Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi)
TCCSĐT - Ngày 21-8, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), tại tỉnh Thanh Hóa.
Chủ trị Hội thảo là các ông: Phạm Tuấn Khải, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Văn phòng Chính phủ; Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông; Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Tham dự Hội thảo có đại diện các vụ pháp chế của các ban, bộ, ngành trung ương, một số cơ quan báo chí...
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Phạm Tuấn Khải cho biết, Dự thảo đã được chuẩn bị từ lâu, nhưng đến nay vẫn còn không ít ý kiến khác nhau. Dự thảo Luật gồm 61 điều, 6 chương, quy định các vấn đề: Chương 1: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 11); Chương 2: Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí (từ Điều 12 đến Điều 15); Chương 3: Tổ chức báo chí (từ Điều 16 đến Điều 37); Chương 4: Hoạt động báo chí (từ Điều 38 đến Điều 56); Chương 5: Khen thưởng, thanh tra và xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí (từ Điều 57 đến Điều 59); Chương 6: Điều khoản thi hành (từ Điều 60 đến Điều 61).
Phát biểu đề dẫn cũng đưa ra một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, đó là: Đối tượng được thành lập cơ quan báo chí (Điều 16); loại hình hoạt động của cơ quan báo chí (Khoản 1, Điều 25); chức danh người đứng đầu, tổng biên tập cơ quan báo chí (Điều 27); liên kết trong hoạt động báo chí (Điều 46); về hỗ trợ phát triển báo chí (Điều 7); về điều kiện đặt văn phòng đại diện cơ quan báo chí (Điều 26); về đối tượng được cấp thẻ nhà báo (Điều 36).
Ví dụ về “chức danh người đứng đầu, tổng biên tập cơ quan báo chí”, nhiều ý kiến đồng ý với Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) cho rằng: “Người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng giám đốc, giám đốc; cấp phó của người đứng đầu là phó tổng giám đốc, phó giám đốc”, thay vì chức danh tổng biên tập như Luật hiện hành. Ngoài ra, xây dựng chức danh tổng biên tập có nhiệm vụ phụ trách và chịu trách nhiệm đối với từng loại sản phẩm báo chí. Về đối tượng được thành lập cơ quan báo chí, có 02 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, quy định như Dự thảo là phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và an ninh quốc gia; loại ý kiến thứ hai là nên cho phép tư nhân được xuất bản báo, tạp chí để thể hiện tinh thần của Điều 25 Hiến pháp 2013...
Ông Hoàng Thế Liên cho rằng, với điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, mở cửa giao lưu với thế giới, cần có sự thay đổi tư duy về quyền tự do báo chí. Dự thảo Luật Báo chí có nhiều điều mới, trên cơ sở kế thừa Luật hiện hành. Tuy nhiên, Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) vẫn còn nặng về quản lý, chưa theo kịp tư duy mới đã được thể hiện trong Hiến pháp 2013.
“Báo chí đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, Nhà nước và không có báo chí tư nhân, đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, việc thực hiện luật phải xoay quanh 2 nguyên tắc đó. Nhưng không phải vì vậy mà quyền tự do báo chí của công dân không được phát huy. Vấn đề là phải làm thế nào để báo chí phải tìm cách phát huy quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của nhân dân, nói được tiếng nói của nhân dân... Điều quan trọng nhất là phải chuyên nghiệp hóa báo chí, phải đề cao, tôn trọng trách nhiệm xã hội và trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp. Báo chí không thể nói lấy được trong khi trách nhiệm thì rất, rất có hạn. Cùng lắm chỉ là sự cải chính, mà sự cải chính đó không thể “tẩy” được những hậu quả, tác hại mà báo chí đã gây ra, thậm chí cả một gia đình, dòng họ bị ảnh hưởng...”, ông Liên nói.
Theo ông Hoàng Hữu Lượng, trong Dự thảo Luật có 32 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung. Trong đó, rất nhiều khái niệm hiện nay từ điển không có. Tinh thần chung, nhất quán là báo chí đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; theo tinh thần của Hiến pháp 2013. Quan điểm nhất quán là không có báo chí tư nhân. Luật Báo chí phải đồng bộ, phù hợp với hệ thống luật pháp của Việt Nam.
“Nhiều cơ quan chủ quản báo chí còn buông lỏng quản lý, chưa bị xử lý khi cơ quan báo chí có sai phạm. Nhiều cơ quan báo chí giống nhau về nội dung, na ná nhau, không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích trong giấy phép đã được quy định rất rõ. Sắp tới sẽ phải chấn chỉnh lại, để rõ nét từng tờ báo một. Một vấn đề khác là, các địa phương rất bức xúc về vấn đề văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí. Có địa phương thống kê rằng, có phóng viên thường trú 1 năm viết khoảng hơn 100 bài, nhưng không có bài nào nói tốt cho tỉnh. Vì vậy, Điều 26 của Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) cần quy định rõ về vấn đề này”, ông Lượng cho biết.
Tham luận của PGS, TS. Phạm Hữu Nghị, Viện Nhà nước và Pháp luật, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật bàn về quyền tự do báo chí, cho rằng: “Pháp luật về báo chí hiện hành và cả trong Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đều cho phép các cơ quan báo chí được phép liên kết trong hoạt động báo chí với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết theo quy định của pháp luật. Trong lĩnh vực xuất bản cũng có quy định tương tự. Nhà nước ta chưa chính thức thừa nhận cá nhân được ra báo, cá nhân được tiến hành hoạt động xuất bản. Thế nhưng cá nhân lại được pháp luật cho phép liên kết với các cơ quan báo chí, với các nhà xuất bản để thực hiện hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Ở đây có sự chưa thật rõ ràng, minh bạch. Từ đó, sinh ra không ít tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí và hoạt động xuất bản trong thời gian qua”.
Các đại biểu dự Hội thảo trao đổi sâu về các vấn đề khác, như loại hình hoạt động, nguồn thu của cơ quan báo chí; quỹ hỗ trợ phát triển báo chí; trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội của nhà báo; kinh tế báo chí; việc cấp thẻ nhà báo; bảo vệ nguồn tin; những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; tiêu chuẩn của tổng biên tập, phó tổng biên tập;
Ông Phạm Tuấn Khải cho biết, Hội thảo là dịp thu hút ý kiến các đại biểu, những người am hiểu pháp luật để tổng hợp trình Chính phủ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2015./.
Thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại: Kết quả và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam  (21/08/2015)
Thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại: Kết quả và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam  (21/08/2015)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên