Festival quốc gia tôn vinh Đờn ca tài tử Nam bộ

Tin, ảnh: Huy Vũ
23:38, ngày 26-04-2014
TCCSĐT - Lễ khai mạc chính thức Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014 với chủ đề: “Đờn ca tài tử - Tình người, tình đất phương Nam” đã diễn ra trọng thể vào lúc 20 giờ ngày 25-4-2014, tại Quảng trường Hùng Vương, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.
Đến dự Lễ khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ; Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội.

 
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam... dự Khai mạc Festival

Tham dự Lễ khai mạc còn có các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng và Nhà nước; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) cùng nhiều tổ chức quốc tế; đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh, thành Nam bộ có phong trào Đờn ca tài tử phát triển mạnh, 380 nghệ nhân Đờn ca tài tử, hơn 300 nhà báo của các cơ quan báo chí trong và ngoài nước, cùng đông đảo cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh, thành Nam bộ.

Ngày 05-12-2013, tại phiên họp Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO diễn ra ở thành phố Ba-ku, nước Cộng hòa A-déc-bai-gian (Azerbaijan), Đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày 11-02-2014, tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, bà Ca-thơ-rin Mu-lơ Ma-rin (Katherine Muller Marin), đại diện UNESCO tại Việt Nam đã trao Bằng vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho đại diện 21 tỉnh, thành là quê hương của Đờn ca tài tử Nam bộ.

Trong diễn văn khai mạc Festival, đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu, Trưởng Ban Chỉ đạo Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất, khẳng định: nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Nam bộ. Bản sắc văn hóa ấy là nền tảng tinh thần, là động lực trực tiếp, là sức mạnh nội sinh giúp người Nam bộ sinh cơ, lập nghiệp, chiến thắng thiên tai, địch họa và giặc ngoại xâm để giữ yên bờ cõi… Bản sắc ấy đã bồi đắp cho mối cố kết cộng đồng ngày một bền chặt; là động lực để Nam bộ phát triển. Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014 nhằm phát đi thông điệp: Phải bảo tồn, phát huy những giá trị vĩnh hằng ấy; đồng thời là nơi giao lưu, gặp gỡ của các nghệ nhân, nghệ sĩ và người mộ điệu cả nước; là diễn đàn trao đổi, bàn luận về trách nhiệm bảo tồn, lưu giữ và phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Việc tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014 như một lời kính cáo, tri ân với tiên tổ, với tất cả những cá nhân, tổ chức đã góp phần sáng tạo, gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật rất đỗi bình dị, tự nhiên mà thanh cao, bác học mà độc đáo này. Đây là hoạt động có quy mô lớn đầu tiên hưởng ứng Chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; là hành động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, góp phần giữ gìn cốt cách, tâm hồn và bản lĩnh Việt Nam; là tiền đề để tỉnh Bạc Liêu triển khai định hướng phát triển, đi lên từ nền tảng văn hóa.

 
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ khai mạc Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất

Phó Thủ tướng nêu rõ: “Chúng ta hãy cùng nhau chúc mừng và cổ vũ cho sự vươn lên mạnh mẽ của tỉnh Bạc Liêu và của cả vùng Nam bộ - quê hương của Đờn ca tài tử. Hãy cùng nhau góp sức để Đờn ca tài tử Nam bộ tiếp tục hòa vào dòng chảy tinh hoa văn hóa Việt Nam, vào kho tàng văn hóa của nhân loại, tiếp thêm động lực cho sự phát triển đất nước”.

Tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 06 tập thể, 05 cá nhân đã có những đóng góp và cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị cao đẹp của Đờn ca tài tử Nam bộ.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước hiện có hơn 2.500 câu lạc bộ, nhóm, gia đình với hơn 29.000 người tham gia sinh hoạt Đờn ca tài tử. Trong đó, tập trung ở 21 tỉnh, thành Nam bộ là: Bạc Liêu, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Long An, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long. Hằng năm, các tỉnh, thành đều tổ chức liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân có công bảo tồn, phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử; tạo cơ hội để các nghệ sĩ, nghệ nhân giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sáng tạo nghệ thuật.

Chuẩn bị cho Lễ khai mạc Festival, ngày 19-4, tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức lễ khánh thành công trình Quảng trường Hùng Vương và các công trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc của tỉnh tại thành phố Bạc Liêu. Với tổng diện tích sử dụng trên 85.000m2, Quảng trường Hùng Vương là quảng trường lớn và đẹp nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Trong khu vực có các công trình tiêu biểu như: biểu tượng cây đờn kìm cách điệu, cao 18,6m, đặt trên 05 cánh sen và toàn khối được đặt trên hồ nước hình ngôi sao 05 cánh; Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu được tạo hình là 03 chiếc nón lá hướng vào nhau, chiều cao nón lớn nhất là 24,25m, đường kính nón lớn nhất là 45,15m (hai công trình này vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) công nhận là Kỷ lục Việt Nam; biểu tượng 03 dân tộc anh em Kinh - Hoa - Khmer; Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; Tượng đài sự kiện Mậu Thân 1968; Sàn phun nước nghệ thuật;… Các công trình vừa khánh thành tạo nên một điểm nhấn hấp dẫn cho không gian đô thị của thành phố Bạc Liêu.

 
 Một góc Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Trước đó, trong 02 ngày 24 và 25-4, nhiều hoạt động trong khuôn khổ Festival đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Đó là: Không gian Đờn ca tài tử Nam bộ (nơi giao lưu nghệ thuật giữa các nghệ nhân Đờn ca tài tử với nhau, giữa các nghệ nhân Đờn ca tài tử với người dân Nam bộ và cả nước); Lễ hội ẩm thực Nam bộ; Chương trình nghệ thuật giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của 02 soạn giả Trọng Nguyễn và Yên Lang; Lễ hội xe cổ “Hành trình kết nối di sản văn hóa”; Triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật; Liên hoan Đờn ca tài tử toàn quốc; Triển lãm nhạc cụ truyền thông các dân tộc Việt Nam; Khánh thành Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu; Chương trình thả Diều nghệ thuật; Triển lãm Sinh vật cảnh; Hội chợ Thương mại - Du lịch (với 300 gian hàng của 150 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh).

Theo chương trình, từ ngày 26 đến ngày 29-4, Festival tiếp tục diễn ra các hoạt động: Hội nghị Xúc tiến du lịch, xúc tiến đầu tư và liên kết phát triển du lịch Bạc Liêu với các tỉnh, thành phố; Họp mặt doanh nhân, nghệ nhân, nghệ sĩ và ra mắt Quỹ hỗ trợ bảo tồn và phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Bạc Liêu; Thi Vòng II Giải thưởng Trần Hữu Trang; Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử Nam bộ”; Chung kết trao Giải thưởng Trần Hữu Trang; Tổng kết, trao giải các cuộc thi: Sáng tác ca khúc, vọng cổ và sáng tác lời mới 20 bản tổ Đờn ca tài tử Nam bộ, sáng tác ảnh thời sự nghệ thuật; giải báo chí “Bạc Liêu trên đường phát triển”; Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Bạc Liêu là đô thị loại II.

Lễ bế mạc Festival sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 29-4-2014./.