Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 26-10 đến ngày 01-11-2015
Thủ tướng quyết định thí điểm thành lập Trung tâm Hành chính công
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thí điểm thành lập Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Thời gian thực hiện thí điểm là 3 năm. Trung tâm hành chính công có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng. Trụ sở làm việc của Trung tâm hành chính công tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm hành chính công và Quy chế phối hợp tổ chức hoạt động giữa Trung tâm hành chính công với các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Trung tâm hành chính công của tỉnh sẽ là đầu mối tập trung thực hiện việc hướng dẫn thủ tục hành chính, tiếp nhận hồ sơ của cá nhân, tổ chức để giải quyết và nhận, trả kết quả cho cá nhân, tổ chức; tham gia đề xuất các giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hành chính và thực hiện cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.
Thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Sau khi rà soát, bổ sung, sửa đổi hoặc bãi bỏ, đơn giản hóa, tổng số thủ tục hành chính của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh là 1.284 thủ tục hành chính, giảm 196 thủ tục hành chính so với Đề án 30. Việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính được thực hiện theo Đề án 25. Đến nay, các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh giảm 12% tổng số chi cục; giảm 17% tổng số phòng; giảm 18% tổng số đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh. Đối với Ủy ban nhân dân các địa phương, giảm 2% tổng số phòng chuyên môn, 13% đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Hệ thống thư điện tử được triển khai đồng bộ tại 100% các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và một số Ủy ban nhân dân các xã. Các dịch vụ công đều đạt mức 1, 2; 148 dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3, 4. Toàn tỉnh có 238 đơn vị, địa phương xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước...
Quản lý cán bộ: Những sai sót không rõ danh tính
Theo yêu cầu bổ sung việc tổng kết, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã gửi báo cáo đến Quốc hội, khẳng định các bộ, ngành, địa phương đều còn có thiếu sót, tồn tại. Theo Bộ trưởng, trong 2 năm qua đã có hơn 30 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 15 bộ, ngành và 18 ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương. Những thiếu sót, tồn tại qua thanh tra, kiểm tra khá phong phú: Chỉ tiêu biên chế hành chính hàng năm vượt quá chỉ tiêu được Bộ Nội vụ giao, cá biệt có tỉnh còn giao chỉ tiêu “biên chế địa phương” cho các cơ quan, đơn vị; vẫn có việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và của đơn vị như, chưa đáp ứng trình độ lý luận chính trị, trình độ đại học, thiếu kê khai tài sản, đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật và quá tuổi bổ nhiệm lần đầu; thực hiện không đầy đủ quy trình, thủ tục bổ nhiệm; ban hành quyết định bổ nhiệm lại chậm. Sai sót tiếp theo là hồ sơ bổ nhiệm công chức lãnh đạo thuộc thẩm quyền của thủ trưởng các đơn vị còn chưa đầy đủ thủ tục, thiếu về ý kiến của tập thể lãnh đạo, báo cáo tự nhận xét đánh giá của cán bộ, công chức lãnh đạo được xem xét bổ nhiệm, tờ trình đề nghị bổ nhiệm của đơn vị tham mưu trình người có thẩm quyền ký quyết định bổ nhiệm... Còn có hiện tượng số lượng cấp phó của người đứng đầu vượt quá quy định.
Liệt kê khá nhiều sai sót, hạn chế khác nữa, song báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ lại không đề cập bất cứ danh tính bộ, ngành, địa phương nào đã để xảy ra những hạn chế, sai sót đó, mức độ thế nào và đã được xử lý ra sao.
Theo cơ quan thẩm tra Quốc hội, báo cáo của Bộ Nội vụ còn thiếu các nhận xét, đánh giá, kiến nghị cụ thể trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về cán bộ, công chức; thiếu số liệu minh họa về thực tiễn chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cơ quan thẩm tra nhấn mạnh việc các cơ quan có thẩm quyền đã mở rộng đối tượng áp dụng các chế độ phụ cấp đặc thù ngành nghề, làm phát sinh sự bất hợp lý, thiếu công bằng giữa các ngành nghề và giữa các cán bộ, công chức làm việc trong các ngành nghề khác nhau.
Xây dựng và triển khai kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh
Tập huấn, đào tạo xây dựng và triển khai kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh là nội dung của hội nghị do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức trong hai ngày 29 và 30-10, tại thành phố Hạ Long. Tham dự hội nghị có các đại biểu đến từ 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Hội nghị là cơ hội để các địa phương chia sẻ những giải pháp, kinh nghiệm để triển khai xây dựng, áp dụng kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh trong thời gian tới. Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh phát triển chính phủ điện tử là xu thế tất yếu, là mô hình phổ biến của nhiều quốc gia. Xây dựng chính phủ điện tử là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của bất cứ chính phủ nào. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực phát triển chính phủ điện tử nhằm công khai, minh bạch các hoạt động, cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Tuy nhiên, việc thực hiện công tác này vẫn còn tồn tại 4 hạn chế, đó là các ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước chủ yếu ở quy mô nhỏ, sử dụng nội bộ, chưa kết nối, chia sẻ thông tin trên diện rộng. Các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cung cấp cho người dân và doanh nghiệp còn chưa nhiều. Các hệ thống thông tin quy mô lớn, các cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử chậm được triển khai, các hệ thống đã được xây dựng còn thiếu kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin; việc đầu tư công nghệ thông tin còn chưa đồng bộ, nhiều khi có sự trùng lặp giữa các cơ quan nhà nước, giữa các cấp.
Chính vì vậy, việc xây dựng khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam, xây dựng kiến trúc chính phủ điện tử của các bộ, ngành, địa phương là cần thiết, nhằm tăng khả năng kết nối, liên thông các hệ thống thông tin trên quy mô rộng; cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, một cửa; giảm đầu tư trùng lặp.
Khai trương Cổng giao tiếp điện tử và Bộ phận một cửa tại quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng
Sáng 31-10, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã dự và khai trương Cổng giao tiếp điện tử và Bộ phận một cửa tại quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực và cố gắng của quận Hồng Bàng trong việc xây dựng Cổng giao tiếp điện tử và Bộ phận một cửa tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính; đề nghị thành phố Hải Phòng, quận Hồng Bàng tổ chức tuyên truyền mạnh mẽ đến các tầng lớp nhân dân về những lợi ích thiết thực từ việc triển khai thực hiện Cổng giao tiếp điện tử và Bộ phận một cửa liên thông trong việc giải quyết công việc cho nhân dân. Đồng thời, Hải Phòng cần sớm phê duyệt đề án chính quyền điện tử để nhân rộng ra các quận, huyện trên địa bàn. Theo Phó Thủ tướng, việc xây dựng chính quyền điện tử giúp hạn chế, từng bước loại trừ và chống các hành vi tiêu cực, sách nhiễu của một bộ phận cán bộ khi tiếp xúc và giải quyết các công việc cho nhân dân.
Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng Tô Đình Đại cho biết, Quận đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử, ban hành kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý hành chính nhà nước; đào tạo công nghệ thông tin cho cán bộ công chức từ quận tới phường, ban hành nhiều công văn, thông báo, hướng dẫn cụ thể bảo đảm việc triển khai đạt hiệu quả tốt nhất.
Hệ thống này được đưa vào thí điểm từ ngày 01-7-2015, đến nay đã có 2.832 lượt công dân sử dụng lấy phiếu giao dịch thủ tục hành chính, 60 hồ sơ đăng ký trực tuyến qua mạng. Kết quả, 100% công dân tham gia đánh giá chất lượng phục vụ đều hài lòng với việc giải quyết thủ tục hành chính công của Quận.
Công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết có nhiều chuyển biến tích cực
Trong tháng 10-2015, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và các bộ, cơ quan ngang bộ đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác xây dựng ban hành văn bản quy định chi tiết. Qua đó, công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực, với 25 văn bản được ban hành, nhiều hơn cả số lượng văn bản được ban hành trong Quý III-2015 (22 văn bản).
Bộ Tư pháp cho biết, trong tháng 10-2015, các bộ, cơ quan ngang bộ cần xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 156 văn bản quy định chi tiết gồm 70 văn bản nợ đọng và 86 văn bản quy định chi tiết thi hành 12 luật sẽ có hiệu lực trong năm 2016, năm 2017.
Từ ngày 27-9-2015 – 27-10-2015, đối với 70 văn bản nợ chưa ban hành, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành 25 văn bản (14 nghị định, 2 quyết định, 09 thông tư), còn nợ 45 văn bản.
Theo Bộ Tư pháp, tình trạng nợ ban hành văn bản còn tương đối lớn, tăng 23 văn bản so với cùng kỳ năm 2014 (nợ 22 văn bản), trong đó có một số văn bản quy định chi tiết các luật có hiệu lực từ năm 2013 và năm 2014 (như Luật giám định tư pháp, Luật giáo dục quốc phòng an ninh, Luật phòng chống thiên tai, Luật đấu thầu). Bên cạnh đó, việc trình các dự thảo văn bản chậm, không đúng hạn theo kế hoạch vẫn còn diễn ra phổ biến, chẳng hạn với 12 văn bản (11 nghị định, 1 quyết định) quy định chi tiết 5 luật có hiệu lực từ ngày 01-01-2016 phải trình trong tháng 10-2015, nhưng đến nay các bộ, cơ quan ngang bộ chưa trình được văn bản nào.
Trong tháng 11-2015, các bộ, cơ quan ngang bộ có các nhiệm vụ xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 131 văn bản gồm: 45 văn bản còn nợ chưa ban hành, quy định chi tiết 19 luật đã có hiệu lực; 86 văn bản quy định chi tiết 12 luật sẽ có hiệu lực trong năm 2016, năm 2017, trong đó có 35 văn bản quy định chi tiết 7 luật có hiệu lực kể từ ngày 01-01-2016.
Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý biên chế công chức
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 110/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08-3-2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức, trong đó điều chỉnh một số quy định về trách nhiệm quản lý biên chế công chức.
Theo Nghị định số 21/2010/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm điều chỉnh biên chế công chức trong phạm vi biên chế công chức dự phòng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định. Nghị định số 110/2015/NĐ-CP sửa đổi như sau: Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung biên chế công chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi biên chế công chức dự phòng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hằng năm.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ điều chỉnh, bổ sung biên chế công chức đối với từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Nghị định 110/2015/NĐ-CP cũng bổ sung trách nhiệm của bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Theo đó, bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc xây dựng đề án điều chỉnh, bổ sung biên chế công chức gửi Bộ Nội vụ thẩm định, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, tổ chức thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng đề án điều chỉnh, bổ sung biên chế công chức gửi Bộ Nội vụ thẩm định, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.
Bàn về tiêu chí và định hướng chính sách cho mục tiêu “tỉnh, thành phố công nghiệp”  (02/11/2015)
Bàn về tiêu chí và định hướng chính sách cho mục tiêu “tỉnh, thành phố công nghiệp”  (02/11/2015)
Khai mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2015 - 2020  (02/11/2015)
Điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế ảnh hưởng thế nào đến người dân?  (01/11/2015)
Lần đầu tiên tôn vinh Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam  (01/11/2015)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay