TCCSĐT - Chiều ngày 17-11, Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã mở đầu phiên chất vấn, trả lời về những vấn đề “nóng” của ngành Công Thương được các đại biểu đặt ra.

Xử lý về tình trạng hàng giả, nhập lậu còn nhiều hạn chế

Về tình hình hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết đây là vấn đề nhức nhối từ nhiều năm nay, các lực lượng chức năng đã hết sức cố gắng nhưng kết quả còn hạn chế. Trong báo cáo kiểm điểm cá nhân của Bộ trưởng cũng nhận trách nhiệm về hạn chế này.

Mặc dù ngành công thương có nhiều cố gắng, các lực lượng khác như hải quan, thuế đã nỗ lực nhưng hiệu quả chưa cao, tỷ lệ số vụ việc về gian lận thương mại năm này qua năm khác và năm sau đều cao hơn năm trước. Cụ thể là 10 tháng của năm 2014, số vụ kiểm tra và xử phạt đều tăng hơn 2013 từ 12-14% nhưng tình hình diễn biến khá phức tạp.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nguyên nhân tình trạng này là do dung lượng thị trường của Việt Nam ngày càng phát triển, tốc độ phát triển ngày càng cao, độ mở của nền kinh tế lớn nên giao thương hàng hóa ngày càng tăng, đi liền với đó là, xuất hiện nhiều phần tử làm ăn không đúng đắn, lợi dụng đưa hàng kém chất lượng vào tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, công tác đấu tranh về phương tiện, công cụ vừa yếu vừa thiếu nên hiệu quả chưa cao. Thực tế vừa qua, lực lượng quản lý thị trường đi kiểm tra thiếu trang thiết bị kiểm nghiệm và đánh giá chất lượng.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng, không loại trừ trong đội ngũ của lực lượng quản lý thị trường còn có tình trạng tiêu cực, làm việc chưa hết trách nhiệm, bao che cho trình trạng sai phạm; sự phối hợp của các địa phương mặc dù nỗ lực nhưng chưa đều. Trong 2 năm 2012-2013 và hết tháng 8-2014, cả nước đã khiến trách 25 trường hợp cán bộ sai phạm, cách chức 4 trường hợp. Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương đồng tình với cách xử lý này.

Quản lý chặt giá hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường

Về việc quản lý giá sữa, giá thuốc, giá điện và giá xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết giá sữa do Bộ Tài chính chủ trì, giá thuốc do Bộ Y tế quản lý. Bộ Công Thương với chức năng quản lý thị trường đã phối hợp cùng với thanh tra của Bộ Tài chính và Y tế đi thanh tra những hộ kinh doanh xem có thực hiện niêm yết đúng giá hay không. Trên thực tế, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp triển khai kiểm soát giá sữa; từng bước đưa giá thuốc về giá trị thật của nó.

Về giá xăng dầu, có thể nói giá xăng dầu bám sát theo cơ chế thị trường. Xăng dầu từ đầu năm đến nay đã giảm 9 lần hơn 4.000 đồng/lít cao hơn nhiều so với 5 lần tăng giá.

Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, giá điện đến đến năm 2015 sẽ theo theo thị trường, giá sẽ phụ thuộc vào nhiên liệu, chi phí đầu vào sẽ bảo đảm phục vụ cho tiêu dùng của nhân dân. Nhưng đối với những hộ nghèo vẫn sẽ hỗ trợ 30 số đầu.

"Từ tháng 8-2013 do việc điều hành các nhà máy điện hợp lý nên chúng ta không phải điều chỉnh giá điện" - Bộ trưởng cho biết.

Có thể xây dựng luật riêng về công nghiệp phụ trợ

Trả lời câu hỏi của đại biểu về vấn đề công nghiệp phụ trợ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết năm 2007, Chính phủ đã có quy hoạch công nghiệp hỗ trợ đến 2010 và tầm nhìn 2020.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận công nghiệp hỗ trợ trong thời gian vừa qua vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Để khắc phục điều đó, năm 2011, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12 về một số chính sách khuyến khích đối với công nghiệp hỗ trợ. Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định về một số chính sách đối với một số nhóm hàng hóa liên quan đến công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực: chế tạo ôtô, điện tử, dệt may, da giày, hàng nhựa... Gần đây, Bộ Công Thương đã ban hành quy hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ...

Bộ trưởng cho rằng nguyên nhân của hiện trạng này do cơ chế, chính sách có nhưng chưa đầy đủ, cấp độ pháp lý còn hạn chế, vì thế chưa tạo thuận lợi cho công nghiệp phụ trợ phát triển. Bộ trưởng cho rằng công nghiệp phụ trợ chủ yếu là phụ tùng, linh kiện. Để phát triển được các lĩnh vực này đòi hỏi phải có quy mô sản xuất khá, đủ để sản xuất với số lượng nhiều. Qua đó, giá thành mới có thể cạnh tranh được và tổ chức sản xuất thuận lợi hơn. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, trong nhiều sản phẩm hàng hóa, dung lượng của thị trường chưa đủ.

Một nguyên nhân khác được Bộ trưởng đề cập tới là với xu thế thương mại hóa toàn cầu ngày càng phát triển, sự phân công trong chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị gia tăng trên toàn cầu ngày càng đi vào xác định, quyết định bởi các doanh nghiệp lớn. Vì thế các doanh nghiệp đa quốc gia sản xuất các sản phẩm hàng hóa đã sử dụng mạng lưới các doanh nghiệp vệ tinh, mạng lưới các doanh nghiệp phụ trợ, hình thành sẵn có để chuyên cung cấp cho tập đoàn đa quốc gia này.

Bộ trưởng cho rằng “chúng ta đều đi sau, nên việc len chân được vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng là điều hết sức khó khăn, trong bối cảnh đất nước sức còn đang yếu, kinh nghiệm chưa nhiều.”

Lý giải câu hỏi của đại biểu cho rằng việc còn phụ thuộc nhiều vào nước ngoài trong công nghiệp phụ trợ phải chăng là chưa có chính sách hỗ trợ có hiệu quả và đồng bộ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thẳng thắn thừa nhận nguyên nhân đúng là do chưa đồng bộ và hiệu quả chưa cao.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nêu rõ thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có báo cáo với Chính phủ để có những giải pháp khắc phục được sự yếu kém của công nghiệp phụ trợ.

Hiện, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ ban hành nghị định mới bao quát được nhiều nội dung về cơ chế, chính sách hơn các nghị định trước đây. Bộ trưởng cũng cho biết Bộ Công Thương mong Quốc hội xem xét và đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2015 hoặc đầu nhiệm kỳ khóa 14 có thể ban hành riêng một luật về công nghiệp phụ trợ. Đây chính là khung pháp luật quan trọng để có cơ sở thể chế hóa các chính sách cụ thể để phát triển công nghiệp phụ trợ.

Không có cơ sở để nói Việt Nam nhập khẩu điện nước ngoài

Về vấn đề có hay không việc một số doanh nghiệp điện lớn của Nhà nước (như thủy điện Hòa Bình) hoạt động cầm chừng trong khi lại phải mua điện ngoài quốc doanh và nhập khẩu từ bên ngoài, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định không có cơ sở và lý do để nói Việt Nam nhập khẩu điện từ nước ngoài.

Bộ trưởng dẫn chứng Việt Nam đã đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy điện trong đó nhiều công trình lớn, đa mục tiêu như Hòa Bình công suất 1.920MW, Sơn La 2.400MW, Lai Châu 1.200MW cũng sắp đi vào hoạt động, còn cả thủy điện Tuyên Quang, Trị An, Yaly...

Một trong những mục tiêu khi xây dựng những công trình này là tận dụng lợi thế, tiềm năng thủy năng vừa để phát điện, cắt lũ mùa mưa, cấp nước cho vùng hạ du phục vụ sản xuất nông nghiệp... vừa đảm bảo điện sinh hoạt cho người dân.

Bởi vậy, không có lý do gì để không khai thác các công trình thủy điện lớn này theo mục tiêu đã định, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.

Với trường hợp Thủy điện Hòa Bình, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết từ khi xây dựng và vận hành đến nay, nhà máy có công suất 1.920KW luôn cung cấp sản lượng bình quân hàng năm từ 9-10 tỷ kWh và hầu như năm nào cũng đạt chỉ tiêu này chứ không có câu chuyện sản xuất cầm chừng.

Cùng đó, thủy điện lớn khác là Sơn La cũng đưa vào vận hành trước thời hạn 3 năm và năm nào cũng phát vượt sản lượng thiết kế, trên dưới 10 tỷ kWh mỗi năm. Đó là còn chưa kể hệ thống các công trình thủy điện lớn, nhỏ khác nữa đã đóng góp cho sản lượng điện quốc gia.

Một lần nữa Bộ trưởng khẳng định không có cơ sở cho việc phát điện cầm chừng các công trình thủy điện lớn để đi mua điện của các dự án thủy điện ngoài quốc doanh và nhập khẩu điện từ nước ngoài./.