Hạ viện Mỹ, tối ngày 3-10, đã bỏ phiếu lại, thông qua kế hoạch trị giá 700 tỉ USD cứu nguy ngành tài chính, sau khi đã bỏ phiếu chống hôm đầu tuần, khiến thị trường chứng khoán toàn cầu bị sốc.

Tối ngày 3-10, Hạ viện Mỹ bỏ phiếu ủng hộ gói giải pháp do Chính phủ đề xuất với 263 phiếu ủng hộ và 171 phiếu chống, sau khi kế hoạch giải cứu đã được sửa đổi và được Thượng viện thông qua cách đó hai hôm với tỷ lệ áp đảo.

Ngay sau đó, Tổng thống Bút-sơ đã ký ban hành dự luật mà theo ông sẽ góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn nguy cơ cuộc khủng hoảng ở Phố Uôn trở thành một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện.

Ông Bút-sơ cũng gửi thông điệp đến người dân trên toàn thế giới là Mỹ đã sẵn sàng hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng tín dụng. Tuy nhiên, ông cho rằng, phải mất một thời gian kế hoạch giải cứu mới có thể cho thấy tác động của nó đến nền kinh tế Mỹ.

Phát biểu sau khi bỏ phiếu, Chủ tịch Hạ viện Nan-xi Pê-lô-si cho biết, tiếp theo đây sẽ có các buổi điều trần chung quanh vấn đề vì sao kinh tế Mỹ cần được cứu nguy. Bà nhắc lại quan điểm, nước Mỹ cần cải tổ về điều hành để tránh sự việc tương tự lặp lại trong tương lai. Bà cũng cho rằng, trong hoàn cảnh khác, có thể đã có một kế hoạch tốt hơn, nhưng tình hình hiện nay rất khẩn cấp và người dân đang cần được bảo vệ.

Cốt lõi của kế hoạch giải cứu là mua nợ xấu của các ngân hàng, tuy nhiên nó đã được bổ sung thêm một số nội dung có lợi cho người dân đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tín dụng, trong đó bao gồm nội dung tăng trần bảo hiểm tiền gửi từ 100 nghìn USD lên 250 nghìn USD và gói hỗ trợ giảm thuế lên đến 110 tỉ USD trong vòng 10 năm.

Nhưng một số nội dung cốt lấy lòng người dân trong gói giải pháp này bị cho là kỳ quặc như giảm thuế cho các công ty sản xuất mũi tên trong trò chơi bắn cung của trẻ em, gói chiết khấu thuế trị giá 478 triệu USD nhằm khuyến khích các công ty sản xuất phim, và các biện pháp cho phép chủ lao động thưởng cho người lao động đi làm bằng xe đạp.

Một số hạ nghị sĩ nói không trong lần bỏ phiếu trước cho biết, họ đã thay đổi quyết định vì bản kế hoạch đã được sửa đổi. Nhưng nhiều người trong số họ vẫn bảo lưu ý kiến, cho rằng kế hoạch này làm lợi cho Phố Uôn nhiều hơn là cho người dân.

Quan điểm của Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Giôn Le-vít phản ảnh quan điểm của nhiều người: “Tôi cho rằng cái giá của việc không hành động gì còn đắt hơn cái giá của kế hoạch giải cứu.”

Còn Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa J.Gre-sham Ba-rét bổ sung: “Dù chúng tôi có làm gì hay thông qua dự luật nào thì chúng ta vẫn đang trong thời kỳ khó khăn".

Cả tuần qua, thị trường Phố Uôn trầm lắng, chỉ số Dow Jones mất tổng cộng 818 điểm, con số sụt giảm trong một tuần cao nhất trong lịch sử.

Trước giờ Hạ viện bỏ phiếu hôm thứ sáu, thị trường Mỹ mở cửa với đôi chút sáng sủa do hy vọng kế hoạch giải cứu tài chính cuối cùng sẽ được thông qua, nhưng kết thúc ngày giao dịch vẫn bị mất điểm: chỉ số Dow Jones giảm 1,5%, chỉ số S&P 500 giảm 1,4% - hiện đang ở mức thấp nhất trong gần bốn năm qua, và chỉ số Nasdaq giảm 1.5%.

Giới phân tích và đầu tư ở Niu Óoc vẫn rất thận trọng vì họ chưa cảm thấy yên tâm liệu kế hoạch giải cứu có hiệu quả như nó được tuyên truyền hay không./.