Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa kết thúc tốt đẹp chuyến đi tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 7; tháp tùng Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường đã trả lời báo chí về kết quả Hội nghị.

Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản đã thành công tốt đẹp. Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả nổi bật đạt được và những đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị này?

Ngày 04-7 đã diễn ra Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 7 với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao các nước Mekong và Nhật Bản: Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong, Tổng thống Myanmar Thein Sein, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh hợp tác Mekong-Nhật Bản đang ngày càng phát triển và trở thành một trong những cơ chế hợp tác hàng đầu ở tiểu vùng Mekong. Chiến lược Tokyo 2012 đã được triển khai và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố sự gắn kết và bổ trợ lẫn nhau giữa các nền kinh tế thành viên, vì hòa bình và thịnh vượng chung trong khu vực.

Kết quả nổi bật của Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần này là việc các nhà Lãnh đạo năm nước Mekong và Nhật Bản đã thông qua Chiến lược Tokyo 2015 với các định hướng rõ ràng cho hợp tác Mekong-Nhật Bản giai đoạn 2016-2018; với mục tiêu bao trùm là bảo đảm ổn định khu vực và đạt “tăng trưởng chất lượng” tại tiểu vùng Mekong. Các hoạt động hợp tác Mekong-Nhật Bản sẽ tập trung vào bốn trụ cột hợp tác chính:

Một là phát triển hạ tầng công nghiệp (như đô thị, năng lượng, công nghiệp phụ trợ, giao thông, cấp nước…) và tăng cường kết nối “cứng” về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không giữa các nước Mekong cũng như gắn kết tiểu vùng Mekong với các khu vực xung quanh.

Hai là phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp và đẩy mạnh kết nối “mềm” về thể chế, kinh tế và giao lưu nhân dân; khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng mạng lưới sản xuất tại khu vực.

Ba là phát triển bền vững hướng tới thực hiện một Mekong Xanh, với trọng tâm là tăng cường hợp tác phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.

Bốn là tăng cường sự phối hợp giữa hợp tác Mekong với các cơ chế hợp tác khác trong khu vực, các đối tác và tổ chức quốc tế liên quan để huy động hiệu quả nguồn lực cho phát triển của tiểu vùng Mekong.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Shinzo Abe đã thông báo quyết định của Nhật Bản dành 750 tỷ Yên ODA hỗ trợ các nước Mekong trong ba năm tới. Đây sẽ là nguồn tài chính quan trọng để triển khai các nội dung hợp tác của Chiến lược Tokyo.

Trong Tuyên bố Chiến lược Tokyo 2015 về hợp tác Mekong-Nhật Bản, các nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của đại dương, một tài sản chung của thế giới; khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ hơn để bảo đảm an ninh an toàn hàng hải trong khu vực; nhấn mạnh việc cần phải thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Các nhà Lãnh đạo cũng nhắc lại cam kết bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không, an toàn hàng hải, giao thương thông suốt và giải quyết hòa bình các tranh chấp theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được công nhận trên toàn cầu, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Lãnh đạo các nước bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây tại Biển Đông làm phức tạp thêm tình hình, gây xói mòn lòng tin và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực.

Đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực vào quá trình chuẩn bị cho Hội nghị, phối hợp cùng với Nhật Bản và các nước Mekong xây dựng Chiến lược Tokyo theo hướng hỗ trợ tối đa cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của các nước Mekong. Sáng kiến của Việt Nam nêu tại Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ sáu về mở rộng kết nối tiểu vùng Mekong với các khu vực xung quanh, đặc biệt là với khu vực Nam Á đã trở thành một nội dung quan trọng trong Chiến lược Tokyo 2015. Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các nước xây dựng kế hoạch hành động và Tầm nhìn phát triển công nghiệp Mekong.

Trong chuyến thăm Nhật Bản, bên cạnh các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm, gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo, chính giới, cộng đồng doanh nghiệp của Nhật Bản. Xin Thứ trưởng cho biết đánh giá kết quả của chuyến thăm?

Chuyến thăm Nhật Bản lần này có thể coi là chuyến thăm ”hai trong một”. Bên cạnh những hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản như chào Nhà Vua Nhật Bản, Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện Nhật Bản, gặp Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật Bản-Mekong, dự Diễn đàn Năm nền kinh tế Mekong, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm và dự chiêu đãi của Thủ tướng Shinzo Abe. Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có một loạt các cuộc tiếp xúc với chính giới, lần lượt tiếp và trao đổi với hơn 20 tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản, tham dự Tọa đàm Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản... Lịch làm việc của Thủ tướng trong hai ngày tại Tokyo đều dày kín các hoạt động từ sáng sớm tới tối khuya. Các cuộc hội đàm và tiếp xúc nêu trên đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng, vượt dự kiến. Cụ thể là:

Thứ nhất, các cuộc hội đàm, trao đổi và tiếp xúc đã góp phần quan trọng củng cố sự tin cậy chính trị giữa hai bên. Thủ tướng Nhật Bản, Lãnh đạo Quốc hội, các chính đảng lớn, lãnh đạo địa phương, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đều khẳng định coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Hai bên đều nhất trí tăng cường tiếp xúc ở các cấp, đặc biệt ở cấp cao, thực hiện hiệu quả các cơ chế đối thoại và hợp tác giữa hai nước.

Thứ hai, hợp tác kinh tế là nội dung trọng tâm với những thỏa thuận rất có ý nghĩa. Thủ tướng Abe đã đáp ứng tích cực tất cả các đề nghị hợp tác do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu lên: Xem xét tích cực việc cung cấp 300 tỷ Yên (khoảng 3 tỷ USD) ODA cho năm tài khóa 2015, cao hơn hẳn so với mức các năm trước (bằng cả mức năm 2013 và 2014 gộp lại) cho 9 dự án hợp tác, bao gồm các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, biến đổi khí hậu. Đây là những dự án quan trọng, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Thủ tướng Nhật Bản cũng nhất trí cung cấp ODA cho dự án bệnh viện hữu nghị Việt-Nhật (bệnh viện Chợ Rẫy 2); đồng ý hợp tác nghiên cứu khả thi một đoạn đường sắt cao tốc trên tuyến đường sắt Bắc-Nam; tiếp tục hỗ trợ chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam; sớm ký Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác nông nghiệp giữa hai nước...

Về phần mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với đề nghị của bạn muốn ta tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Nhật Bản được tham gia vào các dự án xây dựng khu đô thị thông minh tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, phát triển khu thương mại ngầm ở khu vực nhà ga TP. Hồ Chí Minh...

Đặc biệt, hai Thủ tướng đã nhất trí tuyên bố về cơ bản kết thúc đàm phán song phương trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sẽ nỗ lực cùng các thành viên khác sớm kết thúc đàm phán và ký Hiệp định TPP trong thời gian tới.

Hai bên cũng đã ký một loạt hiệp định hợp tác về kinh tế, trong đó có việc đã ký Công hàm trao đổi đối với 3 dự án ODA viện trợ không hoàn lại tài khóa 2015, Hiệp định vay vốn các dự án ODA thuộc tài khóa 2014 trị giá hơn 66 tỷ Yên, tương đương 660 triệu USD cho 05 dự án (Dự án cải thiện môi trường nước thành phố Hạ Long (phần dịch vụ tư vấn), Xây dựng cơ sở hạ tầng nước tỉnh Đồng Nai, Nâng cấp trường Đại học Cần Thơ, Phát triển lưới điện truyền tải và phân phối đợt 2, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình và đường dây truyền tải - khoản vay lần 3).

Hai bên cũng nhất trí tăng cường các cơ chế và khuôn khổ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế thương mại; ký Biên bản thành lập Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và năng lượng; ký thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) nhằm tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.

Thứ ba, Thủ tướng Nhật Bản cũng đồng ý hỗ trợ Việt Nam xây dựng trường Đại học Việt-Nhật, giúp nâng cấp một số trường đại học và dạy nghề ở Việt Nam. Nhật Bản cũng cam kết tăng thêm số học bổng cho lưu học sinh Việt Nam, nhận nhiều hơn các điều dưỡng viên, lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản.

Thứ tư, hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn, cơ chế hợp tác và tại các tổ chức khu vực và quốc tế. Hai bên chia sẻ quan ngại sâu sắc của các nhà Lãnh đạo Mekong-Nhật Bản, của cộng đồng quốc tế về tình hình Biển Đông thời gian gần đây, về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh an toàn và tự do hàng hải và hàng không, yêu cầu các bên liên quan không có những hành động gây phức tạp và mở rộng tranh chấp trên Biển Đông, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy việc sớm xây dựng COC.

Thứ năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp đối thoại cởi mở, thực chất với Lãnh đạo các tổ chức kinh tế và các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản, nhằm giải đáp các mối quan tâm của doanh nghiệp Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực... Các tập đoàn lớn của Nhật Bản đều bày tỏ tin tưởng vào chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam, cam kết mở rộng đầu tư làm ăn ở Việt Nam, từ thăm dò khai thác đến chế biến dầu khí, các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, đặc biệt là điện năng, công nghệ thông tin...

Chuyến thăm lần này đã thành công hết sức tốt đẹp. Tôi tin rằng, những kết quả quan trọng nêu trên chắc chắn sẽ góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản phát triển lên tầm cao mới theo hướng ngày càng tin cậy, gắn kết, đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn nữa. Quan hệ hai nước Việt Nam và Nhật Bản còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong những năm tới./.