phiên họp cấp cao, Hội đồng Nhân quyền đã tiến hành kiểm tra và đánh giá các tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế đối với việc thực hiện các quyền con người và thảo luận dự thảo tuyên bố về giáo dục và đào tạo nhân quyền. .

Tại cuộc gặp gỡ cấp cao, Hội đồng Nhân quyền cũng sẽ tiến hành kiểm tra bản báo cáo thường niên của Cao ủy về Nhân quyền của Liên hợp quốc về các hoạt động của Cao ủy, cũng như sẽ có cuộc trao đổi trực tiếp với lãnh đạo chuyên trách này.

Hội đồng Nhân quyền cũng sẽ nghe các chuyên gia đánh giá về các vấn đề Hội đồng phụ trách kiểm tra, đặc biệt là quyền được ở an toàn, quyền được tiếp nhận lương thực, bảo vệ quyền con người trong cuộc chiến chống khủng bố, tra tấn...

Hội đồng cũng sẽ tiến hành các cuộc đối thoại trực tiếp với nhiều đại biểu như các chuyên gia độc lập, nhóm làm việc và các cơ chế khác./.


*. Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (United Nations Human Rights Council) là một tổ chức trực thuộc Đại Hội đồng Liên hợp quốc. Tổ chức này được ra đời ngày 15-3-2006 sau khi Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết thành lập một tổ chức nhân quyền mới, thay thế Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc. Hội đồng Nhân quyền bao gồm 47 quốc gia thành viên.