Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 04-4 đến ngày 10-4-2016)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, vtv, vov)
21:28, ngày 11-04-2016

TCCSĐT - Trong số 30 nền kinh tế xuất khẩu hàng đầu của WTO, Việt Nam là quốc gia duy nhất có giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng trong năm 2015, với mức tăng là 7,9%. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong số 30 quốc gia nhập khẩu hàng đầu có giá trị nhập khẩu tăng, lên tới 12,3%.

Trên 80% tổ chức tín dụng đánh giá nợ xấu sẽ giảm trong năm 2016

Khoảng 80 - 90% tổ chức tín dụng đánh giá tỷ lệ nợ xấu tiếp tục có xu hướng giảm trong quý I, quý II so với quý liền trước. Trong đó 91,2% tổ chức tín dụng tin tưởng tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng ở mức dưới 3%, chỉ có một vài tổ chức tín dụng thuộc nhóm các công ty tài chính và cho thuê tài chính nhận định tỷ lệ nợ xấu của đơn vị mình còn ở mức trên 3%.

Đó là thông tin vừa được Vụ Dự báo, thống kê của Ngân hàng Nhà nước công bố trong báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh đối với các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam quý II-2016.

Theo nhận định của các tổ chức tín dụng, môi trường kinh doanh và kết quả hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng tiếp tục cải thiện trong quý I và dự kiến phục hồi bền vững trong quý II và cả năm 2016, thanh khoản dồi dào, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng và rủi ro của các nhóm khách hàng tiếp tục xu hướng giảm.

Các tổ chức tín dụng cũng điều chỉnh kỳ vọng đối với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, huy động vốn và tín dụng về mức hợp lý hơn nhưng vẫn cao hơn các mức kỳ vọng và tăng trưởng thực tế của năm 2015.

Theo đánh giá của các tổ chức tín dụng, trong quý I các yếu tố nội tại và môi trường kinh doanh bên ngoài đều được cải thiện nhưng chưa rõ nét so với quý trước, trong các nhân tố khách quan thì “Chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước” và “Cơ chế quản lý và quy định về an toàn hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước” được đánh giá là hai nhân tố cải thiện mạnh mẽ nhất trong khi các yếu tố khác vẫn chậm cải thiện.

Dự báo cho cả năm 2016, các tổ chức tín dụng kỳ vọng hầu hết các nhân tố khách quan sẽ có sự cải thiện rõ nét so với năm 2015. Bên cạnh các nhân tố thuộc về quản lý, điều hành của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng kỳ vọng “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của tổ chức tín dụng” và “Điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” cũng sẽ được cải thiện đáng kể.

Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng xuất nhập khẩu ấn tượng

Theo kết luận của báo cáo “Thương mại thế giới năm 2015 và Triển vọng năm 2016” được Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo công bố hôm 07-4, trong số 30 nền kinh tế xuất khẩu hàng đầu của WTO, Việt Nam là quốc gia duy nhất có giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng trong năm 2015, với mức tăng là 7,9%. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong số 30 quốc gia nhập khẩu hàng đầu có giá trị nhập khẩu tăng, lên tới 12,3%.

Báo cáo cũng cho biết bức tranh thương mại toàn cầu năm 2015 khá ảm đạm với giá trị thương mại hàng hóa toàn cầu đã giảm 13,2%, xuống còn 16,5 nghìn tỷ USD, trong đó Trung Quốc giảm 2,9%, xuống còn 2.270 tỷ USD. Tiếp theo đó là Mỹ giảm 7,1%, xuống còn 1.500 tỷ USD và Đức giảm 1%, xuống còn 1.000 tỷ USD.

Trong năm 2015, Mỹ vẫn là nhà nhập khẩu hàng đầu thế giới, với giá trị hàng hóa nhập khẩu là 2.300 tỷ USD (giảm 4,3%), tiếp đến là Trung Quốc 1.600 tỷ USD(giảm 14,2%).

Ngoài ra, trong khi giá trị xuất khẩu hàng may mặc của các quốc gia có truyền thống về mặt hàng này như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Italy giảm, thì các nước châu Á như Bangladesh, Việt Nam, Campuchia và Myanmar lại ghi nhận mức tăng mạnh mẽ.

WTO hạ dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2016

Các chuyên gia kinh tế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 06-4 đã hạ mức dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2016 xuống 2,8% so với mức 3,9% được đưa ra trước đó. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng trong năm nay, thương mại toàn cầu tăng trưởng ở mức yếu và không ổn định. Sang năm 2017, mức tăng trưởng sẽ được khôi phục và đạt 3,6%, tuy nhiên, con số này vẫn còn thấp hơn mức trung bình 5% mà thế giới từng ghi nhận từ năm 1990.

Tổng giám đốc WTO Roberto Azevedo nhấn mạnh rằng đây là năm thứ 5 liên tiếp tăng trưởng thương mại toàn cầu ở mức dưới 3%. Ngoài ra, WTO cũng lưu ý về sự gia tăng trong lưu lượng các container tới các cảng lớn trên thế giới cùng sự tăng trưởng doanh số bán xe hơi ở những nước phát triển.

Cải cách thị trường lao động và sản phẩm mang lại tín hiệu lạc quan

Ngày 06-4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hối thúc các nền kinh tế phát triển triển khai cải cách thị trường lao động và thị trường sản phẩm để có thể vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn kéo dài như hiện nay cũng như thúc đẩy tăng trưởng.

Trong báo cáo "Triển vọng Kinh tế thế giới" được công bố hai lần mỗi năm, IMF nhận định việc cải cách thị trường lao động và sản phẩm có thể giúp các nền kinh tế phát triển vượt qua giai đoạn tăng trưởng chậm chạp do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thông qua việc tăng sản lượng sản xuất trong các lĩnh vực tiềm năng và nâng cao trình độ của người lao động về trung hạn.

Báo cáo nhấn mạnh "Việc ưu tiên cải cách thị trường lao động và sản phẩm đóng vai trò quan trọng khi mang lại tín hiệu lạc quan trong tình hình khó khăn hiện nay tại nhóm các nền kinh tế phát triển nhất thế giới".

Báo cáo của IMF cũng nhận định các biện pháp cải cách thị trường lao động mang lại những tác động khác nhau bởi còn phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế. Chẳng hạn các cải cách đòi hỏi sự kích thích tài chính được đánh giá mang tính hiệu quả nhất, trong đó bao gồm việc giảm thuế lao động và tăng chi tiêu công cho các chính sách về thị trường lao động. Ngược lại, các cải cách liên quan đến việc bảo vệ người lao động và hệ thống phúc lợi của người thất nghiệp chỉ có lợi trong điều kiện kinh tế tốt, nhưng lại "phản tác dụng" khi nền kinh tế còn yếu kém.

Ngoài ra, IMF cũng khuyến cáo các nước phát triển cần ưu tiên cải cách thị trường sản phẩm bởi biện pháp này có thể giúp tăng sản lượng sản xuất bất chấp mọi điều kiện kinh tế cũng như không gây sức ép lên tài chính công.

Liên quan đến các nền kinh tế mới nổi, báo cáo của IMF nhận định việc cải thiện các chính sách sẽ giúp giảm bớt những tác động từ sự sụt giảm của dòng vốn chảy vào các quốc gia này. Theo IMF, kể từ năm 2010, lượng vốn chảy vào các nền kinh tế mới nổi đã giảm liên tục, đặt ra rào cản cho sự tăng trưởng mong manh của nền kinh tế toàn cầu. Nguyên nhân, theo IMF, chủ yếu là do sự thu hẹp khác biệt trong triển vọng tăng trưởng kinh tế giữa các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, việc cải thiện “các khung chính sách" đã phần nào làm giảm đáng kể những tác động của các cuộc khủng hoảng nợ bên ngoài tới các nền kinh tế mới nổi. Ngoài ra, lượng dự trữ ngoại hối cao và số nợ ngoại tệ thấp cũng giúp giảm tác động của sự thoái vốn.

Giới chức Fed bất đồng về lộ trình tăng lãi suất cơ bản tại Mỹ

Trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu không mấy tích cực có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế đầu tàu thế giới, các quan chức của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang bất đồng về thời điểm thể chế tài chính này quyết định cho lần tăng lãi suất cơ bản tiếp theo.

Trong cuộc họp thường kỳ ngày 15 và ngày 16-3 vừa qua, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, đã thống nhất tiếp tục duy trì tỷ lệ lãi suất cơ bản hiện ở mức 0,25% - 0,5% trong bối cảnh môi trường kinh tế toàn cầu khó khăn đòi hỏi mức lãi suất thấp.

Hầu hết trong tổng số 17 quan chức Fed tham gia cuộc họp cũng bày tỏ sự hài lòng đối với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới, đồng thời nhất trí rằng kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ diễn ra "chậm và từ từ" trong thời gian tới và quyết định điều chỉnh lãi suất sẽ phụ thuộc vào những đánh giá đối với tình hình kinh tế Mỹ và thế giới.

Cuộc họp vừa qua của FOMC cũng chứng kiến sự chia rẽ giữa giới chức Ngân hàng Trung ương Mỹ khi các quan chức bày tỏ những quan điểm khác nhau về thời điểm tăng lãi suất cơ bản. Một số nhà hoạch định chính sách bày tỏ thận trọng về việc điều chỉnh lãi suất trong tương lai do lo ngại những nguy cơ tài chính và kinh tế toàn cầu, trong đó có tốc độ tăng trưởng chững lại của nền kinh tế Trung Quốc, có thể đe dọa đến triển vọng của hoạt động kinh tế và thị trường lao động tại Mỹ. Họ cũng lo lắng về hoạt động đầu tư kinh doanh trong nước đang bị chững lại và các kế hoạch chi tiêu nguồn vốn hạn chế tại khu vực doanh nghiệp. Do đó, nhóm quan chức này cho rằng thậm chí nếu Fed tăng lãi suất cơ bản vào tháng 4 tới vẫn sẽ là hành động vội vàng và "không hợp lý".

Trong khi đó, một số thành viên khác cho biết họ ủng hộ việc nâng lãi suất vào tháng Ba vừa qua, đồng thời bày tỏ lo ngại việc kéo dài lộ trình này có thể khiến Fed đẩy nhanh việc điều chỉnh lãi suất trong tương lai, khiến nền kinh tế bất ổn.

Biên bản cuộc họp của Fed được công bố gần hai tuần sau khi Chủ tịch Fed Janet Yellen có bài phát biểu tại Câu lạc bộ kinh tế New York về triển vọng kinh tế Mỹ, trong đó nhấn mạnh thể chế tài chính này sẽ không vội vàng tăng lãi suất cơ bản trong bối cảnh những rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa chấm dứt. Bà khẳng định các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương sẽ "hành động một cách thận trọng" trong việc nâng lãi suất bởi những nguy cơ đối với kinh tế toàn cầu vẫn đang hiện hữu.

Bà Janet Yellen cũng đề cập đến hai rủi ro - tình trạng giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc trong khi nước này đang gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng; và triển vọng không mấy tích cực của thị trường hàng hóa, đặc biệt là giá dầu, vẫn "phủ bóng đen" lên nền kinh tế toàn cầu.

Trước đó, hồi cuối năm ngoái, Fed đã công bố quyết định nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên sau gần 1 thập kỷ, theo đó tăng lãi suất cơ bản lên mức 0,25%-0,5%. Lãi suất thấp ở mức tượng trưng gần 0% từng được Fed duy trì từ cuối năm 2008 tới nay, như là một công cụ nhằm khuyến khích đầu tư và tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2007 - 2009./.