Những nội dung cơ bản trong bảo vệ môi trường tự nhiên ở Việt Nam hiện nay
TCCSĐT - Bảo vệ môi trường tự nhiên mà cốt lõi là bảo vệ hệ sinh thái, làm cho hệ sinh thái vận hành theo quy luật của tự nhiên, đòi hỏi sử dụng và khai thác hệ sinh thái hợp lý nhằm phục vụ lợi ích của con người trên cơ sở nhận thức sâu sắc vị trí tồn tại của mình trong giới tự nhiên.
Bảo vệ, ngăn ngừa, kiểm soát nhằm hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm và suy thoái môi trường tự nhiên
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, vấn đề bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường tự nhiên nói riêng đang ngày càng trở nên bức xúc. Thực tế cho thấy, chi phí cho việc phòng ngừa, kiểm soát bao giờ cũng hiệu quả và ít tốn kém hơn rất nhiều so với việc xảy ra ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường rồi mới tiến hành khắc phục. Vì thế, khoản 6, Điều 4, nguyên tắc bảo vệ môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường 2014 của nước ta đã nêu rất rõ: Hoạt động bảo vệ môi trường phải thường xuyên và ưu tiên phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường .
Tại các đô thị ở nước ta hiện nay, ô nhiễm môi trường tự nhiên đang ngày càng nặng nề. Hiện tượng đổ rác, xả nước thải chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường vào các sông ngòi, ao, hồ, diễn ra phổ biến. Việc tồn tại các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng nằm xen kẽ các khu dân cư cũng đang là một trong những vấn đề bức xúc đối với những người dân tại các khu đô thị.
Ở các vùng nông thôn, ô nhiễm môi trường tự nhiên cũng không kém phần căng thẳng. Việc sử dụng hóa chất trong canh tác nông nghiệp, trong nuôi, trồng thủy sản diễn ra ngày càng nhiều. Những khu rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn bị tàn phá, nhiều loài chim thú đang có nguy cơ tuyệt chủng do hoạt động săn bắn bừa bãi của con người, đặc biệt nạn ô nhiễm môi trường tại các làng nghề đã đến mức báo động.
Ở Việt Nam, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang đặt ra nhu cầu khai thác ngày càng nhiều những yếu tố của môi trường tự nhiên như đất đai, nguồn nước, khoáng sản, rừng và đa dạng sinh học. Những hoạt động trên đã làm ô nhiễm và suy thoái nghiêm trọng môi trường tự nhiên, đang phá hủy cân bằng tự nhiên, làm mất cảnh quan khu vực, phát xả chất thải, chất độc hại vào môi trường, gây xói mòn đất, ô nhiễm nguồn nước (do chứa kim loại nặng, độc hại, phóng xạ) ảnh hưởng tới sức khỏe con người và hệ thống thực vật. Do đó, việc ngăn ngừa và kiểm soát tốt môi trường tự nhiên ngay từ đầu có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên hiện nay. Đầu tiên, chúng ta cần áp dụng tốt và hiệu quả hệ thống xử lý chất thải tập trung đúng quy chuẩn kỹ thuật, thì hậu quả của việc ô nhiễm, suy thoái môi trường sẽ được hạn chế rất nhiều và không quá căng thẳng như hiện nay.
Cùng với tăng cường đầu tư và áp dụng hệ thống xử lý chất thải tập trung đúng quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, thì việc kiên quyết, nghiêm túc thực hiện phân tích đánh giá tác động môi trường và quy hoạch môi trường ngay từ đầu cũng là một trong những biện pháp tốt để ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm và suy thoái môi trường tự nhiên. Đánh giá tác động môi trường là nội dung quan trọng đầu tiên trong nghiên cứu môi trường, phục vụ cho việc xây dựng các dự án kinh tế, xã hội. Mục đích của đánh giá môi trường là xác định và dự báo các tác động tiêu cực hoặc tích cực của các hoạt động kinh tế, xã hội, chính sách, luật pháp đến môi trường một khu vực, một vùng hoặc toàn quốc, xác định hiện trạng chất lượng các thành phần môi trường, hiện trạng tài nguyên (trữ lượng, chất lượng, tình trạng khai thác và sử dụng) trên cơ sở đó lựa chọn những phương án bảo vệ, kiểm soát môi trường hiệu quả nhất. Nếu ngay từ đầu, các chủ thể và doanh nghiệp tuân thủ các quy định trong đánh giá hiện trạng môi trường, lập báo cáo đánh giá nghiêm túc tác động môi trường trong các dự án sẽ hạn chế được tối đa ô nhiễm và suy thoái môi trường tự nhiên.
Ngoài ra, nhằm ngăn chặn ô nhiễm và suy thoái môi trường, Nhà nước cần có những chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng những công nghệ sạch, thân thiện với môi trường trong khai thác, sử dụng hợp lý các yếu tố của môi trường tự nhiên; trong xử lý chất thải (rác thải, nước thải, khí thải) nhằm ngăn chặn ô nhiễm tại nguồn, tránh sự tốn kém trong xử lý ô nhiễm khi chúng đã xảy ra.
Bảo vệ, cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường tự nhiên bảo đảm sự tuần hoàn của các hệ sinh thái
Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển của khoa học kỹ thuật, tác động của con người lên hệ sinh thái ngày càng mạnh mẽ khiến cho hệ sinh thái thay đổi nhanh chóng hơn bao giờ hết. Việc chuyển đất rừng thành đất nông nghiệp đang khiến nhiều loài động, thực vật quý hiếm tuyệt chủng, tăng xói mòn đất, thay đổi khả năng điều hòa nước và biến đổi khí hậu. Việc chuyển đất rừng, đất nông nghiệp thành các khu công nghiệp, khu đô thị cũng tạo nên sự mất cân bằng sinh thái khu vực và ô nhiễm cục bộ ở nhiều địa phương trong cả nước. Việc khai thác khoáng sản bừa bãi đang gây ra nhiều tác động xấu đến địa hình, đất đai, nguồn nước. Việc đưa vào hệ sinh thái tự nhiên các hợp chất nhân tạo mà sinh vật không có khả năng phân hủy như các chất tổng hợp, dầu mỡ, thuốc trừ sâu, kim loại độc hại đã làm suy thoái, hủy hoại hệ sinh thái nghiêm trọng. Tất cả hệ lụy từ hoạt động đó của con người khiến cho hành động bảo vệ, cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường tự nhiên, bảo đảm sự tuần hoàn của hệ sinh thái càng trở thành nhiệm vụ hết sức cấp thiết.
Tốc độ và quy mô công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta đã và đang nhanh chóng làm biến đổi môi trường tự nhiên ở cả thành thị và nông thôn. Phần lớn các khu công nghiệp, khu chế xuất mới được thành lập nằm rải rác ở các địa phương trong cả nước, chưa có hệ thống xử lý rác thải, nước thải hợp chuẩn. Đó là chưa kể khối lượng rác thải sinh hoạt, chất thải y tế chưa được xử lý đúng tiêu chuẩn đang được xả trực tiếp ra môi trường tự nhiên. Do đó, hoạt động cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường tự nhiên cần tập trung vào việc cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước mưa, nước thải tại các đô thị, khu công nghiệp, vùng nông thôn, miền núi, bảo đảm cung cấp nước sạch hợp vệ sinh cho các khu vực này đồng thời phải cải tạo đất đai do bị suy thoái và ô nhiễm. Bên cạnh đó, việc khai thác khoáng sản đang trở thành vấn đề nổi cộm, bức xúc trong dư luận hiện nay. Hoạt động khai thác khoáng sản ở nước ta hiện đang làm biến dạng địa mạo và cảnh quan khu vực, tích tụ hoặc phát tán chất thải. Tình trạng chiếm dụng diện tích đất trồng trọt, cây xanh để đổ đất, đá thải đang khiến cho đất đai và nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trước tình hình đó, việc nghiêm túc thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản nhằm thiết lập sự cân bằng sinh thái đang bị phá vỡ hiện nay để phục hồi, cải thiện chất lượng môi trường là việc làm cần thiết và cấp bách.
Một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong bảo đảm cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học là bảo vệ các động vật hoang dã. Hiện nay, việc bắt nhốt, bắn giết, buôn bán động vật hoang dã trái phép đang diễn ra ngày càng phổ biến. Cùng với bảo vệ các loài động vật hoang dã là việc bảo vệ, cải tạo, phục hồi những cánh rừng đang kêu cứu. Nạn phá rừng đang diễn ra nghiêm trọng ở nước ta hiện nay, tất yếu dẫn đến sự nghèo kiệt của đất đai, sự biến mất dần của các loài sinh vật quý hiếm, tăng hàm lượng CO2 trong khí quyển làm tăng nhiệt độ trung bình của trái đất. Mặt khác, khai thác quá mức tài nguyên làm mất cân bằng sinh thái dẫn đến làm suy kiệt nguồn nước (cả nước mặt và nước ngầm). Do đó, bảo tồn đa dạng sinh học phải là một trong những giải pháp then chốt nhằm ứng phó, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả những yếu tố của môi trường tự nhiên vì sự phát triển bền vững của đất nước
Sở dĩ cần phải khai thác và sử dụng hợp lý môi trường tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên vì những yếu tố của môi trường tự nhiên như đất đai, nguồn nước, rừng, khoáng sản và đa dạng sinh học không phải là vô tận, nếu không khai thác và sử dụng hợp lý sẽ bị cạn kiệt nhanh chóng. Do vậy, tính hiệu quả và hợp lý của việc khai thác môi trường tự nhiên ở nước ta hiện nay phải được thể hiện trên cả hai phương diện là kinh tế và môi trường.
Về phương diện kinh tế: Việc khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên phải được thể hiện ở hai khía cạnh.
Thứ nhất, việc khai thác đó phải bảo đảm yêu cầu cho sự phát triển kinh tế, cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nó được thể hiện thông qua năng suất lao động, thông qua hiệu quả kinh tế mà hoạt động khai thác đó đem lại. Điều này có nghĩa là, việc khai thác và sử dụng đất đai nguồn nước, khoáng sản, rừng và đa dạng sinh học được gọi là hiệu quả và hợp lý khi mà nguồn đầu vào là thấp nhất nhưng năng suất, chất lượng sản phẩm phải cao nhất. Tất nhiên tùy thuộc vào từng lĩnh vực, từng ngành kinh tế thì các tiêu chí chung cần được cụ thể hóa thành hệ thống các tiêu chí riêng, phản ánh tính hiệu quả của việc khai thác và sử dụng hợp lý môi trường tự nhiên.
Thứ hai, khai thác và sử dụng các yếu tố cần thiết của môi trường tự nhiên phải hướng tới sự phát triển bền vững, nghĩa là phải đảm bảo rằng, việc khai thác và sử dụng đất đai, nguồn nước, khoáng sản, rừng và đa dạng sinh học là để phục vụ cho nhu cầu tồn tại, phát triển của hiện tại nhưng không làm ảnh hưởng đến thế hệ tương lai trong việc thỏa mãn những nhu cầu đó.
Về phương diện môi trường: Việc khai thác và sử dụng môi trường tự nhiên được coi là hợp lý khi nó không gây ra tác động xấu đến môi trường, tức là phải bảo đảm việc hạn chế ô nhiễm và suy thoái môi trường do chính hoạt động khai thác và sử dụng đó gây ra, tiến đến không ngừng cải thiện, phục hồi, nâng cao chất lượng môi trường. Qua đó là bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa con người và tự nhiên trong sự phát triển kinh tế, xã hội nói chung và giữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa với bảo vệ môi trường tự nhiên nói riêng. Tất nhiên, việc khai thác và sử dụng hợp lý môi trường tự nhiên hiệu quả, bền vững không phải là vấn đề đơn giản. Bởi lẽ, nó phải giải quyết mâu thuẫn cơ bản giữa một bên là các yếu tố trong môi trường tự nhiên thì có hạn với một bên là nhu cầu khai thác, sử dụng của con người là vô hạn, đặc biệt trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay. Mâu thuẫn này chỉ có thể được giải quyết một khi con người tự giác nhận thức để nắm bắt được các quy luật của tự nhiên và hành động thuận theo những quy luật đó nhằm mục đích xác lập lại mối quan hệ hài hòa thống nhất giữa lợi ích của con người và lợi ích của môi trường.
Bảo vệ môi trường tự nhiên, chính là con người đang bảo vệ môi trường cho sự tồn tại và phát triển của mình - là một trong những yêu cầu quan trọng để đạt tới mục tiêu phát triển bền vững, là nhu cầu trong cuộc sống thường ngày của con người, là nhân tố đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Bảo vệ môi trường tự nhiên không chỉ giới hạn trong quan hệ giữa con người với tự nhiên mà còn bao gồm cả quan hệ giữa con người và con người. Do đó, bảo vệ môi trường tự nhiên chính là con người đang bảo vệ lợi ích của chính mình và lợi ích của các thế hệ tương lai./.
-------------------------------------------------------
1. Lưu Đức Hải, Nguyễn Ngọc Sinh: Quản lý môi trường cho sự phát triển bền vững, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011
3. Quyết định số 166/QĐ-TTg ngày 21-01-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch thực hiện chiến chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội, 2014
ASEAN trong “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ  (30/03/2016)
Đối thoại thanh niên ''Công dân tuổi 18 với bầu cử Quốc hội''  (29/03/2016)
Đối thoại thanh niên ''Công dân tuổi 18 với bầu cử Quốc hội''  (29/03/2016)
Hỗ trợ 1.000 hộ nghèo Bến Tre bị ảnh hưởng bởi mặn xâm nhập  (29/03/2016)
Chủ tịch nước tiếp Chánh án thứ nhất Tòa án tối cao Algeria  (29/03/2016)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên