Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 22-02 đến ngày 28-02-2016)
Lãnh đạo Đức, Anh, Pháp và Mỹ hội nghị trực tuyến về Syria
Các chiến binh người Kurd tại Syria. Ảnh: thenation.com
Ngày 23-02-2016, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tiến hành hội nghị trực tuyến với Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Mỹ Barack Obama để thảo luận về tình hình Syria. Nguồn tin từ Chính phủ Đức cho biết, tại hội nghị, lãnh đạo 4 nước đã lên tiếng hoan nghênh thoả thuận đạt được giữa Mỹ và Nga về một lệnh ngừng bắn ở Syria, đồng thời hối thúc các bên liên quan nhanh chóng triển khai một cách toàn diện thoả thuận này. Thủ tướng Đức, Anh và Tổng thống Pháp, Mỹ cũng nhấn mạnh sự khẩn thiết phải tiến hành các bước đi nhằm ổn định tình hình và giải quyết tình trạng khẩn cấp nhân đạo đối với người dân, đặc biệt ở khu vực thành phố Aleppo của Syria. Các nhà lãnh đạo cũng cho rằng việc quân đội Nga và Syria chấm dứt không kích ở Syria sẽ là nhân tố cơ bản để xoa dịu tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, lãnh đạo Đức, Anh, Pháp và Mỹ cũng nhất trí sẽ theo dõi sát sao việc duy trì các điều khoản của thoả thuận ngừng bắn, đặc biệt là không được thực hiện các cuộc không kích nhằm vào các nhóm ôn hòa và dân thường ở Syria. Chính quyền Nga và Syria “có trách nhiệm đặc biệt” trong nỗ lực này.
Lãnh đạo 4 nước cũng nhấn mạnh rằng triển vọng chấm dứt bạo lực ở Syria phải được đặt dưới một “tiến trình chuyển tiếp chính trị thực sự và đáng tin cậy”, phù hợp với các mục tiêu của Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Đức, Anh, Pháp và Mỹ cũng hoan nghênh quyết định mới đây của các Bộ trưởng Quốc phòng tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về hỗ trợ biện pháp ngăn chặn việc di cư bất hợp pháp ở khu vực biển Aegean, bày tỏ hy vọng các hành động này của NATO sẽ nhanh chóng mang lại thành công bên cạnh sự hợp tác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Các hành động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông vấp phải chỉ trích
Đô đốc Harry Harris cho rằng Trung Quốc đang tìm cách giành quyền kiểm soát “trên thực tế” đối với Biển Đông. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 25-02-2016, phát biểu trước báo giới tại Lầu Năm góc, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, Đô đốc Harry Harris cho rằng Trung Quốc đang tìm cách giành quyền kiểm soát “trên thực tế” đối với Biển Đông. Theo ông H. Harris, bằng việc xây dựng các căn cứ không quân và gia cố các boong-ke trên những đảo nhỏ ở Biển Đông, trong đó một số đảo Bắc Kinh mới bồi đắp trái phép, cũng như bằng việc bố trí các hệ thống tên lửa và ra-đa hiện đại, Trung Quốc đang tìm cách giành vị thế bá chủ quân sự trong khu vực. Trước đó, trong cuộc điều trần tại Ủy ban chuẩn chi ngân sách Hạ viện Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng cho rằng các nỗ lực bồi đắp và xây dựng căn cứ hải quân của Trung Quốc ở Biển Đông đang làm gia tăng sự phản đối của các nước láng giềng. Trong khi đó, hãng PTI (Ấn Độ) đưa tin sau khi chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ John McCain ngày 25-02 khẳng định hiện là thời điểm để Ấn Độ và Mỹ xem xét khả năng tiến hành tuần tra chung ở Biển Đông.
Ngày 24-02, nhiều tờ báo lớn của Đức như báo Toàn cảnh Frankfurt (FAZ), tờ Thời đại (die Zeit) và tờ Thế giới (Welt) cũng đồng loạt chỉ trích Trung Quốc làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông khi đưa máy bay chiến đấu tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Các tờ này cho rằng chính quyền Bắc Kinh đã tạo ra những nhân tố mới trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với việc triển khai các máy bay chiến đấu tới đảo Phú Lâm. Tờ báo chỉ trích Trung Quốc ngang nhiên đòi chủ quyền tới 90% diện tích Biển Đông.
G20 cam kết thực thi mọi chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính
và Thống đốc Ngân hàng của G20 đã ra tuyên bố chung cam kết thực thi
mọi công cụ chính sách hiện có để thúc đẩy đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Ảnh: Reuters/TTXVN
Sau hai ngày làm việc, ngày 27-02-2016, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã bế mạc tại Thượng Hải ( Trung Quốc) với việc ra tuyên bố chung cam kết thực thi mọi công cụ chính sách hiện có để thúc đẩy đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Trong tuyên bố chung, G20 nhận định kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi song “không đồng đều và không đáp ứng được tham vọng của các nước về một sự tăng trưởng cân bằng, bền vững và mạnh mẽ”. Các nhà lãnh đạo G20 cảnh báo ngày càng xuất hiện nhiều nguy cơ đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, trong đó có “dòng vốn đầu tư không ổn định, giá các mặt hàng tiêu dùng giảm mạnh, các căng thẳng địa chính trị leo thang, khả năng Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và cuộc khủng hoảng di cư ở nhiều khu vực”. Một điểm đáng chú ý là trong tuyên bố chung, các bộ trưởng G20 không đề cập những nguy cơ từ tình trạng suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc.
Hội nghị G20 nhất trí cần hành động nhiều hơn để đạt được các mục tiêu chung đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các Bộ trưởng cam kết áp dụng “tất cả các công cụ chính sách hiện hành” như chính sách tiền tệ, tài chính và cơ cấu để thúc đẩy niềm tin của giới đầu tư, cũng như bảo vệ và củng cố đà phục hồi của kinh tế toàn cầu. G20 lưu ý tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ không đồng đều nếu chỉ áp dụng chính sách tiền tệ đơn lẻ mà cần thực thi chính sách tài chính “linh hoạt”.
Nguy cơ nước biển dâng gây tổn thất lớn về kinh tế cho thế giới
Mực
nước biển đang ngày càng dâng cao, một phần là do nhiệt độ trên Trái
đất tăng lên, làm băng tại các dãy Andes, Alps và một phần núi băng ở
Greenland cũng như Nam Cực tan chảy. Ảnh: Operation IceBridge
Ngày 28-02-2016, trong nghiên cứu mới trên tập san Hiểm họa Thiên nhiên và Khoa học Trái đất, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu ảnh hưởng của khí hậu Potsdam cho rằng khi mực nước biển ngày càng dâng cao, đe dọa nhấn chìm nhiều thành phố từ New York (Mỹ) cho tới Thượng Hải (Trung Quốc), các thành phố sẽ phải chi nhiều tiền hơn để đối phó và khắc phục hậu quả do những trận lũ lụt nghiêm trọng gây ra. Do đó, nguy cơ đối với kinh tế sẽ ngày càng lớn và nghiêm trọng hơn. Như tại Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch, nếu mực nước biển tính đến năm 2050 dâng thêm 11cm so với năm 2010, thì mỗi năm thành phố này sẽ phải chi thêm 1,1 tỷ USD để khắc phục hậu quả nếu không có biện pháp bảo vệ. Nghiên cứu này ước tính số tiền phải tiêu tốn này sẽ lên tới 4 tỷ euro nếu mực nước biển tăng thêm 25cm vào năm 2050, tương tự kịch bản tồi tệ nhất mà cơ quan nghiên cứu khí hậu của Liên hợp quốc đưa ra.
Cơ quan này nhấn mạnh mực nước biển đang ngày càng dâng cao, một phần là do nhiệt độ trên Trái đất tăng lên, làm băng tại các dãy Andes, Alps và một phần núi băng ở Greenland cũng như Nam Cực tan chảy. Theo kết quả nghiên cứu năm 2014, vào năm 2100 (trong kịch bản xấu nhất mực nước biển có thể cao thêm 1m), số tiền bỏ ra để đối phó với tình trạng này có thể lên tới 0,3% - 9% tổng sản lượng toàn cầu. Tác giả chính của nghiên cứu, Jochen Hinkel, thuộc Diễn đàn Khí hậu Toàn cầu tại Berlin, cho rằng việc xây dựng hàng rào và đê ngăn nước biển xâm thực tại các bờ biển có thể là giải pháp phòng ngừa ít tốn kém mà hiệu quả. Các nhà khoa học cũng khẳng định thuật toán mà họ dùng để tính toán các chi phí này có thể áp dụng đối với mọi quốc gia và thành phố trên thế giới./.
Cho ý kiến về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong cuộc bầu cử  (29/02/2016)
Khối thi đua các bộ, ngành tổng hợp triển khai nhiệm vụ 2016  (29/02/2016)
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2  (29/02/2016)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay