OECD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Lo ngại hoạt động thương mại trì trệ, ngày 09-11-2015, Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, từ mức 3% trong năm 2015 và 3,6% trong năm 2016 xuống lần lượt là 2,9% và 3,3%.
Tổ chức gồm 34 nền kinh tế hàng đầu thế giới này nhận định, mặc dù áp lực từ tình trạng lạm phát đã dịu bớt, song đà phục hồi của kinh tế toàn cầu trong giai đoạn 2016 - 2017 được dự đoán là khá chậm chạp, chứng kiến mức tăng khiêm tốn 3,7% trong năm 2017.
Bà Catherine Mann, nhà kinh tế trưởng của OECD, đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tình trạng trì trệ thậm chí là suy giảm mạnh của hoạt động thương mại toàn cầu trong năm nay. Phát biểu sau khi công bố báo cáo mới nhất của OECD về triển vọng kinh tế toàn cầu, bà C. Mann nêu rõ, hoạt động thương mại mạnh mẽ luôn gắn với sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Thương mại là yếu tố cốt lõi thúc đẩy sản lượng toàn cầu và hoạt động thương mại trong năm nay của thế giới gắn liền với cuộc suy thoái trước đây. Kinh tế Trung Quốc giảm tốc trong bối cảnh nước này đang tái cân bằng nền kinh tế, chuyển đổi từ mô hình phụ thuộc vào sản xuất và xuất khẩu sang nền kinh tế dịch vụ và tiêu dùng, là một trong những nguyên nhân khiến thương mại toàn cầu trì trệ. Điều này đã khiến giá cả hàng hóa “lao dốc”, ảnh hưởng tới các nền kinh tế mới nổi trên toàn cầu. Tuy nhiên, với một loạt các biện pháp kích thích tăng trưởng sau đó, OECD đã nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm nay lên 6,8%, so với mức 6,7% đưa ra hồi tháng 9. Trong khi đó, vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 6,5% của năm sau.
Không chỉ điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, OECD cũng đã dự báo tăng trưởng của Mỹ sẽ duy trì tương đối ổn định ở mức 2,4% trong năm nay và 2,5% trong năm sau. Các nền kinh tế thành viên Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng được dự báo tăng trưởng, song khá khiêm tốn ở mức lần lượt 1,5% và 1,8%./.