Đồng Tháp: Vực dậy và từng bước đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động
TCCSĐT - Với quan điểm thực hiện công tác xuất khẩu lao động để làm giàu quê hương, Đảng bộ, chính quyền Đồng Tháp đã chọn công tác này làm một trong ba khâu đột phá để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, rất cần những giải pháp để vực dậy và từng bước đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động.
Tình hình xuất khẩu lao động trong thời gian qua
Những năm đầu, kết quả thực hiện xuất khẩu lao động của tỉnh Đồng Tháp còn khá thấp so với tiềm năng, bình quân mỗi năm chỉ đưa được 76 lao động, do công tác này còn mới mẻ, tỉnh chưa có kinh nghiệm và các ngành, các cấp của tỉnh quan tâm chưa đúng mức.
Tháng 3-2003, Đồng Tháp đã tổ chức Hội nghị triển khai đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, với mục tiêu tạo được công ăn việc làm cho người lao động, góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo. Các ngành và địa phương đã triển khai quán triệt nội dung Hội nghị đến cán bộ, đảng viên của đơn vị, sau đó tuyên truyền, phổ biến, vận động sâu rộng trong nhân dân. Đồng thời, Ban Chỉ đạo xuất khẩu lao động các cấp được thành lập và Trung tâm Giới thiệu việc làm được giao nhiệm vụ làm đầu mối tư vấn, cung ứng lao động cho các công ty xuất khẩu lao động. Hằng năm, tỉnh đã giao chỉ tiêu lượng lao động xuất khẩu cho từng huyện và được triển khai chỉ tiêu cụ thể đến từng khóm, ấp. Nhằm hỗ trợ cho người lao động tham gia xuất khẩu lao động, tỉnh đã thành lập Quỹ Hỗ trợ Xuất khẩu lao động để hỗ trợ học giáo dục định hướng cho người lao động với kinh phí 500.000 đồng/lao động, cho vay tín chấp để đặt cọc khi thực hiện xuất khẩu lao động, hỗ trợ lao động về nước trước hạn do nguyên nhân khách quan, cho mượn chi phí ban đầu…
Nhờ những nỗ lực nêu trên, công tác xuất khẩu lao động tại Đồng Tháp được duy trì khá tốt trong giai đoạn 2003 - 2006, bình quân hằng năm tỉnh đã đưa được 1.251 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có người tham gia xuất khẩu lao động. Giai đoạn này, Đồng Tháp là địa phương có phong trào xuất khẩu lao động mạnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Từ năm 2007 đến nay, lượng lao động đăng ký đi xuất khẩu lao động của tỉnh đã giảm đáng kể, cụ thể: giai đoạn 2006 - 2010, lực lượng lao động tham gia xuất khẩu lao động bình quân là 461 lao động/năm; giai đoạn 2011 - 2013, bình quân chỉ còn 87 lao động/năm. Trong đó, tỷ lệ lao động nữ tham gia chiếm 33%; lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật chiếm khoảng 30%; thị trường lao động nhập khẩu gồm Ma-lai-xi-a chiếm 69%, Đài Loan chiếm 16%, Hàn Quốc 11% còn lại là các nước khác.
Gần 10 năm trở lại đây, công tác xuất khẩu lao động ở Đồng Tháp bộc lộ nhiều hạn chế. Đó là: số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; trình độ ngoại ngữ, hiểu biết của người lao động về pháp luật, phong tục tập quán của nước mà người lao động đến làm việc còn yếu, dẫn đến có lao động vi phạm hợp đồng, chuyển chủ vì lý do không chính đáng, cư trú bất hợp pháp, vi phạm pháp luật nước sở tại, ảnh hưởng đến việc tiếp nhận lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài. Những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân. Về chủ quan, một số cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác xuất khẩu lao động trong giải quyết việc làm, giảm nghèo; chưa tập trung chỉ đạo thường xuyên, liên tục, ngại khó khăn; chưa xem đây là một giải pháp quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Về khách quan, sự suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2008 đã ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có vấn đề việc làm, thu nhập; nhiều lao động của Đồng Tháp làm việc tại Ma-lai-xi-a phải về nước trước thời hạn, kéo theo hệ lụy làm các gia đình này gặp khó khăn trong việc trả lãi ngân hàng. Điều này đã gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động và tác động rất lớn đến sự chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp trong công tác xuất khẩu lao động. Tại một số thị trường lao động khác như Nhật Bản, Đài Loan…, nhu cầu tuyển lao động Việt Nam tăng khá nhiều, làm việc tại các nước này người lao động có mức lương cao, nhưng chi phí phải bỏ ra cũng khá cao, từ 80 - 100 triệu đồng, thậm chí lên đến 140 triệu đồng (tùy theo đơn hàng). Do đó, người lao động khó có thể tham gia.
Một số kinh nghiệm thực hiện xuất khẩu lao động trong thời gian qua
Thứ nhất, công tác xuất khẩu lao động cần phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Thực tế cho thấy ở những xã, phường, thị trấn nào cấp ủy, chính quyền quan tâm và có chỉ đạo tập trung thì các khó khăn vướng mắc được tháo gỡ nhanh chóng kịp thời, công tác xuất khẩu lao động phát triển tốt và ngược lại.
Thứ hai, công tác thông tin, tuyên truyền, tuyển chọn người lao động đi xuất khẩu lao động cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và theo một quy trình chặt chẽ, rõ ràng, công khai, minh bạch, nói đúng sự thật để người lao động an tâm. Quá trình thực hiện thông tin, tuyên truyền ngoài những yếu tố tích cực, thuận lợi cũng cần đề cập cụ thể những khó khăn, thậm chí cả rủi ro (nếu có) trong quá trình xuất khẩu lao động để người lao động và gia đình có thể chủ động xử lý trong những tình huống xấu.
Thứ ba, để bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi tham gia xuất khẩu lao động, các đơn vị cung ứng lao động của tỉnh cần lựa chọn đối tác có uy tín, đơn hàng có hiệu quả thì mới ký kết đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Kiên quyết từ chối ký kết hợp đồng với những doanh nghiệp xuất khẩu lao động không có uy tín, thiếu trách nhiệm giải quyết những vướng mắc của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài hoặc những đơn hàng không tốt, thiếu việc làm, điều kiện sinh hoạt, ăn ở không bảo đảm cho người lao động.
Thứ tư, các ngân hàng thương mại cần tạo điều kiện, giúp đỡ cho người lao động có kinh phí ban đầu để họ có khả năng tham gia lao động tại nước ngoài. Vì để có thể xuất khẩu lao động, người lao động phải có tiền để chi phí cho việc khám sức khỏe, học hành, vé máy bay… và tiền đặt cọc (nếu có), trong khi Nhà nước chỉ cho những người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách vay vốn rất hạn chế, mức tối đa cũng chỉ được 30 triệu đồng/người, còn các đối tượng khác phải vay thế chấp tại các ngân hàng thương mại. Kinh nghiệm của một số tỉnh bạn, đã có nhiều ngân hàng thương mại tích cực hỗ trợ cho người lao động đi xuất khẩu lao động vay tín chấp đến hàng trăm triệu đồng và số tiền này được gửi tiết kiệm lại tại ngân hàng, họ sẽ sử dụng sổ tiết kiệm đó để thế chấp cho các công ty xuất khẩu lao động theo quy định.
Thứ năm, để tổ chức thực hiện tốt công tác xuất khẩu lao động cần phải có Ban Chỉ đạo về xuất khẩu lao động từ tỉnh đến cơ sở. Hằng năm, Ban Chỉ đạo giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương và thực hiện sơ kết, tổng kết định kỳ, để qua đó đánh giá được những thành tựu, hạn chế, bài học kinh nghiệm, đồng thời sẽ biểu dương, khen thưởng kịp thời cho tập thể, cá nhân làm tốt công tác xuất khẩu lao động, nhất là cấp xã và công ty xuất khẩu lao động.
Thứ sáu, phát huy tốt vai trò của các tổ chức đoàn thể trong công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, theo dõi, giám sát việc thực hiện xuất khẩu lao động; có sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao để làm tốt công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động. Trong đó, chú trọng đến công tác phòng, chống và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác xuất khẩu lao động.
Vực dậy và từng bước đẩy mạnh xuất khẩu lao động trong thời gian tới
Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đồng Tháp coi việc lãnh đạo để vực dậy và từng bước đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động trong thời gian tới là một trong ba khâu đột phá góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mục tiêu được đặt ra không phải chỉ để giảm nghèo nhanh chóng, bền vững mà còn phải nâng cao khả năng chuyên môn để khi về nước người lao động vẫn đáp ứng được thị trường lao động kỹ thuật cao, phục vụ tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước trên địa bàn tỉnh, góp phần thu nhiều ngoại tệ cho quốc gia, làm giàu quê hương… Giai đoạn 2014 - 2016, thực hiện tái khởi động lại công tác xuất khẩu lao động, với kế hoạch phấn đấu trong năm 2014 sẽ đưa 280 lao động đi xuất khẩu, năm 2015 đưa tiếp 550 lao động và đến năm 2016 đưa được 850 lao động đi xuất khẩu. Giai đoạn 2017 - 2020, đẩy mạnh và duy trì tốt công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh, phấn đấu bình quân hằng năm đưa khoảng 1.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Để đạt được mục tiêu trên, Đồng Tháp cần triển khai một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, Đảng bộ, chính quyền các cấp cùng các ban, ngành có liên quan đến công tác xuất khẩu lao động trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về xuất khẩu lao động trong nhân dân nhằm nâng cao ý thức của họ; tổ chức đào tạo nghề và giáo dục định hướng có chất lượng cho người tham gia xuất khẩu lao động. Trước hết, phổ biến, quán triệt rộng rãi đến người dân về Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản của Nhà nước ban hành, tiếp đó để bản thân người lao động nhận thức đầy đủ việc đi xuất khẩu lao động là phải biết tiếng nước ngoài, có tay nghề, có ý chí vượt khó học nghề, tiết kiệm để vừa có tiền trả nợ vay trước khi đi lao động vừa tích lũy được vốn khi trở về quê hương.
Hai là, kiện toàn lại Ban Chỉ đạo xuất khẩu lao động ở cấp tỉnh và cấp huyện. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành văn hóa, thông tin, tài chính, kế hoạch đầu tư, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức thực hiện tốt công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh.
Ba là, để công tác xuất khẩu lao động mang lại hiệu quả cao cho người lao động và tránh rủi ro do lao động tham gia không bảo đảm chất lượng, cần tăng cường năng lực về cơ sở vật chất, củng cố đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại các Trung tâm dịch vụ việc làm, Trung tâm dạy nghề, các trường dạy nghề đủ khả năng mở rộng ngành nghề đào tạo; giáo dục thông tin định hướng những vấn đề cần thiết để chủ động đáp ứng nguồn nhân lực đủ tiêu chuẩn phục vụ cho công tác xuất khẩu lao động. Quan tâm tuyển chọn lao động xuất khẩu đến các đối tượng bộ đội xuất ngũ, con em thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số...
Bốn là, ban hành một số chính sách hỗ trợ và khuyến khích người lao động, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân tham gia xuất khẩu lao động; chính sách sử dụng lao động khi về nước để sử dụng kỹ năng, kinh nghiệm của người lao động hồi hương; chính sách hợp lý để người lao động hết hạn hợp đồng lao động có cơ hội quay lại tiếp tục tham gia xuất khẩu lao động, giải tỏa mối lo lắng của người lao động sợ về nước không được tiếp tục tham gia các chương trình xuất khẩu lao động, hạn chế tình trạng trốn ở lại làm việc, cư trú bất hợp pháp tại nước nhập khẩu lao động. Trước mắt, nhằm tạo điều kiện cho người lao động, đặc biệt thuộc các hộ nghèo, cận nghèo có thể tham gia xuất khẩu lao động tại một số nước có thu nhập cao, mức chi phí xuất cảnh nhiều như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… cần sớm có chính sách hỗ trợ cho họ vay tiền chi phí đi xuất khẩu lao động với hình thức tín chấp bằng 80% chi phí xuất khẩu lao động; đối với các hộ nghèo, cận nghèo được vay tiền 100%; tùy theo thị trường mà lao động tham gia, không khống chế mức vay tối đa (khi cho vay không trừ phần chi phí xuất cảnh, môi giới và tiền đặt cọc).
Năm là, xây dựng mối quan hệ phối hợp đồng bộ giữa công ty xuất khẩu lao động với Trung tâm giới thiệu việc làm để các đơn vị này điều tiết được tiền lương của người lao động nhằm trả nợ ngân hàng theo chu kỳ và bảo toàn vốn vay của ngân hàng.
Sáu là, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về xuất khẩu lao động, qua đó kịp thời phát hiện những sai phạm, chấn chỉnh thực hiện theo đúng pháp luật; nâng cao công tác phối hợp, kết hợp trong xử lý vi phạm hành chính và xử lý các trường hợp vi phạm hợp đồng, trốn ở lại nước nhập khẩu lao động./.
Ông Nguyễn Đức Chính được bầu làm Chủ tịch UBND Quảng Trị  (17/11/2014)
Cá tra, basa Việt Nam tiếp tục bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá  (17/11/2014)
Quân đội Campuchia tiếp nhận khoản viện trợ của Việt Nam  (17/11/2014)
Tổng thống Nga: Cần tạo điều kiện cho đối thoại ở miền Đông Ukraine  (17/11/2014)
Tây Nguyên: Tăng cường nguồn lực cho y tế tuyến cơ sở  (17/11/2014)
Tây Nguyên: Tăng cường nguồn lực cho y tế tuyến cơ sở  (17/11/2014)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên