Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 06 đến ngày 12-4-2015

Đức Toàn tổng hợp
16:34, ngày 13-04-2015
TCCSĐT - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm việc về thực hiện công tác giám sát cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; Bộ Công an xác định 10 nhiệm vụ cải cách hành chính, tư pháp năm 2015;… là những tin chủ yếu tuần qua.

Chương trình phối hợp giám sát cải cách hành chính thuế, hải quan

Chiều 07-4, tại trụ sở Tổng cục Hải quan, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có buổi làm việc về thực hiện công tác giám sát cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thuế và hải quan là những lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên sâu, do đó để thực hiện công tác giám sát một cách hiệu quả, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã huy động sự tham gia của các tổ chức thành viên như: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam; Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã báo cáo tóm tắt về một số mục tiêu cụ thể và các giải pháp của Bộ Tài chính trong cải cách thủ tục hành chính đối với lĩnh vực thuế, hải quan.
Về kế hoạch, giải pháp cụ thể liên quan đến lĩnh vực thuế, Bộ Tài chính sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy trình nghiệp vụ về quản lý thuế; tập trung rà soát để giảm tối thiểu 10% thủ tục hành chính thuế, đơn giản hóa tối thiểu 20% thủ tục hành chính thuế; giao nhiệm vụ cụ thể đến từng Cục Thuế và Chi cục thuế về ứng dụng công nghệ thông tin với mục tiêu đạt trên 95% số doanh nghiệp khai thuế điện tử và số nộp thuế bằng hình thức điện tử đạt tối thiểu 90%; ban hành quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế…

Trong lĩnh vực hải quan, tập trung thực hiện sửa đổi, bổ sung Luật Thuế xuất khẩu, Luật Thuế nhập khẩu; kết nối Cơ chế một cửa ASEAN; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu”; công bố thời gian thông quan hàng hóa theo tinh thần Nghị quyết 19; thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp…

Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến đóng góp để hoàn thiện nội dung dự thảo Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế, hải quan, giữa Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài chính, VCCI, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam; Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Kết thúc buổi làm việc, với sự thống nhất cao, đại diện lãnh đạo các đơn vị đã tiến hành ký kết Chương trình phối hợp.

Bộ Công an: 10 nhiệm vụ trọng tâm cải cách hành chính, tư pháp năm 2015

Ngày 07-4-2015 tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức hội nghị triển khai công tác cải cách hành chính, tư pháp năm 2015. Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, thành viên Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì hội nghị.

Qua thảo luận, đánh giá tình hình, Hội nghị thống nhất 10 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm 2015, trong đó thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương phải quán triệt sâu sắc nghị quyết của Đảng, xác định cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của cấp ủy và thủ trưởng công an các cấp. Mục tiêu trọng tâm là: “Đảm bảo 100% thủ tục hành chính được chuẩn hóa; đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tập trung đơn giản hóa, cắt giảm tối thiểu 25% chi phí tuân thủ đối với các nhóm thủ tục hành chính, quy định liên quan”.

Theo Thượng tướng Bùi Văn Nam, năm 2014, Bộ Công an đã tập trung rà soát 9 nhóm thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực trọng tâm, đơn giản hóa 11 thủ tục hành chính, trình Quốc hội thông qua 3 dự luật quan trọng, trong đó có Luật Căn cước công dân - dự án luật thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân với kỳ vọng tạo ra cuộc cải cách trong công tác quản lý nhà nước về dân cư, giảm phiền hà, tiết kiệm thời gian cho người dân theo hướng xây dựng mô hình quản lý hiện đại, tinh gọn…

Năm 2015, Bộ Công an đề ra mục tiêu sẽ đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tập trung đơn giản hóa các thủ tục, đảm bảo cắt giảm tối thiểu 25% chi phí các nhóm thủ tục, quy định liên quan. Đảm bảo 100% thủ tục hành chính được chuẩn hóa, kịp thời công bố, công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia, niêm yết đồng bộ, thống nhất tại nơi tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính tại các đơn vị, công an các địa phương. Cuối năm 2015, Bộ Công an dự kiến sẽ áp dụng, công bố Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp cho công an đơn vị, địa phương trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính.

Thay thế, hủy bỏ 16 thủ tục hành chính về kiểm dịch thực vật

Ngày 07-4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 1122/QĐ-BNN-BVTV về việc công bố thủ tục hành chính thay thế, thủ tục hành chính bị bãi bỏ, hủy bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ. Theo đó, có 10 thủ tục thay thế liên quan đến việc cấp, cấp lại giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; cấp, cấp lại thẻ hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật. Những thủ tục hành chính này được quy định tại Thông tư số 05/2015/TT-BNNPTNT ngày 12-02-2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cũng theo quyết định này, có 6 thủ tục bị bãi bỏ, hủy bỏ. Việc bãi bỏ, hủy bỏ những thủ tục hành chính này được thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH 13 ngày 25-11-2013 và Thông tư số 05/2015/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tham nhũng vặt và cải cách thủ tục hành chính

Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2013 công bố ngày 02-4-2014 cho thấy tham nhũng vặt diễn ra phổ biến. Nếu không thực hiện nghiêm túc, "nạn" tham nhũng vặt, tham nhũng thời gian trong bộ máy hành chính sẽ làm suy giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đây là một phần cơ sở để Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực. Những nỗ lực của Chính phủ trong năm 2014 đã thực sự tạo được sức bật trong cải cách thủ tục hành chính của nhiều bộ, ngành, địa phương với hàng trăm thủ tục được cắt giảm, thời gian hoàn thành các thủ tục nộp thuế, kê khai hải quan được rút ngắn, đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cũng qua mạng internet…

Thế nhưng, từng đó vẫn chưa đủ để đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp về một nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu quả cũng như ngăn chặn tình trạng tham nhũng vặt, vì muốn làm được điều đó, nỗ lực của Chính phủ và người đứng đầu các bộ ngành, địa phương là chưa đủ. Nó phải bắt nguồn từ nỗ lực và mong muốn tự thân của từng cán bộ tham gia bộ máy hành chính. Khi nào từng cán bộ tham gia trong bộ máy hành chính các cấp nhận thức được rằng nếu mình làm tốt phận sự, không rầy rà, hạch sách, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp thì chính mình được hưởng lợi, khi ấy mới hạn chế được tình trạng tham nhũng vặt.

Nhưng để làm được điều đó thì rõ ràng chính sách tiền lương cần xây dựng sát với thực tiễn hơn nữa, bộ máy hành chính cũng cần gọn nhẹ và năng động hơn theo hướng một người có thể đảm nhiệm nhiều phần việc, hoặc mỗi người làm một phần việc nhưng phải tinh, phải sâu và thật hiệu quả.

Quận Nam Từ Liêm: Điểm sáng cải cách hành chính

Xác định cải cách hành chính là một trong những khâu đột phá, lãnh đạo quận Nam Từ Liêm đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính.
Năm 2014, lãnh đạo quận đã chỉ đạo các phòng, ngành chức năng rà soát, nỗ lực giảm thời gian giải quyết đối với nhiều loại thủ tục hành chính. Để đảm bảo giảm thời gian giải quyết cho người dân, các phòng, ngành chuyên môn của UBND quận đã tích cực, chủ động rà soát toàn bộ quy trình giải quyết các thủ tục hành chính có khối lượng giao dịch thường xuyên với công dân.

Năm 2014, toàn quận đã tiếp nhận hơn 281.000 hồ sơ, lượng hồ sơ được giải quyết đúng hạn, đạt tỷ lệ 99,52%. Trong đó, đáng chú ý, số hồ sơ giải quyết và trả sớm trước hạn đạt 23%. Nhiều thủ tục được cắt giảm thời gian giải quyết từ 2 - 20 ngày.

UBND quận đã triển khai hiệu quả việc thanh tra, kiểm tra công vụ đột xuất nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị Nhà nước. Quận cũng liên tục nhắc nhở, chấn chỉnh những thiếu sót, khuyết điểm và xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật, phiền hà, sách nhiễu trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là lĩnh vực tài nguyên môi trường, xây dựng đô thị. “Ngay từ ngày đầu đi vào hoạt động, lãnh đạo quận đã quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ quận năng động, sáng tạo và có trách nhiệm. Chúng tôi yêu cầu mỗi cán bộ phải có “khát vọng đổi mới”, biết tự so sánh với các quận phát triển khác để học hỏi, phấn đấu và vươn lên” - Bí thư Quận ủy Nguyễn Văn Hải nhấn mạnh.

Tại quận Nam Từ Liêm, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền được niêm yết công khai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, cung cấp trực tiếp trên cổng thông tin giao tiếp điện tử. Cả 10/10 phường trong quận đã niêm yết công khai quy trình giải quyết các thủ tục hành chính, các quy định liên quan đến thủ tục hành chính, tiếp nhận, phản ánh khiếu nại của tổ chức và công dân tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại phường, nhà văn hóa và nơi sinh hoạt công cộng để công dân dễ tiếp cận.

Năm 2015, quận Nam Từ Liêm tiếp tục đẩy mạnh thanh tra công vụ, thanh tra đột xuất, đẩy mạnh ứng dụng phần mềm hộ tịch cấp phường, thực hiện cải cách dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4./.