TCCSĐT - “Thế giới hiểu rằng thế kỷ XXI là thế kỷ của châu Á. Nếu châu Á trở thành châu lục đi đầu trong thế kỷ XXI, thì Nhật Bản và Ấn Độ là hai nước dẫn đầu và góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển một cách hòa bình”.

Đây là tuyên bố lạc quan nhưng có cơ sở của Thủ tướng Ấn Độ Na-ren-đa Mo-di (Narendra Modi) tại buổi họp báo sau cuộc gặp cấp cao với người đồng cấp Nhật Bản Sin-nô A-bê (Shinzo Abe) hôm 01-9 tại Tokyo trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản 5 ngày. Trong chuyến thăm này, hai nước đã quyết định nâng tầm quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn cầu đặc biệt với nhiều cam kết về hợp tác và đầu tư trong 5 năm tới, để cùng nhau phát triển kinh tế.

Quyết tâm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chiến lược

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng A-bê, Thủ tướng Mo-di nhấn mạnh hai bên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược dựa trên cơ sở Nhật Bản sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự chuyển đổi và phát triển kinh tế của Ấn Độ và trên niềm tin rằng sự tiến bộ và phát triển của Ấn Độ không chỉ mang lại cơ hội kinh tế lớn cho hai nước, mà còn đóng góp cho sự ổn định, thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Với quyết tâm đưa quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn cầu đặc biệt, hai nhà lãnh đạo đã đưa ra những cam kết thúc đẩy quan hệ an ninh, đồng thời công bố mục tiêu trong 5 năm tới là tăng gấp đôi đầu tư trực tiếp từ lĩnh vực nhà nước và tư nhân của Nhật Bản vào Ấn Độ lên 3.500 tỷ yên (khoảng 34 tỷ USD) cũng như tăng gấp hai lần số công ty của “đất nước Mặt trời mọc” hoạt động tại Ấn Độ. Trong đó, Thủ tướng A-bê cam kết cung cấp khoản cho vay lãi suất thấp trị giá 50 tỷ yên để giúp Ấn Độ phát triển kết cấu hạ tầng như đường sắt, đường bộ và các khu công nghiệp.

Cam kết đầu tư và hỗ trợ tài chính trên cho thấy hai nền kinh tế nằm trong số ba nền kinh tế hàng đầu châu Á này đang quyết tâm nâng cấp quan hệ trong các lĩnh vực then chốt là an ninh và kinh tế. Nhật Bản hiện là nhà đầu tư lớn thứ tư tại Ấn Độ. Theo thống kê của Chính phủ Nhật Bản, đầu tư của Nhật Bản vào Ấn Độ trong năm 2013 ở mức 210,2 tỷ yên, tức là thấp hơn đáng kể so với con số 542,9 tỷ yên của năm 2008, mặc dù số công ty Nhật Bản tới Ấn Độ làm ăn đã tăng gần gấp đôi, từ 550 công ty năm 2008 lên 1.072 công ty năm 2013.

Điểm sáng trong chuyến thăm Nhật Bản lần này của Thủ tướng Mo-di là việc hai nước đạt được thỏa thuận về sản xuất và cung cấp đất hiếm, nguyên liệu chủ chốt để sản xuất hàng công nghệ cao và thiết bị quốc phòng cho Nhật Bản. Thỏa thuận này thể hiện quyết tâm của Nhật Bản trong việc đa dạng hóa nguồn cung cấp đất hiếm nhằm giảm bớt sự phụ thuộc truyền thống vào nguồn cung cấp đất hiếm của Trung Quốc. Trước khi đạt được thỏa thuận này, giới chuyên gia ước tính Nhật Bản sẽ nhập khoảng 2.000 - 2.300 tấn đất hiếm (tương đương 15% lượng tiêu thụ mỗi năm của các công ty Nhật Bản) từ Ấn Độ, có thể ngay từ tháng 02-2015.

Thỏa thuận này sẽ tạo thuận lợi cho cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân dân sự giữa hai nước. Theo tuyên bố sau cuộc họp cấp cao, hai nhà lãnh đạo đã chỉ thị cho các quan chức chính phủ tiếp tục thúc đẩy đàm phán hiệp định hạt nhân dân sự nhằm hoàn tất tiến trình đàm phán trong thời gian sớm nhất. Ấn Độ đang đặt kỳ vọng lớn vào thỏa thuận năng lượng hạt nhân với Nhật Bản cũng như khả năng thu hút vốn đầu tư cho ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân dân sự trị giá khoảng 85 tỷ USD của nước này.

Không chỉ hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, mối quan hệ “chiến lược” giữa Nhật Bản và Ấn Độ sẽ được dựa trên cơ sở hợp tác rộng và toàn diện. Hai bên quyết tâm tăng cường đối thoại và hợp tác chính trị, quốc phòng cũng như mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ hiện đại, thiết bị quốc phòng, giáo dục…

Để đưa quan hệ song phương thành quan hệ đối tác đặc biệt, hai nước sẽ phải nỗ lực để đưa những cam kết nói trên thành những thành tựu cụ thể. Ấn Độ sẽ đưa ra các cơ chế ưu tiên, chẳng hạn như Kênh (đầu tư) nhanh dành cho các nhà đầu tư Nhật Bản tại Ấn Độ, cũng như tạo sự tin cậy ở tầm cao mới.

Sự kết hợp đầy hứa hẹn giữa A-bê-nô-míc (Abenomics) và Mo-di-nô-míc (Modinomics)

Trước khi lên đường sang Tô-ki-ô (Tokyo) trong chuyến công du ngoài khu vực Nam Á đầu tiên kể từ khi nhậm chức hồi tháng Năm, Thủ tướng Mo-di khẳng định chuyến thăm Nhật Bản lần này là cơ hội để nâng quan hệ song phương lên một tầm cao mới cũng như đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Rõ ràng mối quan hệ song phương này đang giành được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ hai nước và điều này được thể hiện bằng cách mà Thủ tướng A-bê chào đón Thủ tướng Mo-di ở cố đô Ki-ô-tô (Kyoto) hôm 30-8. Thủ tướng Nhật Bản đã bỏ qua cái bắt tay theo nghi thức ngoại giao thông thường mà thay vào đó là cái ôm như giữa hai người bạn thân.

Giới phân tích cho rằng sự kết hợp giữa một bên là chính sách kinh tế quyết đoán và tinh tế mang đậm dấu ấn của Thủ tướng A-bê (A-bê-nô-míc) và một bên là những chủ trương cải cách kinh tế mạnh mẽ và đầy tham vọng của Thủ tướng Mo-di (Mo-di-nô-míc) sẽ mang lại luồng sinh khi mới cho hai nền kinh tế này cũng như giúp họ đối phó với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở châu Á.

Có thể nói những thành quả ban đầu về kinh tế Nhật Bản sau khi Chính phủ nước này triển khai chính sách A-bê-nô-míc đang mang lại động lực mạnh mẽ cho những nỗ lực cải cách kinh tế đầy tham vọng của Thủ tướng Mo-di, nhằm đem lại diện mạo mới cho kinh tế Ấn Độ. Khoản cam kết đầu tư lớn của Nhật Bản vào kết cấu hạ tầng của Ấn Độ phần nào cho thấy chủ trương của Thủ tướng Mo-di là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc phát triển hạ tầng và chế tạo để tạo việc việc làm cho khoảng 1 triệu thanh niên tham gia lực lượng lao động mỗi tháng.

Việc lãnh đạo hai nước chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ chung (MOU) về hợp tác phát triển thành phố Va-ra-na-si (Varanasi) bên bờ sông Hằng thành một “thành phố thông minh” tối 30-8 tại Ki-ô-tô ngay khi Thủ tướng Ấn Độ vừa tới Nhật Bản được xem như là sự mở đầu thuận lợi cho mục tiêu phát triển 100 thành phố thông minh trên toàn Ấn Độ mà ông Mo-di đề ra ngay sau khi nhậm chức.

Sự kết hợp giữa A-bê-nô-míc và Mo-di-nô-míc bước đầu xem ra là sự kết hợp khá “hoàn hảo”. Bởi theo chiến lược tăng trưởng của A-bê-nô-míc, một trong những cột trụ của chính sách kinh tế của Thủ tướng A-bê, Chính phủ Nhật Bản đang hướng đầu tư vào kết cấu hạ tầng ở nước ngoài, với mục tiêu đầu tư khoảng 30.000 tỷ yên cho kết cấu hạ tầng ở nước ngoài vào năm 2020. Nhật Bản hiện đang tham gia xây dựng dự án Hành lang công nghiệp Đê-li Mum-bai (Delhi-Mumbai) trị giá 90 triệu USD. Và như thế, Bản ghi nhớ vừa ký với Ấn Độ sẽ giúp khơi dòng vốn đầu tư và công nghệ của Nhật Bản tới thị trường lớn và tiềm năng như Ấn Độ.

Có thể nói, mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai nền kinh tế lớn ở châu Á, sự bổ sung thế mạnh kinh tế và sự kết hợp giữa hai chính sách kinh tế A-bê-nô-míc và Mo-di-nô-míc sẽ mang lại luồng sinh khí mới cũng như cú hích tăng trưởng không nhỏ để tiếp đà phục hồi tăng trưởng kinh tế cho Nhật Bản và Ấn Độ./.