TCCSĐT - Ngày 3-3-2010, tại cuộc họp báo thông báo kết quả cuộc họp Chính phủ thường kỳ diễn ra trong hai ngày 2 đến ngày 3-3-2010 đánh giá về tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội vĩ mô năm 2010, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục đà phục hồi. Tuy nhiên, đó mới chỉ là phục hồi dần để trở về mức tăng trưởng trước khủng hoảng.

Kinh tế vĩ mô trong năm 2010 tiếp tục ổn định

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, kinh tế vĩ mô của nước ta trong năm 2010 tiếp tục ổn định. Các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ tăng trưởng tốt; tỷ lệ nhập siêu nằm trong ngưỡng an toàn của hoạt động điều hành kinh tế vĩ mô; các chính sách tiền tệ, tài khóa được Chính phủ điều hành một cách hài hòa.

Trong hai tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,6%; nông nghiệp ổn định; thương mại, dịch vụ tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 2 tháng đầu năm ư­ớc tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8.913 triệu USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2009. Nhập siêu 2 tháng đầu năm là 1.745 triệu USD, bằng 19,6% so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2010 tăng 1,96% so với tháng 1-2010, tăng 3,35% so với tháng 12-2009. Với tình hình diễn biến hai tháng đầu năm và xu hướng phục hồi kinh tế thế giới, Chính phủ dự báo tình hình kinh tế trong nước trong thời gian tới tiếp tục phục hồi với tốc độ tăng trưởng nhanh hơn các năm trước, nhất là trong công nghiệp và dịch vụ.

Chính phủ không đặt ra việc điều chỉnh chỉ tiêu kiềm chế lạm phát
 
Theo ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, hiện nay, một tâm lý khá phổ biến xuất hiện trong xã hội cho rằng, lạm phát cao đang quay trở lại do thực hiện “gói kích cầu”, giá tăng trước và sau dịp Tết cũng như tỷ lệ lạm phát cao diễn ra vào những tháng cuối năm 2009. Để tránh không gây ra nhiều nỗi băn khoăn như vậy, Chính phủ đã bàn bạc một cách nghiêm túc việc có đạt được mục tiêu về lạm phát như Quốc hội đã đặt ra hay không? Có giữ được ổn định vĩ mô như mục tiêu ưu tiên mà Chính phủ đã đặt ra cho năm 2010 hay không? Trả lời những câu hỏi này, các bộ, ngành đều thấy rằng, theo con số thống kê về chỉ số lạm phát và tăng giá, trong 2 tháng vừa qua chưa có gì đột biến bất thường so với cùng kỳ nhiều năm trước.
 

Năm

Chỉ số tăng giá

Lạm phát cả năm

2003

3,1%

4%

2004

4,1%

9,5%

2005

3,6%

8,4%

2006

3,3%

6,6%

2007

3,2%

12,6%

2008

5,94%

19,89%

2009

1,49%

6,32%

2010

3,35%

--

Về chỉ số tăng giá, trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2010, nếu so 2 tháng đầu năm 2010 với đồ thị của các năm, thì mức tăng giá của 2010 cũng chỉ xấp xỉ của các năm 2003, 2004, 2005, 2006, 2007, trừ năm 2008 lạm phát cao đột biến và năm 2009 cũng là thấp đột biến do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế. Theo phân tích của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, mặc dù cần tránh tâm lý chủ quan, nhưng chỉ số tăng giá ở mức 3,35% trong 2 tháng đầu năm cho thấy, đây chưa phải là mức tăng đáng lo ngại. Ông Lê Đức Thúy khẳng định, đó cũng là nhận định chung của Chính phủ và kết luận của Chính phủ.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và ông Lê Đức Thúy, đều cho rằng, với đà tăng như hiện nay của chỉ số giá tiêu dùng và nhập siêu, việc giữ tốc độ lạm phát năm 2010 ở mức 7% theo mục tiêu Quốc hội đề ra là khó, tuy nhiên, nói rằng không thể đạt được mục tiêu này là không có cơ sở bởi diễn biến tăng giá tiêu dùng 2 tháng đầu năm 2010 không có yếu tố bất thường.

Được hỏi về việc Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia có nhận xét gì về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2010, ông Lê Đức Thúy cho rằng, xét một cách khái quát, nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2010 vẫn tiếp tục trên đà phục hồi với những biểu hiện tốt về cả sản xuất, công nghiệp và dịch vụ, tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, các chỉ số này được so với cùng kỳ năm trước - năm đáy của khủng hoảng.

Ông Lê Đức Thúy cho rằng, hiện nay vấn đề đáng quan tâm hơn là giá cả tháng 3, bởi trong năm nay, dự kiến giá tháng 3 có thể cao hơn 2 tháng trước. Chính phủ nhận định CPI tháng 3 sẽ tăng cao hơn bình thường. Có thể tăng từ 0,5 đến 1%, dẫn đến CPI của quý I/2010 có thể tăng tới 4%. Nếu điều hành không tốt, CPI cả năm có thể lên tới 8 đến 9% (vượt chỉ tiêu của Quốc hội), tuy vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Nguyên nhân của CPI tăng là do việc điều chỉnh tỷ giá chính thức giữa VND/USD, do tăng giá xăng, giá than và giá điện. Tuy nhiên, Chính phủ cho phép tăng giá than chỉ là tăng giá than cung cấp cho ngành điện chứ không tăng giá than cho các hộ tiêu dùng vì giá than cho sinh hoạt cơ bản đã được xử lý, cho nên nếu có ảnh hưởng thì chỉ thông qua giá điện mà thôi chứ không phải trực tiếp do giá than.

Sắp tới, Chính phủ sẽ xem xét lại cơ chế tăng giá xăng dầu, tiến tới điều chỉnh lại giá xăng dầu nhưng không làm ảnh hưởng đến các loại giá khác. Không để tình trạng tăng giá liên tục 5 lần với độ dày cao, trong khi giá xăng thế giới tăng thấp hơn như thời gian qua. Đối với giá điện, đây là lần điều chỉnh giá duy nhất, và giá điện sẽ được giữ nguyên từ nay cho đến hết năm 2010. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết: “Thủ tướng khẳng định, chúng ta đủ khả năng kiểm soát lạm phát, không coi thường nhưng không lo lắng, hoàn toàn đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra, hiện Chính phủ không đặt ra việc điều chỉnh chỉ tiêu kiềm chế lạm phát”.

Tại phần kết luận của Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp tháng 2, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ngoài việc đánh giá tình hình phát triển kinh tế tháng 2, Chính phủ cũng đã nghe và thảo luận cho ý kiến đối với Đề án đổi mới và đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011 - 2020 theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; Dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam; dự thảo Nghị định về Đăng ký doanh nghiệp và một số dự án Luật: Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Các vùng biển Việt Nam; Luật Khoáng sản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thanh tra./.