1. EU công bố Dự báo kinh tế 2008-2010

Ngày 3-11-2008, EU công bố Dự báo kinh tế 2008-2010, trong đó có các nội dung: (1) mức tăng trưởng của kinh tế thế giới sẽ giảm mạnh, chỉ còn 3,7% trong 2008 và 2,25% trong 2009. Sự giảm sút này sẽ ảnh hưởng trước tiên đến các nền kinh tế phát triển, nhưng càng ngày càng ảnh hưởng tới các nền kinh tế mới trỗi dậy. Nguyên nhân là do khủng hoảng tài chính, sự điều chỉnh giá bất động sản tại một số nước và việc tăng giá nguyên liệu. Đến 2010, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng trở lại dần dần nhờ sự ổn định của thị trường tài chính. (2) triển vọng kinh tế EU không mấy khích lệ, GDP sẽ giảm ở quí 3-2008 trong cả EU và vùng sử dụng đồng Euro vì nhiều nền kinh tế trong EU rơi vào suy thoái. (3) thất nghiệp và thâm hụt tài chính công là những vấn đề hàng đầu trong EU (số lượng công ăn việc được tạo thêm trong EU giảm mạnh, chỉ còn 250.000 trong 2009-2010 so với 6 triệu của giai đoạn 2007-2008, tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng thêm 1% trong 2 năm tới, đạt 7,8% trong EU và 8,4% trong vùng euro vào 2009, thâm hụt tài chính công của EU sẽ tăng từ 1% GDP năm 2007 lên 1,6% năm 2008 và 2,3% năm 2009, đạt 2,6% năm 2010 nếu không có thay đổi trong chính sách. (3) lạm phát giảm mạnh vì dường như lạm phạt đã lên đến mức tột đỉnh trong EU và sẽ giảm mạnh xuống dưới mức 2,5% vào 2009 và 2,25% năm 2010.

2. Ứng cử viên Ba-rắc Ô-ba-ma giành chiến thắng áp đảo, trở thành Tổng thống thứ 44 của Mỹ

Ông Ba-rắc Ô-ba-ma trúng cử

Ngày 4-11-2008, ông Ba-rắc Ô-ba-ma đã trở thành Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ sau khi giành được 333 phiếu, vượt xa mức cần thiết là 270 phiếu đại cử tri, để trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Trong bài phát biểu đầu tiên, tân Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma tuyên bố rằng, đây là chiến thắng của chiến lược làm thay đổi nước Mỹ và thế giới. Ông nói: "Con đường phía trước sẽ còn dài, chúng ta sẽ phải leo dốc, chúng ta có thể không ở đó trong 1 năm hoặc thậm chí một nhiệm kỳ, nhưng tôi chưa bao giờ hy vọng hơn lúc này, vào tối hôm nay, rằng chúng ta sẽ tới đó”. Phát biểu tại Chi-ca-go, ông Ô-ba-ma cho biết, ngay sau khi nhậm chức sẽ tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và nước Mỹ sẽ thành công nếu đặt sang bên các vấn đề chính trị và đảng phái để làm việc như một quốc gia.

3. CHDCND Triều Tiên xây dựng căn cứ tên lửa mới

Bắc Triều Tiên xây dựng căn cứ tên lửa mới

Ngày 4-11-2008, phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Li Sang Hê (Lee Sang-hee) cho biết, CHDCND Triều Tiên sắp hoàn thành đang xây dựng căn cứ tên lửa mới gần biên giới Trung Quốc có thể dùng để phóng tên lửa xuyên lục địa. Theo Chương trình phát triển tên lửa, CHDCND Triều Tiên đã có 800 tên lửa đường đạn có tầm có thể bắn tới Hàn Quốc và Nhật Bản. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Li Sang Hê nói, căn cứ mới này có thể phóng các loại tên lửa Taepodong kiểu mới để đưa vệ tinh lên quỹ đạo xung quanh Trái Đất. Taepodong là tên lửa tầm xa của CHDCND Triều Tiên đã từng được phóng thử hồi tháng 7-2006 từ bờ biển phía đông của nước này, có tầm khoảng 3.500km - 4.300km.

4. Thủ tướng Anh Gơ-đôn Brao thăm nhiều nước Trung Đông

Ngày 4-11-2008, trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến sự hỗn loạn chưa từng có tại các thị trường tài chính, tác động tiêu cực đến tất cả các nước, Thủ tướng Anh Gơ-đôn Brao đã kết thúc chuyến thăm chính thức các nước A-rập Xê-út, Ca-ta và Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất. Tại A-bu Dha-bi, trạm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du các nước Vùng Vịnh, Thủ tướng Gơ-đôn Brao kêu gọi các nước xuất khẩu dầu mỏ Vùng Vịnh đóng vai trò lớn hơn nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới hiện nay và khôi phục sự phát triển ổn định của kinh tế toàn cầu.
 
Theo ông Gơ-đôn Brao, sự ổn định này chỉ có thể thực hiện được thông qua việc ủng hộ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia trong những vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ. Ông nhấn mạnh sự cần thiết cấp bách phải giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới hiện nay, không để nó lây lan sang các nước nhỏ và cuộc khủng hoảng hiện nay là dịp để xây dựng một trật tự thế giới mới. Ông Gơ-đôn Brao kêu gọi thay đổi phương pháp làm việc của các thể chế kinh tế và IMF cần phải trở thành một hệ thống báo động từ xa cho nền kinh tế thế giới. Về Ngân hàng thế giới (WB), Thủ tướng Gơ-đôn Brao cho rằng tổ chức này phải quan tâm nhiều hơn nữa tới các vấn đề đói nghèo, thay đổi khí hậu và tìm kiếm những nguồn năng lượng rẻ.

5. Quân đội Mỹ tấn công ở Áp-ga-ni-xtan làm gần 40 dân thường thiệt mạng

Ngày 4-11-2008, Lục quân Mỹ pháo kích vào một ngôi làng dưới sự yểm trợ hoả lực của Không quân sau khi lực lượng liên quân đóng tại một ngọn đồi gần đó nghi ngờ tàn quân Ta-li-ban tiến công họ. Liên quân đã bao vây ngôi làng và liên tiếp tấn công trong nhiều giờ bằng trực thăng, máy bay chiến đấu và cả bộ binh. Trên thực tế, Quân đội Mỹ đã tiến công nhầm vào một đám cưới ở làng U-cha Bắc-ta (Wocha Bakhta), cách thành phố Can-đa-ha (Kandahar) ở miền Nam Áp-ga-ni-xtan khoảng 80 km về phía Bắc, gây nên một thảm kịch đẫm máu với gần 40 người bị chết, trong đó có cả trẻ em và phụ nữ. Bộ chỉ huy Quân đội Mỹ thừa nhận có thương vong trong vụ tấn công trên và cho biết đang tiến hành điều tra. Ngay sau khi xảy ra vụ tấn công đẫm máu trên, trong một cuộc họp báo tại thủ đô Ca-bun, người dân thường Ap-ga-ni-xtăng bị thiệt mạng do vụ tiến công của liên quân. Ông Ca-dai đã kêu gọi Tổng thống Mỹ vừa đắc cử Ba-rắc Ô-ba-ma có biện pháp chấm dứt các vụ tiến công nhầm vào dân thường vô tội trong các cuộc truy quét khủng bố ở quốc gia này.

6. Nhật Bản và Nga nhất trí nỗ lực giải quyết tranh chấp lãnh thổ

Ngày 5-11-2008, tại Tô-ky-ô, Ngoại trưởng Nhật Bản Hi-rô-phư-mi Na-ca-xô-nê (Hirofumi Nakasone) và Ngoại trưởng Nga Xéc-gây Láp-rốp tái khẳng định lập trường hai bên tiếp tục nỗ lực tìm kiếm giải pháp toàn diện để giải quyết cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài xung quanh chủ quyền đối với quần đảo ở phía Bắc Hốc-cai-đô (Hokkaido). Do tranh chấp lãnh thổ kéo dài tại đây nên hai nước chưa ký kết được Hiệp ước hòa bình sau Thế chiến II. Thủ tướng Nhật Bản Ta-rô A-xô (Taro Aso) và Tổng thống Nga Đi-mi-tơ-ri Mét-vê-đép (Dmitry Medvedev) sẽ có cuộc bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào ngày 22-11-2008 ở Li-ma (Pê-ru) để dàn xếp cuộc tranh chấp này. Cùng ngày 4-11-2008, Ngoại trưởng La-vrốp tới Ha-cô-đa-tê (Hakodate) ở Hốc-cai-đô dự lễ kỷ niệm 150 năm ngày khai trương Lãnh sự quán đầu tiên của Nga tại Nhật Bản và tham dự lễ khai trương "Trung tâm Nga" của Đại học quốc gia Viễn Đông do Chính phủ Nga điều hành. Ngoại trưởng Láp-rốp bày tỏ hy vọng Trung tâm Nga sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động giao lưu giữa Nga và Nhật Bản.

7. Tổng thống Đ.Mét-vê-đép đọc Thông điệp liên bang đầu tiên

Ngày 5-11-2008, tại Điện Crem-li, Tổng thống Nga Đmi-tơ-ri Mét-vê-đép đọc Thông điệp Liên bang đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức ngày 7-5-2008. Tổng thống Mét-vê-đép đề cập tới nhiều vấn đề trong chính sách đối nội và đối ngoại. của Nga. Về đối ngoại, Tổng thống Mét-vê-đép nhấn mạnh đến cuộc tiến công quân sự dã man của Gru-di-a nhằm vào Nam Ô-xê-ti-a hồi đầu tháng 8-2008 đã gây ra hậu quả nặng nề không chỉ với Nga mà còn đối với trật tự toàn cầu và tình hình thế giới nói chung. Tổng thống Mét-vê-đép cáo buộc NATO lấy cớ cuộc xung đột tại Nam Ô-xê-ti-a để triển khai tàu chiến tới Biển Đen, chỉ trích Mỹ gây mất ổn định ở châu Âu khi lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại Đông Âu. Nga buộc phải có các biện pháp đáp trả và sẽ không "lùi bước" tại Cáp-ca. Thông điệp liên bang còn đề cập đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xuất phát từ Mỹ. Tổng thống Mét-vê-đép bày tỏ hy vọng chính quyền mới ở Mỹ sẽ có sự lựa chọn theo hướng có lợi cho mối quan hệ có đầy đủ giá trị với Nga. Thông điệp liên bang còn đề cập tới những biện pháp cải thiện tình hình xã hội kinh tế trong nước, nâng cao đời sống của từng công dân Nga và hiện đại hóa lực lượng vũ trang; sửa đổi luật bầu cử để cho các đảng chính trị nhỏ nhận được từ 5-7% số phiếu bầu sẽ có đại diện trong Quốc hội; đề xuất kéo dài nhiệm kỳ Tổng thống Nga từ 4 năm lên 6 năm; tăng cường quyền giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ và kéo dài nhiệm kỳ Quốc hội từ 4 năm hiện nay lên 5 năm; kiên quyết chống tham nhũng và yêu cầu cao đối với các công chức nhà nước.

8. Ðề xuất mới của Mỹ liên quan tới kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ðông Âu

Ngày 6-11-2008, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, Mỹ đã trao cho Nga những đề xuất mới nhằm làm dịu những lo ngại của Nga về kế hoạch của Mỹ triển khai một phần hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) tại Ðông Âu. Trong Thông điệp Liên bang năm 2008, Tổng thống Đ.Mét-vê-đép đã cảnh báo, Nga sẽ triển khai hệ thống tên lửa mới tại khu vực Ban-tích, trong đó có kế hoạch triển khai các tổ hợp tên lửa “I-xcan-đơ” có độ chính xác cao và có khả năng tiêu diệt mục tiêu cách 300 km tại tỉnh Ca-li-nin-grat, giáp biên giới với Ba Lan và Lat-vi-a nhằm cân bằng kế hoạch lá chắn tên lửa Mỹ tại Ba Lan và Cộng hoà Séc. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, Oa-sinh-tơn đã trao các đề xuất mới cho Nga vào thời điểm trước khi Tổng thống Đ.Mét-vê-đép đọc Thông điệp liên bang. Trong đó, Mỹ đề xuất hai bên tham gia một hiệp ước được ràng buộc về pháp lý để thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) sẽ hết hạn vào tháng 12-2009. Trước đó, Mỹ đã từng đề xuất cho phép các quan sát viên của Nga tiếp cận các địa điểm triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu.

9. Nhóm bộ bốn hòa giải Trung Đông nhóm họp ở Ai Cập

Ngoại trưởng Mỹ Côn-đô-li-da Rai-xơ (trái) gặp Ngoại trưởng Ai Cập A-met A-bun Ghết (Ahmed Abul Gheit) ở Ai-cập

Ngày 9-11-2008, Nhóm bộ bốn hòa giải Trung Đông gồm đại diện đến từ Liên hợp quốc, Mỹ, EU và Nga đã nhóm họp ở Ai Cập để nghe lãnh đạo I-xra-en và Pa-le-xtin báo cáo về những bước tiến mà họ đã đạt được trong thời gian qua. Năm 2007, tại hội nghị do Mỹ bảo trợ ở An-na-po-lit, các bên tham gia cam kết sẽ đạt được thỏa thuận về các vấn đề then chốt của Trung Đông trước khi Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ mãn nhiệm. I-xra-en và Pa-le-xtin cũng nhất trí nối lại hòa đàm để giải quyết các vấn đề xung đột chính, trong đó có vị thế của Giê-ru-xa-lem và tương lai nhà nước Pa-le-xtin. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán giữa hai bên đã bị cản trở do tình trạng bất ổn chính trị ở I-xra-en và sự chia rẽ giữa các phe phái ở Pa-le-xtin. Trong cuộc họp ở Ai Cập lần này, Tổng thống A-bat, đại diện phía Pa-le-xtin cùng với Mỹ và EU coi Ha-mat là “một tổ chức khủng bố” và không gặp các đại diện của tổ chức này./.

*** Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 27-10 đến 2-11-2008)