Phát triển nông nghiệp hàng hóa, hướng tới giảm nghèo bền vững ở huyện miền núi Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang)
TCCSĐT - Là huyện miền núi có xuất phát điểm kinh tế - xã hội còn thấp, thời gian qua, chính quyền và nhân dân Lục Ngạn (Bắc Giang) không ngừng nỗ lực vượt mọi khó khăn, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững ở địa phương
Đẩy mạnh Chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa
Lục Ngạn có diện tích tự nhiên 1.018,5km2 với 30 xã, thị trấn, trong đó có 12 xã vùng cao, 18 xã, thị trấn miền núi với hơn 49% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đan xen ở 394 thôn, bản, khu phố. Với xuất phát điểm kinh tế và trình độ dân trí thấp hơn mặt bằng của tỉnh, địa bàn dân cư rộng lớn cùng cơ sở vật chất kỹ thuật còn yếu nên Lục Ngạn gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong phát triển nông nghiệp hàng hóa nói riêng. Tỷ lệ hộ nghèo, xã nghèo của huyện còn cao, kết quả thu ngân sách trên địa bàn của nhiều xã đạt thấp, nhất là các xã vùng cao (Cấm Sơn, Sa Lý, Phong Minh, Đèo Gia, Phú Nhuận…). Từ thực tế đó, Nghị quyết số 26-NQ/HU, ngày 25-02-2011 của Huyện ủy Lục Ngạn đã xác định các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm giai đoạn 2011 - 2015, trong đó có Chương trình phát triển nông - lâm nghiệp hàng hóa, coi đó là một trong những giải pháp quan trọng góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. Ủy ban nhân dân huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình số 556/CTr-UBND, ngày 22-12-2010, về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2011 - 2015 trên toàn địa bàn huyện; tập trung đẩy mạnh việc hướng dẫn nhân dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và xây dựng các mô hình.
Để tiếp tục đẩy mạnh các chương trình đã được thông qua, năm 2014, Lục Ngạn đã tổ chức 419 lớp tập huấn cho 18.853 lượt người (đạt 135% kế hoạch); triển khai xây dựng 17 mô hình mới (đạt 113% kế hoạch), cung ứng hơn 150.000 tấn giống cây trồng, 1.300 con giống vật nuôi, 254 tấn phân bón,... cho nhân dân phục vụ sản xuất. Ngoài tập trung nâng cao chất lượng cây lương thực có hạt và cây ăn quả chủ lực là vải thiều, Lục Ngạn cũng xây dựng chính sách hỗ trợ các giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, như cây cam đường canh, bưởi Diễn, táo Đài Loan,… giúp nhân dân mở rộng sản xuất. Nhờ thế, sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, tiếp tục phát triển và mang lại giá trị kinh tế cao, tổng giá trị sản xuất của ngành năm 2014 (theo giá hiện hành) đạt 3.778 tỷ đồng. Tổng diện tích gieo trồng trồng lúa và hoa mầu toàn huyện năm 2014 là 17.244 ha (đạt 102% kế hoạch năm); sản lượng lương thực có hạt ước đạt 54.997 tấn (đạt 100,26% kế hoạch), năm 2015 ước đạt 55.024 tấn. Việc hoàn thành kế hoạch xây dựng 2 cánh đồng mẫu với diện tích 42 ha tại 2 xã Biển Động và Tân Quang (mỗi xã 21 ha) đã giúp người dân nâng cao được kỹ năng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất và giá trị của sản phẩm. Trong 4 năm từ 2011 - 2014, riêng diện tích nếp cái hoa vàng (cây lương thực có giá trị kinh tế cao) 915 ha (đạt 134% mục tiêu Chương trình), năng suất 47 tạ/ha, diện tích năm 2015 là 300 ha, sản lượng năm 2015 ước đạt 1.410 tấn. Hợp tác xã nếp cái hoa vàng Phì Điền đã đi vào hoạt động hơn 4 năm, bước đầu được đánh giá là khá hiệu quả, nhất là khâu in nhãn mác, bao bì, quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Là một huyện miền núi có diện tích rộng và điều kiện tự nhiên khí hậu đặc thù, rất phù hợp cho phát triển cây ăn quả, Lục Ngạn luôn chú trọng việc chỉ đạo, hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và chế biến, hướng tới sản phẩm sạch, an toàn, giữ vững thương hiệu. Năm 2014, cây ăn quả tiếp tục mang lại giá trị kinh tế cao cho địa phương. Tổng sản lượng quả tươi đạt hơn 150.000 tấn, giá trị đạt trên 2.100 tỷ đồng. Riêng sản lượng vải thiều (cây ăn quả chủ lực của huyện) đạt 130.000 tấn (tăng 58.000 tấn so với năm 2013), giá trị đạt 1.625 tỷ đồng, trong đó vải theo tiêu chuẩn VietGap đạt sản lượng 53.000 tấn (tập trung ở các xã Hồng Giang, Giáp Sơn, Phì Điền, Quý Sơn, Thanh Hải, Tân Quang,…); sản lượng nhãn là 7.000 tấn, giá trị đạt 140 tỷ đồng; sản lượng cây có múi đạt trên 11.000 tấn, giá trị đạt gần 400 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn không ngừng được mở rộng ra khắp các vùng trong cả nước. Vải thiều còn được xuất khẩu sang thị trường các nước như Trung Quốc, Singapore, Campuchia, Lào… và đang vươn xa tới những thị trường khó tính hơn.
Bên cạnh cây vải, sản phẩm chủ lực, thời gian gần đây, Lục Ngạn còn bắt đầu trồng một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, như cây cam đường canh, cam Vinh, bưởi Diễn, táo Đài Loan,… Năm 2014, diện tích trồng cây cam đường canh, cam Vinh là 828,4 ha, sản lượng khoảng 6.100 tấn (đạt 938,4% mục tiêu của Chương trình), tổng thu nhập đạt 244 tỷ đồng (năm 2015, sản lượng ước đạt 6.500 tấn). Vùng sản xuất cam đường canh, cam Vinh tập trung ở các xã Thanh Hải, Tân Mộc, Hồng Giang, Tân Quang, Quý Sơn, Nghĩa Hồ, Phượng Sơn,... Đây là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2013, mỗi sào trồng cam đường canh cho thu nhập từ 50-55 triệu đồng (khoảng 1,3-1,5 tỷ đồng/ha). Cây bưởi Diễn cũng bước đầu được triển khai rộng trên địa bàn huyện Lục Ngạn. Năm 2014, tổng diện tích trồng bưởi Diễn của huyện là 359 ha, sản lượng đạt hơn 4.000 tấn, tổng giá trị đạt hơn 88 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với các loại cây ăn quả khác; nhiều vườn bưởi Diễn cho thu nhập 400-600 triệu đồng/ha. Năm 2015, diện tích trồng cây ăn quả này ước đạt 400 ha với sản lượng khoảng 4.800 tấn. Ngoài ra, còn có cây táo Đài Loan với giá trị kinh tế cao, năng suất ổn định, dễ trồng, chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, không kén đất. Năm 2014, diện tích táo Đài Loan là 107 ha, năng suất bình quân đạt 19,5 tấn/ha, sản lượng đạt 2.086 tấn; năm 2015 diện tích sẽ là 110 ha, sản lượng ước đạt 2.200 tấn.
Để tăng năng suất, chất lượng, giá trị các loại sản phẩm nông sản mang lại hiệu quả cao trên, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn huyện, thời gian qua, Ủy ban nhân dân huyện đã phối hợp với Dự án QSEAP hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình sản xuất “thực hành nông nghiệp tốt”, tổ chức tập huấn sản xuất vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGap với hơn 400 lớp tập huấn. Trong 3 năm gần đây, 130 hộ nông dân đã được cấp giấy chứng nhận vải thiều VietGap với tổng diện tích là 154 ha. Năm 2014, Ủy ban nhân dân huyện cũng phối hợp với Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp tiến hành quy hoạch vùng trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây có múi; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang tiến hành công tác bình tuyển giống cây đầu dòng, cây đạt tiêu chuẩn nhân giống cho cây cam đường canh, cam Vinh, bưởi Diễn để sản xuất nhân giống, cung cấp cho nhân dân trong và ngoài huyện.
Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi cũng được Lục Ngạn chú trọng đầu tư phát triển. Huyện tiếp tục duy trì tổ chức tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc khử trùng nên không để xảy ra dịch bệnh lớn trên địa bàn; kịp thời kiểm soát, chữa khỏi bệnh cho đàn vật nuôi bị bệnh. Đến năm 2015, tổng đàn trâu là 20.000 con, đàn bò là 8.000 con, đàn lợn là 155.000 con, đàn gia cầm là 1,7 triệu con. Riêng sản lượng thịt nạc hơi năm 2014 đạt 8.525 tấn (năm 2015 ước đạt 8.600 tấn). Công tác quản lý giống được thực hiện khá tốt và được bình tuyển hằng năm. Tuy nhiên, khâu giết mổ tập trung chưa thực sự bảo đảm theo tiêu chuẩn do thiếu nguồn lực đầu tư... Ngoài ra, trong 4 năm (2011 - 2014), Lục Ngạn đã trồng được 5.822 ha rừng phòng hộ, rừng kinh tế, khối lượng khai thác rừng năm 2014 là 45.446 m3 gỗ.
Chính những nỗ lực vượt khó, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền và sự chung sức của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện nên Chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhờ vậy, lĩnh vực nông nghiệp Lục Ngạn ngày càng phát triển, góp phần quan trọng vào công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững ở địa phương. Chương trình cũng được lồng ghép với Đề án giảm nghèo ở 13 xã, kết hợp với các Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2014 và các chính sách hỗ trợ khác, như hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi cũng như chương trình vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế cho các hộ nghèo, tạo việc làm (năm 2014, Lục Ngạn đã giải quyết việc làm mới được 2.950 người). Kết quả, năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 20,18% (đạt 104% kế hoạch); tỷ lệ hộ nghèo của 13 xã nghèo là 45,9% (đạt 109% kế hoạch).
Vượt thách thức, hướng tới tương lai
Bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn huyện Lục Ngạn còn gặp không ít thách thức, khó khăn do địa hình chia cắt, chủ yếu là đồi núi; sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, gây khó khăn cho áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác, kiểm soát chất lượng và tiêu thụ nông sản. Một số diện tích đất đai khá lớn trên địa bàn huyện không chủ động được nguồn nước tưới tiêu, tập trung vào các xã vùng cao, vùng đệm của huyện, đã ảnh hưởng lớn đến việc thúc đẩy tăng năng suất cây trồng. Đầu ra cho sản phẩm hàng hóa nông sản không ổn định, thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng, số hộ nông dân được cấp Giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGap còn ít so với các hộ trồng vải trên địa bàn huyện, do nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước còn hạn hẹp. Nhiều hộ nông dân được cấp Giấy chứng nhận sản xuất vải thiều VietGap chưa có các doanh nghiệp đến hợp đồng thu mua tại vườn nên vẫn phải tự đem ra thị trường, vì thế mà chưa khuyến khích được nông dân hăng hái tham gia vào dự án cấp Giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGap. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ khuyến nông, cán bộ thú y cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế cũng là một thách thức đặt ra với ngành nông nghiệp huyện. Ngoài ra, việc đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm cây ăn quả chưa được quan tâm nghiên cứu, đầu tư xây dựng đúng mức nên ảnh hưởng đến chất lượng và gây sức ép trong tiêu thụ sản phẩm. Công tác đầu tư, quảng cáo, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản hàng hóa chưa được mở rộng, công tác kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm còn chưa kịp thời...
Năm 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015. Xác định rõ những thuận lợi và những khó khăn chung của kinh tế cả nước, của tỉnh và tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân huyện Lục Ngạn đã xây dựng và quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 8,82%, giá trị đạt 2.839 tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực có hạt 55.090 tấn (thóc: 45.780 tấn; ngô 9.310 tấn); sản lượng vải thiều 90.000 nghìn tấn; quy mô chăn nuôi đàn trâu là 14.000 con; đàn bò là 3.800 con; đàn lợn là 158.000 con; gia cầm là 2 triệu con; giảm nghèo tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 17%; tỷ lệ hộ nghèo của 13 xã nghèo còn dưới 42%; giải quyết việc làm mới cho 3.200 lao động. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả, hoàn thành tốt Chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2011 - 2015, thúc đẩy công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững ở địa phương, thời gian tới, huyện Lục Ngạn xác định các giải pháp tích cực và đồng bộ là:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình sản xuất nông - lâm nghiệp hàng hóa; thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn kết với xây dựng nông thôn mới; huy động các nguồn lực, phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả; đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp, với thị trường để đưa nông nghiệp lên sản xuất quy mô lớn, có giá trị cao; khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tập trung phát triển kinh tế rừng, kinh tế vườn, đồi, trang trại.
Hai là, nâng cao chất lượng công tác khuyến nông, khuyến lâm; khuyến khích và hỗ trợ nhân dân phục hồi chăn nuôi, tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc và quan tâm đúng mức đến nuôi trồng thủy sản; chủ động kiểm soát, phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh. Tăng cường công tác quản lý giống, tích cực hướng dẫn nhân dân lựa chọn cây, con giống bảo đảm chất lượng. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, Đề án hỗ trợ gạo cho các hộ dân tộc thiểu số nhận trồng và chăm sóc rừng; thực hiện tốt kế hoạch sản xuất cây ăn quả an toàn để xuất sang thị trường Mỹ, Nhật Bản.
Ba là, làm tốt việc lập quy hoạch chi tiết cụ thể, xây dựng lộ trình mở rộng diện tích từng loại cây trồng đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với đặc thù của từng xã để trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tiến hành nghiêm túc công tác quy hoạch, triển khai và quản lý sau quy hoạch.
Bốn là, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khảo nghiệm, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến vào sản xuất, để đáp ứng được các tiêu chuẩn và quy định về chất lượng sản phẩm của thị trường xuất khẩu. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Tăng cường gắn kết trách nhiệm giữa cơ sở chế biến nông, lâm sản với các hộ nông dân trong việc xây dựng vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất kinh doanh. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp; khuyến khích các loại hình hợp tác xã sản xuất, chế biến phát huy được những lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và thành viên hợp tác xã.
Năm là, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị, tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương. Xây dựng các kênh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế tham gia tìm kiếm thị trường, giới thiệu sản phẩm và tham gia vào việc xuất khẩu nông sản. Tích cực xây dựng thương hiệu nông sản Lục Ngạn, tăng cường công tác quảng bá thương mại, giới thiệu sản phẩm; đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm chủ lực sang các thị trường khó tính hơn nhằm nâng giá trị sản phẩm địa phương. Tổ chức lồng ghép có hiệu quả các chương trình kinh tế - xã hội khác; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để nâng cao hiệu quả Chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa, góp phần thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện./.
Tiếp tục đưa mối quan hệ Việt Nam - Lào phát triển lên tầm cao mới  (17/07/2015)
Thủ tướng đề nghị Lào lưu tâm vấn đề thủy điện trên sông Mekong  (17/07/2015)
Cung Hữu nghị Việt - Trung - biểu tượng tình hữu nghị hai nước  (17/07/2015)
Phát huy dân chủ, trách nhiệm trong tổ chức Đại hội đảng cơ sở  (17/07/2015)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên