TCCSĐT- Ngày 17-02-2016, tại thành phố Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị phòng chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ tham dự và chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị còn có đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, năm nay, mặn xâm nhập vào đồng bằng sông Cửu Long sớm hơn nhiều năm, gây thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương. Đến nay, có 8 tỉnh ven biển bị thiệt hại với 971.762 ha đất sản xuất nông nghiệp bị xâm nhập mặn, riêng diện tích lúa tôm ở Kiên Giang bị thiệt hại 57.078 ha. Nhiều vùng trồng cây ăn trái ở Vĩnh Long, Hậu Giang cũng bị nước mặn gây hại. Mức độ nghiêm trọng của tình trạng hạn, mặn được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm trở lại đây. Hiện tại, các tỉnh bị nhiễm mặn nặng nhất là Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang,… Các tỉnh Hậu Giang, An Giang, Long An bị nhiễm mặn khoảng 50%.

Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát, tình trạng hạn mặn gay gắt ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay phải được xem là tình huống thiên tai, có nguyên nhân là do tác động của con người vào dòng chảy trên sông Mê Kông, làm thay đổi vĩnh viễn một phần chế độ dòng chảy. Thêm vào đó là tác động nghiêm trọng của tình trạng El-Nino xảy ra khốc liệt nhất trong vòng 100 năm qua. Dự báo, từ nay đến hết tháng 3-2016, tình hình hạn, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục diễn biến ngày càng gay gắt.

Ở Tiền Giang, hạn, mặn đã làm chết hơn 660 héc ta lúa đông xuân tại các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây. Nhiều người dân ở huyện Tân Phú Đông đang thiếu nước ngọt sinh hoạt hàng ngày. Đến đầu tháng 02-2016, tại các huyện An Biên, An Minh của tỉnh Kiên Giang có khoảng 34.000 héc ta lúa bị chết, khoảng 14.250 hộ nông dân bị thất trắng. Hàng chục ngàn héc ta lúa ở huyện Gò Quao cũng đang bị héo úa, chết khô vì không có nước tưới. Đợt triều cường trong những ngày đầu năm âm lịch vừa qua đã đưa nước mặn xâm nhập sâu vào khu vực nội đồng của nhiều huyện trong tỉnh Hậu Giang. Đến nay, nước mặn từ biển Đông đã vượt qua tỉnh Sóc Trăng và lần đầu tiên xâm nhập đến huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy. Ở Bạc Liêu, tình trạng khô hạn gây hại nhiều vùng nuôi tôm. Ông Lai Thanh Ẩn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu cho biết, đến nay, hàng trăm hec ta nuôi tôm ở các huyện Phước Long, Hồng Dân và một phần thị xã Giá Rai có nguy cơ bị mất trắng do thiếu nước mặn cục bộ để nuôi tôm.

Các địa phương trong vùng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra do hạn, mặn. Tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo các địa phương dời lịch xuống giống lúa hè thu sang tháng 5, thay vì xuống giống tập trung trong tháng 3 và tháng 4-2016 để tránh đợt hạn, mặn cao điểm trong năm. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương khai thác thêm một số giếng khoan nhằm bổ sung nước ngọt cho người dân ở thành phố Vị Thanh, huyện Long Mỹ sử dụng. Còn về sản xuất nông nghiệp, thời vụ sản xuất lúa hè thu sẽ được chuyển qua tháng 5-2016, thay vì là tập trung xuống giống vào tháng 3 và 4-2016 để tránh đợt hạn, mặn cao điểm. Ở Tiền Giang, để hạn chế tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt ở huyện Tân Phú Đông, tỉnh đã cho chuyển nước bằng xà lan từ nơi khác đến và cho phép mở các vòi nước công cộng để người dân sử dụng. Huyện Gò Công Đông đã dẫn nước ngọt về 61 điểm công cộng phục vụ nhu cầu tối thiểu của nguời dân. Ở các huyện trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công, các địa phương đang tập trung bơm nước ngọt vào các kênh chính để nông dân có nước bơm lên ruộng cứu lúa.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các địa phương trong vùng thời gian qua đã có biện pháp chủ động, kịp thời, để xử lý hạn chế tác hại của tình trạng hạn, mặn. Phó Thủ tướng nhận định vùng đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu nước ngọt nghiêm trọng, vì thế các địa phương cần phải tuân thủ theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong công tác phòng chống hạn, mặn. Trước mắt, các bộ, ngành phải làm tốt công tác dự báo và làm tốt hoạt động thông tin truyền thông cho người dân hiểu đúng tình hình, không làm người dân dao động, hoang mang. Chính phủ sẽ ưu tiên bố trí chi khu vực Nam Trung Bộ và đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long 3.200 tỷ đồng để khắc phục tình trạng hạn, mặn. Các địa phương cần có giải pháp sử dụng nguồn nước ngọt tiết kiệm, hiệu quả, thực hiện đồng bộ các biện pháp nạo vét kênh mương, trữ nướt ngọt giữ vững sản xuất nông nghiệp, giúp người dân ổn định cuộc sống. Về lâu dài, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan khẩn trương hợp tác nghiên cứu bài bản căn cơ, để giúp đồng bằng sông Cửu Long ứng phó hữu hiệu với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần tiếp tục rà soát quy hoạch thủy lợi và các chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu để đảm bảo trong thời gian tới chuyển một phần diện tích đất sản xuất nông nghiệp không phù hợp sang cây trồng vật nuôi khác cho phù hợp với tình trạng nước mặn, nước lợ. Bộ cũng cần tập trung nghiên cứu chương trình biến nước mặn sang nước ngọt ở một số tỉnh ven biển để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nghiên cứu các giống cây trồng thích ứng với tình trạng hạn mặn./.