TCCS - Khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay như một thử thách với mọi nền kinh tế và mọi tổ chức chính trị - xã hội. Người ta thấy được những giới hạn của chủ nghĩa tư bản trong quá trình phát triển, thấy được ai là đồng minh với người lao động trong thời kỳ khủng hoảng. Phản ánh các nỗ lực của các đảng cộng sản chưa cầm quyền và các đảng cánh tả trên thế giới trong cuộc đấu tranh để bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, chỉ ra những hiệu quả chính trị - xã hội tích cực từ các nỗ lực ấy là ý tưởng của bài viết này.

1 - Các đảng cộng sản và cánh tả đã làm gì trước khủng hoảng kinh tế?

Tiếp tục vạch trần bộ mặt thật của “chủ nghĩa tự do mới”- kẻ gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu và là nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp, nghèo đói và bất công với người lao động.

Hội thảo quốc tế “Khủng hoảng toàn cầu và các giải pháp của cánh tả” được tổ chức từ ngày 20 đến 21-6-2009, với sự tham dự của khoảng 350 đại biểu đại diện cho gần 40 đảng cộng sản, cánh tả khu vực Mỹ La-tinh, châu Âu, châu Phi, châu Á... cùng nhiều nhà khoa học thuộc các trung tâm nghiên cứu, trường đại học, và các tạp chí chuyên ngành khác nhau. Đây có thể coi là hành động mang tính quốc tế của những lực lượng chính trị tiến bộ hiện đại về chủ đề khủng hoảng kinh tế hiện nay. Nhận định chung của Hội thảo là “Hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế lần này là rất to lớn và lâu dài, tác động mạnh mẽ đến tất cả các quốc gia trên thế giới; đặc biệt là tác động xấu tới người lao động ở tất cả các nước, đẩy hàng trăm triệu người vào cảnh thiếu đói, thất nghiệp”(1).

Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính quy mô toàn cầu khiến hàng chục triệu người lao động trong các nước vốn là thành trì của chủ nghĩa tư bản bị thất nghiệp. Tổ chức Lao động quốc tế ước tính, thất nghiệp trên thế giới sẽ còn tiếp tục tăng, với số người mất việc từ 190 triệu năm 2007 lên 210 triệu năm 2009, phần lớn trong số đó là những người lao động phổ thông hoặc lao động trình độ thấp. Có điều là, cuộc khủng hoảng lần này, hậu quả xã hội của nó có khác so với cuộc khủng hoảng năm 1997 - 1998, đó là cả lao động trình độ cao cũng bị ảnh hưởng ở mức sâu sắc: Tại Anh, tỷ lệ những người trung lưu, có trình độ đại học, bị thất nghiệp và bị đẩy ra đường cũng tăng ở mức đáng báo động. Trang web RTTV.ru miêu tả: “Nếu như trước đây nói đến người thất nghiệp, vô gia cư người ta thường nghĩ đến những người bẩn thỉu, rách rưới, tay cầm chai whisky thì giờ đây người ta thấy cả những người tốt nghiệp đại học, quần áo sạch sẽ, thắt cravat... sống trên hè phố và xếp hàng chờ phát chẩn”. Tại Mỹ, kể từ khi có dấu hiệu suy thoái kinh tế vào tháng 12-2007 đến nay, đã có 5,7 triệu lượt người mất việc, trong số đó có 3,9 triệu lượt người mất việc chỉ trong vòng 6 tháng qua. Một so sánh: từ cuối những năm 40 thế kỷ XX đến nay, Mỹ đã trải qua 10 đợt khủng hoảng - suy thoái. Trung bình, các đợt đó kéo dài 10 tháng và tỷ lệ thất nghiệp trong những tháng đỉnh điểm là 7,6%. Những đợt khủng hoảng tồi tệ nhất (các giai đoạn 1973 - 1975 và 1981 - 1982) tỷ lệ thất nghiệp lên đến 9% và 10,8%. Tháng 9-2009, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ là 9,6%. - cao nhất trong vòng 25 năm qua và có thể sẽ tăng lên đến 10% vào cuối năm nay.

Có sự khác nhau về lập trường giai cấp khi người ta tìm tòi các phương pháp khắc phục khủng hoảng kinh tế. Điều này cũng thật tự nhiên trong một thế giới vốn đã phân thành hai cực là lao động và tư bản.

Các nhà nước tư bản thì loay hoay với việc “cứu giá” các công ty đang hấp hối, đổ hàng núi tiền để cứu các nhà băng sắp sụp đổ vì phiêu lưu tài chính hoặc các tập đoàn tư bản đang hấp hối vì thua lỗ, nợ nần. Họ lập luận rằng, chúng “quá lớn để có thể cho đổ vỡ!” (?). Sự can thiệp của nhà nước tư sản đang vi phạm ngay cái nguyên tắc mà họ vẫn tôn thờ: “thị trường nhiều hơn, nhà nước ít hơn”. Điều này trực tiếp phủ nhận lý thuyết “chủ nghĩa tự do mới” do chính họ tạo nên và tán dương lâu nay. Những đồng tiền thuế của công dân đã được sử dụng để cứu gỡ sản nghiệp của những kẻ từng bóc lột, trục lợi xã hội như vậy đấy. Dĩ nhiên, chính phủ tư bản không thể không đả động tới việc làm, đời sống của người lao động, song các biện pháp và lượng tiền cho mục tiêu này thường đi một con đường vòng vèo và chưa mấy hiệu quả. Trong cơn khủng hoảng hiện nay, giới tư bản chỉ giảm lợi nhuận chứ không hề bị mất tài sản và để cứu vãn lợi nhuận của mình, họ cắt giảm việc làm, thu nhỏ sản xuất và đầu tư. Còn người lao động mới là người thiệt hại nhiều nhất: mất việc làm, mất nhà cửa, thậm chí là không có cái ăn, bị đẩy ra đường. Đó là thực tế đang diễn ra tại nhiều nước. Một nhà kinh tế học phương Tây nhận xét: “Người ta có thể nhận thấy rằng thực tiễn chính trị này vẫn giữ vững quyền thống trị của xã hội tư bản, trong đó nhà nước chỉ có vai trò là lính cứu hỏa cho các đám cháy mà cuộc khủng hoảng toàn cầu của chủ nghĩa tư bản gây ra”(2).

Các đảng cộng sản và cánh tả đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm vạch rõ nguyên nhân, chủ thể chính gây ra khủng hoảng và chỉ ra tính chất nửa vời trong các giải pháp của các chính phủ tư sản. Khi báo Le Figaro nói đến “một công trái lớn để chuẩn bị cho nước Pháp hậu khủng hoảng” (hàm ý về việc chính phủ của ông N.Xác-cô-di phát hành công trái huy động tiền xã hội để cứu gỡ khủng hoảng) thì tờ L’Humanité của Đảng Cộng sản Pháp nhận định là “công trái này không nhằm phục vụ người dân và quốc gia Pháp mà chỉ là để khởi động trở lại bộ máy tư bản”. Trả lời phỏng vấn của báo chí tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Đa-vốt năm 2008, Bin Ghết nói: “Chúng ta phải biết tìm cách vận dụng những phương thức vận hành nền kinh tế tư bản đang làm giàu cho người giàu bây giờ bắt đầu làm giàu cho cả người nghèo”(!). Nhưng giai cấp công nhân và những người nghèo tại các nước tư bản cũng như các nước nghèo lại không tin có một chủ nghĩa tư bản như thế. Trong bài viết của mình trên diễn đàn National Union của Ca-na-đa, tác giả La-ry Brao, một lãnh đạo của nghiệp đoàn công nhân lớn nhất Ca-na-đa (Liên đoàn quốc gia) cho rằng: không chỉ những người lao động mà cả những người đã qua độ tuổi lao động đang là những nạn nhân bị bỏ quên của khủng hoảng. Theo ông, chính phủ chỉ quan tâm chi tiền vực dậy các công ty, tập đoàn lớn mà không để ý đến hàng triệu người về hưu nước này không có lương hoặc mức lương quá thấp, không đủ trang trải cho cuộc sống.

Khá nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu tư sản, các chính trị gia và các nhà tư bản - vốn là “những người trong cuộc”, đã được trích dẫn, đăng tải và làm tăng tính thuyết phục của các luận điểm phê phán. Nhận xét của G.Xô-rốt (G.Soros) - một nhà tư bản tài chính kiêm lý luận gia tư sản được trích dẫn khá nhiều: “Chủ nghĩa thị trường đã trở thành một tín điều thống trị từ những năm 80... sự tin cậy thái quá vào cơ chế thị trường - đặc biệt là lòng tin vào khả năng điều tiết của thị trường tài chính đã khiến cho sự phình to tín dụng mang tính toàn cầu, bãi bỏ những quy định kiểm soát thị trường chặt chẽ và làm “nảy nòi” hàng loạt những phương pháp và công cụ tài chính mới, tinh vi đến nỗi giới điều tiết cũng mất luôn khả năng tính toán những rủi ro đi kèm”(3). Cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra phức tạp và sâu rộng đến mức Giu-li-ô Tre-mon-ti, Bộ trưởng Bộ Tài chính I-ta-li-a, cho rằng: “Đây là sự sụp đổ của hệ thống chứ không phải là sự sụp đổ của các ngân hàng”(4). “Nói chung, cuộc khủng hoảng tài chính ngày nay là kết quả của một cuộc chạy đua làm tiền một cách cực kỳ tham lam của chế độ tư bản coi mọi định chế kiểm soát là “kềm kẹp kiểu xã hội chủ nghĩa” (5).

Khủng hoảng kinh tế hiện nay cũng là một dịp để các đảng khẳng định những nguyên lý mác-xít.

Nhiều nghiên cứu của những người mác-xít và cả những người chưa phải là mác-xít đang tiếp tục khẳng định chủ nghĩa Mác bằng nhiều cách. Thế giới hôm nay đang đọc lại Mác và thừa nhận những luận điểm đúng đắn của ông về chủ nghĩa tư bản và triển vọng của xã hội sẽ thay thế nó. “Mác vẫn hoàn toàn hiện đại” là lời đánh giá và cũng là tên một công trình nghiên cứu về Mác của một nhà nghiên cứu chính trị học đương đại - Lê-ô Pa-nít, giáo sư khoa Kinh tế chính trị của trường Đại học Tổng hợp York (Tô-rôn-tô, Ca-na-đa). Tác giả viết: “Mác đã đi trước thời đại của mình rất xa, ông đã dự đoán được quá trình toàn cầu hóa của chủ nghĩa tư bản. Mác đã dự báo chính xác một số yếu tố quan trọng gây ra cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, đó là mâu thuẫn cố hữu của cái thế giới được tạo nên bởi các thị trường cạnh tranh nhau, nền sản xuất hàng hóa và sự đầu cơ tài chính tiền tệ”(6).

Sự tách rời giữa tính xã hội hóa cao của sản xuất với tính tư nhân hóa của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, sự tách rời tư bản sản xuất với tư bản tài chính; và theo đó xuất hiện ngày càng nhiều các hành vi trục lợi cá nhân bất kể hậu quả xã hội từ quá trình tài chính đó ra sao... là những nguyên nhân của cái gọi là “tư bản ảo”. Đặc trưng của nó hiện nay là tiền tách khỏi hàng, tiền “đẻ” ra tiền với giá trị ảo lớn hơn giá trị thực của hàng hóa gấp hàng trăm lần trên thị trường chứng khoán; lượng tiền khổng lồ đó lại được chuyển dịch nhanh chóng, chằng chịt tới mức không thể kiểm soát nổi. Khi mà một trục trặc trong quá trình đó xảy ra thì hậu họa rất nhanh chóng được khuếch đại và lan truyền. Khủng hoảng kinh tế hiện nay chính là kết cục tất yếu của nền “kinh tế ảo” ấy. “Rất rõ ràng là lý thuyết của Mác về phương thức hoạt động của chủ nghĩa tư bản, đặc điểm những cuộc khủng hoảng của nó, vòng quay đồng vốn (vốn giả định), dẫn đến sự bần cùng hóa giai cấp công nhân và các cuộc chiến tranh đế quốc ngày càng tăng đều được thể hiện qua cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Chúng ta có thể thấy rằng cuộc khủng hoảng xảy ra không chỉ là do sự tham lam của con người mà là do nhu cầu của tư bản muốn tăng lợi nhuận của mình và là nhu cầu cố hữu của chủ nghĩa tư bản dẫn đến những nguy cơ khủng hoảng tài chính. Dựa trên chủ nghĩa Mác, chúng ta hiểu rằng cuộc khủng hoảng không chỉ là kết quả của tính tham lam của con người mà là mâu thuẫn bên trong của chủ nghĩa tư bản”(7).

Thái độ phê phán các chính phủ phương Tây là khá rõ.

Các đảng đều chỉ ra sai lầm của chính phủ trong việc say sưa chủ nghĩa tự do mới. Nhà nước tư bản đã buông lỏng vai trò quản lý thị trường lại còn tiếp tục “đặt cược” vào những khoản tài chính khổng lồ để cứu gỡ các tập đoàn tư bản và chưa có được những động thái phù hợp và đủ mức trong việc cải thiện tình hình đời sống việc làm của người lao động.

Có một nghịch lý là, nhà nước tư bản - tòng phạm và là kẻ từng được lợi từ những “thái quá của thị trường tài chính” (lời của G.Xô-rốt) thì loay hoay trong những biện pháp nửa vời và không dám nhận trách nhiệm khắc phục tình trạng tồi tệ của đời sống người lao động; còn chính những lực lượng không chịu trách nhiệm về khủng hoảng kinh tế lại là những người đầu tiên quan tâm và đề xuất nhiều biện pháp thực tế để giảm bớt những tai họa do chủ nghĩa tư bản gây ra. Cuộc đấu tranh vì việc làm và đời sống của những người lao động là mục tiêu và chương trình hành động của tất cả các đảng cộng sản và cánh tả trong bối cảnh hiện nay.

2 - Những hiệu quả chính trị tích cực

Sắc thái chính trị khá rõ trong chương trình hành động của nhiều đảng.

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Luân-đôn (Anh) đầu tháng 4-2009, trên những hàng biểu ngữ của dòng người biểu tình người ta nhìn thấy dòng chữ: “Chủ nghĩa tư bản không hiệu quả!” hay “Hãy hướng đến một xã hội vì con người chứ không phải vì lợi nhuận!”. Những khẩu hiệu trên lại tiếp tục làm “nóng” lại một vấn đề lớn của thế kỷ XXI: cần phải có một trật tự xã hội mới thay thế chủ nghĩa tư bản. Có một nhận xét: “Đang có một sự thay đổi hình thành từ logic của sự phát triển con người. Vô tình hay cố ý, dân chúng đang đấu tranh cho sự thay đổi đó. Cuộc đấu tranh thể hiện ở sự phản đối logic của tư bản, kêu gọi một xã hội công bằng và tôn trọng giá trị con người. Cuộc đấu tranh còn thể hiện ở những cuộc biểu tình đòi tăng lương và những điều kiện lao động, bảo vệ môi trường sống, bảo vệ quyền được chăm sóc sức khỏe, giáo dục và có nhà ở, chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Đó là cuộc đấu tranh nhằm dỡ bỏ hoàn toàn những rào cản đối với sự phát triển toàn diện của nhân loại”(8).

Những người lao động phương Tây và những người đại biểu cho họ bắt đầu đặt thẳng vấn đề: “Liệu chúng ta có chấp nhận xã hội tư bản sau khi chính cái xã hội này đã đặt lên vai chúng ta gánh nặng hàng ngàn cân?”(9). Diễn đàn Xã hội thế giới diễn ra tại Bra-xin cuối tháng 1-2009 đã nêu một tuyên bố: “Để đối phó với khủng hoảng cần phải đi tới gốc rễ của vấn đề và tiến nhanh tới chọn lựa cấp tiến và xóa bỏ hệ thống tư bản!”(10).

Ngay cả một số đảng xã hội dân chủ trung tả, hoặc hữu đang bắt đầu “tả” hơn với các chương trình, biện pháp cải tạo xã hội. Thậm chí có đảng hữu đã thành công trong tranh cử bởi những “biện pháp tả” và bởi sự giã từ các “cương lĩnh chiết trung”. ở nhiều nước Bắc Âu, những người theo chủ nghĩa xã hội dân chủ đã kêu gọi xây dựng một xã hội đề cao giá trị con người, công bằng và đoàn kết, đấu tranh chống “văn hóa tham lam” do chủ nghĩa tư bản tạo ra dựa trên đồng tiền. Họ đã đấu tranh để các chính phủ đương nhiệm tạm hoãn quá trình tư nhân hóa các công ty nhà nước, tăng cường hệ thống phúc lợi xã hội, y tế và ưu tiên chăm sóc người già... Có một điểm đáng chú ý là, trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đầu tháng 6-2009, dường như các lực lượng cánh hữu giành chiến thắng và người ta cho rằng: “Châu Âu lại thiên hữu”. Tuy nhiên, theo phân tích của tạp chí New Statesman (Anh), họ giành chiến thắng vì trong cuộc khủng hoảng hiện nay, các đảng cánh hữu bảo thủ đã vận dụng những chính sách của chủ nghĩa xã hội như tăng cường chi tiêu công cộng, kiểm soát chặt chẽ nền kinh tế, chăm sóc con người nhiều hơn...

Cũng có một số điểm khác nhau giữa các đảng cộng sản và các đảng cánh tả khi đấu tranh khắc phục hậu quả khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Những người cộng sản vẫn đang tiếp tục kiên trì cương lĩnh xã hội chủ nghĩa của mình. Một lãnh đạo của Đảng Cộng sản Nhật Bản - A-ki-ra Ka-xai nói: "Dĩ nhiên mục tiêu chung cuộc là một xã hội cộng sản, xã hội chủ nghĩa ở Nhật vượt qua chủ nghĩa tư bản. Nhưng chúng tôi đang đi từng bước. Chặng đầu tiên là giải quyết vấn đề lao động, mức sống theo như đòi hỏi của người dân”(11). Hiện Đảng Cộng sản Nhật Bản mỗi tháng kết nạp được khoảng 1.000 đảng viên mới, đa số là những người trẻ tuổi (hiện Đảng Cộng sản Nhật Bản có trên 400.000 đảng viên).

Chủ tịch Đảng Cộng sản Bra-xin Rê-na-tô Ra-bê-lô nhấn mạnh: Tương quan lực lượng hiện nay vẫn nghiêng về chủ nghĩa tư bản, cách mạng chưa ở thế tấn công, mà vẫn ở thế phòng ngự. Tuy nhiên, quá trình thay đổi cán cân lực lượng đang diễn ra và để đẩy nhanh quá trình này, các lực lượng cộng sản, cánh tả tiến bộ cần thúc đẩy đấu tranh, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mới với mục tiêu cuối cùng là chủ nghĩa xã hội. Ông cũng nhấn mạnh, mục tiêu trước mắt của những người cộng sản, cánh tả Bra-xin là đánh đổ tư bản tài chính, phá bỏ chủ nghĩa đầu cơ tại Bra-xin, thúc đẩy sản xuất, gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội.

Uy tín chính trị của các đảng cộng sản theo đó, đang tăng lên trong xã hội. Tại một số nước Đông Âu, các đảng cộng sản, đảng xã hội chủ nghĩa hoặc một số đảng có nguồn gốc xã hội chủ nghĩa đã giành được đa số lá phiếu của cử tri để trở lại cầm quyền. Tại cuộc bầu cử Quốc hội Môn-đô-va vào tháng 4 năm nay, Đảng Cộng sản đã chiếm 60/101 ghế và trở thành đảng chiến thắng. Có đến 49,48% cử tri nước này tin vào Đảng Cộng sản sau một thời gian đặt niềm tin vào thế giới tư bản.

Những đảng cánh tả coi cuộc đấu tranh khắc phục hậu quả cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay là một cơ hội tốt để triển khai các quan điểm tả và qua đó thu hút thêm cử tri và mở rộng hơn ảnh hưởng của mình trong xã hội. Với những người lao động, biện pháp đề xuất là giảm giờ làm nhưng không giảm lương, đồng thời phân chia việc làm sẵn có trong xã hội cho một số lượng lao động đông đảo hơn. Bằng cách làm này, người ta có thể kích thích sức mua từ giới lao động và góp phần phục hồi kinh tế. Giải pháp này cũng tạo ra nguồn thu để trang trải cho các dự án xã hội dành cho người thất nghiệp hay nuôi dưỡng mạng lưới thu nhập cơ bản mà nhiều nước áp dụng.

Một số giải pháp của cánh tả đôi khi đã tiệm tiến đến những biện pháp khá mạnh mẽ, quyết liệt. Họ ủng hộ việc quốc hữu hóa ngành ngân hàng tư nhân mà không bồi hoàn cho các cổ đông lớn, với luận điểm rằng những cổ đông lớn này và những người điều hành ngân hàng đã theo đuổi một chính sách khiến một loạt ngân hàng bị phá sản. Việc không bồi hoàn chính là cách thức nhà nước thu hồi chi phí bỏ ra để cho các ngân hàng này hoạt động sau khi tiếp quản chúng (trong trạng thái tiêu cực) từ các cổ đông và nhà điều hành tư nhân. Một biện pháp khác khá mạnh mẽ được một số đảng cánh tả nêu ra là chấm dứt sự kiểm soát cá nhân đối với phương tiện sản xuất, thương mại, tín dụng vĩ mô và cả trong lĩnh vực văn hóa, thông tin. Kết hợp quyền sở hữu công các phương tiện sản xuất chiến lược với các hình thức sở hữu khác như những sở hữu của doanh nghiệp cá thể và gia đình cỡ nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, thủ công hay dịch vụ. Cùng lúc đó, cần phát triển những hình thức sở hữu khác như sở hữu hợp tác xã, sở hữu cộng đồng v.v.. Tạo ra một hệ thống kiểm soát thực sự dân chủ của công dân đối với khu vực kinh tế công là điểm cốt yếu trong việc thiết lập sở hữu công đối với phương tiện sản xuất chủ chốt.

Về triển vọng của phong trào cộng sản và cánh tả trên thế giới, một số nhận định của các đảng hoặc những nghiên cứu cá nhân đã có những dự báo khá mạnh dạn và lạc quan về triển vọng ở một số khu vực. E-ríc Tu-xlen, một nhà nghiên cứu chính trị học, cho rằng ở khu vực Mỹ La-tinh cần quan tâm đến một khả năng là: “Phải chăng cuộc khủng hoảng tư bản toàn cầu hiện tại sẽ tạo cơ hội cho những bùng nổ cách mạng như những gì từng diễn ra tại Cu-ba?” (12) (Hàm ý về cuộc cách mạng Cu-ba 50 năm trước). Bài viết “Chủ nghĩa xã hội đang trở lại ở châu Âu” đăng trên tạp chí New Statesman viết: “Vào đầu thế kỷ XXI, nhiều ý kiến nhận định cơ hội trở lại của chủ nghĩa xã hội gần như là số không, nhưng hiện nay khắp châu Âu, cờ đỏ lại đang tung bay”(13). Đảng Cộng sản Pháp cho rằng: “Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản làm rung chuyển thế giới và sẽ dẫn đến một giai đoạn chính trị mới. Những người cộng sản cần phải làm tất cả để đóng góp vào sự nghiệp đó. Một trang sử khác của đấu tranh giai cấp đang được mở ra ở Pháp, châu Âu và trên thế giới”(14).

Nhìn chung, hoạt động của các đảng cộng sản và đảng cánh tả trên thế giới trong thời gian khủng hoảng kinh tế vừa qua đã thể hiện nhiều nỗ lực và sáng tạo trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động. Chưa cầm quyền, song với các biện pháp linh hoạt và có hiệu quả tích cực, các đảng này đang củng cố, tăng cường uy tín trong quần chúng và qua đó thể hiện sức mạnh, vị thế của mình trong đời sống chính trị hiện đại./.
 
--------------------------------------------

(1) Lê Thanh Tùng: “Khủng hoảng toàn cầu và các giải pháp của cánh tả”, Tạp chí Cộng sản điện tử, 7-2009

(2) Eric Toussalnt: “Về lực lượng cánh tả Mỹ La-tinh”, Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, ngày14-6-2009

(3) “Khủng hoảng tài chính 2008 dưới góc nhìn George Soros”, VietNamnet (ngày 12-11-2008)

(4) Los Angeles Times, ngày 20-9-2008

(5) Vũ Quang Việt: “Khủng hoảng tài chính Mỹ và sự phá sản của học thuyết tự do kinh doanh toàn diện kiểu mới”, http://www.thoidaimoi.org (ngày 30-9-2008)

(6) Leo Panitch: “Mác vẫn hoàn toàn hiện đại”, Tạp chí Lý luận chính trị, số tháng 9-2009

(7) Merlee Ratner, đồng Chủ tịch Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở New York, Mỹ: “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI là cần thiết”, Báo Sài gòn giải phóng, 1-7-2009

(8) Xem bài viết của Michael A. Lebowit, Giáo sư kinh tế danh dự của Đại học Simon Fraser ở Vancouver, Ca-na-đa; đăng trên Tạp chí Monthly Review số ra tháng 2-2009

(9) “Chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản tử tế”, Báo Sài gòn giải phóng, ngày 30-6-2009

(10) Eric Toussalnt: “Về lực lượng cánh tả Mỹ La-tinh”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 14-6-2009

(11) Roland Buerk: “Cơ hội cho chủ nghĩa cộng sản ở Nhật”, BBC ngày 5-5-2009

(12) Eric Toussalnt: “Về lực lượng cánh tả Mỹ La-tinh”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 14-6-2009

(13) “Chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản tử tế”, Báo Sài gòn giải phóng, số ra ngày 30-6-2009

(14) Trần Nguyễn Tuyên: “Các Đảng cộng sản và cánh tả liên minh châu Âu trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế”, Tạp chí Cộng sản điện tử, số184 (8-2009)