TCCSĐT - Ngày 3-11-2009, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Công nghệ thông tin của cơ quan Đảng phối hợp với Thành ủy Cần Thơ tổ chức “Hội thảo trao đổi kinh nghiệm Công nghệ thông tin trong các tỉnh, thành khu vực phía Nam”.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Công nghệ thông tin của cơ quan Đảng, những năm gần đây, công nghệ thông tin nước ta đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Tính đến đến tháng 7-2009, cả nước đạt trên 105 thuê bao điện thoại /100 dân, vượt gần 2 lần chỉ tiêu Đại hội X của Đảng đề ra, mạng lưới điện thoại đã phủ kín 100% số xã trên cả nước; số người sử dụng internet đạt trên 24% dân cư, 100% trường đại học, cao đẳng và phổ thông trung học có kết nối internet. Tỷ lệ cán bộ công chức biết sử dụng thành thạo các ứng dụng và khai thác internet tại các cơ quan trung ương đạt gần 70%; cấp tỉnh, thành phố: hơn 50%; cấp xã, phường: 16,9%. Công tác đào tạo nhân lực cho việc ứng dụng công nghệ thông tin được chú trọng đúng mức. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng đã được triển khai khá tích cực, đồng bộ và có hiệu quả rõ nét.

Trong quá trình thực hiện Đề án Tin học hóa hoạt động của các cơ quan Đảng giai đoạn 2001-2005 (Đề án 47), và Đề án Tin học hóa hoạt động của các cơ quan Đảng giai đoạn 2006-2011 (đề án 06), các tỉnh, thành phố đã quan tâm chỉ đạo, tăng cường đầu tư để ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại địa phương; tổ chức tốt việc tập huấn, nâng cao kiến thức cho cán bộ, nhân viên các cơ quan đảng, nhà nước, góp phần tích cực vào việc đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả, chất lượng các hoạt động, chỉ đạo và điều hành của của các cấp ủy và cơ quan đảng.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến tham luận cũng thẳng thắn nêu lên những hạn chế, yếu kém cần khắc phục, đó là: vẫn còn một số cán bộ lãnh đạo chưa nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của công nghệ thông tin, do đó việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án không được thường xuyên, liên tục, đồng thời chưa quan tâm đúng mức đến đội ngũ làm công tác này; công tác triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin còn chậm, hiệu quả chưa cao; trình độ, năng lực của cán bộ, chuyên viên, nhất là ở cấp huyện, xã, phường chưa đáp ứng yêu cầu phát triển việc ứng dụng công nghệ thông tin; việc xử lý văn bản đi, văn bản đến trên mạng máy tính chưa được thực hiện đồng bộ; việc sử dụng máy vi tính đối với văn phòng cấp ủy xã, phường, thị trấn chủ yếu là để soạn thảo văn bản; các thiết bị máy tính được trang bị từ Đề án 47 đến nay đã hư hỏng nhiều nhưng chưa được thay thế…

Qua thảo luận, nhiều ý kiến của lãnh đạo các tỉnh, thành phố thống nhất kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ triển khai đường truyền số liệu riêng từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố, quận, huyện..., đảm bảo an ninh mạng nhưng đạt được dung lượng lớn, tốc độ cao. Đồng thời, khẩn trương có văn bản hướng dẫn về biên chế cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin ở các quận, huyện. Cần có chính sách đãi ngộ thích đáng nhằm thu hút cán bộ công nghệ thông tin giỏi về công tác và gắn bó trách nhiệm lâu dài đối với việc phát triển công nghệ thông tin ở hệ thống chính trị của Đảng.

Trong thời gian tới, các địa phương phải phấn đấu thực hiện tốt những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của Đề án 06 trong 2 năm còn lại; không ngừng nâng cao nhận thức và trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, nhất là đối với các đồng chí lãnh đạo được phân công chỉ đạo, lãnh đạo công nghệ thông tin, phải tận tâm, thể hiện rõ trách nhiệm, có ý kiến định hướng các chương trình, kế hoạch công tác cụ thể. Đối với những cán bộ làm ở cơ quan tham mưu, cần chủ động có ý kiến đề xuất những giải pháp có tính khả thi và tính thuyết phục cao để các đồng chí lãnh đạo có quyết định sát với thực tiễn. Đối với Ban Chỉ đạo Công nghệ thông tin của cơ quan Đảng, tiếp tục tháo gỡ những “lực cản” trong thực hiện Đề án, bổ sung cơ sở hạ tầng kịp thời, tăng cường hơn nữa cho công tác đào tạo nhân lực, đảm bảo chế độ, chính sách cho cán bộ làm công nghệ thông tin, để việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống cơ quan Đảng ngày càng đồng bộ và đạt hiệu quả cao hơn./.