Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đề xuất trật tự an ninh quốc tế mới
Ngày 8-10-2008, tại Hội nghị về chính sách quốc tế tổ chức tại thành phố Ơ-vi-an (Pháp) với sự tham gia của nguyên thủ nhiều nước trên thế giới, trong đó có Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di, đương kim Chủ tịch EU, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đã phát biểu đề cập tới 3 chủ đề “nóng” với nội dung chính dưới đây. Xin thông tin để bạn đọc tham khảo.
1- Ba chủ đề chính trong phát biểu của Tổng thống Đ.Mét-vê-đép
Thứ nhất, thế giới đơn cực chỉ tạo ra sự bất ổn an ninh trên toàn cầu
Thế giới hôm nay đang trải qua thời kỳ rất quan trọng, và, là thời kỳ quá độ. Những sự kiện diễn ra trong tháng 8-2008 chứng tỏ rằng, thế giới đã không thể ngăn chặn được hành động xâm lược trong khuôn khổ tiếp cận theo kiểu phân chia thế giới thành các khối. Việc Gru-di-a, một nước tương đối nhỏ, mà lại có khả năng gây nên tình hình bất ổn trên thế giới, dường như đã nói lên rằng, không thể chấp nhận hệ thống an ninh dựa trên trật tự thế giới đơn cực. Sự ích kỷ về kinh tế, tham vọng một mình điều khiển nền kinh tế toàn cầu, cũng là dấu hiệu của một trật tự thế giới đơn cực. Trật tự đó, rõ ràng là, không có triển vọng tồn tại.
Cách đây bảy năm, thời điểm xảy ra sự kiện 11-9-2007, nước Mỹ do tham vọng muốn khẳng định vai trò bá chủ thế giới, đã đánh mất cơ hội lịch sử để xây dựng một trật tự thế giới thực sự dân chủ. Khi đó, nước Nga đã sẵn sàng giúp đỡ nước Mỹ, không chỉ xuất phát từ cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa khủng bố, mà còn thể hiện muốn vượt qua sự chia rẽ đã từng hình thành trong thời kỳ “chiến tranh lạnh” giữa Mỹ và Nga.
Sau sự kiện 11-9, Mỹ đã có các hành động không phù hợp với các định chế của Liên hợp quốc như gây ra cuộc chiến tranh ở Áp-ga-ni-xtan, cuộc chiến tranh I-rắc, vấn đề Cô-xô-vô, hình thành các căn cứ quân sự xung quanh nước Nga, triển khai các căn cứ tên lửa ở Cộng hoà Séc và Ba Lan. Số lượng tên lửa tuy không lớn, nhưng một câu hỏi tự nhiên được đặt ra là vì sao khi thông qua những quyết định đó, không một ai (ở Mỹ) tham khảo ý kiến các đồng minh của họ ở châu Âu và cũng không tham vấn ý kiến của các đối tác trong NATO?
Tiếp theo, một câu hỏi nữa được đặt ra là: vì sao NATO lại cứ tiếp tục mở rộng sang phía Đông, sát đến tận biên giới nước Nga? Việc kết nạp Gru-di-a và U-crai-na vào NATO dường như được coi như một sự kiện để thể hiện ai thắng ai: nếu kết nạp những nước này có nghĩa là sẽ giành thắng lợi trước nước Nga, còn nếu không, có nghĩa là chịu đầu hàng nước Nga. Trước những động thái mang tính “hệ thống” như vậy, nước Nga khẳng định, dù châu Âu có giải thích thế nào đi nữa thì Mát-xcơ-va vẫn coi những hành động đó là chống lại nước Nga.
Tuy nhiên, sự kiện Cáp-ca và việc Nga rút quân ra khỏi vùng đệm quanh Nam Ô-xê-ti-a va Áp-kha-di-a cho thấy, Nga và các nước vẫn có thể cùng nhau hành động một cách thực dụng và có trách nhiệm. Nga vẫn kêu gọi từ bỏ thái độ đối đầu vì nó không có triển vọng và không đem lại lợi ích cho ai; xóa bỏ tư tưởng “bài Xô” - một “căn bệnh” mà Nga cho là rất nguy hiểm, nhưng đáng tiếc là một bộ phận trong chính quyền Mỹ hiện nay đã nhiễm “căn bệnh” này một cách trầm trọng; đồng thời, cần phải nghiên cứu, tìm hiểu nước Nga mới, mà không nên tưởng tượng ra các “mối đe dọa” như trước đây.
Những gì mà thế giới trải qua trong hai tháng gần đây là do hậu quả của trật tự thế giới đơn cực. Sức mạnh một khi không dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế sẽ tạo nên sự bất ổn như đã từng xảy ra ở I-rắc. Do đó, phải kiên quyết chống lại cách tiếp cận coi chiến tranh như là một công cụ để giải quyết chính sách. Cần phải xây dựng các tiêu chí cơ bản để kiểm soát vũ trang. Nếu công nhận quan hệ quốc tế như là quan hệ giữa các chủ thể có quyền bình đẳng thì không thể chấp nhận ưu thế áp đảo của một chủ thể này so với một chủ thể khác; cũng không thể chấp nhận một quốc gia nào đó áp đặt thể chế quốc gia của họ cho một nước khác.
Và như vậy, đã đến lúc phải đề xuất những nguyên tắc của trật tự thế giới đa cực.
Thứ hai, giải pháp cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu
Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay xuất phát từ sự ích kỷ về kinh tế của nhiều nước, đã gây bất ổn cho toàn thế giới. Trong trật tự thế giới đơn cực có hàng loạt vấn đề làm suy yếu vị thế của đồng USD. Sự vỡ vụn của hệ thống tài chính quốc tế đang diễn ra. Để thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay, ổn định nền kinh tế thế giới cần phải có một hệ thống tài chính đa cực, đồng thời, thực hiện một hệ thống các giải pháp: Một là, lập lại trật tự trong hệ thống các thể chế quốc gia cũng như các thể chế điều chỉnh quốc tế. Hai là, từ bỏ sự mất cân đối nghiêm trọng giữa các công cụ tài chính được đề xuất và thu nhập thực tế của các chương trình đầu tư. Cuộc chạy đua cạnh tranh sẽ tạo ra nền tài chính “bong bóng”. Ba là, củng cố các hệ thống quản lý rủi ro. Mỗi một thành viên tham gia thị trường ngay từ đầu phải chịu một phần rủi ro cũng như trách nhiệm, và không nên có ảo tưởng có thể gia tăng đến vô hạn bất kỳ một loại vốn nào. Bốn là, công khai tối đa thông tin đến các hãng, tăng cường yêu cầu giám sát, trách nhiệm của các cơ quan và các hãng thông tấn. Năm là, phải chia lợi ích từ việc loại bỏ các rào chắn trong thương mại quốc tế và tự do luân chuyển vốn đến tất cả các thành viên trong cộng đồng quốc tế.
“Trong cái rủi có cái may”, bất kỳ một cuộc khủng hoảng nào cũng là giải pháp để giải quyết một cách tự nhiên các mâu thuẫn có tính chất hệ thống. Điều quan trọng là cần phải thấy được tính cấp thiết phải xây dựng một trật tự thế giới mới đa cực, cũng như tính chất phức tạp của quá trình toàn cầu hoá.
Từ bài học của nước Mỹ, và không chỉ có Mỹ, có thể thấy rằng, từ chủ “nghĩa tư bản có điều tiết” đến “chủ nghĩa xã hội tài chính” chỉ là một bước. Hiện nay, rõ ràng là các nước đã sẵn sàng quốc hữu hoá nhiều hoạt động kinh tế. Các yếu tố mới để tạo ra sự ổn định là xây dựng các trung tâm tài chính mới và các đồng tiền khu vực mạnh. Nước Nga sẽ tích cực hoạt động để củng cố quá trình lành mạnh hoá hệ thống tài chính quốc tế, không chỉ trong khuôn khổ G-8; đồng thời, các nền kinh tế then chốt khác trên thế giới cũng cần phải được huy động vào quá trình này như Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin, Mê-hi-cô, Cộng hoà Nam Phi. Trong trường hợp này, châu Âu không thể đứng ở vị thế yếu và dễ bị tổn thương. Vì thế, ý tưởng của Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế về cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và xây dựng một không gian kinh tế chung của EU - Nga là một đề xuất có tầm nhìn xa.
Thứ ba, cuộc khủng hoảng ở Cáp-ca và hệ thống an ninh mới
Đến nay, mọi đánh giá đã được đưa ra, mọi quyết định cần thiết đã được thông qua và động cơ của các quyết định đó thế giới đã rõ. Lực lượng gìn giữ hoà bình của Nga đang rời khỏi các khu vực an ninh liền kề với Áp-kha-di-a và Nam Ô-xê-ti-a. Quan sát viên của EU đã được bố trí tại đây để bảo đảm an ninh.
Sự kiện ở Cáp-ca cho thấy, hệ thống an ninh hiện nay không cho phép ngăn chặn được thảm kịch ở Cáp-ca. Do đó cần phải xây dựng một hệ thống an ninh mới, công bằng với tất cả các nước thành viên, và nó cần phải liên kết toàn bộ các nước châu Âu và Đại Tây Dương. Cần xây dựng một hiệp ước an ninh mới, trong đó quy định rõ ràng trách nhiệm phải thực hiện các cam kết quốc tế, tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia và tôn trọng tất cả các nguyên tắc của Liên hợp quốc, chấm dứt sử dụng sức mạnh hoặc nguy cơ sử dụng sức mạnh. Cần phải dựa vào các quá trình đàm phán có tính đến ý kiến của các bên và tôn trọng các cơ chế gìn giữ hoà bình nhằm tạo ra một nền an ninh công bằng. Để làm được điều đó cần phải có 3 “không”: không tạo ra an ninh cho trong khi làm tổn hại an ninh của nước khác; không được phép hành động làm suy yếu hệ thống an ninh chung; không tham gia các liên minh quân sự có thể làm suy yếu các thành viên tham gia của hiệp ước. Không một quốc gia nào, không một tổ chức nào có quyền ngoại lệ đối với việc duy trì hoà bình và ổn định ở châu Âu, kể cả Nga. Cần phải xây dựng những nguyên tắc cơ bản mới để kiểm soát trang bị, nghiên cứu để soạn thảo những quy định chung đối với tất cả các nước.
Cần công khai thảo luận về những yếu tố khác trong hiệp ước an ninh tập thể. Chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân hiện nay không thể giải quyết được những nhiệm vụ của thế giới hiện nay mặc dù vẫn còn có tiềm năng tích cực. Bởi rõ ràng là chế độ này có nhiều khiếm khuyết, không đạt được sự tiến bộ trong việc cấm phát triển vũ khí hoá học và sinh học, triển vọng mờ mịt của việc thực hiện hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện. Nga đặc biệt quan tâm tới việc ký kết một hiệp ước mới có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý giữa Mỹ và Nga về giải trừ vũ khí hạt nhân để thay thế Hiệp ước về trang bị tiến công chiến lược. Đây phải là một hiệp ước chứ không thể là tuyên bố.
Những gì mà nước Nga đề xuất tại diễn đàn này có ý nghĩa rất quan trọng đối với tương lai của châu Âu, đối với tất cả những ai tôn trọng và cần đến sự bình yên của con người và thiết tha đối với hoà bình. Điều này cần phải được thảo luận tại Hội nghị này với sự tham gia của lãnh đạo tất cả các tổ chức then chốt trong không gian châu Âu - Đại Tây Dương.
2- Bình luận của Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di
Bình luận về bài phát biểu của Tổng thống Đ.Mét-vê-đép, Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di công nhận rằng, quan hệ giữa Nga và EU trở nên phức tạp nghiêm trọng liên quan đến những sự kiện gần đây ở Cáp-ca, nhưng không thể vì thế mà cô lập Nga ra khỏi nền chính trị thế giới. Nga và EU không thể tách rời nhau, không thể để xảy ra sự phân chia mới ở châu Âu, thậm chí là ý tưởng về một cuộc “chiến tranh lạnh” mới. Tổng thống Pháp cũng nhấn mạnh rằng, Tổng thống Đ.Mét-vê-đép đã giữ đúng cam kết rút quân khỏi khu vực xung đột ở Gru-di-a. Việc thực hiện đầy đủ các cam kết liên quan đến việc rút quân Nga ra khỏi khu vực này mở ra triển vọng tiếp tục các cuộc đàm phán về một hiệp ước có tầm cỡ và quy mô lớn giữa Nga và EU. Các bên ở Cap-ca cần phải kiềm chế gây hấn và tôn trọng công việc của các quan sát viên quốc tế.
Ông N.Xác-cô-di cũng chia sẻ quan điểm của Tổng thống Đ.Mét-vê-đép và công nhận rằng, trật tự thế giới đơn cực đã không thể vượt qua nhiều thử thách và các thách thức. Thế giới đơn cực hôm nay dường như không được điều khiển theo một quỹ đạo đúng. Tổng thống N.Xác-cô-di cho rằng, không một thực thể hành động nào, dù mạnh đến đâu, có thể đơn thương độc mã giải quyết các cuộc khủng hoảng, đương đầu với các thách thức hoặc buộc thế giới phải tuân theo quan điểm của mình về thế giới và các sự vật xung quanh. Sự bất ổn và hỗn loạn sẽ gia tăng nếu không áp dụng các thể chế quốc tế được kế thừa trong quá khứ và áp dụng vào tình hình thực tế của thế kỷ XXI.
Tổng thống Pháp cho rằng, kinh tế là một yếu tố nữa để thắt chặt quan hệ giữa Nga và EU, vì thị trường Nga hiện nay đang mở rộng và là thị trường lớn thứ 3 đối với châu Âu. Đối với Nga, châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất, và là nhà đầu tư lớn nhất. EU chiếm tới 80% đầu tư ở Nga. Trong khi đó, có tới 80% đầu tư của Nga ở nước ngoài tập trung vào EU. Vậy nên, sự đối đầu giữa Nga và EU là việc làm không sáng suốt. Tổng thống Pháp nhắc lại rằng, trong năm 2007, châu Âu đầu tư vào Nga gấp 10 lần so với đầu tư vào Trung Quốc.
Châu Âu mua 1/3 tài nguyên năng lượng từ Nga. Còn Nga bán cho châu Âu 60% khối lượng dầu mỏ và khí đốt. Do đó, châu Âu cần Nga để bảo đảm an ninh năng lượng, còn Nga cần châu Âu để bảo đảm thị trường. Rõ ràng là, theo tư duy sáng suốt thì châu Âu và Nga phải là đối tác chiến lược của nhau. Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di còn cảm ơn Tổng thống Đ.Met-vê-đép đã ủng hộ đề nghị của ông về việc tổ chức hội nghị G-8 vào cuối năm 2008. Ông N. Xác-cô-di khẳng định: “Nước Nga đã trở lại. Nước Nga đã phục hồi sự phát triển kinh tế và lấy lại uy tín của một cường quốc”. Tổng thống Pháp ủng hộ việc hợp tác sâu hơn nữa với Nga chứ không chỉ là quan hệ đối tác chiến lược. Việc xây dựng một không gian kinh tế thống nhất giữa EU và Nga là một nhiệm vụ quan trọng và nên làm. Châu Âu hy vọng, Nga sẽ có sự lựa chọn chiến lược có lợi với đối tác là EU./.
Thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc và nói “không” với những dự án gây ô nhiễm môi trường  (10/10/2008)
Tổng thống Mỹ triệu tập họp khẩn cấp với G7  (10/10/2008)
Thường vụ Quốc hội bàn về phát triển kinh tế - xã hội  (10/10/2008)
210 tỉ đồng khắc phục hậu quả bão số 6  (10/10/2008)
"Những câu chuyện Bác Hồ” ... trở về từ năm châu  (10/10/2008)
Siết chặt quy định thành lập ngân hàng mới  (10/10/2008)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay