TCCSĐT - Khu di tích Đền Hùng nằm trên ngọn núi Nghĩa Lĩnh (còn gọi là núi Hùng), thuộc tỉnh Phú Thọ, được xem là cội nguồn của dân tộc Việt, bởi vậy, dù đi đâu, làm gì nhưng hằng năm, mỗi người con đất Việt trên khắp mọi miền Tổ quốc và kiều bào sinh sống ở nước ngoài, vẫn luôn hướng về nguồn cội, tưởng nhớ công ơn các vị Vua Hùng vào ngày Giỗ Tổ (mùng 10 tháng 3 âm lịch).

Những nét mới ở Lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2014

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Giáp Ngọ 2014, diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 06 đến ngày 10-3 âm lịch (tức từ ngày 05 đến ngày 09-4-2014). Lễ hội năm nay do Ủy ban nhân dân Phú Thọ tổ chức, với sự tham gia của 4 tỉnh Bắc Ninh, Quảng Bình, Vĩnh Long và Long An.

Về phần lễ, hội:

Sau một năm “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, mùa lễ hội năm nay, ngoài việc duy trì những chương trình trong phần lễ, phần hội như truyền thống, tỉnh Phú Thọ cũng lồng ghép nhiều nét mới, trong đó, điểm nhấn là phần nghi thức sinh hoạt cộng đồng gắn với chủ thể nhân dân - rước kiệu dâng lễ vật của các địa phương.


Khác với mọi năm, tất cả các địa phương có Đền thờ Hùng Vương sẽ tổ chức dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng vào cùng thời gian tỉnh Phú Thọ dâng hương tại đỉnh núi Nghĩa Lĩnh ở Đền Hùng, đó là vào 7 giờ ngày 10-3 âm lịch năm Giáp Ngọ 2014. Trong các ngày diễn ra lễ hội, thành phố Việt Trì và tỉnh Phú Thọ tổ chức trọng thể các lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân, dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ, dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, lễ rước kiệu của các xã vùng ven Khu di tích lịch sử Đền Hùng…

Phần hội được tổ chức tại hai địa điểm là thành phố Việt Trì và Khu di tích lịch sử Đền Hùng, với các hoạt động phong phú, đa dạng, mang đậm sắc thái văn hóa dân gian vùng Đất Tổ, như Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Về miền quê di sản”, triển lãm ảnh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Cội nguồn Đất Tổ” và “Chủ quyền biển, đảo Việt Nam”, hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dầy, hội trại văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày sản vật và văn hóa ẩm thực của 13 huyện, thị, thành trong tỉnh; tổ chức bắn pháo hoa tầm cao tại Quảng trường Hùng Vương… Trong khuôn khổ lễ hội, các tỉnh tham gia cũng mang đến những tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, như Đờn ca tài tử của tỉnh Vĩnh Long và Long An, dân ca quan họ Bắc Ninh, hò khoan Quảng Bình...

Tích cực chỉnh trang đô thị đón Lễ hội Đền Hùng 2014:

Năm nay, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, các đơn vị chức năng của thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đã ra quân thực hiện chỉnh trang đô thị, hoàn thiện bộ mặt thành phố để đón du khách thập phương về Giỗ Tổ và trẩy hội Đền Hùng.

Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Việt Trì đã thực hiện chỉnh trang đô thị “xanh - sạch - đẹp” với tổng kinh phí khoảng 14 tỷ đồng. Dọc các tuyến phố chính của thành phố Việt Trì, như đường Hùng Vương, đường Nguyễn Tất Thành, đường Trần Phú, hàng loạt cây xanh đã được cắt, tỉa và trồng, dặm cây cảnh, thảm lá mầu, sửa chữa hệ thống đèn chiếu sáng công cộng, nạo vét cống rãnh... Một số lượng lớn hoa, cây cảnh trang trí và những chùm đèn màu tại các vườn hoa, công viên, các tuyến đường và các ngã ba, ngã tư trên địa bàn thành phố đã được Công ty gấp rút hoàn thiện trước ngày khai hội.

Công ty cũng dựng một cột biểu tượng gắn đèn led trang trí 4 mặt được đặt trước trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh; lắp đặt hệ thống dây đèn led trang trí trên cầu đường đi bộ qua đường Hùng Vương trước cổng Trường Cao đẳng Dược Phú Thọ và qua cầu Công viên Văn Lang; sửa chữa thay thế hệ thống đèn sân vườn, đèn thủy ngân cao áp trên đường Hùng Vương, Trần Phú, Nguyễn Tất Thành, Quang Trung; cải tạo nút giao thông trước trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh; cải tạo trồng cây xanh khu vực sân siêu thị BigC, Quảng trường Hùng Vương… để bảo đảm đường phố sáng, xanh, sạch đẹp trong suốt thời gian phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương 2014.

Đặc biệt trong dịp Giỗ Tổ năm nay, Công ty đã cho lắp đặt 19 khung ngang qua đường với những họa tiết, hoa văn phong phú được làm bằng đèn led hai mặt đặt tại ba trục đường chính của thành phố là đường Hùng Vương, đường Nguyễn Tất Thành và đường Trần Phú, nhằm tôn thêm vẻ đẹp vốn có ở ba điểm này.

Tăng cường bảo đảm an ninh trật tự:

Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2014, tỉnh Phú Thọ cho biết: Các hoạt động liên quan đến Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đều tích cực được triển khai công tác bảo đảm an ninh trật tự cho đồng bào cả nước, kiều bào và khách du lịch nước ngoài tham gia lễ hội.

Lực lượng Công an tỉnh mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm từ ngày 16-3 đến 15-4, quyết tâm bảo vệ tuyệt đối an toàn dịp lễ hội. Lực lượng cảnh sát điều tra chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa, điều tra, tấn công trấn áp tội phạm, tập trung vào các ổ nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, sử dụng vũ khí nóng, tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, nhất là đối tượng sử dụng vũ khí, hung khí gây án, gây rối trật tự công cộng…

Đặc biệt, các đội liên ngành tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nâng giá dịch vụ, hàng hóa trái phép, chèn ép khách trong khu vực trung tâm Lễ hội Đền Hùng, các địa bàn thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao, huyện Phù Ninh. Lực lượng cảnh sát 113, cảnh sát điều tra ứng trực sẵn sàng nhận nhiệm vụ và tuần tra vũ trang trên các tuyến đường, địa bàn trọng điểm nhằm răn đe, trấn áp tội phạm.

Đối với lực lượng cảnh sát giao thông, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, duy trì trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông; bố trí lực lượng tuần tra trên các tuyến, địa bàn trọng điểm nhằm kiềm chế và giảm tai nạn giao thông, không để xảy ra gây rối và đua xe trái phép, ùn tắc giao thông, phục vụ nhân dân đi lại thuận lợi, an toàn trong dịp Giỗ Tổ.

 

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Kế San, Trưởng Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng cho biết, tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các ngành chức năng liên quan nghiêm túc thực hiện “5 không” tại lễ hội năm nay: không ùn tắc, không chèo kéo khách, không hàng giả, không ép giá, không ô nhiễm và đặc biệt là phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng Lưu Quang Huy cho biết, tỉnh Phú Thọ cấm mọi hoạt động kinh doanh, buôn bán hàng rong từ đỉnh núi Hùng, núi Vặn và khu vực Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân để bảo đảm không mất trật tự, lộn xộn, cản trở giao thông; thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng… Bên cạnh đó, nghiêm cấm các phương tiện “xe ôm” hoạt động trong phạm vi barie của Khu di tích lịch sử Đền Hùng; nghiêm cấm các loại phương tiện đi vào khu vực cấm hoặc dừng, đỗ xe dưới lòng đường và trên vỉa hè… Đối với các hàng quán, quầy giới thiệu sản phẩm phải thực hiện nghiêm việc ký cam kết và niêm yết giá các mặt hàng. Thợ chụp ảnh lưu niệm, đội ngũ “xe ôm” phải thực hiện nghiêm quy định của Khu di tích, những trường hợp cố tình làm trái quy định sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí tước quyền hành nghề...

Theo Ban quản lý di tích Đền Hùng, hiện tại đây mới chỉ có phòng nghỉ phục vụ cho khoảng 30-40 khách. Vì thế, khách dự hội muốn nghỉ qua đêm tại Đền Hùng sẽ phải thuê phòng trọ của dân địa phương với giá trung bình 3.000-5.000 đồng/đêm/người.

Công tác giữ gìn an ninh và bảo vệ môi trường cảnh quan lễ hội được Ban Tổ chức đặc biệt quan tâm. Số hàng quán trong khu vực di tích đã được xếp đặt lại bảo đảm không ảnh hưởng tới cảnh quan và gây phiền toái cho khách. Các bãi trông giữ xe được quy hoạch lại chặt chẽ và tiến hành mở rộng thêm. Ban bảo vệ Khu di tích sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an các cấp kịp thời phát hiện và xử lý kiên quyết với các đối tượng lợi dụng lễ hội để hoạt động, mê tín dị đoan và các hành vi phạm pháp khác. Ban quản lý Khu di tích đã hoàn thành lắp đặt 20 nhà vệ sinh và 150 thùng rác công cộng tại các điểm tiện lợi cho du khách.

Nhiều hoạt động diễn ra sôi nổi trong thời gian lễ hội

Ngày 03-4, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ phối hợp với Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ khai mạc triển lãm tranh, ảnh về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và “Chủ quyền biển, đảo Việt Nam”. Triển lãm diễn ra tại Bảo tàng Hùng Vương, thành phố Việt Trì, mở đầu cho chuỗi các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2014.

Gần 200 tác phẩm tranh, ảnh nghệ thuật của các họa sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Phú Thọ được giới thiệu tại triển lãm thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu và lòng tôn kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, nhiều tác phẩm cổ vũ mạnh mẽ nhân dân và cán bộ thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu khi Người về thăm Đền Hùng: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Triển lãm cũng giới thiệu nhiều tác phẩm khẳng định chủ quyền biển, đảo, vùng lãnh thổ của Việt Nam, qua đógóp phần nâng cao nhận thức, niềm tự hào và trách nhiệm của nhân dân, thế hệ trẻ trong việc bảo vệ, giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngay sau buổi lễ khai mạc, ngày 05-4 (tức ngày 06-3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng 2014 cũng đã tổ chức khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Quê hương, con người Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - cội nguồn Đất Tổ”.

Tại triển lãm “Quê hương, con người Phú Thọ”, trưng bày 108 bức ảnh của nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh Phú Thọ, đã giới thiệu khá đặc trưng về di tích lịch sử, văn hóa truyền thống và lễ hội dân gian vùng Đất Tổ - cội nguồn dân tộc cũng như sự đổi thay trên quê hương Đất Tổ. Các bức ảnh đã thể hiện cách nhìn mới trong tư duy sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ Phú Thọ, giúp người xem hiểu được cảnh sắc, con người, thiên nhiên và văn hóa của mỗi vùng Đất Tổ Hùng Vương, qua đó, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, quảng bá và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Triển lãm “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - cội nguồn Đất Tổ” trưng bày 98 tác phẩm, hiện vật của các tác giả, thể hiện khá đậm nét về Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng từ trước đến nay; quá trình hoàn thành kế hoạch trình UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại… Trong đó, tác phẩm cổ nhất được trưng bày tại triển lãm là bức ảnh “Rước kiệu trong lễ hội Đền Hùng năm 1905” do khu Di tích lịch sử Đền Hùng cung cấp.

Cùng ngày 05-4, lễ khai mạc giải bóng chuyền, bắn nỏ, cờ tướng, vật dân tộc toàn tỉnh với sự tham gia của 300 vận động viên được tổ chức...

Ông Tạ Văn Bình, trưởng kiệu xã Hy Cương phấn khởi nói: “Chúng tôi rất tự hào và phấn khởi vì hằng năm được rước kiệu dâng hương tưởng niệm các vua Hùng. Trước đó tuy có phải tập luyện hơi vất vả nhưng chúng tôi rất hãnh diện được khi được tỉnh tin tưởng. Đây cũng là dịp để chúng tôi giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của vùng Đất Tổ Đền Hùng”.

Ông Phạm Bá Khiêm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết: “Trước mỗi kỳ dâng lễ vật lên đền Hùng, Ban tổ chức chúng tôi đều thông báo cho tất cả các làng xã trong khu vực đền Hùng mang kiệu về đây để rước, gọi là cuộc thi rước kiệu. Trong đó, nếu kiệu nào đẹp nhất thì 10-3 sẽ được chọn để dâng lễ vật lên Vua Hùng. Như vậy, qua hoạt động đầy ý nghĩa này chúng ta sẽ khơi dậy được những nét đẹp truyền thống. Vì tất cả những đội kiệu rước về đây đều thể hiện linh khí và sự uy nghi của văn hóa vùng Đất Tổ”.

Lễ rước kiệu của 6 xã, phường, thị trấn (gồm các xã Hy Cương, Hùng Lô, phường Vân Phú, thành phố Việt Trì; xã Tiên Kiên, thị trấn Hùng Sơn và thị trấn Lâm Thao) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), đã diễn ra sáng 07-4, để tri ân công đức Tổ tiên. Đây là hoạt động nhằm tôn vinh giá trị Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, đồng thời lưu giữ nét văn hóa truyền thống từ thời đại Hùng Vương dựng nước.

Từ sáng sớm, 6 đoàn rước kiệu đã đồng loạt rước kiệu từ đình, đền ở các xã, phường về về hội tụ dưới chân núi Nghĩa Lĩnh. Các kiệu rước được sơn son thếp vàng, chạm trổ tinh vi, được rước đi trong không khí vừa trang nghiêm vừa rộn rã với sự tham gia của các thành phần chức sắc và dân chúng. Kiệu Vua do những chàng trai khỏe mạnh, tuấn tú, là người dân gốc của làng đảm trách. Đội nghi trượng ngoài phường bát âm, cờ phướn, biển dấu, bát bửu còn có đội múa sư tử đi trước dẫn đường. Tiếp đó là đội diễn trò với những màn diễn hài hước, hóm hỉnh thể hiện cuộc sống bình dị, vui tươi của người nông dân diễn ra trên suốt hành trình rước kiệu.

Đội hình tham gia nghi thức dâng cúng lễ vật gồm: Chủ tế, quan viên, bô lão cùng các thế hệ của dân làng, các thiếu nữ trang phục áo dài truyền thống dâng hương hoa, lễ vật như bánh chưng, bánh giầy, các sản vật địa phương do công sức người dân lao động và cả cộng đồng sáng tạo nên.

Rước kiệu là một hoạt động tiêu biểu không thể thiếu trong ngày lễ hội. Đây là hoạt động mang tính cộng đồng cao nhất thể hiện tư tưởng hướng về cội nguồn dân tộc, biết ơn tổ tiên và phát huy tinh thần đoàn kết cộng đồng. Lễ rước kiệu tạo thêm sự long trọng, linh thiêng cho Lễ hội Đền Hùng, tạo sự giao lưu văn hóa của các xã, phường, thị trấn ven Đền Hùng và thu hút được sự quan tâm của du khách về hành hương.

Hàng triệu lượt người hành hương về với cội nguồn

Ước tính trong 5 ngày diễn ra lễ hội, có khoảng năm triệu lượt đồng bào trong nước, kiều bào và khách du lịch nước ngoài đến dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng.

Đặt chân về Việt Nam, mỗi người có một cảm xúc riêng nhưng đều tựu chung một suy nghĩ hướng về Tổ quốc, hướng về Đất Tổ. Anh Phạm Đình Cựu, Việt kiều tại Liên bang Nga cho biết năm nay các hoạt động theo lịch trình mang ý nghĩa hết sức to lớn và sâu sắc, đáp ứng được tâm nguyện và sự quan tâm của đông đảo kiều bào, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân của dân tộc, góp phần thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Chị Tạ Thùy Liên, Việt kiều tại Xin-ga-po (Singapore) chia sẻ, chị rất vinh dự được đại diện cho cộng đồng người Việt Nam tại Xin-ga-po về Việt Nam lần này. Chị sang Xin-ga-po được 13 năm và đây là lần đầu tiên chị được tham gia đoàn đại biểu kiều bào về thăm quê hương, tham dự Giỗ Tổ Hùng Vương. Chị cho biết: Là con gái Đất Tổ, sinh ra và lớn lên tại Việt Trì, kể từ khi sang Xin-ga-po định cư, chị cũng đã vài lần về thăm Đền Hùng, lần gần nhất cách nhất khoảng 7 năm trước nhưng chị chưa có dịp thăm đền Hùng vào dịp Quốc giỗ. Do đó, về thăm quê hương lần này, chị rất háo hức. Bên cạnh việc tham gia lễ hội, chị còn có cơ hội được giao lưu, gặp gỡ với nhiều bà con kiều bào từ khắp nơi trên thế giới.

Anh Hoàng Văn Tuyên, Việt kiều tại Liên bang Nga cho rằng, đây là chuyến đi hết sức ý nghĩa đối với bà con Việt kiều. Trong dịp này, anh và những kiều bào khác sẽ có dịp được về thăm quê Bác; thăm viếng nơi an nghỉ của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tham quan nhiều địa danh khác của quê hương...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, năm nay, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương thu hút 70 người Việt Nam ở nước ngoài có mặt tại Hà Nội chiều 07-4, để tham gia “Chương trình đoàn kiều bào dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương”. Đoàn kiều bào về dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với kiều bào, khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, là nguồn lực và cầu nối quốc tế quan trọng của đất nước. Sự kiện này cũng thể hiện sự quan tâm sâu sắc của kiều bào đối với sự phát triển của đất nước.

Chiều 08-4 (tức ngày 09-3 âm lịch), đoàn 70 người Việt Nam ở nước ngoài đã có mặt tại Đền Hùng, thành kính dâng hương tưởng nhớ công ơn của các Vua Hùng.

Trong dịp này, đoàn kiều bào sẽ đi thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại Trường Sa, đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn quan tâm tới việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đoàn kiều bào cũng sẽ về thăm quê Bác, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thăm động Phong Nha - Kẻ Bàng... đến ngày 14-4.

"Về với Đất Tổ là về với cội nguồn của dân tộc; thắp một nén hương thơm tỏ lòng thành kính tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, thể hiện triết lý “Con người có Tổ, có Tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn” là việc nên làm không chỉ của người dân đang sinh sống ở Việt Nam mà còn là tâm nguyện của những người Việt đang sống ở nước ngoài. Chúng tôi rất tự hào về truyền thống của dân tộc mình…”. Đó là tình cảm chung của 70 kiều bào khi về dâng hương tri ân các Vua Hùng tại Lễ Giỗ Tổ Hùng vương - lễ hội Đền Hùng 2014, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Ngày nay, giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày lễ lớn, ngày Quốc lễ của cả nước, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm thành kính. Ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm trở thành ngày lễ trọng của dân tộc, hàng triệu lượt người hành hương về Đền Hùng thành kính tri ân công đức các Vua Hùng. 

Có thể thấy rằng, mỗi một hoạt động trong nghi lễ thờ cúng Hùng Vương đều là sự chung tay của mọi người dân, thể hiện rõ tính cộng đồng trong tín ngưỡng. Qua những hoạt động ý nghĩa này, đều nhằm tôn vinh giá trị “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - thờ cúng ông Tổ chung của dân tộc - là bản sắc độc đáo của văn hóa Việt và là di sản văn hóa tiêu biểu của nhân loại. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành niềm tin thiêng liêng của dân tộc, có sức sống lâu bền và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân./.