Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
TCCSĐT - Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà chiến lược quân sự thiên tài, Người không chỉ sớm hoạch định đường lối đúng đắn cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà còn thường xuyên cùng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo và tham gia duyệt kế hoạch nhiều chiến dịch lớn. Người cũng thường xuyên động viên, thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ trước và sau những trận đánh lớn; tham dự tổng kết, rút kinh nghiệm, chỉ ra những khuyết điểm cần tránh trong các trận chiến đấu. Người thực sự là linh hồn của những chiến công vang dội mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.
Thấm nhuần sâu sắc lời Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ II của Đảng (02-1951) là: Tiêu diệt thực dân Pháp và đánh bại bọn can thiệp Mỹ, giành thống nhất, độc lập hoàn toàn, toàn dân và toàn quân ta dấy lên phong trào thi đua giết giặc lập công, điển hình là các chiến dịch mang tên Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung,… Sau chiến thắng của quân và dân ta trên các chiến trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra những thuận lợi và khó khăn của cuộc kháng chiến khi bước vào giai đoạn tổng phản công. Người nói: “Sau bốn năm kháng chiến toàn quốc, ta từ bị động chuyển dần sang chủ động, từ thế yếu chuyển dần sang thế mạnh, từ thế thủ chuyển sang thế công... Nhưng tôi phải nhắc lại lần nữa để bộ đội và đồng bào ta ghi tạc vào lòng: tuyệt đối chớ vì thắng mà kiêu căng, chủ quan, khinh địch. Chúng ta phải nhớ rằng: càng gần thất bại, địch càng cố gắng, càng hung dữ, càng liều mạng. Càng gần thắng lợi, ta càng gặp nhiều sự gay go. Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng tinh thần và lực lượng để đối phó với những khó khăn mới”(1).
Đúng như nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sự viện trợ của Mỹ, đầu năm 1952, Pháp tăng gấp đôi ngân sách chiến tranh, tăng thêm quân đội viễn chinh từ 239.000 tên lên 338.000 tên, thay tổng chỉ huy. Đờ-lát Đờ Tát-xi-nhi được cử làm Cao ủy kiêm Tổng Tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương. Sau khi củng cố lực lượng, y quyết định mở cuộc phản công lớn ra Hòa Bình giành lại thế chủ động trên chiến trường. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời chỉ thị phải phá tan cuộc tiến công của quân Pháp. Người nói: “Trước kia, ta phải lừa địch ra mà đánh. Nay địch tự ra cho ta đánh. Đó là cơ hội rất lớn cho ta. Muốn thắng, thì ta phải tích cực, tự động, bí mật, mau chóng, kiên quyết, dẻo dai. Chắc thắng mới đánh. Nhưng tuyệt đối chớ chủ quan, khinh địch. Bộ đội chủ lực đánh, bộ đội địa phương, dân quân du kích cũng đánh. Các lực lượng phải phối hợp nhau chặt chẽ để tiêu diệt sinh lực địch, để đánh tan kế hoạch Thu - Đông của chúng”(2).
Quán triệt chỉ thị của Người, quân và dân ta đã lập công xuất sắc, đập tan cuộc tiến công lên Hòa Bình cùng với âm mưu lập “Xứ Mường tự trị” của Pháp. Lợi dụng quân địch đánh ra Hòa Bình, hậu phương của địch sơ hở, quân ta luồn sâu vào vùng sau lưng địch tiến hành chiến tranh du kích rộng khắp, quân địch bị tiến công dữ dội cả trước mặt và sau lưng. Thu - Đông năm 1952, quân ta tiến lên Tây Bắc đánh địch từ vùng sông Thao qua vùng sông Đà đến vùng sông Mã, giải phóng một vùng rộng lớn 28.000 km2 và 25 vạn đồng bào, phá tan âm mưu lập “Xứ Thái tự trị” của Pháp. Mùa hè năm 1953, quân tình nguyện Việt Nam cùng quân giải phóng Pathét Lào giải phóng một vùng rộng lớn trên 40.000 km2 trên đất Lào. Trên các chiến trường Bình Trị Thiên, Liên khu 5 và Nam Bộ, quân ta liên tục tiến công địch, giành nhiều thắng lợi.
Thu - Đông năm 1953, cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn quyết định. So sánh lực lượng trên toàn chiến trường Đông Dương ngày càng có lợi cho ta. Quân ta từ phản công cục bộ chuyển sang phản công lớn. Quân địch ngày càng lâm vào thế bị động, lúng túng. Sau khi Đờ-lát Đờ Tát-xi-nhi chết, Hăng-ri Nava được cử làm Tổng Tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương, vạch ra kế hoạch chiến lược quy mô lớn - “Kế hoạch Nava”, tập trung quân cơ động nhằm tiêu diệt phần lớn quân chủ lực của ta trong vòng 18 tháng, buộc ta phải thương lượng theo những điều kiện của Pháp. “Kế hoạch Nava” được Mỹ chuẩn y và viện trợ cho Pháp 385 triệu đôla, bằng 80% ngân sách chiến tranh của Pháp ở Đông Dương. Về “Kế hoạch Nava”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bằng thể thơ năm chữ Kế hoạch Nava, đầu voi đuôi chó, trong đó vạch rõ sự huênh hoang của Nava trong kế hoạch đánh chiếm và sự thất bại của nó đúng như “đầu voi đuôi chó”. Đồng thời, Người cũng nhắc nhở quân, dân ta không được chủ quan, khinh địch, đoàn kết một lòng để đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Về kiểu thương lượng trên thế mạnh của Chính phủ Pháp thông qua “Kế hoạch Nava” cũng đã được Người chỉ rõ: “Ta phải đánh cho Pháp quỵ. Lúc ấy, có đàm phán mới đàm phán, chứ không phải đưa đàm phán ra là nó đàm phán ngay đâu. Đừng có ảo tưởng. Mục đích của nó là xâm lược. Nó mất 99% còn hy vọng 1%, nó vẫn đánh. Phải đánh nó quỵ nó mới chịu”(3).
Cuối tháng 9-1953, tại bản Tỉn Keo, huyện Định Hóa, Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa cuộc họp Bộ Chính trị bàn và quyết định kế hoạch tác chiến Đông - Xuân (1953 - 1954). Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình chiến sự, Người nhấn mạnh phương châm: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và nhắc: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn... Phương hướng chiến lược không thay đổi. Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hành động có thể thay đổi. Phép dùng binh là thiên biến vạn hóa”(4).
Thực hiện cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân, quân và dân ta đã làm đảo lộn kế hoạch chiến tranh của Pháp - Mỹ, làm xoay chuyển cục diện chiến trường có lợi cho ta. Trong khi Nava tập trung quân xây dựng lực lượng cơ động chiến lược để có “quả đấm” mạnh, thì những chiến dịch của quân ta trên các chiến trường, đặc biệt là hướng Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên và Thượng Lào làm cho quân địch hết sức bị động, lúng túng, phải căng mỏng lực lượng ra đối phó.
Tháng 11-1953, Nava cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, xây dựng thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, cái xương sống của “Kế hoạch Nava”. Lực lượng của địch ở đây lên tới 16.000 quân, bao gồm 17 tiểu đoàn bộ binh, 03 tiểu đoàn pháo binh, 01 tiểu đoàn công binh, 01 đại đội xe tăng, 01 đại đội xe vận tải, 01 phi đội máy bay thường trực cùng nhiều vũ khí hiện đại của Pháp và Mỹ nhằm làm bàn đạp chiếm lại Tây Bắc, khống chế chiến trường Lào, đồng thời giữ quân chủ lực của ta ở Việt Bắc để quân Pháp rảnh tay hoạt động ở đồng bằng Bắc Bộ và đánh chiếm Liên khu 5. Mặc dù có tới 50 vạn quân, bao gồm cả quân ngụy nhưng Nava không thể đối phó với cuộc tiến công của quân ta trên khắp các chiến trường. Hy vọng duy nhất của Nava là ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, một cứ điểm quân sự mà các bộ trưởng, tướng lĩnh Pháp và nhiều tướng lĩnh Mỹ đã nhiều lần tới kiểm tra, kể cả Phó Tổng thống Mỹ Ních-xơn, đều hết lời ca ngợi và tuyên truyền đây là “một cứ điểm đáng sợ”, “một pháo đài bất khả xâm phạm, không thể công phá”.
Đầu tháng 12-1953, Sau khi phân tích kỹ tình hình địch, ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Người chỉ thị cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”(5). Như vậy, Điện Biên Phủ trở thành điểm quyết chiến chiến lược giữa ta và địch trên toàn bộ chiến trường Đông Dương.
Tháng 01-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Bộ Chính trị chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tín nhiệm giao nắm toàn quyền về quân sự, Tổng Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi trao nhiệm vụ cho Đại tướng, Người dặn: “Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”(6). Nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh , Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã suy nghĩ và trăn trở rất nhiều. Trên cơ sở bàn bạc, nhất trí của Đảng ủy mặt trận, Đại tướng kết luận chuyển phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” và ra lệnh cho toàn mặt trận Điện Biên Phủ chuẩn bị theo phương châm đó. Đây là một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, quân và dân ta tích cực, khẩn trương chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Đầu tháng 3-1954, công tác chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ đã hoàn tất. Trước khi bước vào trận đánh có tính chất quyết định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời gửi thư động viên các đơn vị, chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ, trong đó Người căn dặn: “Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang… Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới. Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất. Chúc các chú thắng to”(7). Lời động viên kịp thời của Người đã biến thành hành động thực tế của cán bộ, chiến sĩ trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ.
Ngày 13-3-1954, quân ta đồng loạt nổ súng mở đợt tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau hai đợt tiến công, các phòng tuyến vòng ngoài của địch đã bị phá vỡ và tiêu diệt. Để động viên kịp thời, ngày 15-3, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện khen ngợi cán bộ, chiến sĩ đã dành chiến thắng hai trận đầu tiên của ở Điện Biên Phủ. Đồng thời, Người nêu rõ ý nghĩa lịch sử quan trọng của chiến dịch cả về quân sự, chính trị và nhắc nhở quân đội ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan, khinh địch để giành toàn thắng cho chiến dịch này.
Nhằm cứu nguy cho đội quân bị bao vây chặt, Nava ra lệnh huy động tất cả máy bay trên chiến trường Đông Dương làm thành cầu hàng không tiếp viện suốt ngày đêm cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ, nhưng cũng không hiệu quả. Trước tình thế nguy ngập, vòng vây càng khép chặt, Mỹ định thực hiện kế hoạch sử dụng máy bay hạng nặng từ Phi-líp-pin sang trút bom xuống Điện Biên Phủ mang tính hủy diệt. Hơn nữa, Mỹ đã đưa hai tàu sân bay chiến hạm đến Vịnh Bắc Bộ và đe dọa dùng bom nguyên tử chiến thuật ở mặt trận này. Nhưng không sức mạnh nào ngăn nổi quyết tâm “quyết chiến, quyết thắng” của quân và dân ta.
Ngày 01-5-1954, quân ta mở cuộc tiến công mới, quân địch chống trả quyết liệt. Ngày 07-5, quân ta từ các hướng đồng loạt tiến công vào khu trung tâm cố thủ của địch. Quân địch lâm vào thế tuyệt vọng, tinh thần hoàn toàn suy sụp. Ba giờ chiều cùng ngày, Bộ Chỉ huy mặt trận hạ lệnh quân ta tổng công kích, quân địch lũ lượt kéo cờ trắng, tướng Đờ Cát-xtơ-ri cùng toàn thể Bộ Tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng. 17 giờ chiều ngày 7-5-1954, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta bay phấp phới trên nóc hầm tướng Đờ Cát-xtơ-ri, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Hôm sau 08-5, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ. Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Bác và Chính phủ sẽ khen thưởng những cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương có công trạng đặc biệt”(8).
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng một đòn quyết định vào dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, làm xoay chuyển toàn bộ cục diện chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho mặt trận ngoại giao. Ngày 08-5-1954, Hội nghị Giơnevơ bắt đầu thảo luận vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Phái đoàn Chính phủ ta do đồng chí Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn, bước vào bàn Hội nghị với tư thế của một dân tộc chiến thắng. Ngay từ tháng 11-1953, trả lời phỏng vấn của báo Étprétxen Thụy Điển qua cuộc thảo luận của Quốc hội Pháp về việc muốn dàn xếp hòa bình với Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ lập trường của Chính phủ ta: “Nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó… Cơ sở của đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam”(9).
Sau 75 ngày đấu tranh ngoại giao kiên quyết và mềm dẻo, ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơnevơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Các nước tham gia Hội nghị cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Văn bản của Hội nghị có đoạn ghi: Thừa nhận rằng mục đích căn bản của Hiệp định về Việt Nam là giải quyết vấn đề quân sự để đình chiến và giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời. Việc thống nhất hai miền Nam Bắc Việt Nam sẽ được thực hiện thông qua tổng tuyển cử toàn quốc vào tháng 7-1956. Mỹ ngoan cố không chịu ký vào văn bản Hội nghị để thực hiện dã xâm lược sau này. Ngày 22-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân ta nhận rõ tình hình mới và chủ trương mới của Đảng: “Từ nay, chúng ta phải ra sức đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc”.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và sự can thiệp của Mỹ. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, giành được thắng lợi vẻ vang, có ý nghĩa dân tộc và thời đại sâu sắc. Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ chứng minh một chân lý của thời đại: Một dân tộc bị áp bức khi đã đoàn kết vùng dậy đấu tranh theo một đường lối đúng đắn, kiên quyết chiến đấu vì độc lập, tự do thì vẫn có khả năng đánh thắng đội quân xâm lược của chủ nghĩa đế quốc.
Với chiến thắng Điện Biên Phủ, tên tuổi kính yêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cái tên ghép Việt Nam - Hồ Chí Minh trở nên thân quen, được biết đến rộng rãi và quý trọng trên khắp thế giới. Giáo sư Mi-ghen Đê-tê-pha-nô của Cuba đã đánh giá: “Sau chín năm chiến tranh, sức mạnh quân sự của thực dân Pháp đã bị đập tan tại Điện Biên Phủ. Tháng 7 năm đó (1954) với việc ký kết Hiệp định Giơnevơ, các dân tộc Đông Dương đã giành được độc lập. Với vũ khí của mình, Hồ Chí Minh đã là tác giả của thắng lợi đó... Và tên tuổi của Người đã được ghi vào những trang sử vẻ vang nhất”(10).
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một “cái mốc chói lọi bằng vàng” mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của dân tộc Việt Nam quật cường, bất khuất, thông minh, sáng tạo, là niềm tin của các dân tộc bị áp bức trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do. Thế giới còn đổi thay nhưng thời gian không làm phai mờ tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng gắn liền với vai trò và tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại./.
-------------------------------------
(1), (2), (3), (7), (8), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.6, tr. 135, 341; t.7, tr. 113, 265, 272, 168.
(4), (5), (6) Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t.5, tr. 374, 403, 416.
(10) Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1990, tr.53.
Bàn thêm về nghệ thuật chuyển hướng phương châm tác chiến chiến lược trong Chiến dịch Điện Biên Phủ  (26/04/2014)
“Ý Đảng, lòng dân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ - biểu tượng ý chí và sức mạnh của dân tộc Việt Nam  (26/04/2014)
Để giai cấp công nhân Việt Nam thực sự là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước  (26/04/2014)
Chiến thắng Điện Biên Phủ và sự ảnh hưởng đến Hội nghị Giơ-ne-vơ  (26/04/2014)
Nam Định: Xây dựng nông thôn mới là một trong năm đột phá lớn  (26/04/2014)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển