TCCSĐT - Ngày 10-6, tiếp tục chương trình làm việc, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi); biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khí tượng thủy văn; thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán.

Quy định cấm đặt tên dài quá 25 chữ: Cần có lý lẽ thuyết phục

Trong chương trình làm việc buổi sáng, nhiều ý kiến đánh giá cao việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc theo đúng yêu cầu về nội dung và tiến độ nêu trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kế hoạch của Chính phủ.

Các ý kiến cho rằng Bộ luật Dân sự giữ một vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, vì vậy việc sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ bất cứ một quy định nào cũng cần phải được cân nhắc thận trọng, nghiên cứu đầy đủ, kỹ lưỡng, đánh giá tác động xã hội đầy đủ, toàn diện; đồng thời cần giải trình rõ và thuyết phục hơn nữa lý do của việc sửa đổi, bổ sung đối với từng điều, khoản đó.

Qua thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tới quy định tại khoản 2 Điều 14 dự thảo Bộ luật về “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”.

Thảo luận về khoản 2 Điều 36 quy định về việc chuyển đổi giới tính theo hướng “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác theo quy định tại khoản 1 Điều này”, nhiều ý kiến tán thành với quan điểm nội dung này cần được cơ quan thẩm tra dự án bộ luật là Ủy ban Pháp luật nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng.

Dự thảo Bộ luật một mặt quy định Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, nhưng mặt khác lại quy định quyền của người đã chuyển đổi giới tính được yêu cầu cơ quan nhà nước thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác có liên quan.

Như vậy, nếu việc chuyển đổi giới tính đã được thực hiện thì các hệ quả phát sinh lại được pháp luật tôn trọng và bảo hộ. Đây là vấn đề nhạy cảm trong xã hội, nếu đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì cũng không cho phép được thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới. Các ý kiến đề nghị nội dung này cần được nghiên cứu, giải trình rõ hơn.

Thảo luận về đoạn thứ 2 khoản 3 Điều 26 “Tên của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên của một người không được vượt quá 25 chữ cái”, nhiều ý kiến không tán thành với quy định này trong dự thảo, cho rằng quy định hạn chế về cách đặt tên, độ dài của tên là không cần thiết.

Tại phiên làm việc, các đại biểu đã cho ý kiến cụ thể về quyền nhân thân; hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân; thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác theo hợp đồng; lãi suất trong hợp đồng vay tài sản; thời hiệu và thời hiệu thừa kế...

Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước

Với 384 đại biểu tán thành (tỷ lệ 77,58%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013. Nghị quyết phê chuẩn tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2013 là 1.084.064 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 1.277.710 tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước là 236.769 tỷ đồng, bằng 6,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm số kết dư ngân sách địa phương.

Nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước: vay trong nước 180.347 tỷ đồng, vay ngoài nước 56.422 tỷ đồng.

Nghị quyết giao Chính phủ chỉ đạo các cơ quan Trung ương, địa phương và đơn vị kịp thời khắc phục những hạn chế được nêu, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước và báo cáo kết quả với Quốc hội khi trình Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về khí tượng thủy văn

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Khí tượng thủy văn gồm 11 chương, quy định về hoạt động khí tượng thủy văn gồm quan trắc; dự báo, cảnh báo; thông tin, dữ liệu; phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn; giám sát biến đổi khí hậu; tác động vào thời tiết và quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khí tượng thủy văn.

Dự án Luật được xây dựng trên quan điểm Nhà nước thống nhất quản lý các hoạt động khí tượng thủy văn, quy định hành lang pháp lý, chính sách phát triển hạ tầng khí tượng thủy văn, đào tạo phát triển nguồn nhân lực khí tượng thủy văn, trao đổi thông tin, dữ liệu quốc tế.

Các hoạt động khí tượng thủy văn mang tính chất phục vụ lợi ích chung, phòng, chống thiên tai, quốc phòng, an ninh quốc gia, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân và toàn xã hội nên phải có một cơ quan khí tượng thủy văn của Nhà nước chịu trách nhiệm.

Cơ quan này có vai trò chủ chốt trong thiết lập hệ thống quan trắc, thu thập số liệu và cung cấp các thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Đồng thời Dự thảo Luật khuyến khích các ngành, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khí tượng thủy văn theo chủ trương xã hội hoá, đáp ứng các yêu cầu đa dạng của kinh tế - xã hội.

Các sản phẩm của hoạt động khí tượng thủy văn được phân thành hai loại: loại phục vụ công cộng, lợi ích quốc gia được cung cấp miễn phí, phổ biến rộng rãi; loại phục vụ chuyên dùng được coi như một loại hàng hoá và đối tượng sử dụng phải thực hiện nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí phù hợp.

Hoạt động khí tượng thủy văn cung cấp thông tin “đầu vào” cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu bao gồm cả thích ứng và giảm nhẹ, do vậy nhiệm vụ chủ yếu trong ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành khí tượng thủy văn là giám sát biến đổi khí hậu.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học và Môi trường của Quốc hội cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Khí tượng thủy văn nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về khí tượng thủy văn và hoạt động thực tiễn như quản lý, khai thác mạng lưới trạm khí tượng thủy văn; dự báo, cảnh báo; thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn; hoạt động phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn; giám sát biến đổi khí hậu...

Còn băn khoăn về quy định hành nghề dịch vụ kế toán

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán, đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán nhằm khắc phục những hạn chế bất cập liên quan đến công tác kế toán, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Liên quan đến quy định về hành nghề dịch vụ kế toán, đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) băn khoăn về việc dự án luật bỏ quy định dịch vụ hành nghề kế toán với tư cách cá nhân, chỉ giữ lại quy định người có chứng chỉ hành nghề kế toán hoạt động trong doanh nghiệp. Đại biểu chỉ rõ tờ trình và hồ sơ dự án Luật không trình bày lý do của việc không tiếp tục quy định đối với dịch vụ cá nhân hành nghề kế toán.

Bên cạnh đó, quy định này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cơ hội hành nghề của công dân Việt Nam là những người có chứng chỉ hành nghề kế toán tiêu chuẩn ASEAN khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập cuối năm 2015, cho phép 8 ngành nghề lao động trong đó có kế toán được tự do di chuyển, công nhận tay nghề tương đương.

Về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kế toán, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng không nên quy định đối tượng hành nghề kế toán phải có bằng Đại học trở lên, bởi, hiện nay tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc những đơn vị công lập quy mô nhỏ, đội ngũ kế toán đa phần chỉ cần có trình độ Trung cấp trở lên đã có thể đáp ứng được công việc.

Với quy định trong luật này, nếu không quy định lộ trình phù hợp sẽ dẫn tới việc rất nhiều người đang hành nghề kế toán phải đối diện với nguy cơ thất nghiệp khi chưa có thời gian chuyển đổi bằng cấp, trong khi xã hội đang khuyến khích giảm lao động thất nghiệp./.