Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII sẽ xem xét, thông qua nhiều nội dung quan trọng
TCCSĐT - Chiều 19-5, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo công bố chương trình và nội dung Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII.
Các đồng chí: Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng đoàn thư ký kỳ họp; Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Phan Thị Toàn, Vụ trưởng Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội, chủ trì họp báo.
Theo chương trình, Kỳ họp thứ 7 sẽ khai mạc ngày 20-5 tại Hội trường Bộ Quốc phòng. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 28 ngày, bế mạc ngày 24-6.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng thông tin
các nội dung và chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII
Tại buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh tuy là kỳ họp đầu năm như thông lệ nhưng Kỳ họp thứ 7 có số lượng các dự án luật được xem xét, thông qua và số lượng các dự án luật được cho ý kiến lần đầu tại Quốc hội tăng lên.
Cụ thể, Quốc hội xem xét, thông qua 11 dự án luật, 3 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu đối với 16 dự án luật.
Các dự án luật, nghị quyết được trình Quốc hội xem xét, thông qua
Các dự án luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, gồm: Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Đầu tư công, Luật Hải quan (sửa đổi), Luật Phá sản (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật Công chứng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét về nội dung thi hành khoản 2 Điều 13 Luật quốc tịch Việt Nam.
Các nghị quyết được trình Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về việc gia nhập công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động và Nghị định thư vè các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (công ước và nghị định thư Cape Town).
Các dự án luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu đối với 16 dự án luật, đó là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật Tổ chức Viện kiểm soát nhân dân (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Luật Căn cước công dân; Luật Hộ tịch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật dạy nghề; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi, trả lời những vấn đề,
nội dung của Kỳ họp được các phóng viên trong nước và nước ngoài quan tâm
Quốc hội sẽ dành khoảng 7 ngày để xem xét, thảo luận tại Hội trường, ở tổ về các nội dung Báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012; Quốc hội giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005 - 2012”; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ 6 đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp; Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015; Báo cáo của Chính phủ về phương án bảo đảm cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013…
Tại Kỳ họp này, dự kiến Quốc hội sẽ dành thời gian để nghe Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) sâu trong vùng đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông...
Quốc hội sẽ xem xét biện pháp giải quyết tình hình Biển Đông
Tại buổi họp báo, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao đổi, trả lời những vấn đề, nội dung của Kỳ họp được các phóng viên trong nước và nước ngoài quan tâm.
Trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc sâu trong vùng đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Những ngày qua, tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp, là vấn đề thu hút quan tâm đặc biệt của cử tri và toàn xã hội. Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt trong vùng đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền của Việt Nam, hành động vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC) và tuyên bố giữa lãnh đạo cấp cao giữa 2 nước. Vì vậy, chiều 20-5, Quốc hội sẽ nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày báo cáo về tình hình Biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Duơng-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ, Quốc hội sẽ trao đổi các vấn đề liên quan và quyết định các giải pháp phù hợp trên cơ sở đề xuất của Chính phủ. Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, Việt Nam nhất quán quan điểm giải quyết vấn đề trên tinh thần thượng tôn pháp luật và các điều ước quốc tế, chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình…
Trước sự quan tâm của xã hội và báo chí về ảnh hưởng của tình hình Biển Đông đến việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, tới đây sau khi nghe báo cáo của Chính phủ, Quốc hội sẽ thảo luận về các chủ trương, giải pháp liên quan, trong đó có những giải pháp về kinh tế.
Các phóng viên trong nước và nước ngoài tham dự buổi họp báo
Đối với nội dung tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu, phê chuẩn, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, đây là việc đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên và cũng là vấn đề mới, thời gian qua cho thấy có một số vấn đề cần rút kinh nghiệm nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 7. Theo đó, giữ nguyên đối tượng và 3 mức tín nhiệm. Riêng thời gian lấy phiếu tín nhiệm dự kiến được tiến hành vào năm thứ 3 của nhiệm kỳ tại kỳ họp cuối năm thay vì 1 năm trước đây nhằm để các đại biểu có thời gian "tự soi" và khắc phục, sửa chữa khuyết điểm...
Thông cáo khai mạc Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII
Ngày 19-5, Văn phòng Quốc hội ra thông cáo: Ngày 20-5, Quốc hội khóa XIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 7 tại Thủ đô Hà Nội.
Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội đã khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội.
Trước khi về dự Kỳ họp, các vị đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc cử tri, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri để phản ánh với Quốc hội.
Từ 7 giờ 15 phút, các đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ 8 giờ 00, Quốc hội họp phiên trù bị để thảo luận, thông qua chương trình Kỳ họp và trao đổi về một số vấn đề cần thiết khác.
Đúng 9 giờ 00, Quốc hội họp phiên khai mạc.
Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp để cử tri và đồng bào cả nước theo dõi./.
Tăng trưởng “xanh” hướng tới nền kinh tế “xanh”, phát triển bền vững  (20/05/2014)
Diễn đàn thường niên phát triển dân tộc thiểu số  (20/05/2014)
Khai mạc Hội nghị bộ trưởng 12 nước tham gia đàm phán TPP  (20/05/2014)
WHO ưu tiên cho cuộc chiến chống viêm gan và lao phổi  (20/05/2014)
Người Việt ở nước ngoài tiếp tục biểu tình phản đối Trung Quốc  (20/05/2014)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hội kiến Tổng thống Azerbaijan  (20/05/2014)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên