Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 12 đến ngày 18-5-2014

Hồng Ngọc tổng hợp
17:12, ngày 20-05-2014
TCCSĐT - Đề xuất tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp tại Hội thảo về Luật Doanh nghiệp sửa đổi, triển khai cải cách hành chính tại Bộ Công Thương, Kho bạc Nhà nước,… là những tin tức cải cách hành chính nổi bật tuần qua.

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhưng vẫn phải quản lý chặt

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông tại Hội thảo về Luật Doanh nghiệp sửa đổi tổ chức ngày 17-5, mỗi quốc gia có đặc thù khác nhau, quy mô dân số, hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật khác nhau nên việc xây dựng Luật Doanh nghiệp nói riêng cũng như các luật nói chung vừa hướng tới tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng những vẫn phải bảo đảm thực hiện hiệu quả quản lý.

Tại Hội thảo, vấn đề được nhiều doanh nghiệp, luật sư và các chuyên gia quan tâm là thủ tục đăng ký kinh doanh.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định việc mở rộng lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp nhằm góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo bước đột phá mới cho hoạt động kinh doanh và sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông tái khẳng định việc đăng ký kinh doanh trong dự thảo Luật sửa đổi tuân thủ tuyệt đối Hiến pháp là doanh nghiệp được làm tất cả những gì Nhà nước không cấm. Với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các cơ quan chức năng khi đưa ra điều kiện, yêu cầu về giấy phép thì phải trả lời được câu hỏi nếu cấp giấy phép thì có tác dụng gì hay nếu bỏ giấy phép thì tác động gì tới hoạt động kinh tế - xã hội.

Bộ Công Thương đẩy mạnh cải cách hành chính

Sáng ngày 13-5-2014, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tập huấn công tác cải cách hành chính năm 2014.

Năm 2013, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện cải cách hành chính và Bộ đã đứng thứ 2/19 bộ, ngành tham gia chấm điểm về cải cách hành chính.

Công tác xây dựng, rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra, tuyên truyền... các văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả và hoàn thành 100% kế hoạch với 84 văn bản gồm 18 dự thảo Nghị định, 9 dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 53 dự thảo Thông tư và 4 dự thảo Thông tư liên tịch. Về cải cách thủ tục hành chính, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ đơn giản hóa 201 thủ tục hành chính, Bộ đã hoàn thành 181 thủ tục. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã ký ban hành Danh mục 290 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của mình nhằm phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành một cách thuận lợi, hiệu quả.

Các công tác cải cách tổ chức bộ máy; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính cũng đã thực hiện tốt. Đặc biệt có hai đơn vị trực thuộc Bộ là Cục Xuất nhập khẩu và Cục Hóa chất đã đi đầu trong tham gia vào cơ chế một cửa ASEAN.

Về phương hướng chung năm 2014, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ cả 6 nội dung cải cách hành chính, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước, coi đây là bước đột phá đảm bảo xây dựng nền hành chính minh bạch, thông suốt và hiệu quả. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính, kịp thời đề xuất các phương án đơn giản hóa nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Để bắt kịp với cải cách

Hệ thống Kho bạc đang nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện tốt các chức năng như: Quản lý quỹ ngân sách nhà nước và các quỹ tài chính nhà nước và hướng tới Kho bạc điện tử. Đồng thời, tăng cường thực hiện công tác cải cách hành chính trong toàn hệ thống Kho bạc, lấy khách hàng và người dân là đối tượng trung tâm để phục vụ.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn cản trở tiến trình điện tử hoá hệ thống ngân quỹ là trình độ hạn chế của cán bộ quản lý tại một số đơn vị sử dụng ngân sách, đặc biệt là cán bộ xã, các ban quản lý xã được giao làm chủ đầu tư. Vì vậy, cán bộ Kho bạc phải mất nhiều thời gian để hướng dẫn đơn vị lập chứng từ, thủ tục, hồ sơ thanh toán.

Từ đó, dẫn tới một thực tế, "bộ ba" gồm Chủ tịch xã, thủ quỹ và con dấu vẫn thường trực hàng ngày khi đến Kho bạc làm thủ tục rút tiền. Một phần là do đường từ xã đến trụ sở Kho bạc ngắn cũng phải 30 km, còn xa cũng khoảng 100 km nên để "chắc ăn", chủ tài khoản thường mang cả ê kíp theo giải quyết luôn, đỡ mất công đi lại. Mặt khác, phần đa cán bộ ngân sách xã thường không hiểu hết quy trình, thủ tục nên thụ động "phó mặc" cho cán bộ Kho bạc hướng dẫn thực hiện.

Từ thực tế đó, nhiều năm nay, một số đơn vị Kho bạc ở các tỉnh đã nghĩ ra cách làm là đào tạo kiến thức cho đội ngũ cán bộ xã. Ví dụ, Kho bạc nhà nước Sơn La phối hợp với Trường trung học nông lâm tỉnh mở các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác quản lý tài chính, tài sản, ngân sách xã cho đội ngũ cán bộ xã Xím Vàng (Bắc Yên, Sơn La).

Kết quả, từ thực tế đa số cán bộ tài chính, kế toán ngân sách xã chưa hiểu và thực hiện chưa đúng các chế độ quản lý ngân sách (nhiều công việc huyện phải cầm tay chỉ việc, hướng dẫn tỉ mỉ), đến nay, đã cơ bản nắm được các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính và vận dụng thành thạo trong công việc.

Cùng chung con đường đào tạo con người, nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở, gần 9 năm nay Kho bạc nhà nước Điện Biên đã hỗ trợ kinh phí đào tạo cho 4 cán bộ xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa. Và mô hình này đang được Điện Biên nhân rộng trong thời gian tới.

Đà Nẵng: Trung tâm hành chính hoạt động từ tháng 6

Đây là trung tâm giao dịch thủ tục hành chính tập trung của các sở, ban ngành, đơn vị của thành phố Đà Nẵng hướng tới mô hình một cửa điện tử hiện đại tập trung, hoạt động theo nguyên tắc “một đầu mối”, “liên thông - liên kết” và trọn gói, phát triển theo hướng tổ chức mô hình chính quyền đô thị.

Dự án Trung tâm hành chính là dự án trọng điểm do UBND TP. Đà Nẵng khởi công từ năm 2008, đến cuối tháng 6-2014, Trung tâm sẽ chính thức đi vào hoạt động. Sau khi công trình hoàn thành, sẽ có 21 sở, ban ngành, đơn vị của Thành phố với trên 1.000 người vào làm việc.

7 cơ quan, đơn vị đầu tiên chuyển vào Trung tâm hành chính Thành phố đợt 1 vào tháng 6-2014, gồm: Sở Nội vụ, Sở Xây dựng, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông và Ban Quản lý Khu công nghệ cao.

Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm cải cách hành chính với Indonesia

Chiều 12-5, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã làm việc với đoàn cán bộ Viện Hành chính công quốc gia Indonesia do GS, TS. Agus Dwiyanto - Chủ tịch Viện Hành chính công dẫn đầu.

Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh, Hà Nội có nhu cầu lớn về nguồn lực phát triển, nên coi trọng hàng đầu công tác cải cách hành chính, các dịch vụ công để thu hút đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển. Trao đổi những nội dung Đoàn quan tâm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP. Hà Nội Ngô Anh Tuấn cho biết, Hà Nội đang thực hiện cải cách hành chính trên 6 lĩnh vực: Cải cách thể chế hành chính, cải cách bộ máy hành chính, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tài chính công, công tác cán bộ và hiện đại hóa nền hành chính. Trong đó, đã tiến hành đổi mới và nâng cao chất lượng công tác ban hành văn bản; đơn giản hóa thành phần hồ sơ hành chính, rút ngắn quy trình giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện khoán chi và tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân sách; nâng cao chất lượng, ý thức của đội ngũ cán bộ, công chức, thực hiện tuyển dụng, đào tạo 1.000 cán bộ nguồn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quy trình, tiêu chuẩn ISO và thực hiện đồng bộ mô hình một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính…

GS, TS. Agus Dwiyanto đánh giá cao những nỗ lực của TP. Hà Nội trong công tác cải cách hành chính và cho rằng, công tác cải cách hành chính của Indonesia có nhiều điểm tương đồng với Hà Nội, khẳng định kinh nghiệm trong cải cách hành chính của Hà Nội rất quan trọng đối với quá trình cải cách hành chính và quản lý chính quyền địa phương của Indonesia.

Sẽ nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình

Trước thực trạng “thất thu” về bảo hiểm xã hội, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đưa hàng loạt nội dung mới bổ sung vào Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, trong đó quan trọng nhất là nâng tuổi nghỉ hưu, cải cách hành chính,…

Theo ông Trần Đình Liệu, Trưởng Ban thu Bảo hiểm xã hội Việt Nam, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đưa nội dung sửa đổi độ tuổi nghỉ hưu và mức lương đóng bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa quy định tăng độ tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng theo lộ trình. Từ năm 2016 trở đi, tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức. Từ năm 2020 trở đi, thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại theo phương thức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam. Riêng đối với lực lượng vũ trang, thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam hoặc Luật Công an nhân dân. Với người làm nghề hoặc lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực thì tuổi nghỉ hưu vẫn như quy định hiện hành…./.