Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 26-10 đến ngày 01-11-2015)
21:44, ngày 02-11-2015
TCCSĐT - Chuyến thăm cấp cao của Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp (PCF) tại Việt Nam; Việt Nam lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ có trách nhiệm thực hiện các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc và hoan nghênh việc bỏ phiếu kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận Cuba; Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13; Hội nghị hợp tác và phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ 8... là những hoạt động đối ngoại nổi bật trong tuần qua.
Việt Nam - Lào đẩy mạnh hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo
Chiều 26-10-2015, Hội thảo khoa học về chủ đề "Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam và Lào" đã được tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học của hai nước trao đổi, làm sáng tỏ về mặt lý luận, thực tiễn và đề xuất phương hướng, giải pháp hiện thực hóa quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và hợp tác trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giữa hai nước. Tại hội thảo, các nhà khoa học của hai nước nêu rõ, Đảng, Nhà nước Việt Nam và Đảng, Nhà nước Lào đều rất chú trọng, đề cao công tác đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cho hệ thống chính trị của hai nước. Trong quá trình đó, với quan hệ hữu nghị, hợp tác chặt chẽ giữa hai nước, nhất là trong quan hệ hợp tác xây dựng đội ngũ cán bộ, Việt Nam đã tiến hành đào tạo, bồi dưỡng hàng nghìn cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác đoàn thể và cán bộ chuyên môn của Lào. Hợp tác giữa hai nước về giáo dục và đào tạo là lĩnh vực được triển khai sớm và thu được kết quả khả quan...
Ngoài việc đào tạo cán bộ đại học và sau đại học, Việt Nam còn tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nhiều hệ lớp khác nhau, góp phần nâng cao trình độ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của Lào. Các đại biểu nhấn mạnh mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào nói chung và quan hệ hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói riêng giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều học giả, nhiều nhà nghiên cứu của hai nước. Trong điều kiện tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở mỗi nước, việc tiếp tục đi sâu nghiên cứu quan hệ hợp tác giữa hai Đảng về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để có được đội ngũ cán bộ ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Khóa họp thứ 12 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Belarus
Trong hai ngày 26 và 27-10-2015, tại thủ đô Minsk của Belarus đã diễn ra Khóa họp thứ 12 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Belarus về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học - kỹ thuật do Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Hoàng Quốc Vượng và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Belarus, Vladimir Rybakov chủ trì. Tham dự Khóa họp có gần 50 đại diện các bộ ngành hữu quan, chuyên gia và doanh nghiệp hai nước. Khóa họp diễn ra trong bối cảnh hai nước đang chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Belarus, Aleksandr Lukashenko vào tháng 12 tới.
Tại khóa họp, hai bên đã ghi nhận những tiến triển tích cực trong hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Hai bên đánh giá, việc triển khai các thỏa thuận đạt được trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 11 về phát triển khu vực thương mại tự do, công nghiệp, thương mại hàng hóa, dịch vụ đã đạt được những kết quả tích cực. Trong lĩnh vực hợp tác công nghiệp, hai bên đã triển khai thực hiện các dự án lắp ráp ôtô tải, nghiên cứu việc thành lập doanh nghiệp lắp ráp xe buýt của Belarus tại Việt Nam. Mở rộng hợp tác trong việc cung cấp sang Việt Nam các mặt hàng của Belarus như lốp xe, dược phẩm, đồ uống có cồn, sữa và thực phẩm khác, các mặt hàng công nghiệp. Việt Nam tiếp tục cung cấp sang Belarus các mặt hàng truyền thống gồm cà phê, chè, các loại hạt và các mặt hàng thuộc kỹ nghệ thực phẩm như mỳ ăn liền, bánh kẹo và bột ngọt. Hai bên cũng triển khai một số dự án chung về khoa học - kỹ thuật và giáo dục.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực như trên, hai bên đánh giá một số thỏa thuận vẫn chưa triển khai đầy đủ và nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ thúc đẩy việc thực thi các thỏa thuận của Ủy ban trong thời gian tới. Hai bên cho rằng Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) ký ngày 29-5 tại Kazakhstan khi có hiệu lực sẽ là động lực quan trọng trong phát triển quan hệ kinh tế giữa Belarus và Việt Nam thời gian tới. Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác, tăng thu hút đầu tư và sự tham gia của các nhà doanh nghiệp hai bên vào các dự án trọng điểm ở mỗi nước trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, tài chính - ngân hàng, khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục và nghiên cứu mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác như thông tin - truyền thông, văn hóa, thể thao, du lịch và hợp tác liên địa phương. Hai bên thống nhất tổ chức Khóa họp lần thứ 13 Ủy ban liên Chính phủ Belarus - Việt Nam về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật tại Việt Nam vào nửa cuối năm 2016.
Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Cộng sản Pháp (PCF) thăm và làm việc tại Việt Nam
Nhận lời mời của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Cộng sản Pháp (PCF) do ông Pierre Laurent, Bí thư toàn quốc dẫn đầu đã sang thăm Việt Nam từ ngày 26-10 đến ngày 28-10-2015. Chiều 27-10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành Ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã thân mật tiếp Đoàn.
Tại các cuộc tiếp, ông Pierre Laurent cảm ơn các lãnh đạo Việt Nam đã dành thời gian tiếp Đoàn; bày tỏ vui mừng được trở lại Việt Nam trong bối cảnh quan hệ hai Đảng đã có những bước phát triển tích cực trong thời gian qua và quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Pháp đã được nâng lên tầm Đối tác chiến lược từ tháng 9-2013, tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển quan hệ song phương sâu rộng và trong nhiều lĩnh vực. Ông Pierre Laurent đánh giá cao những thành tựu to lớn của Việt Nam trong 30 năm Đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vững vàng trước những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, giữ vững ổn định chính trị, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, tích cực và chủ động hội nhập khu vực và quốc tế; coi những thành tựu này là nguồn động viên, cổ vũ đối với những người cộng sản Pháp trong các hoạt động vì quyền lợi của người lao động và nhân dân Pháp. Bí thư toàn quốc PCF Pierre Laurent khẳng định, cũng như trong những năm tháng Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, PCF luôn luôn ủng hộ nỗ lực xây dựng và bảo vệ đất nước của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Ông bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến mới, phức tạp, đơn phương tôn tạo bãi, đá và quân sự hóa ở Biển Đông, nhấn mạnh ủng hộ chủ trương của Việt Nam giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Về phía Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chào mừng Đoàn và đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam lần này của Bí thư toàn quốc PCF. Tổng Bí thư coi chuyến thăm này là một biểu hiện cụ thể của mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều thế hệ lãnh đạo hai Đảng dày công xây đắp. Tổng Bí thư chân thành cảm ơn những người cộng sản và nhân dân Pháp đã dành cho Việt Nam sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong thời kỳ đàm phán các Hiệp định Paris trước kia cũng như sự giúp đỡ về vật chất, tinh thần quý báu đối với công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam những năm qua. Tổng Bí thư cũng ghi nhận những nỗ lực của PCF trong việc góp phần phát triển quan hệ Việt Nam - Pháp ở cả cấp độ địa phương và trung ương, đóng góp vào việc tăng cường hiểu biết của công chúng Pháp về đất nước, con người Việt Nam. Trong tình hình thế giới đầy biến động đang đặt ra nhiều vấn đề lớn tại châu Âu cũng như tại châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á hiện nay, Tổng Bí thư đề nghị hai bên tăng cường hợp tác dưới các hình thức phù hợp, chia sẻ thông tin, nghiên cứu, kinh nghiệm thực tiễn để giúp đỡ lẫn nhau nâng cao năng lực của mỗi đảng. Tổng Bí thư cũng đề nghị Bí thư toàn quốc PCF Pierre Laurent trên cương vị Chủ tịch Đảng Cánh tả châu Âu cùng với PCF quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy quan hệ của Đảng Cộng sản Việt Nam với các đảng cánh tả có vai trò tại châu Âu cũng như hỗ trợ phát triển quan hệ Việt Nam - Pháp, Việt Nam - Liên minh châu Âu.
Trước đó, Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Cộng sản Pháp đã hội đàm với Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, làm Trưởng đoàn. Hai bên đã trao đổi về tình hình hai Đảng, hai nước và các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Đồng chí Hoàng Bình Quân đánh giá cao chuyến thăm của Bí thư toàn quốc PCF Pierre Laurent trong bối cảnh Đảng Cộng sản Việt Nam đang tích cực chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 vào đầu năm 2016, PCF chuẩn bị bầu cử cấp vùng cuối năm 2015, Đại hội PCF giữa năm 2016 và bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017. Đồng chí Hoàng Bình Quân và Bí thư toàn quốc PCF Pierre Laurent đã thảo luận một số biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục phát huy các cơ chế trao đổi, hợp tác hiện nay với mục tiêu thúc đẩy mối quan hệ giữa hai Đảng nói riêng và hai nước nói chung ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần thiết thực hiện thực hóa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Trong các cuộc tiếp nói trên, hai bên nhất trí sẽ trao đổi và tiến hành các hoạt động cần thiết trong năm 2020 nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập PCF mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những đảng viên sáng lập (năm 1920).Trong thời gian ở thăm Việt Nam, Đoàn cũng đã thăm, làm việc tại Bắc Ninh và tham gia phiên khai mạc Hội thảo lý luận lần thứ hai giữa hai Đảng dưới chủ đề “Hội nhập quốc tế và phát triển bền vững”.
Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hợp quốc
Ngày 27-10-2015, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Văn phòng Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hợp quốc. Tham dự Lễ kỷ niệm có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Đánh giá cao vai trò của Liên hợp quốc khi cho rằng sự ra đời của Liên hợp quốc (24-10-1945) là một bước ngoặt trong lịch sử thế giới, mang lại những biến đổi to lớn cho hòa bình và tiến bộ chung của nhân loại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, nhân dân Việt Nam chân thành cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của Liên hợp quốc nhằm góp phần giải quyết hậu quả nặng nề của chiến tranh và khắc phục những khó khăn của bao vây, cấm vận. Trong thời kỳ Đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sự hợp tác về trợ giúp kỹ thuật, vốn, kinh nghiệm của Liên hợp quốc là một trong những nguồn lực quan trọng giúp Việt Nam nâng cao năng lực thể chế luật pháp, cải cách hành chính, xóa đói, giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững... Định hướng cho quan hệ Việt Nam - Liên hợp quốc thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, Việt Nam luôn coi hợp tác với Liên hợp quốc là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình. Quan hệ hai bên sẽ tiếp tục được tăng cường không chỉ trên lĩnh vực hợp tác phát triển, mà trên cả các vấn đề gìn giữ hòa bình, giải quyết xung đột, bảo đảm an ninh, các vấn đề toàn cầu như xóa đói nghèo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Và Việt Nam sẵn sàng tham gia tích cực và đóng góp thiết thực, hiệu quả hơn nữa vào các hoạt động của Liên hợp quốc trên toàn cầu.
Thay mặt các tổ chức quốc tế trong hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam chúc mừng Việt Nam vừa trúng cử vào Hội đồng Kinh tế - Xã hội (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016 - 2018; những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội mà Việt Nam đạt được cũng như cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs). Đánh giá cao Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong công cuộc cải tổ của Liên hợp quốc với Sáng kiến Thống nhất Hành động, bà Pratibha Mehta nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò của Liên hợp quốc trong nhiều năm qua trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh trên thế giới, bảo vệ các quyền con người, cùng các quốc gia trên thế giới vượt qua các cuộc khủng hoảng.Ghi nhận Việt Nam cùng 192 quốc gia thành viên khác đã ký và thông qua Chương trình nghị sự phát triển 2030 cùng các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), bà Pratibha Mehta mong nhận được sự tham gia tích cực của Việt Nam tại Hội nghị COP 21 về biến đổi khí hậu sắp tới. Bà Pratibha Mehta khẳng định Liên hợp quốc sẽ sát cánh cùng Việt Nam trong tương lai nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện, công bằng và bền vững.
Nhân dịp này, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đã trao tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lá cờ của Liên hợp quốc. Tại Lễ kỷ niệm đã diễn ra Triển lãm ảnh, trưng bày những hình ảnh về quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên hợp quốc trong suốt 40 năm qua, từ những ngày đầu viện trợ nhân đạo, phục hồi và tái thiết, cải cách toàn diện đến quá trình thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững.
Việt Nam kêu gọi Hoa Kỳ có trách nhiệm thực hiện các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc và hoan nghênh bỏ phiếu kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận Cuba
Ngày 27-10-2015, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết không ràng buộc kêu gọi Hoa Kỳ chấm dứt các lệnh cấm vận đối với Cuba. Ngày 29-10-2015, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước sự việc trên, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: “Việt Nam hoan nghênh việc các nước bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba. Việt Nam cho rằng việc tiếp tục duy trì lệnh cấm vận đối với Cuba là không phù hợp, cần sớm được dỡ bỏ hoàn toàn, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân hai nước Cuba và Hoa Kỳ, góp phần quan trọng vào việc phát triển cũng như duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực châu Mỹ”.
Trước đó, phát biểu tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Hoa Kỳ, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc khẳng định Việt Nam phản đối lệnh cấm vận đơn phương của Mỹ chống Cuba vì đã vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế như bình đẳng chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, quyền tự quyết dân tộc và cùng tồn tại hòa bình.
Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13
Từ ngày 26-10 đến ngày 30-10-2015, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 (AMME 13), Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN+3 lần thứ 14 và chuỗi các Hội nghị liên quan đã diễn ra tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới dự và phát biểu tại lễ khai mạc AMME 13. Tham dự AMME 13 và chuỗi các Hội nghị liên quan còn có Bộ trưởng Môi trường các nước ASEAN; đại diện 3 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc; Tổng Thư ký ASEAN; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương của Việt Nam...
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhiệt liệt chào mừng các Bộ trưởng, Trưởng Đoàn, quan chức môi trường các quốc gia thành viên ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Tổng Thư ký ASEAN... tới tham dự Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN+3 lần thứ 14 và các hội nghị liên quan tại Thủ đô Hà Nội - Thành phố vì Hòa bình. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, năm 2015 là mốc lịch sử quan trọng đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi Cộng đồng ASEAN được thành lập dựa trên 3 trụ cột chính là chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. ASEAN ngày nay đã trở thành một thực thể gắn kết về chính trị - an ninh; liên kết về kinh tế; cùng hợp tác và chia sẻ trách nhiệm về văn hóa - xã hội; đóng vai trò trung tâm trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển ở khu vực. Khẳng định nhìn lại thời gian qua, hợp tác bảo vệ môi trường trong ASEAN đã đạt được những kết quả tích cực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng vì ASEAN đã hoàn thành việc triển khai các hành động hợp tác về đảm bảo môi trường bền vững trong Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN giai đoạn 2009-2015.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, những năm qua, hợp tác về bảo vệ môi trường cùng với các đối tác trong khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) và Liên minh châu Âu (EU) không ngừng được tăng cường. Nhóm đặc nhiệm đa quốc gia ASEAN đang nỗ lực phối hợp với các đối tác trong và ngoài khu vực dập tắt cháy rừng và ngăn ngừa lan truyền khói bụi từ Indonesia. ASEAN tích cực tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP-UNFCCC), đưa ra các Tuyên bố chung của Lãnh đạo cấp cao ASEAN về biến đổi khí hậu. Nhiều nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, mặc dù chưa phải là nguồn phát thải đáng kể khí gây hiệu ứng nhà kính (hoặc không gây ra) nhưng lại phải chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả hơn nữa và sẵn sàng hợp tác, đóng góp tích cực để cùng ASEAN, các nước đối tác và cộng đồng quốc tế chung tay thực hiện thành công, gìn giữ môi trường mãi xanh của khu vực và thế giới.
Hội nghị hợp tác và phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ 8
Ngày 28-10-2015, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị hợp tác và phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ 8. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và ngài Samdech Krolahom Sar Kheng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Campuchia dự và cùng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có Đại sứ Việt Nam tại Campuchia, Đại sứ Campuchia tại Việt Nam và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, 10 tỉnh biên giới Việt Nam và 9 tỉnh biên giới Campuchia.
Hội nghị là cơ hội tốt để các bộ, ngành và các địa phương hai bên biên giới bàn bạc và trực tiếp gặp gỡ, trao đổi trên tinh thần hữu nghị, tin cậy về các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ vướng mắc, hướng tới mục tiêu xây dựng khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia thành khu vực ổn định về an ninh, phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và giữ vững tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước. Kết quả của Hội nghị là cơ chế hợp tác quan trọng, góp phần vào quan hệ chung giữa hai nước, đồng thời liên quan trực tiếp tới các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia. Kết thúc Hội nghị, hai bên đã nhất trí về kết quả đạt được trong hợp tác, phát triển ở khu vực biên giới hai nước và phương hướng hợp tác thời gian tới, trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, khuôn khổ pháp lý ở cấp Trung ương, như trong các lĩnh vực thương mại, tài chính, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, y tế, an ninh quốc phòng.
Trong Thông cáo chung, hai bên đã đánh giá cao nỗ lực của chính quyền, nhân dân các tỉnh biên giới hai nước trong hợp tác và cũng nêu ra một số vấn đề cần khắc phục, như cơ sở hạ tầng mặc dù có nhiều tiến bộ, đường lên cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế là tốt nhưng đường lên cửa khẩu phụ hoặc đường khác còn phải nâng cấp. Nguồn lực địa phương rất cố gắng nhưng còn hạn chế và sự hỗ trợ của các bộ, ngành hai nước như thế nào. Mặc dù hai nước đã có thỏa thuận, tham gia hiệp định trong khuôn khổ khu vực và quốc tế, nhưng trong từng lĩnh vực cụ thể cần có thêm thỏa thuận, hiệp định mới hoặc cập nhật những thỏa thuận, hiệp định cũ để cụ thể hóa thực hiện hợp tác. Hai bên cũng thấy những hạn chế cần khắc phục, làm tốt hơn liên quan đến công tác quản lý biên giới. Công tác biên giới không chỉ có vấn đề đường biên mà cả những vấn đề hợp tác, lớn nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, giao lưu nhân dân, hỗ trợ lẫn nhau phát triển xã hội, giáo dục và y tế.
Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện 3 văn kiện pháp lý biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc
Ngày 30-10-2015, Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện 3 văn kiện pháp lý biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc gồm Nghị định thư phân giới, cắm mốc; Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu đã diễn ra tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Hồ Xuân Sơn chủ trì hội nghị. Lãnh đạo, đại diện các bộ như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và 7 tỉnh biên giới trên đất liền Việt - Trung đã tham dự và trình bày tham luận tại Hội nghị.
Thực hiện Chỉ thị số 1326/CT-TTg ngày 27-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai 3 văn kiện biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, trong 5 năm qua, các bộ ngành và địa phương biên giới đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao trong chỉ đạo, điều hành và tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vấn đề nảy sinh trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, giữ vững sự ổn định của đường biên giới, mốc quốc giới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân biên giới. Để đạt được kết quả trên, các bộ ngành liên quan và 7 tỉnh biên giới phía Bắc đã tích cực phối hợp từng bước hoàn thiện bộ máy tổ chức từ trung ương đến địa phương; xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện 3 văn kiện; phát huy có hiệu quả vai trò chức năng của mình trong công tác quản lý Nhà nước về biên giới, lãnh thổ; hoàn thành tốt những công việc sau phân giới cắm mốc như: nhận biết đường biên giới, di dời mồ mả, triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến 3 văn kiện, xây dựng kè bảo vệ bờ sông, suối, cồn bãi trên sông suối biên giới, kè bảo vệ mốc quốc giới; mở, nâng cấp các cặp cửa khẩu mà hai bên đã thỏa thuận; đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch và tăng cường giao lưu hữu nghị, kết nghĩa thôn bản ở vùng biên giới hai nước.
Về song phương, các lực lượng chức năng hai bên thường xuyên trao đổi, phối hợp thực hiện có hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, lãnh thổ; hợp tác hữu nghị giữa các địa phương biên giới hai nước ngày càng được tăng cường, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới hai nước và xây dựng đường biên giới Việt - Trung thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị. Hội nghị đã tiến hành kiểm điểm, đánh giá công tác của Phân ban Việt Nam trong Ủy ban Liên hợp biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, đề ra phương hướng, trọng tâm công tác trong giai đoạn tiếp theo.
Việt Nam khẳng định cam kết bảo đảm và thúc đẩy quyền con người
Ngày 30-10-2015, Ủy ban về các vấn đề văn hóa, xã hội và nhân đạo thuộc Đại Hội đồng Liên hợp quốc Khóa 70 tiếp tục thảo luận đề mục “Thúc đẩy và bảo đảm quyền con người”. Các nước cho rằng nỗ lực quốc tế đã đem lại nhiều kết quả quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người song quan ngại sâu sắc về tình trạng xung đột, bạo lực cực đoan và cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất kể từ Thế Chiến thứ 2 đang tước đoạt các quyền và nhu cầu cơ bản như y tế, giáo dục, lương thực, nơi trú ẩn của hàng trăm triệu người, nhất là phụ nữ, trẻ em, người gia, người khuyết tật. Các nước nhấn mạnh Liên hợp quốc cần tiếp tục nỗ lực hỗ trợ các quốc gia giải quyết các thách thức, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của mọi người dân.
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần nỗ lực hết sức để bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển bền vững là nền tảng cho thúc đẩy và bảo đảm quyền con người; đồng thời ghi nhận vai trò của Liên hợp quốc trong thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các nước trong vấn đề này. Đại sứ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện Chương trình Nghị sự Phát triển Bền vững 2030 bởi Chương trình này lồng ghép những nội dung quan trọng của quyền con người, trong đó có quyền phát triển, ưu tiên các nhóm dễ bị tổn thương, góp phần giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bất an ninh và xung đột như đói nghèo, bất bình đẳng, bất công và tách biệt xã hội. Nhân dịp này, Đại sứ Nguyễn Phương Nga giới thiệu các chính sách và thành tựu nổi bật của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người, nhấn mạnh Việt Nam coi trọng hợp tác và đối thoại và khẳng định Việt Nam, với tư cách thành viên có trách nhiệm của Hội đồng Nhân quyền, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước, các đối tác trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người trên phạm vi toàn cầu./.
Quy định mới về điều kiện vay vốn ưu đãi mua, thuê nhà ở xã hội  (02/11/2015)
Việt Nam dự cuộc gặp quốc tế các đảng cộng sản và công nhân  (02/11/2015)
Đảng bộ tỉnh Hưng Yên tổ chức thành công Đại hội Đại biểu lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020  (02/11/2015)
Đảng bộ tỉnh Hưng Yên tổ chức thành công Đại hội Đại biểu lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020  (02/11/2015)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 26-10 đến ngày 01-11-2015  (02/11/2015)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên