Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 25-5 đến ngày 31-5-2015)
TCCSĐT - Ngày 31-5-2015, Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 tại Singapore đã kết thúc với thông điệp đối thoại để xây dựng lòng tin và sự minh bạch.
Tìm ra cách “vô hiệu hóa” virus Ebola
Nhân viên y tế tiêm vaccine Ebola cho một phụ nữ Monrovia. Ảnh: Reuters/TTXVN
Ngày 26-5-2015, trong công trình nghiên cứu được công bố trên chuyên mục “mBio” của nhật báo điện tử “The American Society for Microbiology”, các nhà khoa học Trường Y khoa Albert Einstein thuộc Đại học Yeshiva và Viện Nghiên cứu y khoa về các dịch bệnh truyền nhiễm thuộc quân đội Mỹ (USAMRIID), phát hiện virus Ebola có thể bị “vô hiệu hóa” bằng cách hạn chế protein NPC1 có trong các tế bào con người. Các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng virus Ebola xâm nhập vào tế bào người bệnh bằng cách bám vào NPC1, loại protein có chức năng lưu chuyển cholesterol bên trong tế bào. Tuy nhiên, khả năng người bệnh lây nhiễm virus Ebola sẽ giảm nếu như ngăn chặn được virus gây chết người này bám vào protein NPC1.
Theo Andrew Herbert, chuyên gia nghiên cứu Khoa Miễn dịch học của USAMRIID và là thành viên nhóm nghiên cứu, nhận định NPC1 là yếu tố cốt lõi giúp cá thể nhiễm Ebola sống sót. Ông cho rằng quá trình sao chép virus Ebola có thể bị ngăn chặn nếu như NPC1 bị phá vỡ. Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị Ebola được phép áp dụng tại Mỹ và những liệu pháp đang được nghiên cứu hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc tấn công virus Ebola. Do vậy, việc hạn chế protein NPC1 là phương pháp điều trị trên cơ thể người nhiễm bệnh Ebola đầu tiên được làm sáng tỏ.
Trung Quốc lần đầu tiên công bố Sách Trắng về chiến lược quân sự
Công trình đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông nhìn từ máy bay do thám Mỹ. Ảnh: CNN/TTXVN
Ngày 26-5-2015, Trung Quốc đã công bố Sách Trắng đầu tiên về chiến lược quân sự của nước này, mang tên “Chiến lược Quân sự Trung Quốc”, do Văn phòng thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc ấn hành. Nội dung chủ yếu đề cập đến việc xây dựng lực lượng quân sự, nhấn mạnh phương châm phòng thủ tích cực và tăng cường hợp tác an ninh quân sự quốc tế. Cũng theo Sách Trắng, các lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác an ninh quốc tế trong các lĩnh vực liên quan mật thiết tới lợi ích của nước này, như an ninh trên biển, không gian vũ trụ, không gian mạng và năng lực hạt nhân. Về tình hình Biển Đông, nội dung Sách Trắng cố tình bảo vệ hoạt động xây dựng những đảo nhân tạo trái phép của nước này tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đồng thời cũng đề cập đến “một số quốc gia bên ngoài tìm cách can thiệp vào vấn đề này, trong đó có hoạt động trinh sát bằng máy bay quân sự”. Sách Trắng cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục cải thiện cơ cấu cảnh báo nước ngoài về “hoạt động quân sự được lên kế hoạch từ trước” và quy tắc ứng xử trong các tình huống chạm trán trên biển và trên không.
Bên cạnh đó, Sách Trắng cũng cảnh báo bán đảo Triều Tiên đang đối mặt với tình trạng “bất ổn và khó đoán”, gây “ảnh hưởng tiêu cực” đối với an ninh và ổn định dọc theo khu vực ngoại vi của Trung Quốc. Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc còn gọi chiến lược tái cân bằng của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương và việc Nhật Bản điều chỉnh chính sách quốc phòng gần đây là “vấn đề đáng lo ngại”.
Các bộ trưởng tài chính G7 nhất trí về cắt giảm nợ công
Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng Trung ương của G7 đạt được nhất trí về những biện pháp cắt giảm nợ công và thâm hụt ngân sách. Ảnh: DW
Phát biểu tại buổi họp báo kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G7 diễn ra tại thành phố Dresden của Đức, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho biết, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng Trung ương của Nhóm các nền công nghiệp phát triển (G7) đã đạt được nhất trí về những biện pháp cắt giảm nợ công và thâm hụt ngân sách, cũng như hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Các nhà lãnh đạo tài chính trong nhóm G7 đã đạt được đồng thuận quan trọng trong việc tiếp tục khuyến khích mạnh mẽ cải cách cơ cấu kinh tế ở nhiều nước. Ngoài ra, các bên cũng tìm được tiếng nói chung trong vấn đề chống trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Theo đó, các nước trong G7 sẽ từng bước xây dựng cơ chế xóa bỏ những khác biệt để tạo cơ sở cho việc hình thành các biện pháp kiểm tra phối hợp liên quốc gia, từ đó giúp ngăn chặn tình trạng chuyển giá và gian lận thuế. Liên quan đến việc ngăn chặn nguồn tài trợ cho các tổ chức khủng bố quốc tế, lãnh đạo tài chính G7 thống nhất cần tăng cường các biện pháp giám sát nguồn tiền luân chuyển trong hệ thống tài chính quốc tế của các cá nhân, tổ chức bị nghi ngờ dính líu đến khủng bố.
Hội nghị khu vực về khủng hoảng di cư ở Đông Nam Á
Ngoại trưởng Thái Lan Thanasak Patimaprakorn kêu gọi các chính phủ giải quyết tận gốc nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng di cư hiện nay ở Đông Nam Á. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 29-5-2015, Hội nghị khu vực về khủng hoảng di cư ở Đông Nam Á đã diễn ra tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ba quốc gia đang là trung tâm của cuộc khủng hoảng này gồm Myanmar, Indonesia và Malaysia không cử bộ trưởng tham dự. Phát biểu tại Hội nghị, Ngoại trưởng Thái Lan Thanasak Patimaprakorn cho rằng tình trạng các thuyền chở người di cư tìm cách đi vào Đông Nam Á đã đến “mức báo động”, đồng thời kêu gọi các chính phủ giải quyết tận gốc nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng di cư này. Ngoại trưởng Thái Lan khẳng định không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết vấn đề trên. Theo ông Thanasak Patimaprakorn, bên cạnh việc hỗ trợ những người cần sự giúp đỡ, cần phải ngăn dòng người di cư, đấu tranh với tội phạm xuyên quốc gia và triệt phá các mạng lưới buôn người.
Hiện các quốc gia châu Á đang phải vật lộn tìm cách giải quyết tình trạng người di cư lênh đênh trên các vùng biển của Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Phần lớn những người di cư này thuộc tộc người Hồi giáo thiểu số Rohingya ở Myanmar và những người Bangladesh muốn thoát khỏi nghèo đói. Tuần trước, Malaysia và Indonesia đã nhất trí cung cấp nơi tạm trú cho người di cư trong một năm. Trong khi đó, Thái Lan tuyên bố sẽ chỉ hỗ trợ nhân đạo bởi hơn 100.000 người tị nạn, chủ yếu từ các tộc người thiểu số ở Myanmar đã sống ở các trại tị nạn tại biên giới nước này trong nhiều thập kỷ và Bangkok không thể tiếp tục xử lý như vậy.
Đối thoại để xây dựng lòng tin và sự minh bạch
Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 thảo luận nhiều về vấn đề Biển Đông. Ảnh: TTXVN
Ngày 31-5-2015, Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 tại Singapore đã kết thúc với thông điệp đối thoại để xây dựng lòng tin và sự minh bạch. Đối thoại Shangri-La năm nay có những phát biểu thẳng thắn đáng kể từ các bộ trưởng; trong đó có rất nhiều thảo luận về vấn đề Biển Đông, sự cấp thiết thực sự để có thể sớm hoàn tất và tiến tới ký kết Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC) giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nhấn mạnh châu Á đang ngày càng khẳng định là một khu vực phát triển nhanh nhất trên toàn cầu cả về thương mại, tài chính và quốc phòng, song khu vực này cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ, như chủ nghĩa khủng bố cực đoan, nạn buôn người xuyên biên giới, an ninh mạng,... Do đó, các quốc gia cần có sự đồng thuận cao, tránh xung đột, tìm ra các giải pháp chung trên cơ sở duy trì hòa bình và ổn định, an ninh trong khu vực. Cũng trong phiên thảo luận này, giới học giả và các chuyên gia đều dành sự quan tâm đặc biệt tới bài phát biểu của Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) Tôn Kiến Quốc. Ông Tôn Kiến Quốc cho rằng tuân thủ các nguyên tắc của hiến chương Liên hợp quốc là “cách duy nhất để phát triển hòa bình” và “hợp tác cùng thắng phải là mục đích cuối cùng hướng tới hòa bình, ổn định an ninh”. Về vấn đề an ninh trên Biển Đông, quan chức này tuyên bố “Trung Quốc vẫn luôn kiềm chế và hướng tới việc ủng hộ, tăng cường hơn nữa cho hòa bình, an ninh” và “tình hình Biển Đông đang rất ổn định”. Nhiều học giả và chuyên gia tỏ ra bất ngờ khi ông Tôn cho rằng "tình hình Biển Đông đang rất ổn định", bởi thực tế không phải như ông Tôn nói. Những phát ngôn của vị quan chức này vì thế không có được sự tin cậy nơi người nghe./.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Cộng hòa Algeria  (02/06/2015)
“Lợi ích nhóm” và “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” - cảnh báo nguy cơ  (02/06/2015)
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đồng bào các dân tộc tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông  (02/06/2015)
Truyền thông châu Âu đánh giá cao FTA giữa Việt Nam và EAEU  (02/06/2015)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ  (01/06/2015)
Thống nhất giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương  (01/06/2015)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay