Nâng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Ấn Độ và In-đô-nê-xi-a lên một tầm cao mới
Chiều 3-3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và các thành viên trong Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hoà Ấn Độ và Cộng hoà In-đô-nê-xi-a theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện Cộng hoà Ấn Độ Meira Kumar và Chủ tịch Hạ viện Cộng hoà In-đô-nê-xi-a Arzuki Alie.
Nhân kết thúc chuyến thăm, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Son đã trả lời phỏng vấn nhóm phóng viên báo chí đi theo đoàn về kết quả và ý nghĩa của chuyến thăm.
Câu hỏi: Thưa Chủ nhiệm, đây là lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tiến hành chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Ấn Độ và Cộng hòa In-đô-nê-xi-a. Xin Chủ nhiệm cho biết một số kết quả nổi bật của chuyến thăm?
Trả lời: Ấn Độ và In-đô-nê-xi-a mỗi nước một vẻ nhưng là hai nước lớn, có vị trí quan trọng ở khu vực và trên thế giới, có quan hệ truyền thống với Việt Nam. Qua chuyến thăm lần này hai bên hiểu biết nhau sâu sắc hơn, các bạn càng tin cậy, quí mến Việt Nam hơn, thấy rõ hơn vị trí, vai trò của Việt Nam, nhất là thành công của Việt Nam sau hơn hai mươi năm đổi mới, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Ta cũng hiểu bạn hơn, thấy rõ mặc dù khó khăn, nhưng đất nước của bạn đã thay đổi nhanh chóng, vừa qua đã sớm vượt qua tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế và có nhiều tiềm năng hợp tác với Việt Nam nhưng chưa được hai bên khai thác tương xứng.
Chuyến thăm đã tạo xung lực mới thúc đẩy quan hê giữa ta với hai nước này. Ấn Độ khẳng định thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, nhấn mạnh Việt Nam cần lĩnh vực gì, Ấn Độ sẵn sàng hợp tác lĩnh vực ấy, nhất là về dầu khí, công nghệ thông tin, giáo dục đào tạo, du lịch… In-đô-nê-xi-a sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, trong đó ưu tiên khai khoáng, đầu tư sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch và cả nghề cá.
Hai nước mong muốn nâng quan hệ hợp tác với Việt Nam lên một tầm cao mới trong giai đoạn hiện nay; cho rằng đã chín muồi để thực hiện điều này và vì vậy đánh giá chuyến thăm là đúng lúc, kịp thời. Các đảng phái và các lực lượng chính trị ở hai nước dù là đối lập, nhưng đối với Việt Nam thì đồng thuận cao, đều khẳng định tăng cường hợp tác với Việt Nam.
Chuyến thăm không chỉ góp phần thúc đẩy quan hệ song phương mà còn tranh thủ được các bạn ủng hộ Việt Nam trong quan hệ đa phương. Ấn Độ nhấn mạnh, Việt Nam là trung tâm của chính sách hướng Đông. In-đô-nê-xi-a ủng hộ Việt Nam tham dự hội nghị G20 với tư cách là Chủ tịch ASEAN.
Cả hai nước đều khẳng định ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công Năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA.
Hai Quốc hội bạn cam kết tăng cường hợp tác với Việt Nam không chỉ trong quan hệ song phương mà còn ủng hộ Việt Nam trên các diễn đàn khu vực và thế giới; khẳng định hợp tác toàn diện với Quốc hội Việt Nam để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội mỗi nước.
Chuyến thăm lần này như hai bên khám phá lại nhau trong thời kỳ phát triển mới. Phía bạn dành cho đoàn tình cảm rất trọng thị nhưng chân tình, nồng ấm không hề có biểu hiện xã giao, vượt qua cả nghi lễ ngoại giao thông thường.
Cả hai nước đều dành cho Việt Nam, cho Bác Hồ những tình cảm đầy xúc động, có những nhà lãnh đạo hỏi xin ảnh Bác Hồ để treo ở trụ sở làm việc.
Tất cả lãnh đạo cấp cao hai nước trong tiếp xúc với đoàn đều bày tỏ mong muốn nâng cấp quan hệ Việt Nam lên một bước mới.
Câu hỏi: Với việc tổ chức các Diễn đàn đoanh nghiệp ở cả hai nước, chuyến thăm có ý nghĩa như thế nào trong việc mở ra các cơ hội hợp tác giữa Việt Nam với hai nước mà Đoàn đến thăm?
Trả lời: Việc tổ chức diễn đàn doanh nghiệp ở hai nước và tổ chức “Những ngày Việt Nam ở Ấn Độ” lần này được bạn bè rất nhiệt tình hưởng ứng và đánh giá thành công tốt đẹp, thúc đẩy sự hợp tác song phương cả chính trị, kinh tế, văn hóa giữa ta với hai nước bạn. Trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, lãnh đạo hai nước này đều cho rằng quan hệ hợp tác chưa tương xứng. Kim ngạch hai chiều trong năm qua giữa Việt Nam với mỗi nước này chỉ đạt 2 tỷ USD nhưng ta nhập siêu gần 1/3 trong mỗi số đó. Do đó bạn đánh giá cao việc tổ chức diễn đàn tạo cơ hội để giới doanh nghiệp hai bên tìm hiểu thị trường, điều kiện của nhau để thúc đẩy hợp tác có hiệu quả, nhất là ở những lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh như đã nêu ở trên.
Các diễn đàn này tạo động lực mới cho giới doanh nghiệp hai bên và triển vọng hợp tác là rất sáng sủa. Lãnh đạo hai nước đánh giá cao các sự kiện này.
Tổng thống và Chủ tịch Quốc hội In-đô-nê-xi-a hứa sẽ mang theo đoàn doanh nghiệp lớn khi tới thăm Việt Nam ngay trong năm 2010 này để thúc đẩy hợp tác đầu tư. Giới doanh nghiệp hai nước đều coi Việt Nam là điểm đến an toàn, tin cậy và song trùng lợi ích nên chỉ còn việc tính toán hiệu quả kinh tế.
Câu hỏi: Xin Chủ nhiệm cho biết triển vọng hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội hai nước mà Đoàn đến thăm, sau chuyến công tác này?
Trả lời: Cả hai nước đều mong chờ và coi trọng chuyến thăm này của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nên hưởng ứng rất tích cực những đề xuất của ta. Quốc hội hai nước cam kết ủng hộ Quốc hội Việt Nam trên những lĩnh vực Việt Nam cần hợp tác, ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA-31; khẳng định đẩy mạnh trao đổi thông tin, kinh nghiệm với Quốc hội Việt Nam, nhất là trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, phối hợp tham vấn với Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế.
Hai bên cùng thỏa thuận phối hợp giám sát để thực thi các hiệp định của hai nước có kết quả thiết thực, góp phần thúc đẩy quan hệ hai bên lên một bước mới trong giai đoạn hiện nay. Quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội sẽ đi vào thực chất và hiệu quả thiết thực hơn.
Câu hỏi: Chuyến thăm có ý nghĩa như thế nào trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với ASEAN, cũng như với các đối tác bên ngoài, đồng thời góp phần hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch AIPA và Chủ tịch ASEAN, thưa Chủ nhiệm?
Trả lời: Chuyến thăm này không chỉ góp phần thúc đẩy, nâng cấp quan hệ song phương, mà còn thúc đẩy quan hệ hợp tác đa phương của Việt Nam và ASEAN. Như tôi đã nói, Ấn Độ thực hiện chính sách hướng Đông, rất coi trọng quan hệ với ASEAN và coi Việt Nam là trung tâm của chính sách này. In-đô-nê-xi-a là một trong các nước sáng lập ASEAN, AIPA, là nơi đóng trụ sở của Ban Thư ký ASEAN, AIPA.
Cả hai nước khẳng định ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm thành công trọng trách Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA; mong muốn hợp tác với Việt Nam không chỉ phục vụ cộng đồng ASEAN phát triển phồn vinh, thịnh vượng, mà còn ủng hộ các nước ASEAN và cộng đồng ASEAN mở rộng quan hệ với các nước và các khu vực khác, nâng cao vị thế của các nước ASEAN cũng như Cộng đồng ASEAN trên trường quốc tế.
Như vậy, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội ta lần này có nhiều điểm trùng hợp rất thú vị và nhiều điểm tương đồng về lợi ích song phương và đa phương. Có được điều đó là do điều kiện khách quan và những nỗ lực chủ quan của Việt Nam mang lại, do đó được cả hai nước rất hoan nghênh và chờ đón.
Với sự ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình của các nước bạn và cố gắng của ta, Việt Nam nhất định đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA; góp phần để lại dấu ấn Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế trong năm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội./.
Lễ hội văn hóa đặc sắc của các dân tộc ở Lào, Cam-pu-chia và Thái Lan  (04/03/2010)
Kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi  (04/03/2010)
Về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở  (04/03/2010)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên