Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 13 đến ngày 19-4-2015

Hồng Ngọc tổng hợp
16:06, ngày 20-04-2015
TCCSĐT - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Bộ Nội vụ về công tác cải cách hành chính, công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2014, vấn đề thi nâng ngạch và thi tuyển công chức,… là những tin chủ yếu tuần qua.

Các bộ phải tập trung thanh tra, kiểm tra

Tại cuộc họp về công tác cải cách hành chính của Bộ Nội vụ ngày 15-4, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu Bộ Nội vụ là bộ quản lý nhà nước về cải cách, đi kiểm tra cải cách hành chính thì phải làm gương. Theo Phó Thủ tướng, nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu thì nền hành chính phải đi theo hướng đó để phục vụ.

Phó Thủ tướng nêu dư luận xã hội vẫn còn có ý kiến rằng còn tình trạng cửa quyền, tập trung một số thẩm quyền ở cấp trung ương. Trong khi chương trình công tác của các bộ rất nhiều, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ phải tập trung làm vĩ mô, tránh xử lý nhiều vụ việc sự vụ, không còn thời gian nghiên cứu các đề án lớn.

Nêu số liệu Bộ Nội vụ còn nợ các đề án, Phó Thủ tướng đề nghị việc không cần làm thì không làm, các bộ cần tập trung thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, kết luận việc làm sai. “Bộ nào mà các nơi khác đến tấp nập xin cho thì không tốt” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2014 của Hà Nội tăng 7 bậc

Ngày 16-4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014.

Chỉ số PCI được xây dựng trên cơ sở đánh giá một số chỉ số thành phần như: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền... Kỳ đánh giá này có 9.859 doanh nghiệp (trong đó có 1.491 doanh nghiệp FDI) tham gia khảo sát và theo VCCI, chỉ số PCI năm 2014 cho thấy, xu hướng cải cách đã lan rộng ở nhiều tỉnh, thành phố bên cạnh sự lạc quan về triển vọng kinh doanh.

Chỉ số PCI của Hà Nội năm nay xếp thứ 26, tăng 7 bậc so với năm trước là một bước tiến rất lớn, một nỗ lực đầy sức thuyết phục và rất đáng ghi nhận khi biết rằng, năm 2013, Hà Nội xếp hạng 33/63, nằm ở nhóm chất lượng điều hành khá. Tuy nhiên, đây vẫn là một kết quả chưa cao, chưa đạt yêu cầu, chưa xứng với vị thế cũng như mong muốn của lãnh đạo, người dân thủ đô.

Những năm gần đây, cùng với việc thường xuyên tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn, lãnh đạo TP. Hà Nội đã thực sự "chia lửa" cùng doanh nghiệp bằng những chính sách cụ thể, đặc biệt là việc tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, đơn giản hóa nhiều thủ tục, giảm chi phí, thời gian tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Điều đáng nói, "đồng hành cùng doanh nghiệp" không chỉ là khẩu hiệu mà còn là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị của Thành ủy, UBND thành phố, chính quyền các cấp... Những nỗ lực rất cao và liên tục trong quá trình cải thiện năng lực điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2014

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2014 được công bố ngày 14-4 tại Hà Nội. Kết quả xếp hạng cho thấy trong khi một số địa phương đông dân đã cải thiện được chất lượng dịch vụ công thì Hà Nội lại tụt hạng và trở thành một trong những thành phố lớn có chỉ số cải cách hành chính thấp nhất.

Chỉ số PAPI là nguồn dữ liệu để các cấp, ngành ở trung ương và địa phương sử dụng nhằm theo dõi quá trình thực thi chính sách, từ đó đưa ra những biện pháp cải thiện kịp thời. Dự án do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) thực hiện. Chỉ số được xếp hạng theo sáu lĩnh vực: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở, công khai minh bạch, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, trách nhiệm giải trình với người dân, thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công.

Báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh cho thấy trong bốn năm qua (từ năm 2011 đến năm 2014), sáu chỉ số nội dung về quản trị và hành chính công PAPI được đo lường cho thấy mức độ cải thiện về chất lượng dịch vụ không đáng kể.

Trong số sáu chỉ số được đo lường, có tới bốn chỉ số đều tụt điểm, chỉ số sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở sụt giảm nhiều điểm nhất. Kết quả khảo sát cho thấy, bầu cử trưởng thôn chủ yếu mang tính hình thức, chỉ có một hoặc hai ứng viên để lựa chọn và việc chính quyền giới thiệu ứng viên khá phổ biến.

Năm 2014, chỉ số về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình với người dân tăng chậm. Trung bình chỉ có 8 trong số 100 người biết đến, đã đọc và tin tưởng các thông báo công khai về ngân sách ở quận, xã mình.

Cung ứng dịch vụ công được đánh giá có cải thiện về chất lượng kết cấu hạ tầng nhưng mức hộ hài lòng với chất lượng bệnh viện công cấp huyện lại giảm sút.

Đặc biệt, người dân tham gia khảo sát hầu như không ghi nhận được tiến bộ gì trong chỉ số nội dung kiểm soát tham nhũng.

Chỉ số về thủ tục hành chính công cũng không có mấy cải thiện trong cảm nhận chung của người dân được khảo sát. Liên quan đến quyền sử dụng đất, một phần ba (34%) người nộp đơn phải đợi 100 ngày mới giải quyết xong giấy tờ, 8% phải đợi từ 100-720 ngày mới có kết quả cuối cùng trong khi Luật quy định việc xử lý thủ tục liên quan không kéo dài quá 30 ngày.

Trong sáu nội dung được khảo sát, minh bạch về bồi thường đất đai là nội dung được điều chỉnh phù hợp với Luật Đất đai mới. Kết quả cho thấy số lượng người dân bị thu hồi đất đã ít hơn so với những năm trước. Đa số người được khảo sát cho biết họ hoặc họ hàng của họ đã nhận được tiền bồi thường. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 1/5 cho biết họ không nhận được khoản bồi thường và chỉ 36% nhận được mức bồi thường thỏa đáng.

Kết quả xếp hạng PAPI 2014 cho thấy không có tỉnh, thành phố nào đạt điểm cao nhất ở cả sáu chỉ số, song một số tỉnh đạt điểm cao ở 4-5 chỉ số. Quảng Bình tiếp tục là tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ số PAPI khi có tới 5 chỉ số thuộc nhóm cao điểm nhất. Ngược lại, Hà Giang là tỉnh đạt điểm thấp nhất ở cả sáu chỉ số nội dung.

Theo kết quả xếp hạng, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có nhiều khác biệt. Thành phố Hồ Chí Minh đạt điểm cao hơn ở nhiều chỉ số so với Hà Nội và có sự cải thiện về các chỉ số so với các năm trước. Hà Nội thuộc nhóm cao điểm ở chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở nhưng lại thuộc nhóm thấp điểm ở bốn chỉ số: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, trách nhiệm giải trình với người dân, thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công.

Nhiều khúc mắc trong thi tuyển công chức

Tại cuộc họp về công tác cải cách hành chính của Bộ Nội vụ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì ngày 15-4, nhiều khúc mắc trong thủ tục hành chính với Bộ Nội vụ được nêu ra, trong đó cơ vấn đề thi tuyển công chức.

Theo bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Tài chính có đợt thi tuyển 2.000 chỉ tiêu, nhưng số hồ sơ nộp lên đến 33.000. Mỗi người một bộ hồ sơ, cán bộ trong ngành phải mất cả tuần rà soát hồ sơ. Theo bà Mai, cần cải cách thi tuyển, cần làm sao để rút ngắn thời gian thi, bởi với cách thi viết như thế này, từ khi thi, phê chuẩn, đến lúc thông báo sẽ lâu.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình việc yêu cầu hồ sơ đầy đủ ngay từ khi thi vào là không cần thiết, “có hồ sơ nặng cả nửa ký, hàng ngàn hồ sơ thì lên đến nhiều tấn mà có ai đọc hết”, vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu lúc thi tuyển chỉ cần nộp một tờ giấy, ai trúng tuyển mới yêu cầu nộp đầy đủ hồ sơ để giảm chi phí xã hội.

Bà Vũ Thị Mai cũng nêu cả ngành tài chính có 73.000 cán bộ biên chế, nhưng chỉ tiêu hàng năm Bộ Nội vụ phân bổ cho thi nâng ngạch lên chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp không nhiều, “toàn ngành chỉ có 136 người là chuyên viên cao cấp, cục trưởng thuế, hải quan địa phương được là chuyên viên cao cấp cũng đếm trên đầu ngón tay”.

Đại diện Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, ông Nguyễn Văn Tấn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, nêu việc thi chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp thì Bộ Nội vụ là đầu mối nhưng có đợt thi chuyên viên chính từ khi nộp hồ sơ, có khi... gần một năm mới có kết quả.

“Có đồng chí thi chuyên viên chính, rồi khi về hưu chưa có kết quả, không biết xếp lương thế nào” - ông Tấn nói và cho rằng nội dung, cách chấm thi chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp thế nào, Bộ Nội vụ nên có công khai rõ ràng hơn.

Trả lời các chất vấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nêu việc thi tuyển còn nhiều hồ sơ, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu cách thi tuyển tập trung của Nhật Bản theo hướng vẫn đảm bảo thẩm quyền bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, ai muốn thành công chức thì thi vào một kỳ thi chung, thi qua máy tính, nếu đạt sẽ được cấp chứng chỉ đủ điều kiện để thành công chức. Khi biết bộ, ngành nào có nhu cầu thì người có chứng chỉ chỉ cần đến nộp hồ sơ kèm chứng chỉ. Cơ quan tuyển dụng chỉ cần phỏng vấn, tránh nhiều hội đồng.

Việc áp dụng công nghệ thông tin trong thi cử, thi qua máy tính, ông Tuấn nêu đã phải đi thuyết phục thực hiện, vì động chạm lợi ích thiểu số. Ông Tuấn khẳng định “ứng dụng công nghệ thông tin vẫn gặp cản trở từ một số người vì họ mất quyền lợi.”.

Về phản ánh của các bộ liên quan đến việc Bộ Nội vụ tổ chức thi nâng ngạch (lên chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp), ông Trần Anh Tuấn nêu Bộ Nội vụ sẵn sàng ủy quyền cho các bộ, ngành, địa phương đủ điều kiện. “Nhưng nơi nào được ủy quyền thi là đỗ hết” - ông Tuấn nói và cho biết sẵn sàng cung cấp số liệu thi trong ngành thuế, hải quan, kể cả Bộ Khoa học Công nghệ... “Bao nhiêu chỉ tiêu, thi đỗ hết thì làm sao nâng cao chất lượng” - ông Tuấn nói./.