Phát huy thương hiệu hồ tiêu Chư Sê, giữ vững thị trường trong nước và mở rộng thị trường thế giới
TCCS - Xây dựng và giữ vững thương hiệu hồ tiêu Chư Sê nhằm ổn định năng suất, sản lượng, nâng cao chất lượng hồ tiêu, chủ động chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới hiện đang là mục tiêu chiến lược, có ý nghĩa kinh tế hết sức quan trọng đối với Chư Sê nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung.
Hồ tiêu là cây công nghiệp dài ngày cho giá trị sản phẩm cao nhất tính trên đơn vị diện tích. Doanh thu 1 ha hồ tiêu tại Chư Sê gấp 3 lần so với cây cao-su; gấp 2 lần so với cà-phê. Hiện nay, hồ tiêu tuy chiếm diện tích nhỏ (4.000 ha) so với các loại cây công nghiệp khác trên địa bàn (cao-su: trên 8.000 ha, cà-phê: trên 11.000 ha) và chỉ chiếm 6% diện tích hồ tiêu cả nước, nhưng cho sản lượng từ 15.000 đến 17.000 tấn/năm, chiếm từ 17% - 20% sản lượng hồ tiêu cả nước, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết tốt vấn đề xã hội, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn. Chư Sê hiện có khoảng 8.000 hộ trồng hồ tiêu, trong đó có 2.500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, là huyện dẫn đầu cả nước về năng suất, sản lượng và chất lượng hồ tiêu.
Quán triệt và thực hiện chủ trương về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, huyện đổi mới chính sách đầu tư, giải pháp hợp lý về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quy hoạch đất đai, bố trí, điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp, huy động tối đa các nguồn lực và khai thác tốt các lợi thế vào phát triển các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, nhất là hồ tiêu, tạo nên những chuyển biến tích cực trong phát triển nông nghiệp. Năm 1981, toàn huyện gieo trồng 17.500 ha, trong đó chỉ có 225 ha cà-phê; còn lại chủ yếu là cây lương thực, thực phẩm, nhưng đến cuối năm 2009, tổng diện tích gieo trồng của huyện đạt trên 41.600 ha, thì cây công nghiệp dài ngày đã chiếm trên 21.000 ha, trong đó có hàng trăm héc-ta cây hồ tiêu. Đến nay, trên địa bàn huyện hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa với các sản phẩm nông sản đặc thù có chất lượng, giá trị xuất khẩu cao như cao-su, cà-phê; đặc biệt là thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê của huyện đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển chiến lược ngành hàng nông sản Việt Nam để hội nhập thế giới.
Năm 2004, sau khi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Thương mại đưa hồ tiêu Chư Sê vào Chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia, huyện đã cùng với Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Viện Khoa học - kỹ thuật nông lâm nghiệp (KHKTNLN) Tây Nguyên, Viện Khoa học - Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam và một số doanh nghiệp tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng sản xuất và chế biến hồ tiêu Chư Sê, nhằm giúp nông dân kỹ thuật chăm sóc, sơ chế sản phẩm... Đồng thời, khảo sát đánh giá, phân tích và nghiên cứu việc trồng, chế biến hồ tiêu ở một số nước như ấn độ, In-đô-nê-xi-a, Bra-xin, Ma-lai-xi-a, Cô-lôm-bi-a, Trung Quốc..., xúc tiến lộ trình tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm hồ tiêu ở Chư Sê. Cuối năm 2008, thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê được công bố chính thức. Đến nay, sản phẩm hồ tiêu của Chư Sê đã có mặt ở 73 quốc gia và vùng lãnh thổ, giữ vị trí đứng đầu thế giới và bỏ qua các đối thủ có nghề trồng tiêu lâu đời như ấn độ, In-đô-nê-xi-a, Bra-xin, Ma-lai-xi-a.
Khác với một số nơi trồng hồ tiêu ở nước ngoài và một số địa phương trong nước như: Vĩnh Linh (Quảng Trị), Phú Quốc (Kiên Giang), Lộc Ninh (Bình Dương)..., bà con nông dân Chư Sê vốn quen sử dụng trụ (choái) bằng gỗ loại tốt đã khô (chết) trên 90% để trồng tiêu. Cách làm này tuy có hiệu quả, nhưng khi trồng tiêu đại trà sẽ dẫn đến tình trạng phá rừng, ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái, mặt khác khi gặp nắng hạn sẽ giảm đáng kể về năng suất, cũng như tuổi thọ vườn cây và quan trọng hơn, với cách làm này sẽ rất khó khăn trong việc xác định xuất xứ sản phẩm xuất khẩu để hội nhập thị trường thế giới.
Khắc phục tình trạng này, các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện đã tăng cường khuyến cáo, hỗ trợ bà con nông dân chuyển đổi sang trồng tiêu trên trụ cây sống như cây cốc rừng, vông gai, lồng mức, keo dậu hạt lớn... Đây cũng là biện pháp cơ bản để trẻ hóa vườn cây, góp phần phát triển hồ tiêu ở Chư Sê một cách bền vững, lâu dài, tạo ra một chiến lược sản phẩm gắn liền với việc duy trì thương hiệu.
Trong kỹ thuật chăm sóc, trước đây đa số vườn tiêu ở Chư Sê ít có cây che bóng. Điều này không phù hợp với nguồn gốc của dây tiêu từ tán rừng thưa, rất cần bóng mát điều tiết để cây không ra hoa quá độ. Hiện nay, Viện Khoa học - kỹ thuật nông lâm nghiệp (KHKTNLN) Tây Nguyên đã và đang giúp bà con nông dân trong huyện trồng tiêu trên cây sống, xây dựng quy trình cây che bóng và định mức đầu tư phân bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, dư lượng thuốc trừ sâu, không lạm dụng, vừa làm tăng chi phí, vừa làm ảnh hưởng đến chất lượng và sự phát triển bền vững. Huyện còn phối hợp với Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và Viện KHKTNLN Tây Nguyên đầu tư nghiên cứu khảo nghiệm để chọn ra bộ giống tốt, kháng được sâu bệnh nguy hiểm do tuyến trùng rễ hoặc chết nhanh do nấm để đưa vào chương trình đầu tư trẻ hóa vườn tiêu. Hiện nay, số vườn tiêu dưới 7 tuổi trên địa bàn chiếm tỷ lệ khá cao, là nguồn cung cấp sản phẩm hồ tiêu dồi dào trong những năm tới.
Về chất lượng hồ tiêu, theo các kết quả phân tích của đơn vị giám định, tiêu Chư Sê bảo đảm đạt chỉ tiêu vi sinh, không có vi khuẩn Ecoli gây bệnh dịch tả, không có vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn. Chỉ tiêu vệ sinh đạt tiêu chuẩn ASTA và TCVN, như: không có chất thải động vật, đặc biệt chỉ tiêu về an toàn thực phẩm đều đạt tiêu chuẩn quy định, như Aflatoxin chất phóng xạ, hàm lượng kim loại nặng... Tuy nhiên vẫn còn hạn chế về tỷ lệ độ ẩm, đất đá, hạt mốc trong sản phẩm, nguyên nhân chính là do công nghệ sau thu hoạch chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, hệ thống sân phơi, kho tàng bảo quản không bảo đảm...
Nhằm hạn chế các khiếm khuyết, huyện đang xúc tiến cùng các nhà khoa học và các doanh nghiệp chế biến hồ tiêu giúp nông dân các thao tác chăm sóc, thu hái, sơ chế bảo quản sản phẩm; yêu cầu đồng bào khi thu hái và sơ chế tiêu xong phải bảo đảm đạt độ ẩm dưới 12% mới được nhập kho và chỉ được phơi trên nền ciment sạch có bạt bao che, xa chuồng trại và nơi chăn nuôi gia súc, không thả rông gia súc gần sân phơi...
Do nhu cầu tiêu trắng trên thị trường thế giới ngày càng cao cả về số lượng và giá trị, lợi nhuận từ chế biến tiêu trắng xuất khẩu cao hơn nhiều so với tiêu đen. Trong khi đó, trên địa bàn huyện chỉ có một số ít hộ nông dân biết chế biến tiêu trắng, huyện tập trung chỉ đạo giúp cho người trồng tiêu áp dụng công nghệ chế biến tiêu trắng từ tiêu quả tươi ngay sau khi thu hoạch và từ nguyên liệu tiêu đen bảo đảm chất lượng và hiệu quả kinh tế.
Chư Sê cũng là nơi đầu tiên trong cả nước tìm ra được quy trình chế biến tiêu đỏ. Hiện tiêu đỏ của Chư Sê đã được Công ty Kiểm định Cà phê Control đánh giá là đạt các tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, giá trị xuất khẩu của tiêu đỏ cao hơn giá trị xuất khẩu của tiêu đen từ 3 đến 4 lần.
Mục tiêu của Chư Sê trong những năm tới là tiếp tục phát triển bền vững, ổn định và giữ vững diện tích hồ tiêu kinh doanh hằng năm trên 4.000 ha, xây dựng các vườn giống bảo đảm chất lượng, phát triển các trang trại tập trung, sản xuất hồ tiêu, tạo ra lượng hàng hóa ổn định, bảo đảm chất lượng xuất khẩu, duy trì và phát huy giá trị của thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê, giữ vững thị trường trong nước và vươn mạnh ra thị trường thế giới... Để đạt được mục tiêu đó, huyện tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
- Đầu tư thực hiện tốt công tác quy hoạch đất đai, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phù hợp quy hoạch chung của tỉnh, của huyện; kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước với phát huy nội lực của cộng đồng dân cư nông thôn, ưu tiên hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, nước sinh hoạt, điện chiếu sáng, các loại hình dịch vụ, thông tin tuyên truyền...; áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp; có chính sách đầu tư hợp lý mở rộng hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại tại khu vực nông thôn, tạo điều kiện để người dân vay vốn được thuận lợi.
- Triển khai hiệu quả các hợp phần liên minh trong sản xuất, giữa hộ nông dân, chủ trang trại sản xuất với doanh nghiệp thu mua chế biến hồ tiêu; thực hiện tốt mối liên kết giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ, đầu tư hỗ trợ công nghệ, đẩy mạnh chế biến tiêu sọ tại nông hộ, tiêu hữu cơ (Oganníc), đa dạng hóa sản phẩm nâng cao giá trị sản phẩm, hồ tiêu Chư Sê trên thị trường thế giới.
- Hỗ trợ phát triển Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê, thực hiện tốt mối liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp) để quản lý và khai thác có hiệu quả thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê, bảo đảm quyền và lợi ích cho hộ dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến, xuất khẩu hồ tiêu.
- Xây dựng các mô hình trình diễn, nhất là mô hình sản xuất tiêu sạch, tiêu hữu cơ, chế biến tiêu sọ tại nông hộ; hằng năm tổ chức nhiều đợt tập huấn về các biện pháp chăm sóc, sản xuất, cũng như phương pháp thu hái sơ chế biến và bảo quản.
Hiện nay, khó khăn nhất đối với vùng nguyên liệu hồ tiêu Chư Sê là hệ thống nhà máy chế biến, sân phơi, kho chứa, công nghệ sau thu hoạch, hệ thống thu mua, bảo quản và kinh doanh tiêu thụ còn nhiều yếu kém, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Để cây hồ tiêu ở đây phát triển đúng hướng, đề nghị:
- Các trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học quan tâm xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu về cây hồ tiêu tại Gia Lai như: Tuyên truyền, quản lý và quảng bá thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê; nghiên cứu và triển khai đề tài sản xuất giống tiêu bằng phương pháp cấy mô (giống sạch virus); sản xuất hồ tiêu theo quy trình Việt Gap; ứng dụng các chế phẩm sinh học như chế phẩm Tricoderma,... giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả, cải thiện tình hình sản xuất hồ tiêu trong những năm tiếp theo.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai sớm triển khai dự án cạnh tranh nông nghiệp, đầu tư kinh phí, phát triển hạ tầng nông thôn, như: thủy lợi, sân phơi, đường nông thôn, các mô hình sản xuất tiêu hữu cơ, giúp cho huyện phát triển cây hồ tiêu bền vững.
- Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, Sở Công thương tỉnh quan tâm giới thiệu và tạo điều kiện để các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu có tiềm năng về đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến, đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể, để tăng khả năng cạnh tranh về sản phẩm đối với thị trường xuất khẩu, phát huy hiệu quả của thương hiệu trong hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay./.
Đại hội Thi đua yêu nước thành phố Hà Nội, giai đoạn 2010 – 2015  (28/08/2010)
Chuyển công ty nhà nước sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên  (28/08/2010)
Đại hội Thi đua yêu nước thành phố Hà Nội, giai đoạn 2010 – 2015  (28/08/2010)
Phát biểu của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao  (28/08/2010)
Cái thế sợi tóc treo nổi nghìn cân  (28/08/2010)
Ngành tài chính Việt Nam, 65 năm lớn mạnh cùng đất nước  (28/08/2010)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay