Nâng cao chất lượng công tác thi đua - khen thưởng trong quân đội hiện nay dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta những kho tàng trí tuệ vô giá, trong đó có tư tưởng về thi đua yêu nước. Người dạy: Thi đua góp phần cải tạo con người, vì nó "là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ". Thi đua làm hạn chế mặt xấu và làm tăng mặt tốt, mặt tích cực trong mỗi con người. "Thi đua là yêu nước, muốn yêu nước thì phải thi đua".
Trong nhiều bài nói, bài viết, thư khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thi đua, Người thường dạy: Đã thi đua thì phải có khen thưởng, "thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch". Thi đua và khen thưởng phải luôn gắn bó với nhau, bổ sung và hỗ trợ cho nhau. Trên cơ sở thi đua, có thể chọn lựa những cá nhân và tập thể tiêu biểu nhất, xứng đáng nhất để kịp thời khen thưởng. Đồng thời, khen thưởng đúng người, đúng việc thì sẽ động viên và thúc đẩy phong trào thi đua. Vì vậy, trong các phương pháp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi thi đua và khen thưởng không những là động lực phát triển xã hội mà còn là công cụ quản lý của nhà nước, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hằng ngày, ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, những năm qua công tác thi đua - khen thưởng trong quân đội đã có sự đổi mới, góp phần tạo động lực cho phong trào thi đua quyết thắng của toàn quân phát triển rộng khắp, sôi nổi, thiết thực. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới của đất nước, nhất là khi chuyển sang cơ chế thị trường, công tác thi đua - khen thưởng cũng bộc lộ những bất cập nhất định. Nhận thức về thi đua trong tình hình mới chưa được quán triệt đồng đều, sâu sắc, thường xuyên đến các đối tượng, các cấp nên phong trào thi đua phát triển không đồng đều. Việc bồi dưỡng điển hình, nhân điển hình tiến tiến, thực hiện công khai, công bằng, dân chủ trong khen thưởng… chưa thực hiện tốt, đã làm hạn chế vai trò động lực của công tác thi đua - khen thưởng trong đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng. Thực tế có nhiều đơn vị khi phát động thi đua thì “trống giong, cờ mở”, nhưng khi tổ chức thực hiện lại không có những biện pháp hữu hiệu duy trì phong trào; các chỉ tiêu thi đua nhìn chung chưa thực sự khích lệ sự phấn đấu vươn lên trong công việc hằng ngày của không ít cán bộ, chiến sĩ, cơ quan, đơn vị. Một số phong trào thi đua có tính chất toàn quân nhưng chưa được biến thành ý thức và hành động tự giác của mỗi người. Tổ chức phong trào thi đua quyết thắng ở nhiều đơn vị chưa gắn kết chặt chẽ với khen thưởng, nhất là khen thưởng về vật chất; hoặc có không ít đơn vị thực hiện khen thưởng không đúng ý nghĩa là tặng thưởng cho đơn vị, cá nhân đạt thành tích trong phong trào thi đua, mà nhiều khi xét tặng theo cơ cấu, bình quân, khen thưởng tượng trưng, gây ảnh hưởng đến chất lượng các phong trào tiếp theo. Công tác lãnh đạo, quản lý hoạt động thi đua ở nhiều cơ quan, đơn vị còn tiến hành chung chung, chưa thúc đẩy được phong trào thi đua của đơn vị phát triển…
Để tiếp tục quán triệt và vận dụng những tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vào đổi mới nâng cao chất lượng công tác thi đua - khen thưởng trong quân đội hiện nay, theo chúng tôi, cần tập trung làm tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ quân đội về công tác thi đua - khen thưởng trong tình hình mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ muốn được quần chúng hưởng ứng phong trào thi đua thì cán bộ “phải dựa vào quần chúng mà phát động phong trào”, “phải làm cho quần chúng luôn luôn phấn khởi, tin tưởng”. Khi phát động phong trào phải giải thích kỹ cho dân hiểu, khi dân đã hiểu, nhận thức được lợi ích của mình, của tập thể thì “tất cả mọi khó khăn đều giải quyết được, tất cả mọi khuyết điểm đều sửa chữa được”. Vì vậy, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về thi đua yêu nước nói chung và công tác thi đua - khen thưởng nói riêng cho cán bộ, chiến sĩ quân đội nhằm quán triệt sâu sắc những quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước và tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, ý nghĩa to lớn của công tác thi đua - khen thưởng trong thời kỳ mới.
Trong công tác tuyên truyền, giáo dục thi đua - khen thưởng hiện nay, trước hết các cấp ủy, chỉ huy đơn vị cần tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc, toàn diện và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 35-CT/TƯ của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 198 của Đảng ủy Quân sự Trung ương về đổi mới công tác thi đua - khen thưởng trong giai đoạn mới. Thông qua tuyên truyền, quán triệt các văn bản có tính pháp lý để nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các đối tượng trong đơn vị; qua đó, từng cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị có sự đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua - khen thưởng cả về tư duy và tổ chức thực tiễn phong trào thi đua quyết thắng.
Quá trình tuyên truyền, giáo dục công tác thi đua - khen thưởng đòi hỏi mỗi tổ chức đảng và đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, trở thành hạt nhân trong các phong trào thi đua quyết thắng của đơn vị. Các tổ chức chính quyền, tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân cần phối hợp chặt chẽ trong tuyên truyền, giáo dục để tạo thành hợp lực mạnh mẽ thúc đẩy công tác thi đua - khen thưởng trong toàn quân cũng như của từng đơn vị phát triển đúng hướng, sâu rộng, hiệu quả.
Thứ hai, gắn kết chặt chẽ thi đua với khen thưởng tạo động lực cho sự phát triển mạnh mẽ phong trào thi đua quyết thắng của quân đội.
Thi đua và khen thưởng có mối quan hệ biện chứng với nhau. Thi đua là nền tảng cho khen thưởng. Qua phong trào thi đua mới xuất hiện những cá nhân, tập thể có thành tích nổi bật để khen thưởng. Ngược lại, khen thưởng tác động vào thi đua, kích thích và hỗ trợ đắc lực cho thi đua, tạo động lực cho thi đua phát triển.
Trong Quân đội nhân dân Việt Nam, thi đua là hoạt động thực tiễn tích cực, tự giác của mỗi quân nhân. Phong trào thi đua quyết thắng có tính khách quan, do đặc điểm tâm lý quân nhân bao giờ cũng muốn vươn lên để tự hoàn thiện mình. Nhưng việc tổ chức từng phong trào thi đua quyết thắng cụ thể lại xuất phát từ ý chí chủ quan của các tổ chức, cơ quan chức năng về thi đua, của cấp ủy, chỉ huy đơn vị... nhằm tác động tới các đối tượng quân nhân về những tiêu chí phong trào thi đua. Muốn động viên, cổ vũ, duy trì sức sống của phong trào thi đua quyết thắng thì tất yếu phải có khen thưởng cả về vật chất và tinh thần.
Vì vậy, khen thưởng là một nội dung quan trọng của thi đua. Thiếu khen thưởng hoặc khen thưởng không đúng, không tương xứng, không kịp thời sẽ không có tác dụng động viên, thúc đẩy được phong trào thi đua quyết thắng. Cho nên, phải coi trọng gắn kết thi đua với khen thưởng trong quá trình tổ chức phong trào thi đua quyết thắng của quân đội ta.
Để nhằm tạo nên sự gắn kết chặt chẽ công tác thi đua - khen thưởng trong quân đội hiện nay, đòi hỏi các cấp ủy, chỉ huy, nhất là người chính ủy, chính trị viên phải bám sát yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, của quân đội trong thời kỳ mới; tích cực nghiên cứu, thấm nhuần sâu sắc và vận dụng tư tưởng, quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta về thi đua yêu nước vào tổ chức thực hiện. Đổi mới, nâng cao chất luợng công tác thi đua - khen thưởng trong quân đội hiện nay, trước hết, cần tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng với việc xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung, biện pháp tổ chức phong trào thi đua quyết thắng.
Việc đặt mục tiêu thi đua quyết thắng phải rất khoa học, toàn diện và cụ thể; có mục tiêu chung cho từng loại hình đơn vị, từng đối tượng; có mục tiêu thi đua trước mắt và lâu dài. Trong từng thời gian, có mục tiêu đột xuất nhằm giải quyết khâu quan trọng, then chốt, thúc đẩy các khâu khác phát triển. Mục tiêu thi đua phải gắn liền các nhiệm vụ cụ thể của quân đội, của từng đơn vị và có khả năng thực hiện được trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.
Yêu cầu cao nhất của phong trào thi đua quyết thắng phải tạo được động lực thi đua cho cán bộ, chiến sĩ. Qua từng phong trào thi đua phải làm chuyển biến tốt hơn về tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành kỷ luật quân đội, pháp luật nhà nước, tạo ra được khí thế học tập và làm theo các gương điển hình tiên tiến.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nội dung thi đua không phải cái gì khác ngoài những công việc hằng ngày. Vì vậy, nội dung thi đua phải rõ ràng, cụ thể, thiết thực, phải căn cứ vào nhiệm vụ chính trị từng đơn vị, từng thời kỳ để xác định nội dung thi đua cho phù hợp với những định mức thi đua cần đạt được. Việc đổi mới nội dung thi đua phải gắn chặt chẽ với đổi mới hình thức, biện pháp thực sự phong phú, đa dạng.
Tổ chức thi đua quyết thắng phải có nhiều biện pháp phong phú, đa dạng, thiết thực, gắn với thực hiện nhiệm vụ, chức trách của từng tập thể, từng tổ chức và cá nhân. Trong tổ chức phong trào thi đua cần gắn với các sự kiện chính trị lớn của đất nước, của Đảng, của quân đội và hoạt động kỷ niệm truyền thống của đơn vị. Đồng thời, có những biện pháp duy trì phong trào thi đua liên tục, tạo đỉnh cao trong một thời gian nhất định, kết hợp chặt chẽ thi đua thường xuyên với thi đua cao điểm; tăng cường đôn đốc, kiểm tra và đánh giá kết quả thi đua.
Coi trọng công tác sơ kết, tổng kết phong trào thi đua quyết thắng của đơn vị, rút ra những bài học thành công và chưa thành công; đồng thời, phải thực hiện tốt công tác khen thưởng vật chất và tinh thần kịp thời, chính xác, suy tôn những cá nhân và tập thể có thành tích cho mọi người học tập.
Thứ ba, thực hiện tốt phương pháp nêu gương trong công tác thi đua - khen thưởng của quân đội hiện nay.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến nêu gương trong thi đua. Theo tư tưởng của Người, “nêu gương” tức là cán bộ, đảng viên, người đứng đầu phải nêu gương trước, phải thực hiện “nói đi đôi với làm”. Đồng thời, nêu gương điển hình tiên tiến và nhân điển hình để mọi người học tập noi theo, để thúc đẩy phong trào thi đua tiến lên mãi.
Người quan niệm trong thi đua ai cũng là chủ thể và ai cũng là đối tượng của các tiêu chí thi đua. Song việc tổ chức thi đua thì cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị là những người khởi xướng, trực tiếp bàn bạc, đề ra chỉ tiêu thi đua thì phải gương mẫu thực hiện trước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viện dẫn câu nói của người xưa: “dĩ nhân nhi giáo, dĩ ngôn nhi giáo”, tức là trước hết phải giáo dục bằng tấm gương sống của chính mình đã, sau đó mới giáo dục bằng lời nói; phải thực hiện “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Đó chính là yếu tố bên trong có tính quyết định để tạo ra phong trào thi đua và đạt được mục đích, yêu cầu đề ra của công tác thi đua - khen thưởng của cả nước nói chung và của quân đội nói riêng hiện nay.
Để phát huy ưu thế của nêu gương trong thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động và tạo ra cả một phong trào “người tốt, việc tốt”. Việc nêu gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến cũng là kết quả của công tác thi đua - khen thưởng. Vì vậy, việc kế thừa, phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về nêu gương trong thi đua cần phải đạt được mục đích, ý nghĩa đích thực trong công tác thi đua - khen thưởng của quân đội ở thời kỳ mới. Phải khắc phục mọi biểu hiện tư tưởng tự mãn, chủ quan, hoặc chỉ dựa vào truyền thống đã có để khuếch trương thành tích nhằm ganh đua, kìm hãm tập thể đơn vị bạn vươn lên bằng mình. Thực hiện nêu gương không chỉ đơn thuần biểu dương cá nhân, tập thể đơn vị điển hình, mà điều quan trọng là phải nuôi dưỡng điển hình, nhân điển hình, kịp thời phổ biến rộng rãi những kinh nghiệm tốt; đồng thời, phát huy hiệu quả của các phương tiện truyền thông đại chúng, lực lượng tuyên truyền viên để đưa công tác thi đua - khen thưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” trong thời kỳ mới./.
Đảng bộ và nhân dân Thủ đô quyết tâm thực hiện tốt những lời Bác Hồ dạy  (04/06/2008)
Phụ nữ Việt Nam nắm nhiều trọng trách trong xã hội  (04/06/2008)
Việt Nam là thị trường đầu tư bán lẻ hấp dẫn nhất  (04/06/2008)
Di sản văn hoá Huế rực rỡ sắc màu khai mạc Festival  (04/06/2008)
Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XII của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng  (03/06/2008)
Bế mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII  (03/06/2008)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay