Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 18-4 đến ngày 24-4-2016)
Hành động khẩn cấp đối phó với tình trạng dư thừa thép
Trung Quốc có thể phải đối mặt các
biện pháp thương mại từ các nước khác nếu không giảm sản lượng thép dư
thừa. Ảnh: Reuters/TTXVN
Ngày 19-4-2016, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và 6 quốc gia khác (Canada, Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ) đã kêu gọi hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng dư thừa sản lượng thép trên toàn cầu. Theo một tuyên bố chung do Bộ Thương mại Mỹ công bố, đại diện của các nước này nhất trí phải nhanh chóng tái cơ cấu ngành công nghiệp thép theo định hướng của thị trường và các chính phủ không nên trợ giá và có các hình thức hỗ trợ khác để duy trì các nhà máy thép làm ăn thua lỗ hoặc khuyến khích việc gia tăng sản lượng. Trong một phát biểu riêng, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker và Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman nhấn mạnh Washington sẽ tiếp tục vận động các đối tác thép hành động trước tình trạng dư thừa sản lượng thép hiện nay. Thông cáo nhấn mạnh các nền kinh tế khác, trong đó có Trung Quốc, sẽ tiến tới mục đích chung là thừa nhận giá trị của những hành động này và cùng tham gia nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ngành thép. Phía Mỹ còn nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần giảm sản lượng thép dư thừa nếu không sẽ phải đối mặt các biện pháp thương mại có thể có từ các nước khác.
Các bộ trưởng và quan chức cấp cao của hơn 30 nước vừa có cuộc họp vào ngày 18-4 tại Brussels do Bỉ và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đồng chủ trì, trong đó kết luận rằng việc dư thừa sản lượng thép hiện nay cần phải được giải quyết bằng cách tái cơ cấu ngành thép trong bối cảnh Trung Quốc, quốc gia có sản lượng thép chiếm hơn 50% sản lượng toàn thế giới, đã đẩy mạnh xuất khẩu thép ra thị trường nước ngoài trong nhiều năm trở lại đây.
Hội nghị Đối tác nghị viện Á - Âu lần thứ chín: Cam kết duy trì hòa bình và an ninh, tự do hàng hải
Từ ngày 21 đến 22-4-2016, Hội nghị Đối tác nghị viện Á - Âu lần thứ chín (ASEP 9) đã diễn ra tại Thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ. Với chủ đề “Vai trò của ASEP đối với ASEM”, Hội nghị đã thảo luận hai nội dung “Kết nối và hiệu quả của các cơ chế đa phương” và “Đối tác hướng tới tương lai”.
Đối với nội dung “Kết nối và hiệu quả của các cơ chế đa phương”, các đại biểu thừa nhận tầm quan trọng của kết nối trong tất cả các khuôn khổ hợp tác ASEM, nhất trí cần đẩy mạnh kết nối hơn nữa giữa nhân dân, nghị viện và chính phủ các nước châu Á với châu Âu thông qua việc đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối giữa các khu vực. Các chương trình trao đổi cũng góp phần nâng cao lưu thông hàng hóa, dịch vụ và giao lưu giữa nhân dân Á - Âu nhằm tăng cường sự hiểu biết và quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai khu vực. Đối với nội dung “Quan hệ Đối tác hướng tới tương lai”, các đại biểu khẳng định cam kết tiếp tục ủng hộ ASEM củng cố quan hệ đối tác giữa hai khu vực trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản khác. Các nghị sĩ cũng đề nghị Hội nghị quan chức cấp cao ASEM xem xét đề xuất của Mông Cổ về việc thành lập Trung tâm ASEM và nghiên cứu khả năng sửa đổi điều lệ của ASEP để bảo đảm sự liên tục trong hoạt động của tổ chức này giữa các hội nghị thượng đỉnh. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung nhấn mạnh đến vai trò của các nghị sĩ trong quá trình liên kết Á - Âu để bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Dự kiến ASEP 10 sẽ được tổ chức tại châu Âu vào năm 2018.
175 nước ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu
Lễ ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ảnh: Getty Images/VOV
Ngày 22-4-2016 - ngày Quốc tế Mẹ Trái đất, tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ), đại diện của 175 quốc gia, trong đó có những nước phát thải nhiều khí thải như Mỹ và Trung Quốc, đã tham gia Lễ ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Tổng thống Pháp Francois Hollande là nhà lãnh đạo đầu tiên đặt bút ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tiếp đến là lãnh đạo các quốc đảo đang chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng biến đổi khí hậu. Đây được coi là kỷ lục mới trong ngành ngoại giao thế giới khi trong cùng một ngày có tới 175 quốc gia ký kết một hiệp định. Kỷ lục trước đó được lập vào năm 1982, khi 119 quốc gia cùng ký kết Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Hiệp định Paris được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris (Pháp) hồi tháng 12 năm ngoái. Các quốc gia tham gia nhất trí kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2°C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng những năm 1850). Ngoài ra, hiệp định cũng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu. Dự kiến, Hiệp định Paris sẽ bắt đầu có hiệu lực 30 ngày sau khi được 55 quốc gia chiếm ít nhất 55% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu phê chuẩn. Mặc dù chỉ tiêu đề ra là năm 2020, nhưng nếu được các nước phê chuẩn sớm, hiệp định này có thể bắt đầu có hiệu lực trong năm nay hoặc đầu năm tới.
Các chính đảng châu Á xác định những thách thức chung
Từ ngày 22-4 đến ngày 24-4-2016, Hội nghị Ủy ban Thường trực Hội nghị Quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP) lần thứ 26 và Cuộc gặp ba bên lần thứ nhất giữa Ủy Ban Thường Trực (ICAPP), Cơ quan điều hành Hội nghị thường trực các chính đảng Mỹ Latinh và vùng Caribe (COPPPAL) và Ủy ban điều hành Hội đồng các chính đảng châu Phi (CAPP) đã diễn ra tại Jakarta, Indonesia. Hội nghị có chủ đề “Vai trò của các chính đảng trong việc tăng cường dân chủ vì lợi ích của nhân dân”.
Tại Hội nghị Ủy ban Thường trực ICAPP 26, các đại biểu đã tập trung đánh giá hoạt động của ICAPP kể từ cuộc họp Ủy ban Thường trực 25 và thảo luận về các hoạt động của ICAPP trong thời gian tới, đặc biệt là công tác chuẩn bị cho Hội nghị toàn thể ICAPP lần thứ chín dự kiến tổ chức tại Malaysia vào tháng 9 năm nay. Trong khuôn khổ cuộc gặp ba bên lần thứ nhất giữa ICAPP, COPPPAL và CAPP, các đại biểu đã thảo luận và ra Tuyên bố chung Jakarta về hợp tác ba bên giữa ICAPP, COPPPAL và CAPP, khẳng định cam kết thực hiện các mục tiêu trong Hiến chương Liên hợp quốc và tinh thần Bandung về hòa bình và hợp tác quốc tế; nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, đề cao công lý quốc tế; xác định đói nghèo, sự xuống cấp của môi trường, biến đổi khí hậu, hạn hán, nước biển dâng là những thách thức chung nghiêm trọng nhất ở cả 3 lục địa.
Cam kết thúc đẩy chia sẻ thông tin về dịch bệnh ở vật nuôi
Ảnh minh họa. Ảnh: thucpham.com
Sau hai ngày nhóm họp tại thành phố ven biển Niigata của Nhật Bản, ngày 24-4-2016, Hội nghị các bộ trưởng nông nghiệp nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã ra Tuyên bố chung Niigata, trong đó nhất trí thúc đẩy chia sẻ thông tin về các dịch bệnh ở vật nuôi.
Tuyên bố chung Niigata nêu rõ nhằm đối phó với vấn đề nguồn cung lương thực, thực phẩm bị ảnh hưởng do các bệnh dịch lớn liên quan đến vật nuôi lây lan qua các nước thời gian qua, như cúm gia cầm và bệnh lở mồm, long móng, các bộ trưởng đã nhất trí xây dựng một khuôn khổ quốc tế nhằm chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm. Trong khuôn khổ này, các bên cũng sẽ trao đổi thông tin về sự gia tăng vi khuẩn kháng thuốc, khi ngày càng có nhiều lo ngại rằng việc sử dụng lâu dài thuốc kháng sinh để phòng bệnh cho vật nuôi đang dẫn tới tình trạng kháng thuốc ở đàn gia súc, gia cầm. Tuyên bố khẳng định lĩnh vực nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực, đặc biệt trong kỷ nguyên đô thị hóa nhanh hiện nay. Tại Hội nghị, các bộ trưởng đã thảo luận các biện pháp cần thiết để nâng cao sản lượng nông nghiệp toàn cầu để đáp ứng đủ nhu cầu trong bối cảnh dân số thế giới dự kiến tăng hơn 20%, lên khoảng 9,2 tỷ người, vào năm 2050. Các bộ trưởng cũng khẳng định tầm quan trọng của việc gia tăng đầu tư vào ngành nông nghiệp tại các nước phát triển, tăng cường hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp để tạo ra những nông sản có giá trị gia tăng cao, từ đó tăng thu nhập của người nông dân. Cũng trong tuyên bố chung, các đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải thu hút thêm nhiều lao động là phụ nữ và thanh niên vào ngành nông nghiệp./.
Thủ tướng Chính phủ sẽ đối thoại với 3.000 công nhân miền Đông Nam Bộ  (25/04/2016)
Khai mạc phiên họp thứ 47 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII  (25/04/2016)
Những điều cấm trong vận động bầu cử của ứng viên đại biểu Quốc hội  (25/04/2016)
Những điều cấm trong vận động bầu cử của ứng viên đại biểu Quốc hội  (25/04/2016)
Khánh thành bệnh viện chuyên khoa Nhi lớn và hiện đại nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long  (25/04/2016)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào thăm hữu nghị chính thức Việt Nam  (25/04/2016)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay