Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định đã tóm tắt những nội dung cơ bản của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02-2016 diễn ra sáng nay dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Tại phiên họp, Chính phủ bàn và quyết định các nội dung. Thứ nhất, Chính phủ đã nghe Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình Chính phủ báo cáo bổ sung đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nNhà nước năm 2016 và tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2016, cũng như những công việc cần phải chỉ đạo trong thời gian tới. Thứ hai, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát báo cáo về tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở miền Trung-Tây Nguyên và đề xuất các giải pháp khắc phục. Thứ ba, Chính phủ nghe lãnh đạo Bộ Công an trình bày báo cáo dự thảo nghị quyết của Quốc hội cho phép tiếp tục áp dụng Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho đến khi có luật mới.
Về đánh giá tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và hai tháng năm 2016, các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2016 tiếp tục chuyển biến, đạt kết quả khả quan. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02-2016 tăng 0,42% so với tháng trước. Xuất khẩu 2 tháng ước đạt 23,7 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ, xuất siêu khoảng 865 triệu USD. Thu hút vốn ODA, FDI tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước đến 15-02 ước đạt 15,8% dự toán năm, tăng 2,4% (thu nội địa tăng mạnh và tăng 12,8%). Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá, 2 tháng tăng 6,6%. Nông nghiệp mặc dù gặp nhiều khó khăn do diễn biến thời tiết kém thuận lợi nhưng vẫn phát triển khá ổn định, bảo đảm nguồn cung trong và sau Tết Nguyên đán. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 9,7%. Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt khoảng 1,64 triệu lượt, tăng 16%.
Về những khó khăn, Chính phủ đánh giá thời tiết có diễn biến phức tạp, khó lường, rét hại, rét đậm tại khu vực phía Bắc, hạn hán nghiêm trọng tại Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng đến đời sống của người dân và sản xuất nông nghiệp. Tình hình tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn cao.
Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tất cả các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan, công chức phải thực hiện tốt nhiệm vụ của năm 2016 một cách đồng bộ, đồng thời quyết tâm trên tất cả các lĩnh vực. Ngay từ những tháng đầu, ngày đầu của năm, Chính phủ đã chỉ đạo như vậy; sau 2 tháng tiếp tục làm đồng bộ, đồng thời tất cả các công việc theo kế hoạch, chương trình đã đề ra trong cả năm. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ dành nhiều thời gian bàn là tập trung khắc phục thiên tai, đặc biệt là xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên, khắc phục rét đậm, rét hại gây thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi tại các tỉnh miền núi phía Bắc dịp trước Tết.
Tiếp đó, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyên Khắc Định và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trả lời câu hỏi của các nhà báo.
Trả lời câu hỏi về giải pháp của Chính phủ để ngăn chặn tình trạng xâm mặn, hạn hán rất gay gắt trên cả nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ mong muốn các nhà báo chung tay chung sức vào việc thông tin về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn. Đây là việc hết sức bức xúc, cấp bách cả trước mắt và lâu dài. Hiện nay tình hình hạn hán, xâm nhập mặn hết sức nghiêm trọng, kể cả khu vực Bắc Trung Bộ. Dự báo các khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị… sắp tới cũng có thể hạn hán bởi El Nino đang kéo dài trong nhiều năm, cực kỳ nghiêm trọng. Tại khu vực Nam Trung Bộ, vụ Đông Xuân năm 2016, đã có tổng cộng 23.000 ha đất lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước và trong năm 2016 dự kiến có 40.000 ha phải dừng sản xuất do thiếu nước và 50.000 dân sẽ thiếu nước sinh hoạt. Khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, vụ Đông Xuân có trên 2.800 ha đất phải dừng sản xuất, tháng 4-2016 dự kiến có 180.000 ha thiếu nước và 25.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Xâm nhập mặn đã xuất hiện ở mức độ cao hơn mức độ trung bình hằng năm ở đồng bằng sông Cứu Long và vào sâu trong đất liền 90 km, nặng hơn mọi năm - sâu hơn 10-20 km. Dự báo trong thời gian tới còn nặng nề hơn, vì bây giờ chưa phải đỉnh điểm, tháng 3-4, thậm chí đến tháng 5-6 mới là đỉnh điểm. Diện tích bị ảnh hưởng là rất lớn.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn. Ngay sau Tết Nguyên đán, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, các địa phương, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng rất tích cực tham gia vào việc này.
Mới đây, ngày 24-02 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định hỗ trợ 85,1 tỉ đồng cho 6 tỉnh khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ hè-thu năm 2015.
Tại Phiên họp hôm nay, Chính phủ đã thảo luận, đề ra các chủ trương, giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Về giải pháp cấp bách trong thời gian tới, Chính phủ ghi nhận những phương án của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan và địa phương theo dõi sát diễn biến thời tiết, tăng cường dự báo, đánh giá tình hình khí tượng thủy văn; có các giải pháp ứng phó trước mắt và lâu dài với hạn hán và xâm nhập mặn. Kịp thời hỗ trợ cứu đói, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân vùng bị hạn, xâm nhập mặn; đẩy nhanh thi công các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; thường xuyên kiểm tra, đánh giá nguồn nước, xây dựng kế hoạch sử dụng, điều chỉnh cơ cấu cây trồng mùa vụ phù hợp; tăng cường các biện pháp để bảo đảm cung cấp điện cho sản xuất, sinh hoạt.
Ngoài ra, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đại diện lãnh đạo các bộ ngành còn trả lời nhiều câu hỏi khác của các nhà báo./.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tiếp Chủ tịch Đoàn Nghị sĩ Đảng dân chủ xã hội tại Quốc hội Đức  (29/02/2016)
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  (29/02/2016)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm