“Hồ sơ Panama” - những tiết lộ chấn động thế giới

Tuấn Phương (tổng hợp)
22:18, ngày 09-04-2016

TCCSĐT - Trong một tuần qua, quả bom thông tin mang tên “Hồ sơ Panama” đang gây chấn động toàn thế giới. Các cuộc điều tra ở nhiều quốc gia đang bắt đầu để tìm hiểu những bí mật ẩn giấu trong 11,5 triệu tài liệu của Công ty Luật Mossack Fonseca có trụ sở tại Panama vừa được tiết lộ liên quan đến các hoạt động trốn thuế và rửa tiền của nhiều cá nhân, tổ chức trên thế giới.

 
"Hồ sơ Panama" - những bí mật cần được điều tra. Ảnh: AFC

“Hồ sơ Panama”

Hơn một năm trước, tờ báo Süddeutsche Zeitung (Nam Đức, SZ) ở Munich (Đức), đã nhận được từ một nguồn tin giấu tên một kho tài liệu khổng lồ từ cơ sở dữ liệu nội bộ của Công ty Luật Mossack Fonseca ở Panama. Số tài liệu này, còn gọi là “Hồ sơ Panama” (Panama Papers), tiết lộ về cách thức mà Công ty Luật Mossack Fonseca đã giúp các khách hàng của mình trốn thuế và rửa tiền trong gần 40 năm hoạt động, từ năm 1977 đến nay. Công ty Mossack Fonseca có mạng lưới 214.000 công ty “ma”, trải rộng ở 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những nơi được gọi là “thiên đường trốn thuế”, như đảo Bristish Island của Anh, Samoa, đảo Seychelles và cả Panama. Mặc dù hoạt động của những công ty “ma” của Công ty Mossack Fonseca không hẳn là trái phép nhưng mục đích mà các công ty này lập ra là hợp pháp hóa tài sản được tẩu tán của khách hàng qua những cái tên vay mượn.

“Hồ sơ Panama” bao gồm khoảng 11,5 triệu tài liệu, tương đương 2,6 terabyte dữ liệu, nhiều hơn cả toàn bộ dữ liệu từ các vụ rò rỉ tài liệu mật lớn khác trước đây là Wikileaks, Offshore Leaks, Lux Leaks và Swiss Leaks. Hồ sơ này bao gồm email, tập tin PDF, tập tin hình ảnh… tiết lộ tài sản ở nước ngoài của khoảng 140 chính trị gia và quan chức trên toàn thế giới. Ngoài ra, trong bản danh sách khách hàng của Công ty Mossack Fonseca có tên tuổi nổi tiếng trong ngành thể thao, nhiều nhà tỷ phú, trùm ma túy...

Công ty Mossack Fonseca còn bị cáo buộc giúp đỡ hoạt động cho các cá nhân và công ty đang chịu lệnh trừng phạt kinh tế của Liên hợp quốc. Theo hãng tin BBC của Anh, Mossack Fonseca đã làm việc với 33 cá nhân và công ty đang chịu lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ, trong đó có các công ty đặt tại Iran, Zimbabwe và Triều Tiên. Một số doanh nghiệp đã trở thành khách hàng của Mossack Fonseca từ trước khi các lệnh trừng phạt quốc tế được áp đặt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, công ty này tiếp tục làm bình phong cho các doanh nghiệp bị liệt vào danh sách đen để các công ty và cá nhân này có thể tiến hành các hoạt động tài chính, bất chấp lệnh cấm vận.

Khi tiếp nhận nguồn thông tin mật bị rò rỉ, tờ Süddeutsche Zeitung sau đó đã chia sẻ thông tin với Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) và một số tập đoàn truyền thông thế giới, trong đó có tổ hợp truyền thông ABC của Australia, cùng 100 tờ báo ở gần 80 quốc gia, để huy động các báo cùng điều tra. Gần 400 nhà báo đã nghiên cứu kỹ lưỡng các tài liệu trong một năm qua trước khi đồng loạt công bố vào ngày 03-4-2016. Đây được coi là vụ rò rỉ tài liệu mật lớn nhất thế giới từ trước đến nay.

Mossack Fonseca - những giao dịch ngầm

Mossack Fonseca được thành lập bởi 2 luật sư - Juergen Mossack và Ramon Fonseca Mora. Mossack lập công ty năm 1977 và đến năm 1983 sáp nhập với Fonseca. Công ty chuyên cung cấp dịch vụ luật thương mại, dịch vụ ủy thác, tư vấn đầu tư và các cấu trúc kinh doanh quốc tế. Website của hãng cho biết, họ có thể giúp giảm chi phí, kết nạp và quản lý Private Interest Foundation (một dạng tổ chức tư nhân thành lập theo luật Panama), thực hiện hoạt động kinh doanh tại bất kỳ nước nào và giao dịch bằng bất kỳ loại tiền tệ nào.

Ban đầu, Juergen Mossack và Ramon Fonseca Mora theo đuổi mảng kinh doanh nước ngoài (offshore business), mở nhiều văn phòng ở British Virgin Islands. ICIJ cho biết, các tài liệu rò rỉ cho thấy một nửa số công ty mà hãng luật này thành lập là tại quần đảo này. Mossack Fonseca còn mở rộng hoạt động sang Thái Bình Dương, đến một hòn đảo nhỏ có tên Niue. Đến năm 2001, hãng luật kiếm rất nhiều từ các công ty đăng ký tại đảo này, đến mức họ đóng góp tới 80% ngân sách hằng năm cho Niue. Khi British Virgin Islands phải hạn chế các quy định vốn cho phép giấu tên chủ sở hữu công ty, Mossack Fonseca chuyển hoạt động sang Panama và đảo Anguilla. ICIJ cho biết, từ trụ sở ở Panama City, công ty này đã tạo ra hàng loạt công ty không rõ danh tính tại Panama, British Virgin Islands và nhiều thiên đường thuế khác. Công ty luật này có quan hệ chặt chẽ với các ngân hàng và công ty luật lớn tại những nơi như Hà Lan, Mexico, Mỹ và Thụy Sĩ, giúp khách hàng chuyển tiền hoặc trốn thuế. Một nghiên cứu của ICIJ với các tài liệu rò rỉ cho thấy hơn 500 ngân hàng, chi nhánh và công ty con của những ngân hàng này đã làm việc với Mossack Fonseca từ thập niên 70 của thế kỷ XX để giúp khách hàng quản lý các công ty ở nước ngoài.

Mossack Fonseca thành lập các công ty ở nước ngoài (offshore company) để che giấu hoạt động của những người chủ thực sự. Các giao dịch của Mossack Fonseca có thể hợp pháp. Nhưng cấu trúc mạng lưới quá phức tạp sẽ tạo ra môi trường để hành vi phạm pháp dễ dàng bị che giấu.

Mossack Fonseca từng chi đáng kể để gỡ bỏ các thông tin trên internet cho rằng họ trốn thuế và rửa tiền. Tuy nhiên, ở một số nước, công ty này đã bị đưa vào diện điều tra. Tại Brazil, Mossack Fonseca là một trong những cái tên trong vụ đình đám hối lộ lớn liên quan tới hãng dầu quốc doanh Petrobras. Mossack Fonseca cũng bị theo dõi tại bang Nevada (Mỹ), khi một tòa án kết luận công ty này đã cố tình che giấu vai trò lãnh đạo trong một chi nhánh ở đây.

Phản ứng của một số nước có liên quan

Ngay sau khi báo chí công bố vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất từ trước tới nay mang tên “Hồ sơ Panama”, một loạt quốc gia tuyên bố sẽ tiến hành điều tra các thông tin liên quan tới vụ việc gây chấn động thế giới này.

Ngày 04-4-2016, Văn phòng Công tố Panama thông báo đã mở cuộc điều tra liên quan đến các thông tin về hành vi rửa tiền và trốn thuế của hàng loạt chính trị gia và các nhân vật nổi tiếng được tiết lộ trong “Hồ sơ Panama”. Trong một tuyên bố, Văn phòng Công tố Panama nhấn mạnh, những sự thật được mô tả trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế liên quan đến “Hồ sơ Panama” đều sẽ bị điều tra hình sự. Mục đích của cuộc điều tra này là nhằm xác minh các hình thức phạm tội, những đối tượng liên quan cũng như những thiệt hại tài chính tiềm tàng. Nước này sẽ không khoan dung cho các hoạt động pháp luật và tài chính không minh bạch. Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Panama Juan Carlos Valera khẳng định, nước này sẽ hợp tác với chính phủ các nước trên thế giới trong quá trình điều tra vụ bê bối trên. Tuy nhiên, ông C. Valera cũng cam kết sẽ “bảo vệ hình ảnh đất nước” - hiện đang nỗ lực thoát khỏi hình ảnh là “thiên đường trốn thuế” và các vụ giao dịch mờ ám.

Bộ Tư pháp Mỹ cũng thông báo đang xem xét các báo cáo về các thỏa thuận và giao dịch tài chính ở nước ngoài mà nhiều chính trị gia và các nhân vật nổi tiếng trên toàn cầu có dính líu được tiết lộ trong “Hồ sơ Panama”. Đánh giá sẽ được tiến hành một cách cẩn trọng trước mọi cáo buộc nhằm xác định sự tồn tại của các bằng chứng cho thấy có hành vi tham nhũng và các hành vi khác vi phạm luật pháp Mỹ.

Tại Canada, chính phủ nước này đã yêu cầu được cung cấp một bản sao dữ liệu về danh sách khách hàng được Công ty Mossack Fonseca giúp trốn thuế để giới chức nước này kiểm tra thông tin và có biện pháp xử lý. Ottawa cũng khẳng định đang theo dõi chặt chẽ các trường hợp công dân nước này mở công ty trốn thuế và rửa tiền ở Panama cũng như các nơi khác trên thế giới và sẽ đưa vụ việc lên các công tố viên nếu cần thiết. Bên cạnh đó, Văn phòng Tổng cục thuế Canada yêu cầu tất cả các nhân viên thuế vụ phải tập hợp những giấy tờ liên quan để rà soát từng trường hợp đóng thuế, đồng thời tiếp cận các thông tin trong “Hồ sơ Panama” để đối chiếu với cơ sở dữ liệu mà cơ quan này đang lưu trữ. Theo thông tin từ “Hồ sơ Panama”, có tới 350 cá nhân và tổ chức của nước này bị nêu tên trong danh sách, trong đó đáng chú ý có Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) - thể chế tài chính cho vay lớn nhất nước và cũng là một trong 5 ngân hàng lớn nhất Canada.

Các nước châu Âu cũng vào cuộc, tiến hành điều tra về những thông tin từ “Hồ sơ Panama”. Trưởng đoàn nghị sĩ đảng Cánh tả tại Quốc hội Đức S. Wagenknecht đã yêu cầu xem xét thành lập một Ủy ban điều tra ở Quốc hội để điều tra việc trốn thuế cũng như sẽ có những hành động cứng rắn và kiên quyết đối với các ngân hàng tiếp tay cho việc trốn thuế. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính một số bang của Đức như Thüringen và Bayern cùng nhiều chính trị gia khác của Đức cũng đã kêu gọi nhanh chóng đánh giá các dữ liệu trong “Hồ sơ Panama”. Bộ trưởng Tư pháp Đức H. Maas tuyên bố sẽ bổ sung luật chống rửa tiền với một hệ thống đăng ký minh bạch nhằm chấm dứt các hành động trốn thuế và tài trợ cho khủng bố. Theo tờ Süddeutsche Zeitung (Nam Đức) số ra ngày 05-4, hàng nghìn người Đức và ít nhất 28 ngân hàng của nước này bị nằm trong diện điều tra.

Ở Pháp, Bộ Tài chính nước này thông báo sẽ tìm cách tiếp cận các tài liệu trên và có biện pháp trừng phạt những đối tượng trốn thuế. Tổng thống Pháp F. Hollande khẳng định, một khi có thông tin liên quan tới những người trốn thuế ở Pháp, nước này sẽ mở các cuộc điều tra và đưa ra tòa xét xử.

Viện Công tố Nga cũng sẽ kiểm tra thông tin được công bố trên các phương tiện truyền thông trong nước và nước ngoài về các cá nhân và thể nhân Nga được cho là sở hữu các công ty và tài khoản ở nước ngoài trong vụ “Hồ sơ Panama”. Theo cơ quan trên, mục đích chính của việc kiểm tra là xác định xem liệu hành động của các công dân Nga được đề cập trong các tài liệu này có phù hợp với các quy định của luật pháp Nga, luật pháp quốc tế cũng như nghĩa vụ của Moscow với cộng đồng quốc tế trong việc phòng chống tham nhũng và hợp pháp hóa tiền phi pháp hay không.

Tại Italia, Viện công tố thành phố Turin đã tuyên bố mở một cuộc điều tra vào các công dân, ngân hàng và công ty của nước này có tên trong “Hồ sơ Panama”. Trong khi đó, Thứ trưởng kinh tế Italia E. Zanetti tuyên bố, Chính phủ Italia “theo dõi sát sao” các cuộc điều tra liên quan đến các hành vi vi phạm các nguyên tắc về tài chính và khẳng định Italia luôn chiến đấu quyết liệt chống lại việc trốn thuế. Ngoài ra, Viện công tố thủ đô Rome chuẩn bị mở một cuộc điều tra ba ngân hàng bị tố cáo có quan hệ với Công ty Mossack Fonseca để chuyển tiền ra các quỹ đầu tư ở các “thiên đường trốn thuế”, do đó không phải nộp thuế ở Italia.

Thủ tướng CH Séc Bohuslav Sobotka yêu cầu các cơ quan thuế của Séc điều tra khoảng 300 công dân nước này có tên trong “Hồ sơ Panama”. Đài phát thanh Praha cho biết, Thủ tướng B. Sobotka nhấn mạnh rằng, nếu những công dân Séc có tên trong “Hồ sơ Panama” thực sự trốn thuế thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thủ tướng B. Sobotka cũng cho rằng, vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” sẽ là động lực thúc đẩy cuộc đấu tranh chung của nhiều nước chống lại các “thiên đường trốn thuế” trên thế giới, trong đó có Panama. Giới chức Tây Ban Nha và một số quốc gia như Thuỵ Sĩ, Áo, Na Uy, Thụy Điển, Ukraine, Costa Rica,… cũng cho biết sẽ điều tra các cá nhân, công ty và ngân hàng có tên trong “Hồ sơ Panama” về khả năng trốn thuế, tiếp tay trốn thuế hoặc gian lận tài chính.

Văn phòng thuế liên bang Australia (ATO) đang điều tra 800 công dân nước này có tên trong “Hồ sơ Panama”. Trong một tuyên bố, Phó Giám đốc ATO, M. Cranston cho biết, một số công dân trong danh sách này đã bị điều tra trước đây, cũng như một số đã cung cấp thông tin các giao dịch thuế và tài chính của họ cho ATO. Tuy nhiên một vài nhân vật, trong đó có nhiều người giàu có, chưa kê khai đầy đủ các giao dịch tài chính và ATO đã bắt đầu điều tra. Theo văn phòng này, trong số 800 công dân Australia có 120 người có liên hệ với một công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại Đặc khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc).

Giới chức ngành thuế của Israel thông báo điều tra 600 công ty và 2 ngân hàng lớn của nước này. Cơ quan Thuế Israel cũng đã thông qua luật mới nhằm ngăn chặn tình trạng trốn thuế, theo đó, các cá nhân nếu bị phát hiện trốn thuế sẽ phải đối mặt với mức án 10 năm tù giam.

Người phát ngôn Bộ Tài chính và Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS - tức ngân hàng trung ương) cho biết sẽ tiến hành các cuộc kiểm tra cần thiết. Đại diện Bộ Tài chính và MAS khẳng định, nếu có bằng chứng về việc làm sai trái của bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào tại Singapore, Chính phủ Singapore sẽ tiến hành ngay các hành động kiên quyết và mạnh mẽ, và “sẽ không tha thứ cho bất kỳ hành vi tội phạm nào liên quan đến thuế”. Hiện nước này đã xây dựng và ban hành một hệ thống quy phạm pháp luật mạnh, bao gồm thuế và các khuôn khổ pháp lý, cùng với một chế độ giám sát nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn tình trạng trốn thuế xuyên biên giới. Bên cạnh đó, Singapore cũng đã cam kết duy trì trao đổi thông tin theo các quy định quốc tế về tính minh bạch thuế.

Như vậy, vụ rò rỉ thông tin về “Hồ sơ Panama” đã gây trấn động giới tài chính toàn thế giới. Nhiều quốc gia đã ngay lập tức bắt tay vào hoạt động điều tra vì các hành động trốn thuế đã và đang làm thất thoát tới hàng tỷ USD nguồn thu ngân sách của chính phủ đáng lẽ để chi cho đời sống dân sinh. Vụ việc này cũng sẽ khiến thế giới tăng cường nỗ lực chống trốn thuế toàn cầu mặc dù cho đến nay đã có hơn 700 thỏa thuận về minh bạch thuế đã được ký kết trên toàn thế giới.

Nhằm thể hiện sự hợp tác và chứng minh sự minh bạch trong hệ thống tài chính quốc gia, đồng thời hạ nhiệt từ những dư luận quốc tế, trong một tuyên bố trên truyền hình, Tổng thống Panama C. Varela khẳng định Chính phủ nước này, thông qua Bộ Ngoại giao Panama, sẽ thành lập một ủy ban độc lập gồm các chuyên gia quốc tế và trong nước. Nhiệm vụ của cơ quan này là đánh giá lại các hoạt động hiện nay liên quan đến kiểm soát thuế và đề xuất trao đổi thông tin với các quốc gia khác nhằm tăng cường tính minh bạch tài chính và hệ thống pháp luật. Tổng thống C. Varela cũng cho biết thêm các cuộc điều tra sẽ được tiến hành một cách nghiêm túc, có trách niệm và thông qua con đường ngoại giao./.