TCCSĐT - Sáng 18-9, tại Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc chính thức Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12, với sự tham dự của 200 đại biểu quốc tế, thảo luận, giải quyết các vấn đề y tế nổi bật của khu vực. Hội nghị lần này có chủ đề “Sức khỏe tốt hơn cho Cộng đồng ASEAN sau năm 2015”.

 
 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
cùng các Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN

Đến dự và phát biểu tại Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, ông Lê Lương Minh - Tổng Thư ký ASEAN, các vị Bộ trưởng/Trưởng đoàn y tế các quốc gia thành viên ASEAN, các Giám đốc khu vực Tây - Thái Bình Dương và Đông Nam Á của Tổ chức Y tế Thế giới, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS, Giám đốc khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và các nước đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cùng các cơ quan thông tấn báo chí quốc tế và Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN được tổ chức tại Việt Nam. Hội nghị diễn ra trong 2 ngày (từ ngày 18-9 đến ngày 19-9), tập trung thảo luận các nội dung chính là: Tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu theo hướng bao phủ y tế toàn dân; sức khỏe tốt hơn cho Cộng đồng ASEAN sau năm 2015; tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu trong phòng, chống các bệnh không lây nhiễm; phối hợp đa ngành trong phòng, chống các bệnh truyền nhiễm mới nổi…

 
 Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, Việt Nam được đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12 là minh chứng rõ nét đóng góp quan trọng của Việt Nam vào nỗ lực chung hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN ngày càng khỏe mạnh. Trong hơn 18 năm gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam đã ngày càng hội nhập và đóng góp tích cực vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực y tế. Với phương châm chủ động hội nhập, ngành Y tế Việt Nam luôn hướng đến kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, coi trọng truyền thống giáo dục sức khỏe và y học dự phòng, ưu tiên công tác phòng bệnh, xây dựng mạng lưới y tế cơ sở đến tận thôn bản, làm cơ sở cho việc đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng, chống thành công các bệnh truyền nhiễm mới nổi.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ về văn hóa, xã hội và phát triển con người là mục tiêu được khẳng định trong Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN ngay từ khi thành lập năm 1967.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau gần 30 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ một nước nghèo, kém phát triển và bị ảnh hưởng nặng nề do các cuộc chiến tranh xâm lược, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và đang bước vào giai đoạn phát triển mới.

Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và đã hoàn thành nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, tỷ lệ tử vong ở trẻ em, cải thiện sức khỏe của bà mẹ. Công tác phòng, chống dịch bệnh được tăng cường, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Hiệu quả mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế cơ sở được nâng cao, củng cố. Đến nay, Việt Nam đã có gần ¾ người dân cả nước tham gia bảo hiểm y tế. Nhân lực y tế phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng. Theo một số thống kê quốc tế, các chỉ số sức khỏe của người dân Việt Nam đạt tốt hơn so với nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng như một số quốc gia thành viên ASEAN khác đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe ngày càng tăng trong khi nguồn lực quốc gia còn hạn hẹp. Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang có những tác động bất lợi tới sức khỏe của người dân. Nhiều bệnh lạ xuất hiện chưa tìm ra thuốc và cơ chế điều trị. Cơ cấu bệnh tật đang có nhiều thay đổi, tỷ lệ mắc một số bệnh hiểm nghèo ngày một tăng... Những khó khăn, thách thức đó đang đe dọa sự phát triển về chất lượng của nguồn nhân lực và tương lai giống nòi của các quốc gia, dân tộc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, để xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân và vì người dân, cần tăng cường hợp tác xây dựng mạng lưới y tế bao phủ toàn dân, bảo đảm cho mọi người dân đều dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng. Trước mắt, cần ưu tiên cho những đối tượng dễ bị tổn thương, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ, các dịch bệnh truyền nhiễm như Ebola, H7N9, Mec-CoVi... trên thế giới; các dịch bệnh có mức độ lưu hành cao trong khu vực ASEAN như sốt xuất huyết, dịch tay chân miệng, bệnh dại, sốt rét kháng thuốc... đang diễn biến phức tạp đòi hỏi chúng ta càng phải hợp tác chặt chẽ và hiệu quả, đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ về y tế từ các nước đối thoại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; thúc đẩy hợp tác với các đối tác khác của ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, Hội nghị lần này diễn ra vào thời điểm phù hợp để Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN thảo luận, đưa ra các định hướng ưu tiên và các cơ chế hợp tác hiệu quả nhằm thực hiện thành công mục tiêu: Sức khỏe tốt hơn cho Cộng đồng ASEAN sau năm 2015.

Thành công của Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần này sẽ thắt chặt hơn nữa các mối liên kết, hợp tác hiệu quả trong khu vực hướng tới một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, thống nhất và giàu bản sắc, lấy con người làm trung tâm có sức khỏe tốt hơn và chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng cao./.