Làm thế nào để người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam
TCCS - Nếu so sánh với các nước trong khu vực thì người Việt Nam tiêu dùng hàng nội địa ít hơn nhiều. Nghịch lý trên gây lãng phí nhiều nguồn lực và hạn chế sức sản xuất trong nước. Do đó, khuyến khích tiêu dùng nội địa trở nên rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, xuất khẩu khó khăn và khi chúng ta đang thực hiện Cuộc vận động về "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Nguyên nhân khiến hàng Việt Nam thua ngay trên "sân nhà"
Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường mới đang nổi lên, đầy hấp dẫn, chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ. Theo số liệu của Công ty Nghiên cứu thị trường GFK Việt Nam, doanh số bán lẻ trong nước năm 2008 đã đạt con số 54,3 tỉ USD, tăng 20,5% so với năm 2007. Đặc biệt, ở nông thôn, thị trường còn rất lớn, nhu cầu mua sắm có thể gấp 3 lần so với thành thị, song cho đến nay, thị trường này gần như còn bỏ ngỏ. Thị trường trong nước đầy tiềm năng nhưng các doanh nghiệp Việt Nam không chiếm lĩnh được, người dân chưa mặn mà với hàng nội. Nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp trong nước thua ngay trên "sân nhà".
Chất lượng hàng hóa chưa cao. Ở nước ta hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn tồn tại quan niệm sai lầm cho rằng, chỉ hàng hóa phục vụ xuất khẩu mới cần chất lượng tốt, hàng trong nước thì "thế nào cũng được". Một số sản phẩm lúc đầu mới đưa ra thị trường có chất lượng tốt, sau một thời gian do không bảo đảm tính ổn định, sao nhãng việc đổi mới, dần làm mất lòng tin nơi người tiêu dùng.
Không ít doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, tìm mọi cách giảm giá trị đầu vào của sản phẩm, thậm chí sử dụng nguyên liệu phẩm cấp thấp, gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng, như: sản xuất sữa tươi dùng sữa bột nguyên liệu để pha chế, sản xuất nước tương có chứa thành phần 3-MCPD có thể gây ung thư... tạo tâm lý ở người tiêu dùng không an tâm khi sử dụng hàng nội. Bên cạnh đó, hàng hóa khá đơn điệu, đầu tư hàm lượng trí tuệ và giá trị vào cải tiến, đổi mới không nhiều, hiện tượng "nhái" mẫu mã của nước ngoài còn phổ biến, không tạo được sự khác biệt, chất lượng lại thấp hơn nên hàng ngoại càng có cơ hội lấn át hàng nội.
Nguồn lợi lớn do hàng xuất khẩu đem lại; yêu cầu cao, sự kiểm duyệt chặt chẽ ở các thị trường bên ngoài; chính sách ưu tiên của Nhà nước cho xuất khẩu, nên các doanh nghiệp thường chú trọng chất lượng hàng hóa xuất khẩu hơn.
Về giá cả, do nhiều nguyên nhân như chưa chủ động được nguyên liệu cho sản xuất, quản lý kém, hao phí nguyên, nhiên liệu, thất thoát do tham ô, lãng phí... nên giá thành nhiều hàng hóa sản xuất tiêu dùng trong nước cao, chưa thực sự hấp dẫn người tiêu dùng. Đặc biệt khi so với hàng hóa của Trung Quốc, chưa kể yếu tố chất lượng, vốn rất đa dạng về mẫu mã, nhiều phân khúc giá, phần lớn rẻ hơn hàng nội cùng chủng loại. Khi thu nhập của người dân còn thấp thì yếu tố giá cả đóng một vai trò rất quan trọng trong quyết định việc mua sắm.
Chế độ hậu mãi, hỗ trợ người tiêu dùng sau mua hàng cũng chưa được các doanh nghiệp trong nước chú ý. Các doanh nghiệp thường chỉ chú trọng khuyến mãi, quảng cáo để tăng số lượng hàng bán, sau đó bỏ trống khâu chăm sóc sau bán hàng, nếu có thì cũng làm nửa vời, không chuyên nghiệp.
Do tâm lý, thói quen "sính hàng ngoại" của không ít người tiêu dùng Việt Nam, nhất là giới trẻ. Có những sản phẩm, chất lượng hàng nội không thua kém hàng ngoại, giá rẻ hơn hẳn nhưng người tiêu dùng vẫn mua hàng ngoại. Tâm lý mua hàng ngoại dùng vẫn thấy yên tâm hơn, hoặc "dùng hàng ngoại mới sang" vẫn khá phổ biến hiện nay.
Ngoài ra còn những lý do khác, như: Doanh nghiệp Việt Nam phần lớn còn non trẻ so với các doanh nghiệp nước ngoài trong cùng lĩnh vực nên sức cạnh tranh yếu; công tác kiểm tra chất lượng hàng ngoại nhập của các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở khiến nhiều hàng ngoại nhập chất lượng thấp, thậm chí kém chất lượng có cơ hội tiêu thụ rộng trong thị trường nội địa, lấn át hàng Việt Nam....
Lợi ích từ tiêu dùng hàng nội
Khuyến khích tiêu dùng hàng nội là một chủ trương đúng đắn mà nhiều nước thực thi rất thành công. Ở Mỹ, ngay từ năm 1933, trong các đạo luật mậu dịch (trade acts) người ta đã khuyến khích dân chúng tiêu dùng hàng nội, đặc biệt các viên chức của Chính phủ phải làm gương trong tiêu dùng hàng nội. Từ kinh nghiệm phát triển của một số nền kinh tế thành công ở Đông Á, như Nhật Bản, Trung Quốc và ASEAN cho thấy, phát huy nội lực, khai thác triệt để thị trường trong nước vẫn là hướng đi cơ bản, là giải pháp căn cơ cho sự phát triển kinh tế bền vững.
Đẩy mạnh tiêu dùng nội địa sẽ góp phần giải quyết tình trạng nhập siêu liên tục trong nhiều năm qua ở Việt Nam (hàng tiêu dùng chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch nhập siêu của Việt Nam), cũng là một trong những biện pháp tốt nhất nhằm thực hiện chủ trương kích cầu trong bối cảnh nền kinh tế đang lâm vào tình trạng khó khăn do xuất khẩu giảm sút hiện nay. Tiêu dùng hàng nội tạo thế chủ động trong sản xuất ở cả tầm vi mô, vĩ mô, phát huy tốt nội lực để phát triển theo hướng bền vững... Hơn nữa, nó cũng chính là cách thể hiện lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của người Việt Nam, tạo ra một văn hóa tiêu dùng mới.
Khi người tiêu dùng có thói quen sử dụng hàng nội sẽ góp phần kích thích sản xuất trong nước phát triển, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Đồng thời cũng buộc các doanh nghiệp trong nước phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam với các mặt hàng ngoại nhập.
Dùng hàng nội mang lại giá trị gia tăng cho người tiêu dùng cao hơn do doanh nghiệp trong nước có khả năng nắm rõ và bám sát nhu cầu của người dân hơn, từ đó thiết kế và tạo dựng những chủng loại sản phẩm, giá cả phong phú, hợp với thị hiếu, khả năng của người dân trong nước hơn. Ngoài ra, do cùng một quốc gia nên người mua và người bán dễ dàng xử lý các vấn đề phát sinh, cũng như khi truy thu nguồn gốc, ghi chép hóa đơn, chứng từ...
Xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng nội của người Việt Nam - nỗ lực từ nhiều phía
Lợi ích từ dùng hàng nội đã rõ, nhưng để xây dựng được văn hóa tiêu dùng hàng trong nước của người dân, cần sự nỗ lực từ nhiều phía. Trong đó, nỗ lực nâng cao chất lượng hàng hóa trên cơ sở giá cả hợp lý từ phía doanh nghiệp có vai trò quyết định.
Về phía doanh nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, coi chất lượng là tiêu chí hàng đầu. Tìm kiếm giải pháp tiết kiệm chi phí trong sản xuất để hàng hóa có giá thành hấp dẫn đối với người tiêu dùng. Đa dạng hóa sản phẩm, cơ cấu mặt hàng được xác định phù hợp với từng thành phần, thị hiếu và phân khúc thị trường, liên tục thay đổi mẫu mã, bao bì tạo sự hấp dẫn và khác biệt trong sản phẩm, hết sức tránh "nhái" sản phẩm của nước ngoài. Thực hiện tốt công tác thâm nhập thị trường qua quảng bá sản phẩm đến tay người tiêu dùng: khuyến mãi, giảm giá định kỳ; chú trọng đến hậu mại, khâu quan trọng, thể hiện tính chuyên nghiệp trong bán hàng; thực hiện các đợt đưa sản phẩm về nông thôn, các khu công nghiệp, trường học. Coi trọng khâu phân phối, các doanh nghiệp có thể tự thiết lập mạng lưới phân phối của mình hoặc liên kết với doanh nghiệp phân phối chuyên nghiệp trong nước với các mạng lưới cửa hàng, siêu thị hiện đại... Liên kết chặt chẽ với nhau, khai thác triệt để thế mạnh của nhau để cùng tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, có giá cả phải chăng. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp khi sản xuất hoặc triển khai các dự án, thực hiện các công trình... nên ưu tiên sử dụng trang thiết bị, nguyên vật liệu được sản xuất trong nước, các dịch vụ nội địa...
Về phía Nhà nước, thực hiện mạnh mẽ công tác tuyên truyền vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên tổ chức các cuộc bình chọn "Hàng Việt Nam chất lượng cao"... thông qua các tổ chức hiệp hội ngành nghề, qua đó khẳng định sản phẩm hàng hóa Việt Nam có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Chi tiêu công của Chính phủ ưu tiên sử dụng hàng nội địa, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm - dịch vụ được sản xuất từ trong nước.
Các tổ chức có trách nhiệm của Chính phủ thường xuyên công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng không bảo đảm tính an toàn trong khi sử dụng... để người tiêu dùng biết, tránh sử dụng, buộc các doanh nghiệp muốn tồn tại phải phấn đấu nâng cao chất lượng sản phẩm, làm ăn nghiêm túc, khẳng định thương hiệu, uy tín của mình trong con mắt người tiêu dùng Việt Nam.
Thông qua các hoạt động của các cơ quan như công an, hải quan, thuế vụ, quản lý thị trường triệt để loại bỏ hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng nhái... Nghiên cứu sử dụng các biện pháp phi thuế, đặc biệt là các rào cản kỹ thuật trong khuôn khổ của WTO đánh vào những mặt hàng ngoại nhập kém chất lượng, không bảo đảm an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng. Nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước, Chính phủ cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn, các ưu đãi về nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ sản xuất hàng tiêu dùng với công nghệ tiên tiến.
Chương trình xúc tiến thương mại thị trường nội địa mà Bộ Công Thương xây dựng từ tháng 4-2009 cần sớm đưa vào thực hiện. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp 100% kinh phí điều tra, khảo sát thị trường, khảo sát mạng lưới phân phối trong nước, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, hoạt động truyền thông; hỗ trợ 70% kinh phí tổ chức hội chợ hàng nông sản, sản phẩm làng nghề, các đợt bán hàng về nông thôn...Với số tiền hỗ trợ của Chương trình là 51 tỉ đồng, tuy không lớn nhưng nếu được triển khai kịp thời sẽ mang đến những hiệu quả nhất định trong việc khuyến khích người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam. Các quy định về tài chính, chi tiêu, định mức... cho Chương trình cần được Bộ Tài chính khẩn trương soạn thảo để sớm đi vào cuộc sống.
Về phía người tiêu dùng, xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam của người Việt Nam chính là phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc. ý thức này phải được rèn luyện thường xuyên trong mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng... dần dần thẩm thấu thành nếp nghĩ, nếp sinh hoạt quen thuộc, tự giác./.
Sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 1,833 triệu tấn  (04/11/2009)
Hơn 2 tỉ USD vốn ODA đầu tư cho nông nghiệp  (04/11/2009)
Thông cáo số 11 Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XII  (03/11/2009)
Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Đan Mạch  (03/11/2009)
Mục lục Hồ sơ sự kiện số 88 (6-11-2009)  (03/11/2009)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam