Liên kết "4 nhà" tạo "đường băng" để nông dân "cất cánh"
TCCS - Phát triển nông nghiệp, nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân là nhiệm vụ chiến lược của đất nước. Để làm tốt nhiệm vụ trên, một trong những giải pháp đó là thực hiện có hiệu quả mối liên kết giữa: Nhà nước, nhà nông, nhà kinh doanh và nhà khoa học. Thực tế có những liên kết đã đem lại hiệu quả cao nhưng cũng có những liên kết không được thành công. Vậy những vấn đề gì đang đặt ra trong vấn đề liên kết “4 nhà” nhằm tạo ra điều kiện tích cực cho việc giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay?
Chính sách khuyến nông hạn chế, liên kết nửa vời đã làm nhà nông khó “cất cánh”
Vai trò và sức mạnh của liên kết được áp dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Những mô hình liên kết có hiệu quả phần lớn do các thành viên đều có chung mục tiêu, phương pháp, chính sách hành động đúng đắn và phải cùng có nghĩa vụ, quyền lợi theo mức độ về năng lực và hiệu quả do các thành viên đóng góp. Liên kết “4 nhà” thường được nói đến bao gồm Nhà nước, nhà sản xuất (nông dân), nhà kinh doanh và nhà khoa học. Nhà sản xuất cần phải có sự liên kết với “3 nhà” khác vì người sản xuất là nhà nông. Nhà nông của nước ta vốn quen với nền sản xuất nhỏ, manh mún, sản xuất theo kiểu tự cung tự cấp, trình độ học vấn có hạn, thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất, thiếu kiến thức, thiếu kỹ thuật... nên không tự mình đứng ra tạo dựng sản phẩm khi không có sự hỗ trợ của Nhà nước, nhà kinh doanh và nhà khoa học. Nhà kinh doanh cũng cần có sự liên kết với nhà sản xuất, Nhà nước và nhà khoa học, bởi họ cần có sản phẩm đủ số lượng và chất lượng để buôn bán với các khách hàng có yêu cầu khác nhau trên thế giới, hơn nữa họ cũng rất cần chính sách của Nhà nước hỗ trợ để việc kinh doanh diễn ra thuận lợi.
Biết vậy, nhưng từ lâu thuật ngữ liên kết “4 nhà” vẫn chỉ như một câu khẩu hiệu, chúng ta chưa thật sự đầu tư có chiều sâu và tổ chức chặt chẽ để tự nó có thể trở thành một sức mạnh vật chất nhằm giúp nông thôn Việt Nam phát triển, tiến lên. Nhà nước có vai trò chủ đạo là đưa ra các chính sách phù hợp cho các thành phần trong liên kết cùng thực hiện. Ngày nay, có nhiều chính sách khá tích cực, nhưng cũng không ít chính sách thiếu thực tế, có lúc chồng chéo hoặc thậm chí kìm hãm sản xuất. Muốn sản xuất lớn cần phải tích tụ ruộng đất, nhưng để tích tụ ruộng đất lại vướng chính sách hạn điền. Khi lúa gạo giá cao, cần xuất khẩu để có vốn tái sản xuất nhưng do cơ chế, chính sách tại thời điểm đó lại cản trở nông dân, doanh nghiệp bán lúa gạo, nên nông dân vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi dù có nhiều lợi thế cạnh tranh về phát triển nông nghiệp. Khi lượng phân hóa học chất đầy kho, các doanh nghiệp đang cần cắt bớt lỗ, rất cần xuất hàng sang nước khác để không bị thua lỗ nhiều thì Nhà nước lại cấm xuất cảng.
Với các nhà khoa học, tham gia liên kết “4 nhà” chưa có chính sách nào khuyến khích để họ có thể gắn kết với người sản xuất, nhằm tạo ra sản phẩm đủ chất lượng cho thị trường đang đòi hỏi. Những điều trên đã dẫn đến người sản xuất cũng như nhà doanh nghiệp phải tự “bơi trong bể” thị trường bao la.
Do ai cũng phải cố gắng giữ phần lợi về mình, nên đã tạo ra không ít kiểu liên kết nửa vời, khiến người sản xuất thiếu lòng tin vào các doanh nghiệp. Vào những năm 1995 - 1996, nông dân ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An nghe lời cam kết miệng của một công ty nhà nước là sẽ mua lúa Khao Dawk Mali với giá 2.500 đ/kg, trong lúc lúa thường chỉ bán được 1.000 - 1.200 đ/kg. Nông dân đã háo hức đua nhau trồng giống lúa Khao Dawk Mali, đến vụ thu hoạch do giá gạo thị trường hạ, công ty không mua như đã hứa. Một lần nông dân bị thất tín nên vụ sau từ bỏ sản xuất loại giống này. Cũng không ít hợp đồng bao tiêu mía cho nông dân giữa nhà máy đường với người trồng mía, công ty cam kết mua hết mía theo giá thỏa thuận, khi đến vụ do giá đường hạ, nhà máy cũng hạ giá mía thậm chí là không mua, dẫn đến cảnh nông dân đốt ruộng mía để chuyển qua trồng cây khác.
Gần đây, ở tỉnh Trà Vinh có hiện tượng “doanh nghiệp bội tín, nông dân lỗ nặng”, 153 nông dân ở xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè hợp tác sản xuất với công ty lúa giống 9 Táo đóng tại xã Sông Lộc, huyện Châu Thành, theo hợp đồng, công ty bán giống cho nông dân với giá 11.000đ/kg nếu trả tiền trước và 13.000 đ/kg nếu phải trả sau. Đồng thời, công ty hứa mua lại lúa của dân giá 5.200 đ/kg. Nhưng do giống của công ty bị lẫn tạp nhiều nên tốn công khử và không bảo đảm chất lượng, công ty chỉ mua lại theo giá thóc thịt 2.800 - 2.900 đ/kg(1).
Những hiện tượng trên biểu hiện cách làm ăn thiếu sòng phẳng do hợp đồng không chặt chẽ, chủ yếu xảy ra giữa nhà sản xuất và nhà kinh doanh.
Cần nhân rộng những mô hình liên kết hay
Do áp lực của thị trường ngày một đè nặng lên nhà doanh nghiệp và nhà sản xuất, gần đây đã có những mô hình liên kết khá thành công. Điển hình như hợp tác xã Hàm Minh ở tỉnh Bình Thuận chuyên sản xuất thanh long xuất khẩu. Khi đến vụ thu hoạch, mỗi đợt hợp tác xã đã xuất khẩu được hàng trăm tấn đến các khách hàng khó tính. Đó là hiệu quả của liên kết thành công. Nguyên nhân thành công trên do giữa người sản xuất và nhà doanh nghiệp là một mối, vừa sản xuất vừa làm xuất khẩu. Để bán được sản phẩm có giá cao, họ phải cố gắng sản xuất ra được sản phẩm có chất lượng cao tương ứng. Đồng hành với họ, các nhà khoa học đã hỗ trợ đắc lực cho hợp tác xã thông qua công tác chọn giống, kỹ thuật bón phân, phòng trừ sâu bệnh, phương pháp sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn ViệtGap, rồi GlobalGAP và kể cả kỹ thuật chiếu sáng, kỹ thuật khử trùng cho thanh long... Phía Nhà nước đã có chính sách phù hợp nên khuyến khích được hợp tác xã làm việc hết mình, tận dụng có hiệu quả đất đai và lao động cho sản xuất thanh long sạch.
Lĩnh vực sản xuất gạo xuất khẩu cũng xuất hiện một số mô hình liên kết hiệu quả cao. Tại hợp tác xã Mỹ Thành, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, trên diện tích 157 ha sản xuất lúa chất lượng cao đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP năm 2008. Hiện nay diện tích sản xuất lúa của hợp tác xã này đã mở rộng ra khoảng 500ha. Ngày 21-8-2008, Cục Sở hữu trí tuệ đã có quyết định chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tập thể “Gạo chất lượng cao, an toàn Mỹ Thành được sản xuất theo quy trình an toàn”. Nông dân sản xuất theo quy trình này vừa tiết kiệm chi phí, vừa bán được giá cao hơn lúa thường nên thu lợi nhiều hơn(2). Thành công trên cũng do hợp tác xã đóng vai cả “2 nhà”: nhà nông và nhà doanh nghiệp. Hợp tác xã được sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Trung tâm khuyến nông tỉnh và các nhà khoa học về cây lúa, bảo vệ thực vật tham gia tích cực. Khi hợp tác xã không tự giải quyết được đầu ra mới liên kết với các công ty xuất khẩu gạo để ký hợp đồng mua bán. Do hợp tác xã đóng luôn 2 vai, nên đó là liên kết khá chặt và chứng tỏ rằng trong mối liên kết “4 nhà” thì giữa nông dân và doanh nghiệp phải là lực lượng cốt yếu.
Nhóm nông dân ở Bùi Xá và Nhữ Thị thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, do có liên kết chặt chẽ giữa nông dân với Công ty cổ phần Công nghệ xanh Yên Bình đã tạo ra mối liên kết khá chặt chẽ. Công ty Yên Bình tìm được đối tác với I-xra-en cần mua gạo sạch có chất lượng cao, Công ty đã ký hợp đồng với nông dân Nhữ Thị và Bùi Xá để sản xuất lúa sạch và bao tiêu sản phẩm, tổng số diện tích ban đầu là 50ha (kể cả một số địa phương khác). Về phía nhà khoa học, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng vi sinh Biogro sản xuất phân vi sinh từ nguồn rơm rạ trên chính ruộng lúa sạch của nông dân cũng vào cuộc. Liên kết “3 nhà” này được tổ chức khá chặt chẽ, Nhà nước bảo đảm chính sách ổn định và cơ quan nông nghiệp, khuyến nông hướng dẫn chọn giống và ứng dụng kỹ thuật sản xuất lúa sạch. Công ty cùng cam kết với nông dân sử dụng giống lúa Tẻ Đỏ do Công ty đề xuất, đầu tư vật tư cho nông dân, sau 2 - 3 năm quy trình ủ rơm vi sinh vật sẽ được chuyển giao lại cho nông dân để họ tự làm. Khi thu hoạch, công ty thu mua lúa kèm theo rơm rạ với giá 9.000 đ/kg, trong lúc lúa thường trên thị trường cùng thời gian chỉ bán được 3.500 đ/kg. Làm theo phương thức liên kết trên, sau khi trừ các chi phí, người nông dân đã thu lãi được 40 - 42 triệu đồng /ha. Từ trước đến nay, trên vùng đất này, chưa có cây gì trồng sau 4 tháng có tiền lãi như vậy(3). Thiết nghĩ đây là một mô hình liên kết khá chặt chẽ và có tính bền vững. Tuy các mô hình liên kết tốt như vậy còn ít, nhưng đó là các hạt nhân rất quan trọng, nếu được Nhà nước “thổi thêm luồng sinh khí” và các doanh nghiệp có đủ tâm và kỹ năng thì các hạt nhân này sẽ được nhân rộng rất nhanh chóng. Thị trường lúa gạo trên thế giới đang mở rộng, nhà nông an tâm sản xuất.
Một số bài học rút ra từ các liên kết thành công
Trước hết, phải xác định chức năng, vai trò, trách nhiệm và quyền lợi được hưởng thụ cho thật phân minh. Trong thành phần liên kết “4 nhà” thì nhà nông và nhà doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ đạo, liên kết chính. Một phía là người sản xuất ra sản phẩm bảo đảm đủ chất lượng, số lượng một cách ổn định. Còn phía doanh nghiệp bảo đảm tiêu thụ hết sản phẩm theo đúng hợp đồng, cung cấp các thông tin về chất lượng sản phẩm cần phải có cho người sản xuất. Hợp đồng kinh tế phải được ký bằng văn bản, có sự giám sát của cơ quan pháp luật. Người sản xuất và nhà doanh nghiệp sẽ nắm giữ nguồn lợi liên kết chính của “4 nhà”, quyền lợi của mỗi bên đều phụ thuộc chặt chẽ với nhau. Vừa kết hợp tính pháp lý, vừa nâng cao chữ “tín” ở thị trường trong và ngoài nước.
Hai là, Nhà nước là người cầm cân nẩy mực thông qua việc xây dựng các chính sách thích hợp nhằm khuyến khích và thúc đẩy liên kết “4 nhà” phát triển bền vững. Quyền lợi của Nhà nước có cả hữu hình và vô hình. Nhà nước sẽ thu được thuế nhiều, khi hàng hóa được sản xuất và buôn bán được nhiều hơn, đời sống của nông dân và lợi ích của doanh nghiệp cũng được phát triển, làm cho vị thế của Nhà nước ngày một nâng cao.
Ba là, cần có cơ chế chính sách thích hợp để liên kết giữa các nhà khoa học với nông dân được bền chặt. Để làm ra được một tiến bộ kỹ thuật đáp ứng với yêu cầu cho xuất khẩu như hạt lúa chẳng hạn, các nhà khoa học không chỉ có cây lúa mà cả các ngành khoa học ở các lĩnh vực khác như đất, phân, thủy lợi, bảo vệ thực vật, khuyến nông đã có công rất lớn. Nhưng quyền lợi vật chất và tinh thần chưa rõ ràng, nên chưa động viên hết khả năng của họ vào chuỗi liên kết “4 nhà”. Kinh nghiệm ở một số nước cho thấy, sau khi nhà doanh nghiệp đưa ra yêu cầu về chất lượng của hạt gạo thì rất cần đến công sức đóng góp của các nhà khoa học với nông dân để tạo ra sản phẩm.
Vai trò của các thành viên trong liên kết “4 nhà” có thể được phân định như sau: Nhà nước là trụ cột, người tạo ra các chính sách cho “3 nhà” còn lại, nếu chỉ cần một trong các hệ thống chính sách bất cập thì sẽ dẫn đến hệ thống bị ảnh hưởng theo. Nhà nông và nhà doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo cho chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Liên kết giữa “2 nhà” này cần được bảo đảm cả danh dự lẫn trách nhiệm dân sự, trách nhiệm kinh tế. Nếu liên kết này lỏng lẻo, chính họ sẽ chịu thiệt về kinh tế và coi như liên kết “4 nhà” hoàn toàn bị thất bại. Phía các nhà khoa học là đối tác liên kết có tác động về chất của mối liên kết “4 nhà”, thiếu mối liên kết này sẽ làm cho sản phẩm thêm phần kém chất lượng dẫn đến lợi nhuận sẽ bị giảm sút, liên kết cũng kém bền vững.
(1) Báo Nông nghiệp Việt Nam, số 138, ngày 13-7-2009, tác giả Lê Nam
(2) Nguồn: www.nongthon.net/apm
(3) Báo Nông nghiệp Việt Nam, số 129, ngày 30-6-2009, tác giả Vũ Minh Việt
Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi  (05/02/2010)
Đảng Cộng sản Việt Nam tám mươi Xuân  (05/02/2010)
Đảng Cộng sản Việt Nam tám mươi Xuân  (05/02/2010)
Hội Báo Xuân 2010: Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng 80 xuân, mừng Hà Nội 1.000 năm văn hiến  (05/02/2010)
Góp phần bàn về cải cách giáo dục đại học ở Việt Nam  (05/02/2010)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên