Sáng 18-9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, phiên họp toàn thể lần thứ 17 của Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã kết thúc với buổi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2014.

Các đại biểu cho rằng cần phải đánh giá kỹ về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan liên quan đến khiếu nại, tố cáo thì mới giải quyết tốt vấn đề này.

Trong năm qua (tính từ ngày 15-8-2013 đến ngày 15-8-2014), số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước giảm 9,5%; chủ yếu là khiếu nại liên quan đến lĩnh vực đất đai, chiếm 68,2% đơn thư khiếu nại.

Theo Phó Tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh, tình hình khiếu nại, tố cáo năm nay có xu hướng giảm nhưng lại tăng về số lượng đoàn đông người. Phần lớn các vụ khiếu nại đông người, phức tạp là những vụ việc phát sinh từ những năm trước, chưa được giải quyết dứt điểm. Nhiều trường hợp từ việc khiếu nại quyết định hành chính, bản án có hiệu lực pháp luật đã chuyển sang tố cáo cán bộ giải quyết khiếu nại hoặc xét xử.

Qua tổng hợp và phân tích từ kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo thì có khoảng 59% trường hợp khiếu nại sai và 63% tố cáo sai.

Tại Hội nghị, các thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng vấn đề khiếu nại, tố cáo dù đã có kết quả chuyển biến tích cực, nhưng vẫn thiếu sự bền vững. Báo cáo cần phải phân tích rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan về năng lực cán bộ yếu kém hoặc thiếu trách nhiệm khi tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, gây bức xúc cho công dân.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (tỉnh Ninh Thuận) đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần đánh giá cụ thể trách nhiệm của các cán bộ, cơ quan nhà nước trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Có như vậy, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo mới được chú trọng, không còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm như hiện nay.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Phó Tổng thanh tra Nguyễn Đức Hạnh thừa nhận thực tế những đơn vị nào người đứng đầu đơn vị có tâm huyết, trách nhiệm thì công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện tốt. Tuy nhiên, đây là vấn đề khá phức tạp, khó khăn nên phải từng bước thực hiện để đạt hiệu quả bền vững. Lực lượng thanh tra sẽ chú trọng, quyết liệt giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài; đồng thời, nâng cao chất lượng các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, những vướng mắc, bất cập từ pháp luật đã được sửa đổi trong những năm qua bằng các Luật chuyên ngành như Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các Luật liên quan đến đất đai, nhà ở. Đây là điều giúp tháo gỡ, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo. Do đó, Chính phủ cần rà soát để đánh giá sát thực hơn tình hình khiếu nại, tố cáo từ những nguyên nhân chủ quan; dự báo tình hình thời gian tới để đưa ra giải pháp phù hợp; trong đó, cần đánh giá những nguyên nhân xuất phát từ chính những cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo./.