Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 25 đến ngày 31-5-2015
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đẩy mạnh cải cách vì lợi ích chung của đất nước
Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ tháng 5-2015 ngày 27-5, nhấn mạnh những kết quả đạt được là tích cực, tiềm năng cho phát triển còn rất lớn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ tinh thần chung là phải ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém còn tồn tại; thực hiện tốt công tác dự báo, chủ động ứng phó với các tình huống theo dự báo; không chủ quan thỏa mãn với những kết quả đạt được; đề cao tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương để tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra.
Thủ tướng nêu rõ, phải tiếp tục củng cố, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bởi đây chính là cái căn cơ, cái nền tảng. Đi liền với đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy sản xuất phát triển, thu hút đầu tư qua đó góp phần cho tăng trưởng, tạo công ăn việc làm; không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, của nền kinh tế.
Liên quan đến công tác cải cách hành chính, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Chúng ta đã làm và đạt được những kết quả đáng mừng, được doanh nghiệp, nhân dân hết sức đồng tình ủng hộ, bạn bè quốc tế cũng ủng hộ và đánh giá cao. Những thủ tục nào gây cản trở, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp phải kiên quyết loại bỏ, phải sửa đổi vì lợi ích chung của đất nước; ngược lại những gì phải quản lý cần đặt ra thêm thì phải đặt ra để quản lý cho chặt chẽ, hiệu quả. Cải cách hành chính không cần đầu tư nhiều nhưng góp phần đắc lực cho phát triển. Tôi sẽ trực tiếp làm việc với với từng bộ, ngành về nội dung này”.
Bộ Giao thông vận tải: Khai trương dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về đăng kiểm
Sáng 25-5, Bộ Giao thông vận tải đã chính thức khai trương dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lĩnh vực đăng kiểm tham gia cơ chế một cửa quốc gia. Theo đó, sẽ tiếp nhận, giải quyết và trả hồ sơ đăng kiểm thông qua mạng internet, giúp các doanh nghiệp rút ngắn 4/5 thời gian làm thủ tục so với quy trình cũ.
Cụ thể, các thủ tục hành chính đầu tiên như cấp giấy chứng nhận chất lượng đối với môtô, xe gắn máy nhập khẩu (xe, động cơ để lắp ráp) và xe đạp điện nhập khẩu bắt đầu được Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thông qua Cổng thông tin Một cửa quốc gia tại địa chỉ www.vnsw.gov.vn. Thời gian hoàn thành thủ tục đối với các trường hợp thông thường được rút ngắn từ 5-10 ngày như hiện nay xuống còn 1-2 ngày.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, Cục Đăng kiểm vẫn song song tiếp nhận hồ sơ đăng kiểm như hiện nay. Sau 3-6 tháng, khi khách hàng đã quen với cơ chế trực tuyến, sẽ chuyển hẳn sang cơ chế điện tử trực tuyến.
Trong tháng 6 tới sẽ có thêm 3 thủ tục khác trong nhóm xe nhập khẩu được giải quyết theo cơ chế trực tuyến một cửa là xe cơ giới, xe máy chuyên dùng và xe 4 bánh chở người.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị của Bộ tiếp tục thực hiện kết nối một cửa, phải làm sao cho các lĩnh vực đường sắt, hàng hải, hàng không… đều được kết nối tối đa với Cổng thông tin Một cửa quốc gia, thực hiện đúng tinh thần nỗ lực hết sức vì sự hài lòng của người dân.
Văn bản nợ đọng tăng so với cùng kỳ
Bộ Tư pháp cho biết, trong tháng 5-2015, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết của các bộ, cơ quan ngang bộ còn chậm, số lượng văn bản nợ đọng còn rất lớn, với 59 văn bản, tăng 7 văn bản so với cùng kỳ năm 2014.
Trong tháng 5-2015, các bộ, cơ quan ngang bộ cần xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 150 văn bản quy định chi tiết (55 nghị định, 7 quyết định, 74 thông tư, 14 thông tư liên tịch).
Đối với 65 văn bản nợ đọng, trong tháng đã ban hành 6 văn bản (4 nghị định, 1 quyết định, 1 thông tư), còn nợ đọng 59 văn bản (13 nghị định, 35 thông tư, 11 thông tư liên tịch).
Đối với 85 văn bản quy định chi tiết thi hành 15 luật, pháp lệnh chưa có hiệu lực thi hành, đã ban hành được 3 văn bản (1 nghị định, 2 thông tư) bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật. Còn lại 82 văn bản hiện đang được các bộ, cơ quan ngang bộ nghiên cứu, soạn thảo.
Như vậy, trong tháng 5-2015, số lượng văn bản nợ đọng còn rất lớn, với 59 văn bản, tăng 7 văn bản so với cùng kỳ năm 2014. Theo Bộ Tư pháp, ngoài những nguyên nhân khách quan thì tình trạng nêu trên chủ yếu là từ những nguyên nhân chủ quan như: Công tác chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện chưa thực sự quyết liệt; việc đầu tư thời gian, nguồn lực cho công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết còn hạn chế; sự phối hợp giữa cơ quan chủ trì soạn thảo với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan chưa chặt chẽ.
Quảng Nam: Ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính
Trong thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính tại các địa phương ở Quảng Nam đã có nhiều tiến bộ, mức độ hài lòng của người dân ngày càng tăng. TP. Hội An là một ví dụ. Việc số hóa hoạt động hành chính đã được Hội An thực hiện từ nhiều năm nay. Cụ thể, thành phố đã đầu tư gần 600 triệu đồng xây dựng phần mềm quản lý văn bản, hệ thống trả lời thông tin hồ sơ một cửa tự động, phần mềm một cửa và phần mềm quản lý văn bản. Hệ thống phần mềm Quản lý văn bản tại Văn phòng HĐND, UBND Hội An hằng năm cập nhật hơn 21.500 văn bản đến và văn bản phát hành.
Nếu năm 2013, tỷ lệ văn bản gửi trên mạng cho các phòng ban, đơn vị đạt hơn 45%, thì đến năm 2014 đã đạt trên 60%. Việc sử dụng phần mềm quản lý văn bản giúp tra cứu văn bản đến và đi một cách thuận lợi, chuyển tải các văn bản điện tử đến các đơn vị một cách nhanh chóng mang lại lợi ích thiết thực.
Theo lộ trình, năm 2014, Hội An cung cấp 100% các dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 2; 70% mức độ 3 vào năm 2015 và triển khai một số dịch vụ có thủ tục đơn giản ở mức 4 vào năm 2016.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính trên địa bàn trong giai đoạn từ nay đến 2016 sẽ nâng cấp được quá trình giải quyết thủ tục hành chính tại các đơn vị phường, xã của địa phương, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Cải cách hành chính tác động tích cực đến xóa đói giảm nghèo
“Các thể chế công là thể chế quan trọng nhất trong xã hội vì có tác động trực tiếp tới người dân và người dân trông chờ vào hiệu quả của dịch vụ công. Vì vậy, cải cách hành chính là điều cần thiết góp phần phát triển đất nước” - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam John Nielsen đã chia sẻ tại hội thảo diễn ra tại Hà Nội ngày 26-5 về kết quả hợp phần hỗ trợ cải cách hành chính thuộc Chương trình Quản trị công và cải cách hành chính (GOPA) 2, giai đoạn 2012-2015, do Đại sứ quán Đan Mạch và Văn phòng Quốc hội Việt Nam phối hợp thực hiện.
GOPA được triển khai tại 4 tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Đắk Nông từ năm 2007 và thêm Đắk Lắk từ năm 2010. Trong quá trình này, Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) có vai trò chỉ đạo qua các hội nghị chia sẻ kinh nghiệm hằng năm ở các tỉnh. Giai đoạn 2 mang tính định hướng, nhấn mạnh hơn sự tác động của cải cách hành chính vào việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững và đóng góp các bài học mang tính đột phá cho chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020.
Qua GOPA, cả 5 địa phương nói trên đã xây dựng kế hoạch cải cách hành chính, vận dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO được cấp chứng nhận, ứng dụng hệ thống quản lý theo kết quả công việc (PMS) trong một số lĩnh vực, biểu mẫu theo dõi và đánh giá cải cách hành chính (M&E)… Những việc làm trên đã tiết giảm 10% số kinh phí cải cách hành chính theo quy định của Chính phủ. Một điểm quan trọng ở GOPA là đã tiến hành khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức và người dân đối với dịch vụ công; cải cách hành chính là phương tiện để cải thiện Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh ở Lào Cai, Đắk Lắk, Đắk Nông; Tăng cường sự chỉ đạo và đôn đốc, cũng như kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị…
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, những kết quả của GOPA đã góp phần thúc đẩy cải cách hành chính ở Việt Nam, nên rất cần ứng dụng ở nhiều địa phương khác…./.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Algeria  (31/05/2015)
Hà Tĩnh đặt mục tiêu xây dựng 1.000 Hợp tác xã kiểu mới  (31/05/2015)
Hà Tĩnh đặt mục tiêu xây dựng 1.000 Hợp tác xã kiểu mới  (31/05/2015)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm làng trẻ em SOS Đà Nẵng  (31/05/2015)
Điều chỉnh dự án để đáp ứng nhu cầu điện trong dài hạn  (31/05/2015)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay