Chuyến thăm “tái khởi động” quan hệ Anh - Nga
TCCSĐT - Theo các hãng thông tấn ở Anh và Nga, ngày 2-11-2009, Bộ trưởng Ngoại giao Anh, ông Đa-vít Mi-li-ben (David Miliband) tới Mát-xcơ-va bắt đầu chuyến thăm Nga chính thức. Đây là chuyến thăm Nga đầu tiên của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Anh trong vòng 5 năm gần đây với nhiều sắc thái khác nhau trong quan hệ giữa hai quốc gia vốn có mối bang giao rất phức tạp và phụ thuộc nhiều vào quan hệ Nga - Mỹ.
Xưa nay, Anh có nhiều quan điểm tương đồng với Oa-sinh-tơn trong các vấn đề chính trị quốc tế mà trong đó Nga thường có quan điểm đối lập, nhưng trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma chủ trương “tái khởi động” quan hệ Mỹ - Nga, Luân Đôn không thể để quan hệ với Mát-xcơ-va kéo dài trong cảnh băng giá không đáng có như những năm vừa qua. Do đó, dư luận ở Anh và cả ở Nga đều có chung nhận xét, rất có thể chuyến thăm Nga lần này của Bộ trưởng Ngoại giao Đa-vít Mi-li-ben đánh dấu mốc đầu tiên cho quá trình “tái khởi động” giữa quốc gia của xứ sương mù nối tiếng với lối tư duy bảo thủ với một nước Nga đang lấy lại vị thế đáng nể trọng trên chính trường quốc tế.
Những năm tháng quan hệ chính trị Anh - Nga băng giá
Trong những năm qua, quan hệ Anh - Nga đã có lúc căng thẳng tới mức dư luận đã nói tới một cuộc “chiến tranh lạnh” giữa Luân Đôn và Mát-xcơ-va. Trang Web của Bộ Ngoại giao Nga đã từng nhiều lần nhận xét: “Quan hệ Nga - Anh không phải bao giờ cũng ổn định và có thể dự báo trước”.
Trong những năm gần đây, trong lĩnh vực chính trị, quan hệ giữa hai nước có những mâu thuẫn và thăng trầm. Luân Đôn công khai bày tỏ quan điểm ủng hộ hành động của Tổng thống Gru-di-a Xa-a-ca-xvi-li trong cuộc chiến tranh ở Nam Ô-xê-ti-a, coi việc Nga công nhận chủ quyền của Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a là “không thể chấp nhận được”. Anh cũng đã từng kêu gọi thành lập liên minh rộng rãi chống lại “cuộc xâm lược” của Nga ở Gru-di-a, áp dụng biện pháp cấm vận chống Nga. Không dừng lại ở đó, Anh quyết định chấm dứt sự hợp tác với Nga theo đường Bộ Quốc phòng. Anh vẫn chưa từ bỏ các biện pháp cấm vận đối với Nga trong năm 2007 liên quan đến việc Mát-xcơ-va không hợp tác với Luân Đôn trong chuyện điều tra về vụ một cựu nhân viên an ninh Nga, ông Lít-vi-nhen-cô, bị đầu độc bằng chất phóng xạ pô-lô-ni và qua đời ở Anh năm 2006. Sau vụ này, Anh trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga ra khỏi Luân Đôn, chấm dứt các cuộc tiếp xúc với Cục An ninh Liên bang Nga và các thoả thuận hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga, xoá bỏ chế độ giảm nhẹ các quy định khắt khe đối với việc miễn thị thực giữa hai nước. Đến nay, Luân Đôn vẫn yêu cầu Mát-xcơ-va dẫn độ ông Lu-gô-vôi sang Anh với lý do người này dính líu vào vụ mưu sát cựu nhân viên an ninh Nga Lít-vi-nhen-cô. Còn phía Anh cho tới nay vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu của Viện Công tố Nga dẫn độ các công dân Nga phạm tội hình sự đang cư trú chính trị ở Anh, như tỉ phú Bô-rít Bê-rê-dốp-xki và trùm khủng bố A-khmét Da-ca-ép.
Quan hệ kinh tế gia tăng
Mặc dù quan hệ chính trị Anh - Nga trong tình trạng băng giá, nhưng quan hệ thương mại giữa hai nước vẫn gia tăng. Cụ thể là, thương mại hai chiều đã tăng gấp ba lần trong vòng 6 năm qua và đạt trên 22 tỉ USD trong năm 2008. Không những thế, Anh hiện vẫn là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ tư trên thị trường Nga. Hiện có hơn 1.000 công ty Anh đang hoạt động thành công tại Nga trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như khai thác mỏ và thị trường bán lẻ. Các ngân hàng của Anh như Barclays, HSBC và các ngân hàng khác đang mở rộng mạng lưới chi nhánh của họ trên lãnh thổ Nga. Đồng thời, các hãng của Nga đang thu hút đầu tư từ Sở Giao dịch Chứng khoán Luân Đôn (London Stock Exchange). Hiện có nhiều lĩnh vực trên vũ đài quốc tế mà hai nước đã từng đạt được sự nhất trí. Nga là đối tác chính với liên minh tại Áp-ga-ni-xtan, trong đó Mỹ và Anh đóng vai trò then chốt. Nga và Anh đang đóng vai trò không thể thiếu trong các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân; tìm giải pháp ngăn chặn I-ran phát triển công nghệ hạt nhân quân sự; tìm giải pháp cho tiến trình hoà bình Trung Đông; thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới trong khuôn khổ Diễn đàn G8 và G20.
“Sửa chữa” hay là “tái khởi động” quan hệ Anh - Nga
Nhận xét về chuyến thăm Nga của ông Đa-vít Mi-li-ban, ông Y-u-ri Phê-đô-tốp, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Liên bang Nga tại Luân Đôn cho biết, các cuộc hội đàm tại Mát-xcơ-va trong hai ngày mồng 2 và 3-11-2009 giữa Bộ trưởng Ngoại giao Anh với người đồng cấp Nga, ông Xéc-gây La-vrốp, có ý nghĩa quan trọng hơn bất kỳ chuyến thăm nào khác theo kế hoạch hằng năm của ông Đa-vít Mi-li-ben. Có thể nói, chuyến thăm này là cơ hội để Anh “sửa chữa” mối quan hệ với Nga. Phía Nga cũng không để mất cơ hội nhằm cải thiện quan hệ với Anh. Trước đây, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép và Thủ tướng Anh Gô-đơn Brao đã từng nhiều lần gặp nhau tại các diễn đàn và hội nghị thượng đỉnh quốc tế khác nhau. Còn Bộ trưởng Ngoại giao hai nước tuy vẫn duy trì các cuộc tiếp xúc nhưng chưa có chuyến thăm song phương nào ở cấp bộ trưởng trong vòng 5 năm qua.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích không hy vọng Luân Đôn và Mát-xcơ-va sẽ giải quyết hết các vấn đề còn bất đồng trong quan hệ song phương và đa phương. Thí dụ, tại cuộc họp báo sau các cuộc hội đàm, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xéc-gây La-vrốp cho biết, Nga sẽ không trao cho phía Anh công dân Nga Lu-gô-vôi mà Luân Đôn nghi có liên quan đến vụ mưu sát Lít-vi-nhen-cô vì điều đó trái với Hiến pháp Nga. Nếu phía Anh trao cho Nga các hồ sơ cần thiết về vụ án này thì Viện Công tố Nga sẽ cùng với Anh xem xét.
Bộ trưởng Ngoại giao Đa-vit Mi-li-ben viết trên Blog cá nhân của ông trước chuyến thăm Nga như sau: “Chúng ta (Anh và Nga) không phải bao giờ cũng có tiếng nói đồng thuận. Nhưng cả hai nước đều đang đứng trước những thách thức có tầm toàn cầu như nhau và vì thế điều quan trọng là chúng ta cùng làm việc với nhau để hóa giải các thách thức đó. Các cuộc tiếp xúc có chất lượng với nội dung phong phú và các mối quan hệ thương mại năng động sẽ góp phần làm gia tăng ý nghĩa chính trị của sự tương tác”. Tại cuộc họp báo sau khi kết thúc hội đàm, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước bày tỏ quan điểm của hai bên cùng hợp tác trong lĩnh vực vũ khí tiến công chiến lược và rất quan tâm đến kết quả các cuộc đàm phán Mỹ - Nga về Hiệp ước START mới. Anh ủng hộ sáng kiến của Nga tổ chức hội nghị quốc tế về hoà bình Trung Đông tại Mát-xcơ-va vào năm 2010. Ngoài ra, hai bên còn thảo luận về sáng kiến của Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép nhằm xây dựng cấu trúc an ninh thống nhất trong không gian châu Âu - Đại Tây Dương, về hoạt động của Hội đồng Nga - NATO và Hiệp ước an ninh và hợp tác ở châu Âu.
Bộ trưởng Ngoại giao Đa-vít Mi-li-ben cho biết, sau chuyến thăm của ông tới Mát-xcơ-va, Bộ trưởng Thương mại Anh Pi-tơ Man-đen-xơn sẽ tiếp Bộ trưởng Tài chính Nga A-lếch-xây Cu-đrin ở Luân Đôn trong cuộc họp của Ủy ban liên chính phủ về thương mại và đầu tư. Theo nhận xét của ông Pi-tơ Man-đen-xơn, dù quan hệ Anh - Nga còn bất đồng thế nào đi nữa thì hai bên sẽ vẫn tiếp tục phát triển quan hệ kinh tế và thương mại.
Sau các cuộc đàm phán với Bộ trưởng Ngoại giao Đa-vít Mi-li-ben, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xéc-gây La-vrốp cho biết, các cuộc đàm phán lần này là “tốt đẹp và có hiệu quả”, và sắp tới đây hai bên sẽ tiếp xúc chính trị giữa hai bên để tạo điều kiện giải quyết các bất đồng còn tồn tại. Với tinh thần đó, chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Đa-vít Mi-li-ben là cơ hội tốt để tiếp tục đối thoại chính trị Nga - Anh. Có thể nói, chuyến thăm Nga lần này của Bộ trưởng Ngoại giao Anh Đa-vít Mi-li-ben đã đặt dấu mốc đáng ghi nhận trong quá trình “tái khởi động” quan hệ Anh - Nga./.
Cần những giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin  (04/11/2009)
Nhiệm vụ bất khả thi  (04/11/2009)
Thái Bình phát triển kinh tế biển gắn với giải quyết an sinh xã hội và bảo vệ chủ quyền biển đảo  (04/11/2009)
Làm thế nào để người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam  (04/11/2009)
Sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 1,833 triệu tấn  (04/11/2009)
Hơn 2 tỉ USD vốn ODA đầu tư cho nông nghiệp  (04/11/2009)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam