TCCSĐT - Hành động ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc khi kéo giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) vào Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam đã bị lên án mạnh mẽ bởi cộng đồng quốc tế và các học giả.
 
 Ông Ernest Bower, chuyên gia của CSIS. (Nguồn: flickr.com)

Báo Đức Deutsche Welle ngày 8-5 tiếp tục đưa tin về căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông.
Bài báo dẫn lời chuyên gia Ernest Bower thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ bày tỏ nghi ngờ trước tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại một cuộc họp báo nói rằng Bắc Kinh đặt giàn khoan trong vùng lãnh hải nước họ và do vậy đó là điều "bình thường và hợp pháp".

Theo ông Bower, khu vực đặt giàn khoan rõ ràng gây tranh cãi và hành động đơn phương của Trung Quốc đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) cũng như trái với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) mà Trung Quốc với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đã thông qua năm 2002.

Bài báo cũng cho rằng sự phản ứng giận dữ của Việt Nam trước vụ việc trên đã cho thấy căng thẳng trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc khi người Việt Nam đang mất niềm tin sâu sắc đối với quốc gia láng giềng khổng lồ ở miền Bắc.

Cùng ngày, báo Tagesschau của Đức cũng dẫn lời Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học South Wales, Australia cho rằng Trung Quốc không thể đơn giản đưa giàn khoan dầu xâm phạm và khai thác dầu mà không có sự cho phép của Việt Nam.

Theo ông Thayer, đó là hành động gây hấn cao độ khi có tới 70 tàu các loại, từ tàu ngư chính nhỏ tới tàu hải quân, tham gia bảo vệ giàn khoan. Ông Thayer khẳng định đó là hành động bất hợp pháp.

Trả lời câu hỏi liên quan tới những diễn biến căng thẳng hiện nay trên Biển Đông, Người phát ngôn Liên hợp quốc Farhan Haq cho biết tới nay, cơ quan này chưa đưa ra bình luận cụ thể gì về tình hình liên quan, song khẳng định Liên hợp quốc mong muốn và tin tưởng rằng các quốc gia liên quan sẽ giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Trong khi đó, bình luận về khả năng vấn đề Biển Đông được đưa ra diễn đàn Liên hợp quốc, phóng viên cấp cao của kênh truyền hình CNN tại Liên hợp quốc Richard Roth nhận định nếu tình hình trở nên nguy hiểm hơn, ví dụ như một cuộc xung đột vũ trang xảy ra, Việt Nam có thể yêu cầu triệu tập một cuộc họp tại Hội đồng Bảo an để thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.
 
 Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf - Ảnh: Vietnam+
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa bày tỏ quan ngại về những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, khẳng định tình hình căng thẳng hiện nay là do Trung Quốc gây ra.

Trả lời phỏng vấn tại trung tâm báo chí ở thủ đô Washington, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf nêu rõ: “Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào là vô cùng nguy hiểm, nó có thể dẫn đến những tính toán sai lầm và kéo theo các hành động khiêu khích khác và làm gia tăng căng thẳng. Những gì diễn ra ở Biển Đông hoàn toàn trái ngược với những gì Mỹ mong muốn. Chúng tôi muốn căng thẳng và tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình và các tuyên bố chủ quyền phải dựa trên luật pháp quốc tế".

Bà Marie Harf cũng cho rằng việc Trung Quốc đưa tàu chiến hay bất cứ hành động nằm ngoài khuôn khổ của luật pháp quốc tế cũng đều là khiêu khích. Mỹ đã và luôn hối thúc Trung Quốc giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình.

"Chúng tôi thảo luận với Trung Quốc nhiều vấn đề và tranh chấp ở Biển Đông cũng như Biển Hoa Đông được đưa ra trong mọi cuộc gặp giữa hai bên là làm sao để giải quyết, làm sao để các nước cùng hợp tác. Và chúng tôi cũng nói với các nước khác như thế, chứ không riêng gì Trung Quốc".

Người phát ngôn của Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu EU đã đưa ra quan điểm về những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông, sau khi Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào hoạt động trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, cũng như việc các tàu thuyền nước này, trong đó có tàu quân sự, uy hiếp, gây hại cho các tàu thuyền Việt Nam.

Theo đó, cơ quan phụ trách đối ngoại của châu Âu kêu gọi các bên cần tuân thủ Luật Biển UNCLOS, tránh những hành động đơn phương có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh khu vực.

Tuyên bố viết: "Chúng tôi quan ngại về những rắc rối giữa Trung Quốc và Việt Nam liên quan đến hoạt động của giàn khoan Trung Quốc Hải Dương-981. Cụ thể, EU lo ngại các hành động đơn phương có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh trong khu vực, bằng chứng là các vụ va chạm gần đây giữa các tàu của Việt Nam và Trung Quốc.

Chúng tôi thúc giục các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hòa bình và hợp tác, phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, và tiếp tục đảm bảo tự do và an toàn hàng hải.

Chúng tôi cũng kêu gọi các bên thực hiện các biện pháp nhằm làm giảm căng thẳng và tránh đưa ra các hành động đơn phương có thể gây bất lợi cho hòa bình và ổn định tại khu vực. EU sẽ tiếp tục theo dõi sát các diễn biến này".

Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega, thành viên cao cấp của Tiểu ban các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ, đã mạnh mẽ lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, đồng thời đề nghị chính quyền của Tổng thống Barack Obama có phản ứng rõ ràng và quyết liệt hơn nữa đối với các hành động của Bắc Kinh.

Thông cáo báo chí của Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega mạnh mẽ chỉ trích việc Trung Quốc liên tục có những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam với việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển của Việt Nam hôm 2-5 và triển khai hàng chục tàu hải quân hỗ trợ cho hành động khiêu khích này.

Thông cáo báo chí của Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega khẳng định giàn khoan Hải Dương-981 đã được hạ đặt bên trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, chỉ cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 120 hải lý.

Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega bày tỏ cảm ơn Thượng nghị sỹ John McCain đã đi tiên phong trong việc tuyên bố một cách dứt khoát rằng các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông là không có cơ sở chiểu theo luật pháp quốc tế.

Các hành động khiêu khích này của Trung Quốc là một sự leo thang với chủ ý đe dọa hòa bình và an ninh hàng hải ở Biển Đông.
 
Trong một hành động nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Việt Nam, Hội hữu nghị Italy - Việt Nam đã lên án hành động Trung Quốc đơn phương đưa dàn khoan vào quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là “vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, gây căng thẳng tăng cao trong vùng, đe dọa an ninh và hòa bình trong toàn bộ khu vực".

Nhấn mạnh “Việt Nam là một đất nước độc lập và thịnh vượng, với dân số trẻ, chăm chỉ và hiếu khách, luôn đối mặt với những vấn đề trong nước và quốc tế với lòng quyết tâm và xứng đáng có được hòa bình", Hội hữu nghị Italy - Việt Nam bày tỏ sự “ủng hộ với nhân dân Việt Nam," phản đối hành động của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc rút dàn khoan cùng toàn bộ tàu của họ ra khỏi khu vực Hoàng Sa.

Thông qua ấn phẩm Mekong cũng như trang web của mình, Hội hữu nghị Italy - Việt Nam cũng sẽ đưa những thông tin cập nhật liên quan đến tình hình Biển Đông, những phân tích và tư liệu lịch sử nhằm chứng minh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về chủ quyền của Việt Nam để cho những người Italy nói chung và những người Italy yêu Việt Nam hiểu hơn về vấn đề này.

Tờ Manila Bullettin của Philippines có bài viết kêu gọi tinh thần đoàn kết của các nước ASEAN trước các hành vi nguy hiểm của Trung Quốc. Bài viết nêu rõ, trong những ngày gần đây, dư luận trong và ngoài khu vực đang lưu tâm đặc biệt tới việc Trung Quốc bất ngờ hạ đặt giàn khoan khổng lồ Hải Dương-981 tại khu vực thuộc Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bài viết dẫn nhận định của một số nhà quan sát cho rằng, đây rõ ràng là một hành vi “khiêu khích”, một sự vi phạm rõ ràng những lợi ích kinh tế, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam - dựa trên tinh thần của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Mạng tin Sankei (Nhật Bản) ngày 9-5 viết về vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam dẫn đến việc xảy ra va chạm giữa các tàu của hai nước:

"Tương tự với việc tiến ra biển Hoa Đông bất chấp luật pháp, hành động của Trung Quốc là nhằm mục đích thử nghiệm ý đồ thay đổi hiện trạng bằng vũ lực và làm bất ổn tình hình. Không thể tha thứ cho những toan tính này.

Căn cứ mà Trung Quốc dựa vào là “đường chín đoạn” do Bắc Kinh tự đặt ra, khoanh vùng gần như toàn bộ Biển Đông, mặc nhiên coi đây là vùng lãnh hải của nước này. Cách lập luận này hoàn toàn trái ngược với khái niệm lãnh hải bắt nguồn từ lục địa và không được công nhận trên bình diện quốc tế.

Vấn đề chính ở đây là Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mà Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam, đề xuất và bàn thảo với Trung Quốc nhằm xoa dịu căng thẳng và tránh nguy cơ xảy ra xung đột dường như không thể đạt kết quả cụ thể do quan điểm tiêu cực từ phía Trung Quốc..."./.